Đằng sau những thành công đó vẫn là một Hien Le nhạy cảm, nhẹ nhàng không ngần ngại chia sẻ về những trăn trở, thách thức của một NTK trẻ quyết tâm xây dựng giấc mơ và thương hiệu của riêng mình.
Những thay đổi lớn nhất của Hien Le từ lần cuối anh đến Việt Nam vào năm 2014 để tham dự ELLE Fashion Show là gì?
Từ lúc đó, mọi thứ vẫn tiếp tục, tôi vẫn đều đặn làm những BST mới, cố gắng từng ngày để phát triển thương hiệu của mình, thu hút nhiều khách hàng hơn. Làm thời trang Việt Nam là công việc kinh doanh không dễ dàng chút nào nhưng tôi đang được làm công việc trong mơ của chính mình. Sau mỗi năm, dấu ấn mang tên Hien Le được phát triển một cách chặt chẽ hơn. Tôi đang được sống trong giấc mơ của mình.
Cách tiếp cận thời trang của anh có thay đổi không?
Tôi vẫn làm theo một cách có thể được cho là cổ điển: bắt đầu từ ý tưởng, cảm hứng. Tôi sẽ vẽ một vài bản phác thảo, ghi lại các bước về kỹ thuật rồi bắt tay vào vẽ và cắt rập. Đôi khi đội ngũ sản xuất của tôi có thể nghĩ ra được cách hay hơn để thể hiện ý tưởng đó. Sau đó chúng tôi bắt đầu chọn màu sắc, chất liệu.
Anh đã từng nói rằng mình không quá mê mạng xã hội. Bây giờ anh có suy nghĩ khác không?
Mọi thứ đều thay đổi quá nhanh và tôi hiểu mình cần phải tận dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu. Tôi vẫn còn phải làm quen và học hỏi thêm nhiều mặc dù tôi đang có người giúp mình trong việc này. Tôi rất thích sử dụng Instagram nhưng bạn phải tìm được sự cân bằng khi chia sẻ những thông tin về cuộc sống cá nhân và những gì liên quan đến kinh doanh, thương hiệu.
Anh đã được Vogue Ý giới thiệu để thực hiện BST đặc biệt cùng thương hiệu Mini. Cảm hứng cho BST đó là gì?
Tôi rất vinh dự được là 1 trong 5 NTK tham gia dự án này cùng Mini, một thương hiệu nổi tiếng về phong cách sống. Ý tưởng của tôi là phát triển họa tiết in trên chiếc áo sweatshirt, xuất phát từ câu hỏi “khái niệm unisex – phi giới tính” thật sự có ý nghĩa gì đối với riêng tôi và cả trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay.
Anh có cảm thấy mình phải chịu áp lực để được thành công và nổi tiếng như những NTK khác không?
Tôi nghĩ lúc nào cũng có luồng áp lực cả, cho dù bạn là ai và đang làm gì. Mỗi một mùa mới tôi lại cảm thấy áp lực đó. Tôi phải làm sao để BST mới nhất tốt hơn BST trước, phải làm các buyers hài lòng hơn… Sự lo lắng khi mình có thể mất một khách hàng cũng đáng sợ như khi mình không có thêm một khách hàng mới nào, hay cảm giác BST của mình làm ra không thể bán được mặc dù bạn hài lòng với chúng. Không gì là chắc chắn cả.
Anh làm thế nào để vừa đảm đương việc thiết kế, đồng thời quản lý kinh doanh và đội ngũ nhân viên?
Đôi lúc tôi cũng phải tự hỏi mình câu hỏi này. Kinh doanh thật sự rất khó, tôi vẫn phải vật lộn và cố gắng mỗi ngày. Có khi tôi thấy mình đã khá hơn, nhưng cũng có khi thấy mình chưa đủ giỏi. Tôi vẫn làm đa số mọi việc một mình, từ thiết kế đến làm sổ sách. Tôi có trợ lý để phụ giúp, và làm việc với freelancers nhưng tôi vẫn chưa có nhân viên chính thức. Để thuê được nhân viên và giữ được họ thật không dễ chút nào.
Một trong những khách hàng lớn của anh là Voo Store. Theo anh các buyers thường quan tâm đến những khía cạnh nào của một NTK trẻ?
Voo cũng là một trong những khách hàng lớn đầu tiên của tôi. Tôi đã vô cùng vui mừng khi họ gửi đơn hàng đầu tiên và đã đồng hành cùng tôi đến tận bây giờ. Đối với một NTK trẻ như tôi, đó là một sự hỗ trợ vô cùng ý nghĩa. Họ không bắt tôi phải ký gửi hàng hóa, hay chỉ order một BST duy nhất. Họ sẽ theo dõi bạn trong suốt 3 mùa liên tiếp để đánh giá. Dĩ nhiên họ cần những BST mang tính thời trang và cả tính kinh doanh. Bạn cần trung thành với đặc điểm của riêng mình. Những lời khuyên từ người trong ngành luôn rất hữu ích, nhưng quan trọng hơn cả bạn vẫn phải biết rõ mình muốn gì và chọn những gì đúng nhất, phù hợp nhất với mình.
Một đề tài nóng hổi đang được bàn tán rất nhiều hiện nay là “see now buy now”. Quan điểm của anh về vấn đề này là gì?
Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cần lắng nghe người tiêu dùng cần gì và muốn gì. Những thương hiệu lớn như Burberry đang tiên phong trong việc thay đổi cách vận hành, nhưng mọi thứ lại khó khăn hơn cho những thương hiệu nhỏ như chúng tôi. Thách thức lớn nhất là bạn phải sản xuất sản phẩm trước khi nhận được phản hồi từ các buyers và khách hàng. Khi đã sản xuất đồng nghĩa với chi phí phải bỏ ra, bạn cũng cần chiến lược điều phối hàng hóa tốt… Tất cả những yếu tố này là thách thức lớn cho những thương hiệu mới với nguồn vốn nhỏ như chúng tôi.
“Thời trang bền vững” cũng là hướng phát triển được nhiều thương hiệu quan tâm. Anh nghĩ các NTK có thể phát triển theo khái niệm này như thế nào?
Đây cũng là vấn đề tôi đã nghĩ đến ngay từ lúc mới bắt đầu thương hiệu của mình. Sẽ không quá khó nếu bạn bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. Đối với tôi việc sản xuất tất cả tại Đức và hỗ trợ cho cộng đồng bản địa là rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ đến việc mình sẽ sản xuất tại Việt Nam, không phải vì giá thành mà vì sản phẩm của mình sẽ mang tính bản địa, nhưng thuế và việc xuất nhập khẩu là một thử thách lớn. Thời trang bền vững không có nghĩa là bạn phải sử dụng vải tự nhiên, chất liệu “fair trade” mà sử dụng chất liệu được sản xuất trong nước cũng có ý nghĩa tương tự.
Cảm ơn Hien Le về những chia sẻ thú vị này.
BÀI LIÊN QUAN
Bài học lớn nhất về sự nghiệp?
Bạn phải rất kiên nhẫn vì xây dựng thương hiệu của riêng mình là một công việc dài hơi, đòi hỏi bạn phải tin và yêu những gì mình đang làm. Hãy đấu tranh để giấc mơ trở thành sự thực, và đừng bỏ cuộc khi mọi việc vẫn còn trong tầm tay.
Điều gì luôn thôi thúc anh tiếp tục sáng tạo?
Có thể là một bộ phim, âm nhạc, nghệ thuật, hoặc cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày, khi được gặp gỡ mọi người, đi du lịch… Tôi có sẵn rất nhiều ý tưởng để sáng tạo, vấn đề khó hơn lại là làm thế nào để sắp xếp thời gian, lịch làm việc để thực hiện những ý tưởng đó.
———
Xem thêm
Hiền Lê – Bộ sưu tập thời trang Thu-Đông 2015
Con đường trở thành nhà thiết kế thời trang
Nhà thiết kế thời trang gốc Việt vào top 6 Y.E.S Awards
Phỏng vấn nhanh nhà thiết kế Hiền Lê
Nhóm thực hiện
Liên Chi (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)