Nguyễn Thiên Ngân: “Muốn xuất bản thơ văn ra quốc tế”
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 3/2019] Từ Ngân, người ái ngại với sách vở cũng trở nên rung động với thơ. Từ Ngân, người ta trích dẫn thơ lên mạng xã hội, đón mua thơ và đến với các buổi ký sách bằng một tâm thế hồ hởi. Từ Ngân, người ta nhận ra việc viết sách, xuất bản sách và được yêu mến có thể xảy ra ở tuổi đời rất trẻ miễn bạn có thể kết nối với xúc cảm của đám đông.
Bắt đầu với quyển thơ đầu tiên bạn xuất bản là “Mình phải sống như mùa Hè năm ấy”, cơn cớ nào mà bạn xuất bản tập thơ?
Trước đây tôi được biết đến là một tác giả truyện ngắn. Tôi chỉ lâu lâu viết thơ và đăng lên mạng xã hội như một cách chia sẻ, không ngờ lại được “like” và trích lại nhiều đến vậy. Thế nên tôi gom lại thành cuốn và xuất bản, bìa sách thiết kế đơn giản bằng powerpoint và tôi cũng không ngờ là cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Cứ thế thôi…
Bí mật để làm thơ được yêu thích của bạn là gì?
Là len lén “hack” vào suy nghĩ của người ta. Ai cũng tư duy bằng ngôn ngữ. Khi ta dùng ngôn ngữ tương đồng với cách người đọc suy nghĩ, là ta đã tự nhiên đi vào tâm trí họ. Người ta sẽ dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm ở những cảm xúc, suy nghĩ, lời lẽ tương đồng với họ. Những phản ứng tâm lý và lời lẽ quá cao siêu sẽ không kết nối được với đám đông và với chính mình. Tôi rất hay nhận được tin nhắn nói: “Chị ơi em đọc thơ văn chị viết như thể dành riêng cho em”.
Tôi có thể nói là “mạng xã hội tạo ra Thiên Ngân” được không?
Cũng có thể nói vậy. Dù không có mạng xã hội thì tôi vẫn viết thôi vì viết là hơi thở của tôi. Nhưng có sự tương tác và đón nhận từ thế giới mạng khiến tôi có động lực để sẻ chia những sáng tác mà lẽ ra tôi chỉ dành cho chính mình. Rất nhiều người nói họ từng coi thơ văn là cái gì xa vời nhưng từ khi đọc những gì tôi viết, họ nhận ra thơ cũng dễ hiểu, dễ đồng cảm.
Mạng xã hội nói riêng và thời đại số nói chung rõ ràng đã thay đổi cách thế giới làm thơ. Hiện nay bạn có thể thấy có rất nhiều tác giả nước ngoài là “Instagram poets” – họ sáng tác ra những câu thơ ngắn, được thiết kế hấp dẫn để có thể dễ dàng được lan toả. Tôi nhờ mạng xã hội mới được chia sẻ nhiều, nên càng phải ý thức việc giữ cho những gì mình viết ra không bao giờ dễ dãi. Dù là ngôn ngữ đời thường như hơi thở, tôi vẫn luôn hi vọng chúng khơi gợi được suy tưởng nào đó trong lòng độc giả, chứ không phải để đọc chơi cho thuận mắt thuận tai một lần rồi trôi vào thinh không.
Từ sau Ngân, tôi thấy có rất nhiều bạn cũng làm kiểu thơ như Nguyễn Thiên Ngân tức là thơ bình dị như nói và gắn liền với đời sống. Bạn nghĩ sao?
Tôi không biết có sự liên quan nào giữa mình và những tác giả ấy không. Nhưng nếu tôi có thể truyền cảm hứng cho ai đó thì cũng vui.
Làm thơ có tiền không?
Không. Nhưng thơ giúp tôi giải tỏa. Công việc chính của tôi là làm sáng tạo trong ngành quảng cáo và ở đó, mỗi câu tôi viết đều phải vì một cái gì đó, vì một ai đó; dựa trên các dữ liệu nghiên cứu, các kết quả điều tra, để hợp tai hợp ý của nhiều người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Còn thơ là một cách viết đối lập hẳn với guồng quay ấy, cho tôi tự do sáng tạo tuyệt đối mà không ai có thể chạm vào. Trên một chuyến xe đến văn phòng, một trang giấy nhỏ cũng có thể trở thành không gian riêng tư nhất để tôi sáng tạo.
Tôi nhớ mãi câu nói của Bill Cunningham (nhiếp ảnh gia đường phố người Mỹ – NV) đó là: “Don’t take money”, khi đó, bạn mới được làm điều mà cả trái tim và trí óc của bạn cùng nung nấu. Tôi không sống được nhờ thơ, như nhiều tác giả tài năng được mệnh danh là “Insta poet-entrepreneur”. Nhưng thay vào đó, tôi có được tình cảm, sự đón nhận, tình bạn và những cuộc hội ngộ. Ví dụ như trong chuyến đi Mỹ năm ngoái của tôi, có những độc giả nhắn tin ngỏ lời đưa tôi đi thăm thú, hẹn gặp cà phê, từ đó ra nhiều cơ duyên thú vị. Lại cũng có những độc giả đặt tên con gái theo tên tôi. Cũng có những độc giả đã đọc tôi từ hồi tiểu học, đến bây giờ đã ra trường đi làm, ngày nọ ôm một chồng mười mấy cuốn đến nhờ tôi ký tặng… Những phần thưởng ấy, tôi nghĩ còn quý giá hơn “có tiền” (cười).
Còn có gì Ngân muốn làm với thơ văn không?
Ngoài những gì đã làm được thì tôi đã làm được gì đâu?. Tôi dự định thu xếp công việc rồi sẽ đi du học chuyên ngành sáng tác. Tôi muốn trang bị cho mình sự tập trung nghiêm túc và những kỹ năng thiết yếu để hướng đến một tác phẩm được cả giới học thuật và công chúng đón nhận; để tên tôi được biết đến như một tác giả chứ không phải một cây bút trên mạng xã hội. Có thể năm 40, 50 hoặc 60 tuổi tôi mới chạm đến được dự định ấy, nhưng ý niệm về nó luôn là ngôi sao Bắc Đẩu dẫn lối cho tôi. Tôi cũng chưa xuất bản ra thế giới, và đó là điều tôi muốn làm.
Xin cảm ơn bạn và chúc bạn thành công!
—
Xem thêm
Virginia Woolf, người đặt nền móng cho lý thuyết phê bình nữ quyền luận trong văn học
Bài: Khánh Ngọc
Ảnh: Nhật Minh
Makeup: Tuấn Nguyễn
Stylist & Sản xuất: Hoàng Lê
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE