Nghệ sĩ thị giác Võ Trân Châu – Nghệ thuật soi mình vào quá khứ
[Tạp chí ELLE tháng 4/2017] Gặp nghệ sĩ Võ Trân Châu tại triển lãm Neo Lại Kỳ Lâu mới nhất của cô, ELLE đã trò chuyện với nữ tác giả về cuộc tìm kiếm chân trời nghệ thuật mới đầy háo hức và tình yêu dành cho những giá trị truyền thống mà cô đã dồn góp cho triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời.
Tại sao lịch sử nhà Nguyễn lại trở thành nguồn cảm hứng của chị?
Khoảng năm 2014, tôi tình cờ đọc được bài báo nói về hoàng tử của vua Thành Thái, sống ở miền Tây và trải qua cuộc đời khốn khó. Câu chuyện này đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Đó cũng là giai đoạn tôi có con, là sự tiếp nối, điều này cũng làm tôi muốn lùi lại suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nó thôi thúc tôi tìm đến các hậu duệ của triều Nguyễn. Tôi làm quen, kết thân và nói chuyện với họ như những người bạn. Dần dần, họ kể cho tôi những câu chuyện rất hay về những điều đã xảy ra trong triều Nguyễn, hay cuộc đời họ đã trải qua từ khi chế độ phong kiến sụp đổ. Nó khá lạ lẫm và kích thích tôi vì những câu chuyện này rất thú vị nhưng không thể tìm thấy trong sách vở hay ở bất cứ đâu khác. Tôi không kể lại lịch sử, mà đó là những cảm xúc để tôi làm ra những tác phẩm nghệ thuật về lịch sử.
So với người khác, chị có triển lãm cá nhân khá muộn, tại sao?
Tôi đến với nghệ thuật đương đại khi là sinh viên năm 4, và tham gia triển lãm có quy mô từ năm 2010, nhưng hồi đó tôi vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm các sáng tác cũng như đi tìm chính mình. Sở dĩ đến bây giờ tôi mới có triển lãm cá nhân là bởi đây là thời điểm tôi cảm thấy chín muồi nhất sau 2 năm theo đuổi dự án về lịch sử triều Nguyễn. Đây là dự án tôi đầu tư sự nghiên cứu nghiêm túc, quyết định đi đường dài với nó cũng như định hình về chất liệu sáng tác của bản thân. Đây là chuỗi sáng tác có câu chuyện liên tiếp rành mạch, do đó nó cũng có chút sức nặng nhất định so với các sáng tác trước kia. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của tôi.
Chị đã gặp phải những thách thức nào khi theo đuổi dự án lần này? Chị có gặp những khó khăn nào khi chọn lựa chất liệu và ngôn ngữ của chỉ, vải, hình thái điêu khắc vải hay tranh khảm cho quá trình sáng tạo “Neo Lại Kỳ Lâu”?
Khó khăn ban đầu là việc tiếp cận với các hậu duệ để kết thân bằng sự chân thành nhất, kết nối với họ bằng một sợi dây tình cảm rõ ràng, không phải hời hợt. Vì bản thân những hậu duệ, họ không hay tiếp xúc hay kể nhiều chuyện với người lạ. Nhưng may mắn cho tôi, được sự giúp đỡ nhiệt tình, trước là của các người bạn ở Huế, sau là những hậu duệ với nhau, nên sau khi vượt qua những rào cản ban đầu thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
Về chất liệu, tôi không gặp bất cứ khó khăn nào, mặc dù để làm nên những tác phẩm đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ khá cao. Nhưng với tình yêu và sự đam mê, khi thực hiện tác phẩm, tôi như được sống trong những câu chuyện đó nên làm càng lâu lại càng thích. Neo Lại Kỳ Lâu có 8 tác phẩm và trung bình mất 2 tháng để hoàn thành một tác phẩm. Trong mỗi 2 tháng ấy, mỗi khi đâm một mũi kim là tôi lại nghĩ về câu chuyện của họ, đôi khi liên kết với những điều đọc được, cũng đôi khi để trí tưởng tượng bay theo câu chuyện, cảm giác đó rất thích.
Song hành cùng với một nhà nghiên cứu lịch sử trẻ như Trần Quang Đức ở lần này, tâm thế sáng tạo của chị có gì khác biệt?
Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử, sách vở không thể nào đủ để nghiên cứu nên tôi đã gặp gỡ và nhờ những kiến thức và dữ liệu nhà nghiên cứu Trần Quang Đức có. Nhưng điều ấy giúp tôi đưa ra những câu chuyện rành mạch, rõ ràng hơn. Ví dụ như để tìm hiểu về Giải Trãi, tôi chỉ tìm được một hai bài viết sơ sài trên internet. Song hành với Đức, cậu ấy đã đưa cho tôi rất nhiều thông tin phong phú mà tôi không thể tìm được ở đâu khác.
Nghệ sĩ trẻ nói riêng và người trẻ nói chung, theo tôi, cần có một thái độ trân trọng hơn khi nhìn về lịch sử. Chính người trẻ sẽ phải là người tiếp bước để giữ gìn những giá trị truyền thống đang dần bị xóa bỏ và biến dạng.
Chị từng chia sẻ “thân phận mình gần gũi hơn với tự nhiên” và tố chất thường thấy ở người phụ nữ Việt Nam dễ bộc lộ ở chị thông qua giá trị nghệ thuật truyền thống? Theo chị, tác động của thời đại đã làm các giá trị này phải đối mặt với những vấn đề như thế nào?
Trong triển lãm này tôi dùng các chất liệu là chỉ, vải, lụa và với phương pháp thêu, đắp vải… Bằng những chất liệu truyền thống nhưng với cách làm của riêng mình, đó là cách tôi muốn kết nối những giá trị truyền thống với hiện đại. Cuộc sống đang ngày càng phát triển, các giá trị truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một và không còn được nguyên bản. Những công trình mang giá trị lịch sử đang bị đập bỏ đi với tốc độ quá nhanh để thay vào đó là những công trình hiện đại. Đến một lúc nào đó, con cháu chúng ta muốn tìm về cội nguồn lịch sử sẽ chỉ có thể tìm qua những trang sách hay đến viện bảo tàng mà không còn những không gian để cảm, để được sống và hồi tưởng về thời xưa… Và điều đáng buồn là những giá trị lịch sử, văn hoá cũng đang bị bóp méo với mục đích phục vụ du lịch, thương mại.
Trong quá trình tìm hiểu về triều Nguyễn, có rất nhiều chủ đề cũng như câu chuyện rất hay và thú vị đã mở ra với tôi, vì vậy sắp tới tôi vẫn muốn theo đuổi và tiếp tục khai thác những vấn đề xoay quanh đó, nhưng sẽ bằng những hình thái khác nhau. Về chất liệu sáng tác, tôi vẫn theo đuổi chất liệu mà tôi đã tìm ra để bộc lộ cá tính nghệ sĩ và bản sắc riêng của mình.
—
Xem thêm
Yuki Nguyễn: “Thời trang là phải vui”
Bài: Ngọc Anh – Ngô Hạ – Hình ảnh: MinhQ
Sản xuất: Nhân Huỳnh
Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE