Nguyễn Thị Thắm: “Cô đơn cần được nuôi dưỡng”
[Tạp chí ELLE – số tháng 10/2016] Có lẽ, không cần ghi lại đây hiệu ứng và tác động xã hội từ “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” – bộ phim tài liệu đầu tay của Nguyễn Thị Thắm. Sau tất cả những tụng xưng, những giọt nước mắt, Thắm chia sẻ với ELLE về hành trình chông gai nhưng thú vị mà cô hồn nhiên và quyết liệt theo đuổi.
Nguyễn Thị Thắm bảo, cô đơn là điều kiện cần và là cái giá phải trả cho sáng tạo, cũng như để thỏa mê đắm đầy bản năng của cô khi dấn thân vào dòng phim tài liệu.
.
Từ đâu và từ lúc nào Thắm chọn phim tài liệu để dấn thân?
Tôi nghĩ đó là một cơ duyên, đồng thời là may mắn cho mình và với phim tài liệu. Điều khiến tôi vui hơn niềm vui cá nhân khi Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng công chiếu rộng rãi là mọi người đã biết đến dòng phim này ngoài rạp nhiều hơn thay vì những thước phim trên truyền hình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở công trường nên chỉ tiếp xúc với phim ảnh nhờ xem ké truyền hình nhà hàng xóm. Rạp phim là thứ hoàn toàn xa lạ. Thời trung học, tôi hay tham gia dựng kịch ở trường và luôn được thầy cô bạn bè đón nhận, tôi thấy thích nên lúc nộp hồ sơ vào đại học, bên cạnh trường Kinh tế, do không còn đủ tiền thi vào Học viện Hành chính nên tôi liều thi vào trường Điện ảnh. Chị biết đấy, ở quê thì vào đại học gần như là con đường duy nhất để mở cánh cửa vào đời. Bao nhiêu niềm tin, bao nhiêu hy vọng của gia đình dồn hết vào đó nên thi rớt mình mặc cảm ghê lắm. Suốt ngày, tôi lầm lũi ở xó bếp, không dám gặp ai, cũng không biết đời mình rồi sẽ đi về đâu. Thấy buồn mãi không giải quyết được chuyện gì, tôi tính ra Pleiku học trung cấp kế toán. Rủi xui, mẹ thiếu hai trăm nghìn đóng trước tiền học nên hai mẹ con dắt díu nhau về. Hôm sau thì giấy báo trúng tuyển của trường Điện ảnh đến. Tôi tất tả khăn gói vào Sài Gòn cho kịp nhập học. Trong đầu tôi khi ấy luôn tồn tại định mức an toàn, rằng sẽ cố gắng học thật tốt để ở lại trường làm giáo viên.
Ba năm khám phá nghề nghiệp, tôi biết để làm một bộ phim mình cần những điều gì. Lúc thực hiện phim ngắn tốt nghiệp, tôi nhận ra việc diễn đạt thế giới riêng của mình cho ê-kíp thực sự rất khó. Nó có cái gì đó lấn cấn mà tôi chưa trả lời được. Workshop 2009 đến như một cú hích. Tôi nhận ra, phim tài liệu cho mình thế giới rất tự do, hợp với cái tính thích va đập khám phá của mình. Kỹ thuật làm phim nhỏ gọn, ê-kíp cũng không quá phức tạp và mặt sản xuất cũng không bó buộc vào ê-kíp. Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi lên đường.
Lúc quyết định, Thắm tiên liệu thế nào về những khó khăn sẽ đến trong khi như Thắm chia sẻ thì tài chính chẳng mấy dồi dào?
Thời điểm mới ra trường, tôi làm trợ lý đạo diễn và bắt đầu đứng trước lựa chọn lao vào kiếm tiền hay theo đuổi điều mình muốn. Tôi nhận ra, thế giới ấy đông vui nhưng đó không phải là điều mình chờ đợi. Giữa lúc đang phân vân thì một chị bạn trong nghề nhường cho tôi một dự án ở Nha Trang. Số tiền kiếm được đủ lớn để tôi mạnh dạn suy nghĩ hay là tạm gác hết đi để làm cái mình thích, hết tiền lại quay về làm tiếp. Ai ngờ nó kéo mình đi xa quá. Chưa kể quá khó để xin tiền dựng phim. Bị từ chối nhiều lần, có lúc tôi cảm thấy vô vọng. Đã không dưới một lần tôi thấy cuộc sống của mình bấp bênh đến mức không có nổi đời sống cơ bản dù nhu cầu chẳng nhiều nhặn gì cho cam. Nhưng rồi, tôi bước qua hết, bởi tôi nghĩ, bây giờ còn trẻ, mình vẫn còn được lựa chọn và không lệ thuộc vào gia đình, vào những người xung quanh thì cứ làm thôi.
Tôi xuất thân từ tầng lớp lao động nên tôi không ngại, không sợ vất vả. Nhưng dĩ nhiên, mình phải đi sâu để hiểu và thích nghi với hoàn cảnh mọi người trong đoàn hội chợ. Suốt một năm trời, tôi thay số điện thoại, sống ẩn dật và háo hức bước vào cuộc hành trình, đi theo thế giới mình chỉ nhìn thấy bằng ánh mắt đầy rẫy tò mò và xa lạ lúc nhỏ. Không hiểu sao hình ảnh lúc đoàn hội chợ dọn đi, nào giấy, nào túi bóng phất phơ lưu lại trong ký ức tôi sự tan hoang và nỗi buồn mơ hồ khó tả.
.
Cuối cùng thì, hành trình ấy cũng đơm hoa và kết trái ngọt…
Nói ra hơi buồn cười, nhưng khi nghe mọi người đánh giá, tôi mới biết mình đã làm bộ phim quan trọng như thế nào. Bởi trong đời sống, tôi luôn cố gắng đưa mọi thứ về mức đơn giản nhất. Khởi hành theo bộ phim này là điều tự nhiên của con người mình. Đơn giản chỉ là tôi cảm thấy yêu những con người đó và thích ở gần họ. Còn ý nghĩa xã hội hay những câu chuyện về giới, tôi không đặt ra ngay từ đầu.
Vậy thì, sau tất cả những huyên náo của tung hô, chào đón, điều còn lại trong Thắm bây giờ là gì?
Tôi khám phá được những trạng thái mà trước đó chưa bao giờ mình hiểu hoặc không nghĩ mình lại rơi vào. Lúc bắt đầu khảo sát đề tài, tôi có chia sẻ với một chị đồng nghiệp rất tin tưởng. Chị ấy hỏi một câu mãi sau này tôi mới trả lời được: Em có chấp nhận cuộc sống cô đơn không? Vốn dĩ là người nhí nhảnh, luôn cần cái gì đó sôi động quanh mình nên tôi ngạc nhiên lắm. Khi bắt tay vào việc, tôi mới hiểu lời cảnh báo này. Đó là thế giới của riêng mình, quằn quại với những suy tư cá nhân mà mình không thể nào chia sẻ được với mọi người xung quanh. Tôi không dám tự nhận mình là nghệ sĩ nhưng tôi khám phá ra rằng mình cần cô đơn và cần nuôi dưỡng cô đơn nếu muốn tiếp tục sáng tạo.
Điều thứ hai là mình phải biết cách cân bằng. Sau khi đóng máy vào tháng 10/2010, tôi không làm gì được hết, cứ thẫn thơ đi tới đi lui lên thăm đoàn, rồi nghĩ đến bộ phim. Một tháng trước Tết, đối diện với gia đình, tôi rất khó xử. Tôi bứt ra, đi dựng chương trình để có tiền tiêu Tết. Và tôi xác định, không bao giờ được đưa mình vào thế khó khăn đấy nữa. Bây giờ, tôi nhận công việc riêng lẻ để điều hòa cuộc sống.
Và sẵn sàng cho một dự án mới?
Tôi đã bắt đầu nhưng cho phép được giữ đến lúc nó thành hình. Như tôi đã nói, cô đơn cần nuôi dưỡng để sáng tạo.
Cảm ơn Nguyễn Thị Thắm và chúc Thắm thành công.
—
Xem thêm
Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm – Chuyến đi chỉ mới bắt đầu
Bài Thiên Di
Mỹ thuật lonesloth
Ảnh BINCIO
Stylist PHƯƠNG ANH
Trang điểm & Làm tóc XI QUÂN LÊ
Trợ lý NHÂN HUỲNH
Địa điểm chụp: DECEMBER COFFEE
(Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE)