Nguyễn Thu Huệ – Bảo vệ môi trường biển & lợi ích lâu dài
[Tạp chí ELLE tháng 7/2017] ELLE đã cùng trò chuyện với Nguyễn Thu Huệ, sáng lập Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), trước chuyến đi công tác tại Quảng Ninh để tổng kết và bàn về mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, gắn với du lịch có trách nhiệm.
MCD hướng tới những hoạt động gì và được thể hiện qua những hình thức như thế nào, thưa chị?
Chúng tôi hướng tới một tầm nhìn mà ở đó, vùng ven biển Việt Nam được tổ chức khai thác bền vững, nơi lợi ích các bên đều được coi trọng, hài hòa. Đặc biệt, nhu cầu và lợi ích của nhóm những người yếu thế không bị bỏ quên. Mọi công việc của chúng tôi được tổ chức dưới dạng các dự án, chương trình, xoay quanh và hướng tới tầm nhìn đã xác lập những ngày đầu khởi nghiệp. Chúng tôi đã làm việc liên tục từ 2003 cho tới nay.
Phương châm sống của tôi là ‘cách trao quà quan trọng hơn bản thân món quà’ bởi tôi tâm niệm những giá trị gia tăng mà mỗi người có thể dành cho người khác, từ công việc tới cuộc sống, mới thực sự là một món quà vô giá. Đó là một quá trình quan sát, hành động và học hỏi không ngừng
Hầu hết các dự án chị làm đều liên quan đến vấn đề về môi trường, tại sao chị lại có mối quan tâm đặc biệt như vậy?
Môi trường hàm chứa những giá trị phổ quát cho nhân loại. Có rất nhiều chủ đề cuốn hút để chúng tôi có thể lựa chọn nghiên cứu và tham gia. Tuy nhiên, môi trường cũng là khái niệm rất rộng, chúng tôi chỉ tập trung vào môi trường sinh thái vùng ven biển, nơi có các giá trị đa dạng sinh học cao được quốc tế hoặc quốc gia công nhận, và xem xét từ khía cạnh có liên quan tới đời sống sinh kế và nền tảng văn hóa của các cộng đồng cư dân vùng ven biển.
Cơ duyên nào khiến chị đến và gắn bó với công việc này?
Đầu những năm 2000, khi ở độ tuổi 30 và đang làm việc cho một chi nhánh công ty luật của Mỹ tại Hà Nội, tôi có cơ hội hỗ trợ một nhóm chuyên gia quốc tế sang Việt Nam khảo sát về thương mại cá rạn san hô. Sau đó, họ quyết định thực hiện chương trình liên minh bảo tồn sinh vật biển quốc tế tại Việt Nam và mời tôi làm điều phối viên quốc gia cho chương trình. Trong khoảng thời gian ấy, tôi tham gia một số khóa đào tạo tập trung về quản lý tổng hợp dải ven bờ – (Intergrated coastal zone management ICZM), một khái niệm liên quan tới sự tham gia, tới hài hòa lợi ích các bên, tới hợp tác đa ngành và điều quan trọng là để làm được như vậy cần tới những quá trình. Tôi rất hứng thú với cách tiếp cận này.
Khi chương trình kết thúc, tôi cùng một vài đồng nghiệp nữa sáng lập MCD, tiếp tục thúc đẩy những bài học về hệ sinh thái, bảo tồn sinh vật biển và bổ sung thêm một nội hàm quan trọng nữa cho tổ chức phát triển là cộng đồng vùng ven biển. MCD là cơ hội để tôi và các đồng nghiệp có thể thúc đẩy ICZM tại Viêt Nam.
Điều ấy đã góp phần thay đổi cuộc sống của chị như thế nào?
MCD đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời của quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp và trưởng thành, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Mỗi ngày, tôi đều học được những điều mới mẻ, từ những người tôi gặp, từ đồng nghiệp, từ gia đình. Với tôi, tiếp cận tổng hợp ICZM không chỉ giúp tôi trưởng thành trong đời sống công việc, mà đời sống cá nhân tôi cũng “hưởng lợi” rất nhiều.
Một góc biển Quy nhơn, Bình Định, nơi MCD làm việc về tiếp cận hệ sinh thái trong thủy sản.
Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường biển thường gặp khó khăn gì? Động lực nào giúp chị vượt qua những khó khăn ấy?
Công việc đòi hỏi chúng tôi phải di chuyển khá nhiều, thường là tới những vùng nông thôn ven biển, đôi khi ra cả những vùng đảo xa xôi. Với một người phụ nữ, rời xa mái ấm luôn ẩn chứa những thử thách. Tuy nhiên, tôi không tách rời công việc MCD một cách máy móc với đời sống gia đình. Với tôi, đi là để trở về, tôi coi việc đi tới các vùng ven biển là một phần thưởng mà cuộc sống đã ban tặng cho lựa chọn nghề nghiệp của mình. May mắn là tôi đã huy động được sự tham gia, ủng hộ và chia sẻ rất ý nghĩa của những người quan trọng trong cuộc đời tôi.
Tôi nghĩ không chỉ những người trong gia đình mà chị còn có rất nhiều người ủng hộ, làm thế nào để chị được yêu mến đến vậy?
Ngoài gia đình là nguồn động viên quan trọng, tôi còn có những cộng sự rất tuyệt vời. Họ được đào tạobài bản, có các kỹ năng liên quan tới chủ đề làm việc, chia sẻ tầm nhìn và khát vọng với tôi, gánh vác những khó khăn cùng tôi. MCD còn thu hút một lượng lớn các sinh viên trẻ quốc tế và Việt Nam mới tốt nghiệp. Họ tới MCD thực tập, làm quen với môi trường làm việc của một tổ chức vì cộng đồng, họ có cơ hội tới các vùng ven biển và thực hiện các sáng kiến đậm nét thanh niên. Chúng tôi làm việc với các tổ chức địa phương, nơi thành viên là thanh niên, phụ nữ địa phương có cơ hội tham gia các dự án MCD thực hiện, qua đó họ cũng trưởng thành. Chúng tôi thu hút cộng sự, đồng nghiệp, cộng tác viên, đối tác và cộng đồng bằng chính niềm đam mê, cống hiến và tầm nhìn dài hạn của mình.
MCD chia sẻ với đồng nghiệp về mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường gắn với du lịch bền vững tại Vung Viêng, Hạ Long
Các hoạt động đó đã có tác động đến cộng đồng thế nào, thưa chị?
MCD là một tổ chức tiên phong với những ý tưởng sáng tạo, gợi mở tư duy và thúc đẩy sự hợp tác đa bên đa ngành trong quá trình bảo tồn môi trường biển và phát triển bền vững cộng đồng ven biển. Chúng tôi không làm thay việc của các chính quyền địa phương, hay của cộng đồng mà hướng họ tới sự hợp tác hiệu quả, cùng chia sẻ những khó khăn và tìm ra những phương thức phù hợp để phát triển. Tác động lâu dài chúng tôi hướng tới là những cộng đồng hiểu biết, có trách nhiệm, đóng góp cho những quyết định liên quan tới vùng ven biển được cân nhắc và xét đến lợi ích lâu dài không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau.
Dự án mà chị và MCD đang theo đuổi hay đặt mục tiêu trong thời gian tới là gì?
Một trong những chủ đề cấp thiết chúng tôi muốn đẩy mạnh là nhận thức và hành động về rác nhựa thải ra biển. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra hiện có 5 quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam đóng góp một nửa lượng rác thải nhựa cả thế giới thải ra biển. Đây là một thách thức rất lớn khi dân số của chúng ta sẽ cán mốc 100 triệu dân một ngày không xa và áp lực của các nền kinh tế lên biển có thể làm tổn hại tới những giá trị mà chúng ta có thể thụ hưởng từ biển không chỉ hôm nay mà nhiều thế hệ mai sau.
Bài: Phương Huyên, Đoàn Trúc, Ngọc Anh
Ảnh: Chu Lân
Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE