Văn hóa / ELLE Interview

Nhà báo Thủy Phạm – Đi hoài không hết lạ

(Phái đẹp - ELLE) Tôi lái xe và đi như thế mỗi năm. Có mỗi một con đường ấy, nhưng đi hoài vẫn thấy không hết lạ...

210-hobby-thuypham

Tôi bắt đầu lái xe năm 2000, một năm sau đi xuyên Việt. Và từ đó, hầu như năm nào trong kế hoạch cũng có một chuyến lái xe từ Sài Gòn ra Bắc, dịp cuối năm. Khi thì lên tuốt đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nghe “đỉnh gió hú” rồi mới quay về Hà Nội, khi thì ngược lên Nà Hang (Tuyên Quang) uống rượu ngô, ăn măng đắng, ngủ nhà sàn trong cái lạnh căm căm, năm kia vòng qua Lào từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) về lại Thanh Hóa qua cửa khẩu Na Mèo, năm ngoái làm một lèo tới Mèo Vạc (Hà Giang) săn một cành mận trắng…, rồi hết Tết lại ngược về Nam. Người thân, bạn bè nhiều người ái ngại: Một mình lái xe đường trường như thế làm gì cho vất vả, mất thời gian; và ngạc nhiên: Đi một lần cho biết thôi, chứ đi hoài một con đường không chán hay sao? Thật sự là tôi cũng chẳng biết giải thích làm sao… Có mỗi một con đường ấy, nhưng đi hoài vẫn thấy không hết lạ.

Cuối năm ngoái, tôi quyết định “bỏ” đường 1 (quốc lộ 1A), theo đường Trường Sơn ra Bắc. “Bỏ” quốc lộ 1, nghĩa là bỏ lại kẹt xe và đông đúc, bỏ lại ồn ào và bụi bặm, nhất là trong những ngày cuối năm. Nhưng cũng là bỏ lại cung đường ven biển tuyệt đẹp từ Bà Rịa đi Bình Thuận; bỏ lại những cung đường đèo ngoạn mục Cù Mông, Hải Vân; bỏ lại nhà hàng Mỹ Á-quán hải sản ngon và rẻ vào loại “giật mình Việt Nam” ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), nơi những con hàu sống chỉ có giá 3 ngàn đồng và đĩa cá ngừ đại dương ăn với mù tạt và hành sống chỉ có giá 35 ngàn đồng (giá cách đây 2 năm), bỏ lại những thành phố, thị trấn xinh đẹp, êm đềm bên đường – Cà Ná, Quy Nhơn, Lăng Cô…

Nhưng “bỏ” đường 1, tôi có dịp trở lại Kontum, thành phố Tây Nguyên nhất trong các thành phố còn lại của Tây Nguyên, nhà trong phố vẫn còn dấu tích những hàng hiên chạm khắc mô típ mặt trời của nhà rông, đường trong phố chiều về vẫn còn những xe bò đôi đủng đỉnh (xe bò ở đây nhất định đi từng cặp 2 hoặc 4 hoặc 6 con chứ không bao giờ bò kéo xe một mình như những nơi khác). “Bỏ” đường 1, tôi có dịp khám phá con đường Đông Trường Sơn chạy miên man từ chân núi Ngọc Linh, ngọn núi thiêng, khoảng rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Trường Sơn hùng vĩ, ra tới tận những rặng núi đá vôi Hòa Bình điệp trùng đẹp như tranh thủy mặc… Tôi nhớ đó là một ngày cuối năm, trời giăng giăng sương trắng – sương, cây và núi tạo nên một tuyệt cảnh hiếm hoi của đất trời. Tôi nhớ, bởi vì chỉ hai tuần sau, khi quay lại chính con đường này, sương đã tan, mọi thứ cũng khác. Khác đến độ, định quay lại Sài Gòn bằng đường cũ, vậy mà cuối cùng tôi lại lạc vào Tây Trường Sơn, một nhánh khác của đường Trường Sơn, hẹp hơn, hiểm trở hơn và dĩ nhiên với tôi là hoàn toàn bí ẩn. Nửa ngày không gặp một chiếc xe (ô tô) ngược chiều, ánh sáng tắt rất nhanh nơi núi rừng, sương bắt đầu mù mịt trên những con dốc như cao hơn, hẹp hơn và trơn hơn. Tự trách mình, nhiều năm lái xe xuyên Việt quá tự tin vào kinh nghiệm và trí nhớ mà thiếu chuẩn bị bản đồ, thiết bị GPS dò đường cũng như kiến thức về những con đường mới – điều lẽ ra không thể thiếu vào lúc này. Nhưng cũng tự xốc lại chính mình, hãy tự tin, bình tĩnh quan sát, nhận định và xử lý quyết đoán. Và rồi bảng hiệu chỉ Đồng Hới cuối cùng cũng đã hiện ra, thở phào sau những phút… nghẹt thở. Thành phố Đồng Hới nhỏ nhẹ nằm bên dòng Nhật Lệ, hàng bánh khoái ngon nổi tiếng nằm kề chợ có món vả xanh chấm với mắm tép ăn một lần không thể quên… tôi đã nhiều lần ghé đến, vậy mà lần này, cảm giác thật lạ, như được chạy ào về nhà sau nhiều ngày lang thang!

Tôi lái xe và đi như thế mỗi năm. Thật sự là tôi cũng chẳng biết giải thích làm sao… Có mỗi một con đường ấy, nhưng đi hoài vẫn thấy không hết lạ.

PHÁI ĐẸP – ELLE

ELLE.VN

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)