Ngọc Oanh – Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai
(Phái đẹp – ELLE) Ngọc Oanh ngồi hơi nghiêng người trên chiếc ghế dời đệm nhung màu kem. Ánh sáng ấm từ ngọn đèn trên trần sảnh khách sạn Hilton chiếu chếch xuống vầng trán hơi rộng vờ mái tóc sợi mảnh của cô.
Ngọn nến nhỏ trên bếp đun trà khẽ tí tách những bước bé li ti, soi thêm lên nét bán diện thanh tú của cô lúc đó trông nghiêm túc và lo lắng. Cô mặc váy suôn ngắn sọc đen trắng đến đầu gối, đi đôi wedge màu đen đế làm bằng cói, không trang điểm, không phụ kiện. Tóc búi cao gọn ghẽ. “Sự thực, em không thuộc về showbiz chị ạ”, Á hậu cuộc thi Hoa hậu toàn quốc cách đây đã mười một năm mở lời, phá tan im lặng đượm mùi ngòn ngọt của trà hoa cúc mật ong…
Rồi trong hương trà rất dịu, câu chuyện trôi ngược về gần hai mươi năm trước khi Oanh mới “chớm điệu”. Thời đó thì tôi biết! Thời của những chiếc bút kẻ mắt, son gió Thái Lan vỏ vân đen đỏ mùi hăng hắc bày bán trong những chiếc tủ nhỏ cùng với vô số kim, chỉ, khăn mùi xoa. So với những shop mỹ phẩm bây giờ, chiếc tủ đó chỉ như thứ đồ hàng cho trẻ con. Thời mà chưa một ai biết đến bột chì kẻ mắt là gì. Các mỹ nhân trang điểm khi chụp ảnh, xanh rõ ra xanh, đỏ rõ ra đỏ gay gắt, xuất hiện trên lịch, vé sổ xố… Một tạp chí phụ nữ là điều xa vời.
“Em đứng trước gương, tự tay vẽ lấy lông mày mà mắt nhắm tịt lại. Nhớ rõ cảm giác đầu chì miết trên mặt như thế nào. Xong, mở mắt ra, một đường mảnh cong cong chạy dài ngoằng”, Oanh nói, ngón tay đưa nhẹ ngang lông mày khoát một đường chỉ dài. Tấm ảnh giờ vẫn còn, là Oanh với mái hỉ nhi quen thuộc của các bé gái. Tóc dài xõa kín áo (chắc để khoe) nhưng nhìn hơi vướng mắt. Miệng bôi son đỏ quá tay mà thời gian đã khiến nước ảnh đổi sang đỏ đục. Đôi mắt cô bé xoáy vào một điểm ở đâu đó ngoài khuôn hình, tập trung cao độ. Hóa ra, Oanh có chứng căng thẳng trước ánh sáng và ống kính từ nhỏ. “Cứ thấy sợ là em chớp mắt loạn lên. Đến nỗi cô Sơn, giáo viên luyện thi hoa hậu năm đó, đặt tên cho em là Oanh “chớp”. Vì thế, trọng tâm luyện tập của em là bài nhìn loanh quanh trong không trung cho đỡ chớp mắt liên tục. Ánh sáng sân khấu thì ai cũng biết rồi, chói lòa và dễ khớp lắm”. Nhưng giờ, cô lại đang là một trong những người đẹp thường xuất hiện rạng rỡ trên sân khấu, trên thảm đỏ của nhiều sự kiện.
Cứ nổi tiếng một chút lại… đi học
Sau cuộc thi (thời đó còn chưa được truyền hình trực tiếp vì điều kiện kỹ thuật), Oanh quay về với sách vở ở trường Sư phạm Hải Phòng. Sự nghiêm khắc của bố, một chánh án tòa án quân sự, cũng là tác nhân giúp Oanh học ngoan từ nhỏ. “Bố giữ em ở nhà, thay vì sống ở ký túc xá như các bạn khác. Gọi là nhà, thực ra là khu tập thể dành cho cán bộ ngay tầng trên của khu nhà làm việc. Em chỉ việc đi học về, học bài rồi mai lại đi học tiếp. Bao quanh em lúc đó toàn sách vở và mùi giấy mực của những chồng hồ sơ lưu trữ lâu năm. Cứ như thế, cho đến khi em xin về Đài truyền hình Trung ương và dẫn chương trình giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới”, Oanh kể. Phải rất lâu, Oanh mới quay lại với ánh đèn sân khấu, nhưng đó chỉ là một sân khấu nhỏ của đài truyền hình. Đầu tiên, Oanh phải vật lộn với giọng Hải Phòng của mình. “Em đứng hàng giờ trước gương, lẩm nhẩm trong đầu, đến từ này thì miệng phải mở to ra một tí, hoặc tròn hơn một chút. Vừa để có giọng Hà Nội mà đài yêu cầu, vừa để trông duyên hơn”, cô cho biết. “Nhưng căng thẳng nhất có lẽ vẫn là vật lộn với nỗi sợ. Lên sóng truyền hình, bao nhiêu người trông vào”.
ft |
Đài truyền hình vốn kén người. Họ không cần sự lộng lẫy mà cần người ăn hình, cần sự yểu điệu nhưng không quá xa vời. Họ cần người ăn nói linh hoạt nhưng biết giữ chừng mực, cần lối nói hình ảnh nhưng phải phù hợp với càng nhiều loại công chúng càng tốt. Oanh, chiếu vào những tiêu chí đó, tự biết mình chỉ có cách cố gắng để giữ chỗ đứng. Những bài dẫn chương trình của Oanh vì thế mang nhiều dấu ấn của sự mô phạm cô học được từ trường sư phạm. Chúng mang cá tính của một cô thôn nữ khỏe, đang độ đẹp, điệu đàng vừa phải, dễ lấy lòng số đông. Nhưng nó cũng làm cho Oanh dễ bị “xơ cứng”, rất may, cô dừng lại kịp trước khi đi đến đoạn đường đó. “Đến một lúc, em tự thấy mình rơi vào tình trạng trống rỗng. Em cần thêm sự từng trải và kiến thức để có thể thắng nỗi sợ. Và em xin dừng việc, ghi tên đi học truyền thông ở Singapore”, Oanh cho biết. Sự gián đoạn này đã khiến Oanh không tạo được danh tiếng theo đà phát triển của các chương trình văn nghệ mà cô từng dẫn. Khi trở về, Oanh gần như bắt đầu lại. Nhờ pha thêm chút mùi showbiz mà những lần dẫn sau này của cô bớt đi tính “công thức”. Nhưng cũng chính chút “công thức” còn sót lại đó tạo một khoảng cách với showbiz. Oanh cũng đẹp hơn, và bắt đầu dẫn một vài chương trình bằng tiếng Anh. Các chương trình cô tham gia cũng tăng dần chất thương mại. Cát-sê của cô cao hơn, kèm theo đó là yêu cầu ngày càng cao về sự nghiêm túc và giữ hình ảnh.Nhưng cô không chọn một người dẫn đường để xây dựng hình ảnh của riêng mình. Dù đã “định hình” được phong cách thời trang nhưng Oanh mỗi lúc một linh hoạt, thay đổi tông, phối màu liên tục trong các sự kiện mà vẫn luôn nhận được những lời khen. Dẫu vậy, có một món thời trang cô chưa thay đổi bao giờ. Cô ngấm ngầm yêu thích chiếc nhẫn nhỏ xinh gắn đá saphire hồng nhạt của nhà thiết kế Nhật Hisui Kobayashi. Đó là món nữ trang cô yêu thích nhất, một thiết kế hiện đại nhưng lại ẩn giấu nét thẩm mỹ cổ điển hơi cố chấp.
Bài học của giấy dán tường
Oanh đã chuẩn bị cho việc rời xa các sự kiện giải trí bằng cách chọn một công việc khác. “Sân khấu không cho phép em có những lúc mất tập trung. Vì thế em phải lựa chọn một trong hai con đường, hoặc chỉ có nó, hoặc chỉ có việc khác. Và em chọn kinh doanh, cho dù phần doanh nhân trong em giờ vẫn chưa hình thành rõ nét. Em vẫn đang định hình nó. Bằng gì ư? Bằng những bài học về giấy dán tường chị ạ”, cô tâm sự, mắt nhìn không chớp vào màu vàng trong veo của trà cúc trong bình thủy tinh.
Việc kinh doanh bất động sản của Oanh phần lớn là mua nhà, sửa sang rồi bán lại. Tất nhiên cô không làm một mình mà cùng cả ê kíp. Trong số hàng trăm việc nhỏ to, lớn bé với ngôi nhà đó không thể thiếu chỉnh sửa màu sơn, dán lại giấy dán tường. “Ngày càng có nhiều người có tiền nhiều nhưng không có thời gian thiết kế tổ ấm cho chính mình. Có người nhìn nhà, thích là mua ngay. Nhưng cũng có người muốn chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ. Điều quan trọng là phải cho họ hình dung được không khí ngôi nhà mà họ sẽ ở“. Bài học giấy dán tường của Oanh vì thế là bài học về thẩm mỹ, về chi tiết và về sự cẩn trọng. “Em đã từng đơn giản, đơn giản đến mức bảo ê kíp thực hiện mua giấy màu vàng ấm về. Nhưng họ đã chọn nhầm từ màu sắc đến chất liệu. Khi việc đã xong thì chỉ còn cách làm lại. Từ đó, em luôn kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ. Làm thế nào để mọi thứ phải thậm ấm áp khi đến tay người ở” Lâu dần, lựa chọn của Oanh cũng định hình một gu thẩm mỹ riêng biệt. “Em từng mua nhanh, bán lãi một ngôi nhà có gác lửng, nhẹ nhàng, mảnh khảnh. Mọi thứ trong đó cứ nhẹ bẫng như mây, và khi vào đó, thấy mình như thể đang trôi vậy. Dễ gì có được cảm giác đó sau cả tiếng đồng hồ tắc đường đâu. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến những ý tưởng thiết kế nhà của em sau này”
“Em rất ưa những mẫu sofa của một nhà thiết kế tên Hằng ở Hanoi Tower. Đủ loại chất liệu như nhung, nỉ… Tất cả đều mang gam trầm nâu nâu như một tách socola còn bốc khói. Chất liệu của chúng gần như thô, song lại mềm tay. Với đèn, em thích nhất các loại đèn phất giấy. Trừ khi làm theo yêu cầu khách hàng chứ em không bao giờ dùng đèn pha lê. Nó quá óng ánh nên dễ làm mất đi sự nhẹ nhàng, thậm chí còn khiến người ta thấy lạnh lẽo nữa. Điều này rất giống gu chọn giày của em. Nếu cần điểm nhấn bằng đá, em chỉ mua loại đính một hạt, còn nhìn chung em không đi giày đính hạt”
“Nhưng chiếc giường mới là điều cốt tử. Rất lâu sau bài học giấy dán tường, em mới được một chị bạn người nước ngoài dạy cho. Ngay khi lần đầu tiên đến nhà chị ấy, tôi đã có cảm giác rất… thân quen. Hóa ra vì chị đã “thửa” được một chiếc giường giống hệt chiếc ở Khách sạn Sheraton – nơi em hay ở khi đi du lịch. Cũng là người mê Sheraton như em, chị ấy mang chiếc giường với ra gối thêu chữ S đó đi khắp nơi, thậm chí khi chuyển việc sang nước khác. Chị bảo, chiếc giường là nơi “gửi mình” 8 tiếng mỗi ngày, đó phải là chốn thư giãn thật sự. Từ đó, trong những căn nhà thương mại của mình, em đều đầu tư không nhỏ cho vật dụng ấy”.
Khi nói về việc kinh doanh hiện tại, cổ Oanh vươn thẳng, hai mắt chăm chú nhìn về phía trước. Như thể một cô học trò đã học bài kỹ, chờ thể hiện trong kỳ thi vấn đáp. “Em từng gặp rắc rối trong kinh doanh, mới đây thôi. Đó là do em chưa tính hết được vòng quay vốn, nên đầu tư hơi loãng. Giờ thì mọi chuyện ổn rồi, nhưng lại là lúc em “ngấm đòn” vì cứ suy nghĩ mãi về sự thiếu kinh nghiệm của mình”, cô chia sẻ với giọng hơi trầm. “Có vẻ con người kinh doanh trong em chưa hình thành rõ nét. Chắc còn lâu em mới định hình được”.
Thần tượng một ánh mắt quyền lực, từng trải
Thần tượng của em là một doanh nhân có ánh mắt vô cùng quyền lực, từng trải. Một lần, con người có ánh mắt quyền lực ấy hỏi em đang quan tâm đến chuyện gì, kế hoạch thực hiện nó ra sao. Rồi khi nhìn em, mắt họ ánh lên điều gì rất lạ.
Không chờ em trả lời, người ta nói, biết rồi, chưa có gì đúng không. Độ nhanh nhạy của một nhà kinh doanh sành sỏi nhiều khi chí chạy nhoằng qua như một tia sáng. Vậy thôi, nhưng đủ để em thấy mình khó trở thành nhà kinh doanh đơn thuần, vì họ phải rất sắc và cực lạnh. Trong khi em là một con bé tình cảm, phần nào đó, vẫn còn quê”.
Oanh thích nhìn vào mắt người khác nên nhiều người thường nói chí thấy Oanh nhìn là chính. “Đôi mắt rất biểu cảm. Xem người ta nhìn là biết phải hành xử như thế nào. Đôi mắt thích nhất ư? Em mê những đôi mắt trẻ thơ”, cô nói, mắt dõi theo một bông cúc trắng ngà trong bình trà vàng nhạt. “Em phải nói với chị một điều rất quan trọng”, Oanh ngẩng lên, thôi không nhìn vào bình trà nữa. “Em cảm thấy mình trưởng thành hơn, được sống với chính con người thật của mình hơn từ một năm nay, thấy mình mở rộng được “khoảng yên tĩnh trong lòng” khi bắt đầu nghĩ đến gia đình sắp tới của mình nhiều hơn”.
Góc ấm áp nhất trong căn nhà
“Nhà của em không có bất cứ tấm ảnh nào của mình, chí có ảnh của cháu gọi bằng dì, của con mèo và người thân. Những tấm ảnh bé li ti như con tem ấy, với những chiếc răng cưa, là điều ấm áp nhất với em trong căn nhà. Âm hơn cả những ngọn đèn ấm màu em thường chọn. Và chí mới cách đây nửa năm thôi, em nghĩ mình sẽ gom cả con người kinh doanh nghiêm túc và cô bé nhà quê, cô sinh viên sư phạm năm nào trong em thành một giáo viên nhà trẻ. Em sẽ mở một trường quốc tế nho nhỏ chị ạ. Ý tưởng đó, hiện mỗi ngày lấy của em hai tiếng đồng hồ sục tìm thông tin trên mạng, và đi gặp các chuyên gia giáo dục”, giọng Oanh đột ngột nhỏ lại, và đôi mắt rực rỡ hơn lên trong ánh sáng của ngọn nến pha trà. Có vẻ như cô không còn mơ nữa mà đang chuẩn bị cho một ngôi trường, ngôi nhà và những đứa trẻ.
Oanh ăn nói kín kẽ, làm tôi nhớ lời phàn nàn của nhiều nhà báo khi muốn “khai thác” cô rằng Oanh quá khéo. Nhưng, nói cô đẹp thì không đủ. Nói cô khéo léo thì có vẻ mang tính “tiêu cực”. Thực sự, trong tôi, Oanh là cô gái quê hay lo lắng. Cô bước vào showbiz mà vẫn như không hẳn thuộc về nó, bởi chất hồn hậu của cô bé nhà quê và giọng nói thính thoảng lộ âm sắc Hải Phòng. Sự hồn hậu khiến cô nghĩ nhiều đến trách nhiệm thay vì loay hoay tìm cách tăng giá cát-sê và tranh giành ảnh hưởng.
Và khi nhìn lại nét bán diện của cô trong hương ngòn ngọt của trà hoa cúc mật ong, tôi nghĩ tới nét quê mùa thanh tú của Scarlett Johansson trong phim Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai. Scarlett đẹp nhất khi thực sự là một cô gái với tâm hồn không gợn chút thị thành. Trong đôi mắt nhìn thăm thẳm xa ấy, người ta nhận thấy sự nghiêm túc, một sự nghiêm túc thanh khiết. Sự thanh khiết làm bừng sáng không gian quanh cô. Một cách nào đó, Ngọc Oanh cũng giống như vậy!
Bài: Kiều Trinh – Ảnh: Long Phạm – Stylist: Bùi Thanh Thủy
Phái đẹp – ELLE