Xin chào nhà văn Trần Thùy Mai. Đầu tiên, xin chúc mừng bà với giải A Giải thưởng Văn học Cố Đô cho bộ tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”. Được biết, một thập kỷ trước, bà cũng từng được gọi tên với tập truyện “Thập tự hoa”. Lần vinh danh này có cảm xúc nào đặc biệt hơn không?
Thập tự hoa nhận giải vào thời tôi viết truyện ngắn, Công chúa Đồng Xuân vào thời tôi viết tiểu thuyết. Đó là hai kỷ niệm gắn với hai đoạn đời và đoạn đời nào tôi cũng yêu quý. Người cầm bút không viết vì giải thưởng, nhưng mỗi giải thưởng là một hồi đáp của cộng đồng về “món quà sách” mà mình dâng tặng. Nó có ý nghĩa cũng giống như ánh mắt, nụ cười, lời nói đồng cảm của người đọc, làm cho mình hạnh phúc và cảm thấy được yêu thương.
Riêng Công chúa Đồng Xuân được viết với khung cảnh, nhân vật ở Huế, trong truyện lại được lồng vào nhiều ý tưởng có tính phản biện so với một số quan niệm đã thành nếp cũ. Bởi vậy, khi đưa tác phẩm dự giải, tôi nghĩ đây sẽ là một “phép thử”.
Bà có thể nói thêm về “phép thử” này không?
Ngay từ khi sách chưa ra mắt, tôi đã đoán trước là sẽ gặp một vài phản ứng. Bởi nhiều điều khi đã thành nếp trong suy nghĩ, khi nghe nói khác đi, người ta sẽ lập tức khó chịu. Bởi vậy, bạn hỏi tôi có bất ngờ khi nhận giải thưởng của Huế không? Thực sự không quá bất ngờ. Nhưng nếu nói tôi hoàn toàn không tính đến khả năng “rớt” giải thì cũng không đúng. Do đó, khi được gọi tên thì tôi vui nhiều, không phải vì giải thưởng mà vì được thẩm định bởi một ban giám khảo công tâm, cởi mở và khai phóng, có sự hiểu biết sâu sắc về quyền phản tư của tác giả và đặc điểm thể loại của tiểu thuyết lịch sử.
Có thể nói, thật ra, tôi không viết “khác xa sử sách”, trái lại, tôi bám rất chặt sử sách, đồng thời đưa giả thuyết của mình vào những chỗ trống lịch sử.
Vì sao bà chọn dấn thân vào “phép thử” này?
Hồi bé, khi tôi học sử, thấy trong sách hình vẽ tướng Nguyễn Tri Phương một tay đỡ xác con, một tay vẫn cầm gươm chỉ huy chiến trận. Bởi vậy, sau này, khi biết Đồng Xuân là vợ góa của phò mã Lâm, con dâu tướng Nguyễn Tri Phương, tôi đã dừng lại đọc kỹ. Đại Nam liệt truyện chỉ ghi mấy chữ “Chúa ở góa, sau có tội” – mấy chữ đơn sơ mà diễn tả được hết cái bi kịch cuộc đời của người thiếu phụ trong chiến tranh.
Tôi chọn viết về Đồng Xuân bởi nhìn thấy trong số phận bi thảm của nàng những thân phận đàn bà Việt Nam xưa: nạn nhân của chiến tranh, của lễ giáo phong kiến hà khắc, của trình độ khoa học lạc hậu… Người phụ nữ nhận lãnh nhiều khổ đau vì không làm chủ được cuộc sống, tình cảm, thân thể, sinh sản… của mình. Trường hợp của Đồng Xuân còn đặc biệt hơn khi nàng bị cuốn vào một cơn bão chính trị quá đỗi tàn khốc.
Nhìn nhận một cách khách quan thì trong lịch sử Việt Nam, rất nhiều người phụ nữ từng bị oan án, từ Công chúa Đồng Xuân cho đến Nguyễn Thị Lộ, Lý Chiêu Hoàng… Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến những người phụ nữ thường phải chịu nhiều điều tiếng hơn so với các nhân vật nam giới?
Chuyện hàm oan thì đời nào và ở đâu cũng có, nhưng ngày xưa dễ bị oan ức hơn vì nền tư pháp khi ấy còn sơ khai, việc xét xử dựa trên suy đoán buộc tội, nên người ta có khi chưa chết vì pháp luật mà đã chết vì dư luận. Như trong Truyện Kiều, ta thấy chỉ vì một lời tố cáo vu vơ mà đủ cho một gia đình họ Vương lương thiện khánh tận, một đời con gái của Thúy Kiều tan nát…
Đặc biệt, với người phụ nữ thì còn dễ bị oan hơn nữa, vì họ chẳng những bị ràng buộc bởi luật pháp khắt khe mà còn bởi rất nhiều nguyên tắc lễ giáo, có thể cùng một tội, nhưng mặc nhiên trách nhiệm trút hết lên đầu người phụ nữ. Nguyên nhân cho sự thiệt thòi đó là bởi xã hội đương thời do người đàn ông làm chủ, pháp luật, đạo đức, luân lý đều do họ thiết lập. Những việc ngày nay có thể đưa đàn ông vào tù thì khi xưa chỉ được xem như trò đùa vô hại của nam nhi thôi. Bởi thế, những người phụ nữ không chịu sống rón rén giữ gìn, mà cứ “làm điều bất cẩn”, không sớm thì muộn cũng sập vào “bẫy”, và khi đã mắc oan sẽ kêu trời không thấu!
Gần đây, văn chương của bà đã vượt khỏi biên giới Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về cơ hội này không?
Truyện ngắn Trái xanh trong tuyển truyện ngắn Longings (Texas Tech. University Press xuất bản, 2024) là truyện ngắn thứ 9 tôi được các nhà xuất bản nước ngoài giới thiệu trên các tạp chí hoặc trong các tuyển tập chung của nhà văn Việt Nam. Thật ra, trong thị trường sách mênh mông của thế giới, những truyện này cũng như muối bỏ biển thôi và nhuận bút cũng rất khiêm tốn, nhưng nhờ chúng mà tôi thỉnh thoảng có những chuyến đi xa thú vị!
Như khi truyện Thị trấn hoa quỳ vàng được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Thụy Điển thì tôi được dịp đi viết kịch thiếu nhi ở Pháp và đi Hội Sách Thụy Điển; truyện Gió thiên đường dịch ra tiếng Nhật giúp tôi có chuyến đi đến Tokyo ngắm hoa anh đào… Hồi đó, tôi sống toàn thời gian tại Huế, lúc ấy là một thành phố nhỏ hiền hòa và có phần khép kín. Tôi ao ước được đi xa, khao khát được mở rộng biên giới trải nghiệm của mình. Việc du lịch ra nước ngoài lúc ấy còn rất đắt đỏ và khó khăn, nên các chuyến đi này là những món quà bất ngờ mà tôi rất thích và chỉ mong có truyện dịch để được mời đi (cười).
BÀI LIÊN QUAN
Và việc sinh sống ở Mỹ có phải cũng là “cánh cửa” mở ra từ trang văn của bà?
Chuyến đi dài đến Mỹ cho đến bây giờ như bạn đề cập lại khởi đầu từ truyện ngắn Nơi có cây tùng xanh biếc. Một ngày nọ, có một người Việt ở San Francisco đã đọc nó trên mạng, vì rất thích nhân vật trong tác phẩm nên năm 2011, khi về công tác ở Huế, người đó đã tìm tôi làm quen. 6 năm sau, chúng tôi kết hôn, vậy là tôi bắt đầu chuyến đi dài nhất đời mình (cười).
Người ta thường nói càng đi xa lại càng nhớ về quê nhà. Bà có cùng cảm xúc đó không?
Có chứ! Bây giờ đã đi quá xa, ao ước lớn nhất của tôi lại là được về thăm Việt Nam, thăm Huế! Bởi vậy, những tiểu thuyết của tôi lúc này cũng hướng về quê nhà, và cũng nhờ chúng, tôi có thêm nhiều dịp để quay về. Những câu chuyện của dân tộc trở nên tha thiết trong lòng tôi. Ngồi ở San Francisco viết chuyện cung đình, tôi tưởng như mình đang dạo qua những di tích xưa: cửa Đông Ba, chùa Thiên Mụ… Hình ảnh nào cũng quá chừng quen thuộc! Nhà tôi cũng biết vậy nên anh hết sức khuyến khích và tạo điều kiện cho tôi viết, để tôi đỡ nhớ quê và yên tâm nấu cho anh những món ngon mỗi ngày! (cười).
Truyện viết ra trong thời đại nào, sẽ có dấu ấn của thời đại đó. Dù tiểu thuyết lịch sử kể lại những câu chuyện xa xưa thì trong lòng nó vẫn mang những vấn đề đương đại.
Tương lai sẽ viết gì ư? Chắc là không nên nói về những gì mình chưa làm xong. Chỉ có thể nói là tôi vẫn viết. Tôi cũng không thích lặp lại chính mình, dù tiếp tục một phong cách đã được bạn đọc đón nhận có thể là con đường an toàn. Nhưng viết là một cuộc phiêu lưu, chỉ khi hoàn tất hành trình, ta mới có thể nói là mình đã đi đến đâu.
Có một điều tôi có thể chắc chắn, là trang viết của tôi sẽ không theo một thứ “thời trang” phương Tây nào cả, không siêu thực, không hậu hiện đại, không siêu hư cấu… Tôi không “kỵ” chúng vì vẫn đọc để giới thiệu cho bạn bè và hiểu được thế giới văn chương thời mình đang sống. Nhưng trong sáng tác của bản thân, tôi chọn viết bằng ngôn ngữ bình dị như đối thoại của đời thường. Tôi muốn viết mộc như tơ tằm không nhuộm. Vì tôi luôn nghĩ sự giản dị là con đường ngắn nhất để đi đến trái tim.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuận Phát
Ảnh: NVCC