Nữ nghệ sĩ
(Phái đẹp – ELLE) Dù tỉ số rất chênh lệch nhưng có lẽ không thể thiếu phụ nữ trong bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật của nhân loại.
Frida Kahlo, một trong những nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất thế kỷ 20
Nếu giở bất cứ cuốn lịch sử nghệ thuật nào ra, phần đông những người thành đạt đều là đàn ông, hy hữu lắm mới có một nghệ sĩ thuộc phái nữ. Đó là sự bất công thuộc về tự nhiên, cho dù xã hội phấn đấu không ngừng cho sự bình đẳng giới. Phụ nữ tham gia làm nghệ thuật, chủ yếu là biểu diễn – nhạc công, vũ công, ca sĩ. Còn người biên soạn, chỉ đạo nghệ thuật, phần nhiều là đàn ông. Người ta thấy rằng ở các môn khoa học và nghệ thuật, phụ nữ theo học rất đông và học rất giỏi, nhưng khi ra trường, họ bắt đầu dừng bước, có thể vì năng lực sáng tạo không vươn xa được, có thể vì những trách nhiệm xã hội và gia đình kìm hãm những sáng tạo của họ.
Năm 2010, người ta tổ chức triển lãm nghệ thuật (hội họa, nhiếp ảnh, sắp đặt) có chủ đề Mất bản sắc, vòng quanh 10 bang nước Mỹ cho 10 nghệ sĩ Việt Nam: Đặng Thị Khuê, Đinh Ý Nhi, Đinh Thị Thắm Pông, Nguyễn Bạch Đàn, Nguyễn Thị Châu Giang, nhiếp ảnh gốc người Mỹ gốc Việt An My Lê… Văn hóa truyền thống phai mờ, sự chạy đuổi theo đồng tiền làm đảo lộn những giá trị nhân văn… đã được phản chiếu rất rõ qua các tác phẩm của các nữ nghệ sĩ.
Trong hội họa, giữa hàng vạn họa sĩ là đàn ông, vẫn có ba phụ nữ nổi bật, rất đặc sắc là Georgia O’keeffe (1887 – 1986), Frida Kahlo (1907 – 1954), Berthe Morisot (1841 – 1895). Dù tỷ số rất chênh lệch, nhưng có lẽ không thể thiếu phụ nữ trong bức tranh toàn cảnh về hội họa của nhân loại.
Giữa hàng vạn nhà Nho làm thơ, thế mà người ta lại nhớ đến nhiều hơn Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương và Bà huyện Thanh Quan. Tại sao vai trò của phụ nữ lại khiêm nhường trong nghệ thuật với các môn sáng tạo, còn là một câu hỏi về tâm sinh lý, về thiên năng và về phân công lao động xã hội, trong đó nghệ thuật là một hoạt động tinh thần bậc cao không dễ lý giải. Nguyễn Du cho rằng người ta có phận, hay thân phận, vậy có phận đàn ông và phận đàn bà. Cái phận đàn bà nhìn ở khía cạnh đời thường rất dễ, nhưng không dễ nhìn ở dưới khía cạnh nghệ thuật.
Chỉ có những nhà văn nữ mới có thể viết nên các tiểu thuyết Đồi gió hú (Emily Bronte), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Colleen Mrculough)… Trong nghệ thuật không thể thiếu tình yêu và liệu còn ai viết về điều đó hay hơn, sinh động hơn phụ nữ?
Trước thế kỷ 19, khi bình đẳng giới chưa được đặt ra, phụ nữ không được tham gia vào hệ thống kế thừa nghệ thuật. Nghệ thuật chưa có trường đào tạo, người ta học tại xưởng của các nghệ sĩ và chỉ có học viên. Trừ các lĩnh vực liên quan đến việc biểu diễn trên sân khấu, ca hát, nhảy múa, các ngành sáng tạo nghệ thuật không hề có sự tham gia của phụ nữ và họ cũng không được truyền thụ, đào tạo kiến thức nghệ thuật như nam giới.
Phụ nữ tham gia vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, làm đạo diễn, họa sĩ, nhà văn, nhà soạn nhạc phần nhiều từ cuối thế kỷ 19 đến nay, với không ít thành tựu đặc sắc, trong khi vẫn đảm nhiệm tốt vai trò làm vợ và làm mẹ.
Và nói như Gandhi: Phụ nữ không thể từ bỏ bếp chạy ra ngoài đường, nhưng cũng không nên từ bỏ ngoài đường mà ở luôn trong bếp.
Nhà Phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng
Bài Phan Cẩm Thượng
Phái đẹp ELLE
ELLE.VN