Từ một người làm công việc chẳng liên quan gì đến nhiếp ảnh – kế toán, Đại Ngô dần yêu thích những bức ảnh, yêu việc đem lại niềm vui cho người được chụp. 13 năm trước, trong lần cầm chiếc máy ảnh đầu tiên, Đại Ngô không nghĩ anh sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia. 6 năm sau đó, quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp, Đại Ngô càng không nghĩ anh sẽ có một studio với 6 thành viên, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Từ lúc bắt đầu rẽ hướng sang lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp năm 2012, Đại Ngô luôn đặt trọn tâm huyết vào từng bức ảnh. Có thể gọi DaiNgo studio bằng cái tên thân thương hơn – “nơi lưu giữ ký ức” khi mỗi tấm ảnh là sự pha trộn hoàn hảo giữa cái tình của nhân vật và cái tâm của người đứng sau ống kính. Từng ánh mắt, cử chỉ, những khoảnh khắc cao trào hay cả phút giây bình dị đều được lưu giữ trọn vẹn. Trong một bài phỏng vấn với ELLE Man từ 4 năm trước, Đại Ngô từng chia sẻ: “Với nhiếp ảnh, tôi chú trọng khả năng nắm bắt cảm xúc và thần thái của nhân vật để tạo nên những khung hình đẹp và độc đáo nhất”. Đó cũng là kim chỉ nam cho DaiNgo studio trong suốt nhiều năm hoạt động.
Một trong những thế mạnh của DaiNgo studio là chụp ảnh sự kiện, gồm thảm đỏ, sân khấu, sàn runway, hậu trường. Bên cạnh việc gắn bó cùng các chương trình của Tạp chí Phái đẹp ELLE như ELLE Fashion Show, ELLE Style Awards, DaiNgo studio còn đồng hành cùng các chương trình ca nhạc của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, các show thời trang của những NTK tên tuổi. Bên cạnh đó, DaiNgo studio còn vinh dự là studio gần như duy nhất tại Việt Nam được “chọn mặt gửi vàng” trong rất nhiều sự kiện có mặt của những người nổi tiếng, ngôi sao quốc tế đến Việt Nam như: Richard Branson, David Beckham, Riyo Mori, Demi Lovato, Taio Cruz, Tata Young, Kelly Clarkson, 2NE1, Richard Marz, So Ji-jub, Xa Thi Mạn… Trong nhiều chương trình của những thương hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam như: Gucci, Porsche, Unilever, Coca Cola, Nars… DaiNgo studio chia sẻ cùng các thương hiệu những khoảnh khắc quý báu qua các bức ảnh. Phía sau những bức ảnh đẹp là một hành trình rất dài, nỗ lực không ngừng nghỉ và hoàn thiện bản thân liên tục.
“Tôi đã có một đời sống mãn nguyện cùng nhiếp ảnh”
Nghĩ về hành trình 10 năm cầm máy, anh nhớ điều gì đầu tiên?
Tôi nhớ về những tấm ảnh đầu tiên tôi chụp. Là bạn tôi bên bờ biển Cam Ranh với nụ cười trong veo, là mẹ, là em gái, là cô bé hàng xóm… được chụp bằng chiếc máy ảnh gia đình bé xíu, chụp bằng tình yêu, bằng bản năng chứ chẳng có kỹ thuật gì. Tôi còn nhớ những ngày sáng đi làm ở công ty, tối về háo hức đi chụp ở phòng trà, về đến nhà gần 1, 2 giờ sáng mà chẳng thấy mệt. Nhớ lần đầu tiên tôi được tin tưởng giao chụp sự kiện của công ty. Nhớ cả lần gom góp tiền để dành, cộng với số tiền mẹ cho mua chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đầu tiên. Niềm vui chưa kịp trọn, tôi đâm hoang mang vì không chụp được. Nhớ lần đầu tiên tôi cầm máy chụp sự kiện của ELLE… Ồ có lẽ tôi quá yêu quý những kỷ niệm của mình và nhớ nhiều quá rồi. Tôi nghĩ mình đã có một đời sống cùng việc chụp ảnh thật mãn nguyện.
Mãn nguyện…
Bởi tôi đã sống với tình yêu của mình, được làm công việc mình yêu thích, nó mang cho tôi niềm vui và cảm hứng mỗi ngày. Tôi có thể nuôi sống mình, gia đình và gầy dựng một team cùng chí hướng. Còn đòi hỏi gì hơn?
Điều gì đã khiến anh chọn nhiếp ảnh và ở lại cùng nó thay vì một ngành nào khác, vì công việc của anh tại thời điểm đó khá nhiều cơ hội rộng mở?
Mọi thứ xuất phát từ mong muốn mang lại niềm vui cho những nhân vật được chụp. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều quý giá. Có gì hân hoan bằng việc bạn cũng hòa trong bầu không khí đó, cảm nhận, san sẻ và giúp họ lưu giữ những khoảnh khắc. Đến thời điểm này, tôi nghĩ mình đã tìm được niềm đam mê đích thực và sống trọn vẹn với nó.
Nhiếp ảnh là nghề đòi hỏi tính cá nhân rất cao. Chụp ảnh làm nhân vật vui lòng liệu có mất đi bản sắc riêng?
Một bức ảnh lột tả được hết vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm của nhân vật tại thời điểm đó là món quà làm họ vui lòng. Với tôi, tính cá nhân của một bức ảnh không nằm ở việc buộc nhân vật phải thế này hay thế khác. Tôi thích sự tự nhiên, hài hòa. Tôi để nhân vật của mình tự do chuyển động, thoải mái bộc lộ cảm xúc của họ. Nhiệm vụ của tôi chỉ đơn giản là tập trung hết sức, chuẩn bị thiết bị tốt nhất để có thể “bắt” được những khoảnh khắc đó.
Anh nghĩ sao về những lời khen có cánh của mọi người dành cho mình, như Diva Trần Thu Hà có chia sẻ: “Đại Ngô là nhiếp ảnh gia chụp sân khấu tốt nhất ở thì hiện tại”?
Tôi biết ơn những nhân vật, khách hàng của mình. Nếu không có sự tin tưởng của họ, tôi đã không có được những bức ảnh đẹp, không có cơ hội đồng hành cùng họ trong các sự kiện quan trọng. Tôi trân quý tình cảm của mọi người dành cho mình. Tôi xúc động vì điều đó chứ không phải vì những lời ngợi khen dù cộng sự của tôi nói nó có giá trị về mặt thương hiệu. Tôi dự định tập hợp những chia sẻ của các anh chị nghệ sĩ, đối tác như một lưu dấu những kỷ niệm, nhân cuốn sách đánh dấu hành trình hơn 10 năm chụp ảnh của tôi. Đối với tôi, những lời khen đó là nguồn động viên, thôi thúc tôi tìm kiếm và hoàn thiện bản thân hơn nữa. Hoặc đôi khi, nó là nguồn an ủi những lúc tôi quá mệt, đối mặt với những phiền toái bất ngờ ập đến.
Ngược lại, nếu có ai bày tỏ sự không thích hoặc góp ý, anh sẽ…
Tuân Tử có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Thời điểm mới bắt đầu chụp ảnh, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một đội ngũ như hiện tại. Nhưng rồi mọi thứ đã đến, các bạn đã đến như một cái duyên. Nhiều người đến rồi ra đi. Nhưng cũng có những người chọn ở lại. DaiNgo studio đi được đến hôm nay chính là nhờ những chia sẻ, góp ý từ bạn bè. Lắng nghe, quan sát, thay đổi, đón nhận những cái mới là một trong những điều chúng tôi đặt lên hàng đầu.
Cân bằng là yếu tố hàng đầu trong mỗi bức ảnh
Đâu là những thay đổi và điểm “cố định” trong tính cách của anh để làm nên một bức ảnh đẹp?
Tôi thấy mình “già” hơn và “đời“ hơn. Nói cách khác, tôi biết cách cân bằng mọi khía cạnh trong đời sống. Những bức ảnh của tôi và sau này là DaiNgo team thường chọn điểm dừng ở sự cân bằng. Tôi muốn thấy nhân vật của mình trong những thời khắc hân hoan, thăng hoa nhất. Nhiếp ảnh cũng như đời sống vậy: cũng có những chuyện đẹp và không đẹp, vui – buồn và cả những vùng xám. Nỗi buồn luôn cần thiết để cuộc sống thêm đậm vị. Khi đi qua nỗi buồn, niềm vui vì thế rực rỡ hơn, bay bổng hơn. Tôi nghĩ, người ta thường có xu hướng lưu giữ niềm vui hơn nỗi buồn. Sự háo hức khi chụp được một bức ảnh đẹp là điều không thay đổi trong tôi. Bạn tin không, bây giờ niềm háo hức trước mỗi buổi chụp vẫn đầy ắp như những ngày đầu tôi tập tễnh cầm máy. Chương trình kết thúc, tôi lại rất mong chạy ngay về nhà, đổ ảnh ra máy, ngắm nghía chúng. Dù khi đó trời đã gần sáng và tay chân thì rã rời…
Thăng hoa trong nhiếp ảnh đến vậy nhưng những vùng xám anh phải đối mặt là gì?
Đó là những câu chuyện không được đẹp ở hậu trường. Là khi bạn đang tác nghiệp thì những người chụp khác đến tranh vị trí đẹp. Là khi khách hàng của bạn vừa đặt lịch hẹn bạn vừa hẹn một bên khác cùng vị trí chụp… Những việc này nói nhỏ là nhỏ mà nhìn to là to. Nó như một gáo nước lạnh dội vào tâm trạng, khiến cả nhóm bị phân tâm.
Đã bao giờ anh cảm thấy chán chụp ảnh chưa?
Vì chụp hàng trăm, hàng nghìn sự kiện thì cũng chừng ấy con người, chừng ấy mô thức? Những khi như thế, tôi luôn tự hỏi mình dừng lại hay bước tiếp? Và tôi đã chọn bước tiếp. Điều khiến tôi sợ nhất là chụp ảnh nhân vật nào cũng hệt nhân vật nào, làm mất đi bản sắc của họ. Do đó, tại mỗi buổi chụp, chúng tôi thường tương tác với nhân vật theo cách họ “giao tiếp” với chúng tôi. Tại những sự kiện khác nhau, gặp gỡ những con người khác nhau, cảm xúc hiếm khi lặp lại bao giờ.
Còn sự cạn kiệt thì sao, đã có lúc nào anh thấy mệt mà vẫn phải cầm máy lên và chụp?
Tôi nuôi dưỡng đời sống của mình bằng những niềm vui mỗi ngày. Tôi rất dễ vui, dễ cảm thấy hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi như thấy một chiếc lá vàng trên đường hay một vệt nắng loang. Chỉ cần chừng đó thôi đã đủ cung cấp nguồn năng lượng tích cực nuôi dưỡng tinh thần tôi mỗi ngày.
Mạng xã hội đã và đang tác động đến mọi mặt trong đời sống. Thi thoảng, anh cũng chia sẻ vài bức ảnh chụp trên trang cá nhân. Những lời khen chê trên mạng xã hội có khiến anh bị tác động?
Ban đầu thì có, nhưng giờ hết rồi.
Cùng nhau chúng tôi là một gia đình
Đâu là những giá trị cốt lõi để phân biệt một bức ảnh của DaiNgo studio và bức ảnh của những nhiếp ảnh gia khác?
Mỗi bức ảnh của DaiNgo studio đều phản chiếu tâm hồn, cách sống, suy nghĩ của DaiNgo team. Bạn có thể giả vờ vui, giả vờ buồn, giả vờ háo hức. Nhưng bạn chẳng thể giả vờ rằng tâm hồn bạn đang tĩnh lặng, cân bằng. Sự cân bằng đó được nuôi dưỡng mỗi ngày, từ những điều quan sát mắt có thể nhìn thấy đến cách chăm sóc bên trong. Tâm hồn cũng giống như một cơ thể đang sống. Bạn phải cho nó “ăn”, “uống”, ngơi nghỉ. Bạn phải trò chuyện cùng nó, lắng nghe nó. Trong hình ảnh đâu chỉ có màu sắc, chúng còn có âm thanh, sự chuyển động. Khi bạn đạt đến trạng thái bình yên, tâm hồn thoải mái, những bức ảnh của bạn sẽ tự toát lên tinh thần đó. Một bức ảnh đẹp là bức ảnh mang đến cho bạn niềm vui ở thời điểm hiện tại. Nhưng 3 hoặc 5 năm sau đó, xem lại nó bạn vẫn có thể mỉm cười. Do đó, mỗi bức ảnh của DaiNgo studio hạn chế việc photoshop. Giới hạn cho việc chỉnh sửa ảnh dao động khoảng 5 – 15%. Ngoài tính chân thật, chúng tôi còn lưu ý đến thông tin truyền tải trên mỗi hình ảnh. Nó phải đẹp, rõ ràng và tác động mạnh đến người xem ảnh.
Một nhiếp ảnh gia thành công, ngoài chụp hình đẹp còn cần kỹ năng quản lý giỏi, từ kinh doanh, đầu tư tài chính cho đến quản trị nhân sự. Tôi thấy anh đã và đang bước những bước chắc chắn với đội của mình. Anh đã gắn kết các thành viên với nhau bằng cách nào? Làm sao để mỗi thành viên độc lập mà vẫn duy trì được tinh thần anh muốn mang lại?
Studio của chúng tôi như một gia đình. Chúng tôi xây dựng văn hóa sẻ chia, lấy yêu thương làm cốt lõi. Tôi thương team mình như những đứa em trong nhà. Có chuyện gì cũng chia sẻ, cũng kể dù đôi lúc tôi biết, tụi nó sẽ có cảm nghĩ sao mình lắm lời. Cũng vì thương tụi nó quá nên nhiều lúc thấy mấy đứa làm sai, hoặc có những chuyện phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi rất giận. Mãi sau này, tôi mới hiểu tụi nó sợ tôi la ghê lắm. Khi người ta sợ thì việc tiếp thu ý kiến rất hạn chế. Tôi bắt đầu điều chỉnh. Tính tôi vậy, mỗi khi thấy ai làm sai, tôi thường tự trách mình, là do mình truyền đạt không đúng, nói không rõ ràng, dẫn đến sai. Bạn tôi thì bảo, phải buông bớt mấy đứa ra để tụi nó trưởng thành. Rồi tụi nó sẽ làm được nhiều điều hơn tôi nghĩ. Tôi thì đang nghĩ, chắc có lẽ đã đến lúc.
Chặng đường tiếp theo của anh, sau cột mốc 10 năm sẽ là…
Một Daingo studio mang được nhiều giá trị hơn cho khách hàng và xã hội. Các thành viên của DaiNgo team ổn định cuộc sống hơn, nâng cao thu nhập hơn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE