Văn hóa / ELLE Interview

Nhạc sĩ Giáng Son: “Phải tìm đến cái đẹp để níu giữ đời sống này”

[Tạp chí ELLE - tháng 10/2016] Gần 20 năm bước chân vào âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son mới ra hai album cá nhân. Sự chắt chiu, dồn nén ấy làm cho âm nhạc của chị có sức nặng và đầy trải nghiệm.

Những nỗi buồn rực rỡ

Người đàn bà của “những mùa Hè lạnh” ấy nói, chị có thể xúc động nhưng chưa bao giờ khóc khi nghe lại ca khúc của mình. Thế nhưng, trong một lần mệt mỏi của nhiều năm về trước, khi nghe bản Giao hưởng số 7 của Shostakovich tự nhiên chị đã khóc như điên. Một cơn điên khó hiểu. Là bởi, Shostakovich viết quá hay, quá đau đớn. Là bởi nhạc sĩ Giáng Son nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể viết nổi những nốt nhạc ám ảnh như vậy. Chị cảm thấy xấu hổ với chính mình. Và rồi thật tự nhiên, nước mắt cứ chảy ra, mặn mòi như biển.

Nỗi buồn rực rỡ đó có lẽ theo suốt nhạc sĩ Giáng Son trên con đường âm nhạc. Để rồi, bên cạnh một Giáng Son không ngại ngần thể nghiệm, để hồn đi hoang trong bóng tối của Pop, của Dân gian đương đại, của Blues, của Jazz, nhạc kịch… thì có một Giáng Son khác tỉnh táo đời thường. Chị sợ mình tự ru mình quá. Sợ một ngày, những nốt nhạc hay sẽ rời bỏ mình mà đi. Sợ một ngày mình lãng quên mình. Và sợ nhất là mình không còn hiểu mình nữa. Với chị, sự hiểu mình như một cái để neo vào mà thấu suốt bản thân, thấu suốt âm nhạc.

Âm nhạc Giáng Son đầy rẫy và phập phồng cảm giác với một loạt động tính từ đi bên nhau thành dòng. Dòng này vắt dòng kia, trù phú nhạc tính, dội thẳng vào tai người nghe. Có lúc nó gợi nên một sự giật mình đến nổi da gà. Những câu nhạc vừa lòng nhau quá. Những câu nhạc làm ta đau và kiếm tìm.
.

nhạc sĩ Giáng Son - ELLE Việt Nam
Đầm COSETTE – Hoa tai FLORALPUNK

Tự sự mang khuôn mặt đàn bà

Tôi vẫn luôn có cảm giác âm nhạc Giáng Son là tự sự mang khuôn mặt của những người đàn bà. Ngay cả ở Chạm, Tìm, Đêm đợi, Vệt buồn những ca khúc mà ở đó, nhân vật chính xưng “anh” và nam ca sĩ Tùng Dương hát rất vừa vặn – thì dường như vẫn gợi một vùng âm tính nào đó. Bởi, cái nhìn tỉ mỉ, kỹ càng ấy, cái âm u hoang vu miên man bao trùm không gian âm nhạc ấy, tôi vẫn nghĩ là của một người đàn bà hơn là một người đàn ông. Tất nhiên, khi nói như thế, tôi không có ý vơ đũa cả nắm đàn ông trên đời trăm người như một. Chỉ là cái cảm giác này rõ ràng quá.

Và cũng lâu lắm rồi kể từ “thế hệ vàng” như Văn Cao, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, người ta mới bắt gặp lại thứ âm nhạc đẹp như nhạc Giáng Son. Khi nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay chú trọng phần beat, phần hòa âm, phối khí và cố phô ra những âm thanh xập xình, trơn tuột, thỏa mãn tai nghe nhạc đại chúng trong phút chốc thì âm nhạc của chị như một tiếp nối mỹ cảm trong cách viết nhạc văn minh. Với Giáng Son, một ca khúc đẹp phải hài hòa giữa phần nhạc và phần lời. Chị chú trọng giai điệu, chú trọng ca từ. Ca từ sẽ giống như một người dẫn chuyện, dắt người nghe thưởng lãm vùng âm nhạc của nghệ sĩ. Chị nói với tôi, nhiều lúc phải tìm đến cái đẹp để níu giữ đời sống này, kể cả trong âm nhạc.

Ngồi đối diện với tôi trong một chiều Hà Nội sắp tàn nắng, gương mặt Giáng Son đẹp mặn mà, nhẹ nhõm. Chị kể về vùng an toàn của chị, kể về những chuyến xe bus từ nhà đến nơi làm việc. Thói quen cố gắng không va chạm, phiền hà người khác. Những lần buồn, vui, âm nhạc đọng lại như thế nào. Trước khi ngủ và vừa thức dậy, chị tìm đến âm nhạc ra sao. Chị nhận mình là kiểu người ngây thơ, “hát mơ viển vông”. Và có lẽ Son ngây thơ thật, viển vông thật nên chị mới chạm đến được phần bản năng và hoang dã nhất của một người sáng tạo. Bởi trái tim của một kẻ tỉnh, có bao giờ làm nên một cơn say? Làm nên một “đường mộng mị” để ta đắm chìm, để ta nhìn ra ta, để ta nhịn nhường ta, ta thương lấy ta?

Người phụ nữ với khuôn mặt nhẹ nhàng như thế, hóa ra lại là một người quyết liệt trong cách “chơi nhạc” của mình. “Chơi” đẹp và sang trọng. “Chơi” không ngại vượt thoát khỏi vùng an toàn cố hữu. Điều đó làm cho nhạc sĩ Giáng Son “thanh thản thoát đi những ưu phiền, khát khao cuồng vọng, trở về là mình nhất” trong thân xác một loài gió đương đại.

Gần 20 năm bước chân vào âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son mới ra hai album cá nhân. Sự chắt chiu, dồn nén ấy làm cho âm nhạc của chị có sức nặng và đầy trải nghiệm. Làm cho sự chờ đợi của khán giả là không hề vô nghĩa. Và mỗi lần xuất hiện, cá tính âm nhạc của chị lại rõ hơn và chẳng có lần nào giống lần nào. Lần trở lại vào mùa Thu năm nay với vở nhạc kịch gắn liền với Truyện Kiều, Giáng Son sẽ bước vào vùng bóng tối nào của thể thơ 6 – 8?

.

Giáng Son - ELLE Việt Nam
Đầm COSETTE

CHAT VỚI NHẠC SĨ GIÁNG SON

Cảm hứng âm nhạc của chị đến từ đâu?

Từ rất nhiều nguồn, ví dụ như trạng thái vui buồn của tình yêu, những cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước, những câu chuyện của cá nhân tôi hay những câu chuyện tôi nghe được, xem được thông qua bạn bè, báo chí, phim ảnh… Nói chung tất cả mọi điều diễn ra trong cuộc sống.

Phần lời trong ca khúc của chị đầy chất thơ, hẳn chị thường
hay đọc sách?

Tôi may mắn khi có bố, nhạc sĩ Hoàng Kiểu, là người rất đam mê với sách. Ông từng nói “gia tài của ba cho các con chỉ là sách mà thôi”. Từ nhỏ tôi đã thấy bố suốt ngày đọc và làm việc bên những cuốn sách. Điều đấy làm tôi tò mò, muốn khám phá tủ sách của bố. Đầu óc non nớt của một cô bé lúc đó chưa thể hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện hay lời thơ sâu sắc nhưng nó cũng đã hướng cho tôi về sau luôn tìm tòi những ý thơ lạ và hay trong các tác phẩm của mình.

Chị thích loại sách nào nhất và đâu là quyển “gối đầu” của chị?

Tôi thường đọc các cuốn viết về cuộc đời của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới để hiểu xem tại sao họ có thể giỏi đến như vậy. Tôi thích cuốn viết về Mozart.

Khá nhiều bài hát của chị viết về mùa Thu. Trong ký ức, chị lưu giữ những hoài niệm nào về mùa Thu Hà Nội?

Mùa Thu Hà Nội rất đẹp nhưng những hoài niệm về mùa Thu của tôi thường rất buồn, hay kết thúc một cái gì đó! Thế nên tôi mới có Thu cạn.

Ngoài âm nhạc, chị còn có thú vui nào khác?

Tôi thích trồng cây. Việc chăm một cái cây, nhìn nó lớn lên từng ngày, xem hôm nay nó có dài ra thêm tí nào không, nhú thêm cành chưa, có mọc thêm chiếc lá nào không cũng đủ khiến mình yêu đời và nhẹ nhõm.

Bên cạnh sáng tác, chị còn có giọng hát khá hay. Những người lần đầu tiên nghe chị hát “solo” bày tỏ cảm xúc thế nào?

Mọi người bảo: “Em hát hay đấy, rất truyền cảm. Có thể giọng hát không đặc biệt nhưng hát hiểu bài và rất tình cảm”. Có lẽ vì tôi là tác giả của ca khúc nên đương nhiên tôi rất hiểu đứa con của mình. Tuy nhiên tôi vẫn không tự tin lắm với danh xưng ca sĩ.

Một “tật xấu” khó bỏ của chị?

Tôi rất thẳng thắn! Có nhiều khi tôi thấy điều gì đó gợn gợn là phải nói ra ngay một cách quyết liệt mặc dù có khi nên tế nhị hơn.

Cám ơn nhạc sĩ Giáng Son!

———

Xem thêm

Nhạc sĩ Dương Thụ – Gia đình âm nhạc của tôi

Nhạc sĩ Thanh Tùng – Trái tim hào hoa “chung tình”

Nhạc sĩ Đức Trí: Tôi có duyên với các nghệ sĩ nữ

Nhóm thực hiện

Bài Du Nguyên Ảnh DY DUYÊN Stylist PHƯƠNG ANH Trang điểm ĐINH TRẦN Trợ lý NHÂN HUỲNH (nguồn  Tạp Chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)