Có vẻ hai từ “nỗi sợ” là không đủ để diễn tả cho giai đoạn bước đi một mình của Mỹ Anh. Bạn đã chuẩn bị gì cho lần xuất ngoại đầu tiên đến với lễ hội âm nhạc “Head in the Clouds”?
Nếu nhìn vào thời gian để so sánh, tôi đã thay đổi khá nhiều về cảm xúc, mối quan hệ với sân khấu. Mới năm ngoái tôi vẫn giữ cái suy nghĩ, hay thôi không làm ca sĩ nữa. Tôi từng không thể trả lời phỏng vấn, thấy khó khăn khi trò chuyện với những người không quen. Nhưng đó là một quá trình. Sợ là cảm xúc rất tự nhiên, tôi có thể học chuyển hóa nó dần thành nỗi háo hức. Những khoảnh khắc trong đời sống này chỉ xảy ra một lần thôi. Như lễ hội âm nhạc ấy chỉ ở đó một lần duy nhất. Lần này tôi sẽ hợp tác với anh rể (Eric Derwallis) đang sống ở Mỹ. Tôi đã chuẩn bị một set gồm 5 bài nhạc. Anh Eric sẽ là người đạo diễn cho set diễn của tôi, cũng như tham gia phối khí. Tôi cũng phải tập thể lực, luyện thanh với mẹ. Nhiều lúc vừa tập xong tôi sẽ hát luôn trong lúc nghỉ để luyện cái cảm giác vẫn có thể kiểm soát giọng hát trong lúc tim đang đập nhanh (cười).
—
“Những bài hát sẽ có đời sống riêng và nó chỉ là những dấu mốc trong khoảng thời gian nhất định. Bài hát vẫn sẽ sống như cách nó sinh ra còn tôi thì lại luôn trong quá trình thay đổi và phát triển”.
Là người may mắn được hỗ trợ từ nhiều phía, biểu tượng “Pillars” mà Mỹ Anh từng đề cập trong ca khúc của mình là cái bạn muốn vươn tới hay thực ra nó vốn dĩ là “Pillars” mà bạn đã sở hữu?
Ồ! Tôi rất thích câu hỏi này. Rất nhiều lần tôi hay bối rối và buồn. Khi tôi vừa viết về Pillars vừa phát hành Yên, cả hai đều nói lên sự cứng rắn, an yên, bình tĩnh của một người trong khi chính tôi về mặt tinh thần còn chưa đạt được đến mức độ đó. Ơ, sao mình lại viết ra những thứ mà mình còn không chắc về nó? Tôi đã có một cuộc chuyện trò với chị gái. Chị gái đã giúp tôi tỉnh ra khi nói: “Em không phải là những bài hát của em“. Những bài hát sẽ có đời sống riêng và nó chỉ là những dấu mốc trong khoảng thời gian nhất định. Bài hát vẫn sẽ sống như cách nó sinh ra còn tôi thì lại luôn trong quá trình thay đổi và phát triển. Pillars với tôi là một ý tưởng lớn, không thể định nghĩa cụ thể, nhưng theo ý chị muốn hỏi thì tôi nghĩ nó nằm ở cả hai hướng. Những cái pillar đó cũng không cố định theo thời gian.
Có bao giờ Mỹ Anh nghĩ, sao mình không cứ “chill” với sự chông chênh của tuổi 19?
Lúc thấy bản thân rối hơi bị lâu thì tôi lại… ơ những thứ cảm xúc này có thể đang đến đúng thời điểm. Đây là một khoảng thời gian sẽ không trở lại với tôi lần nữa vì cảm xúc mới sẽ đến. Tôi vẫn thường tự nhắc mình nếu đang chông chênh thì cũng hãy cứ yêu thương những cảm xúc tiêu cực như thế này. Mỗi lần chơi vơi tôi phải cố gắng trở về cái suy nghĩ rằng mình vẫn đang trẻ, vẫn vừa bước vào một thế giới rất mới. Cố gắng thích nghi bằng nhiều cách thôi! Tôi cũng cố không suy nghĩ quá về tương lai vì sợ nó nuốt mình mất.
—
“Tôi vẫn thường tự nhắc mình nếu đang chông chênh thì cũng hãy cứ yêu thương những cảm xúc tiêu cực như thế này”.
Wren từng cho rằng Gen Z là thế hệ của những người trẻ lớn lên trong lồng kính. Bạn nghĩ sao về cách nhìn này? Việc phải bước ra khỏi “lồng kính” có khó khăn không?
Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn khi được lớn lên giữa những người không chỉ yêu thương mình mà còn hoàn toàn có thể hiểu cũng như chia sẻ được đam mê cùng nhau. Đó là một điều vô cùng đặc biệt mà tôi sẽ không bao giờ lạm dụng. Tôi cũng đang cố suy nghĩ về cái lồng kính. Nó có thể là cái không gian của việc tôi đang tìm hiểu xem mình muốn gì. Cái lồng kính ấy chính là bản thân tôi, là suy nghĩ của tôi về âm nhạc. Chính tôi đã cố từ chối thế giới hiển nhiên mà mình thuộc về để rồi nhận ra đây mới là đam mê của mình. Và khi đã đi ra ngoài và tự tìm hiểu về âm nhạc, tự sáng tác, có cơ hội diễn những bài hát của mình trên sân khấu thì tôi mới thật sự nhận ra nó khác lắm. Rất khác so với lúc đứng hát một bài do bố mẹ mình sáng tác, hay hát nhạc của ai khác mà tôi phải học thuộc lòng. Từ khoảnh khắc ấy cái lồng kính bắt đầu không còn nữa.
Những nghệ sĩ trẻ có thể tự thực hiện hầu như tất cả công đoạn cho sản phẩm của mình như Mỹ Anh khiến người khác phải thốt lên lời ca ngợi thế hệ mới là toàn năng. “Toàn năng” là minh chứng sức nặng hay rốt cuộc là gánh nặng của thế hệ mới?
Tôi nghĩ thời đại bây giờ sở hữu công nghệ rất khác so với ngày xưa. Việc làm nhạc và cơ hội tiếp cận những công cụ làm nghề không quá khó khăn. Chúng tôi thuộc thế hệ may mắn khi sở hữu được nhiều sự thuận tiện từ công nghệ. Nhưng tôi không cho rằng tài năng là do thế hệ. Thành công phụ thuộc vào tùy từng cá nhân, cách mà mỗi người theo đuổi mục đích của mình, tự tạo cho bản thân động lực để tiến lên. Câu hỏi của chị làm tôi nhớ về bố mình. Khi ông đi du học ở nước ngoài, Internet chưa phổ biến, cũng không hề có studio riêng để thực hành. Bố tôi chỉ có những quyển sách và đọc nó để tự học về phối khí, làm tất tần tật để xây dựng một phòng thu. Điều này tạo ra một áp lực lên thế hệ của chúng tôi. Một thứ áp lực tốt. Bây giờ mọi thứ quá dễ để học, khiến những người làm nghệ thuật phải tự thúc bản thân nhiều hơn, bởi vì tiêu chuẩn về nghệ thuật và cái đẹp không phải cứ nhanh và dễ mà đạt được.
Âm nhạc Mỹ Anh theo đuổi được đánh giá là kén người nghe. Tôi không nghĩ vậy. Sử dụng ngôn ngữ âm nhạc thịnh hành toàn cầu đơn giản là có thể do bạn được nuôi dưỡng trong thế giới âm nhạc đa dạng, hay phải chăng bạn có toan tính mở rộng biên giới phủ sóng của mình?
Thật ra tôi vẫn là một người mới bắt đầu và đang trong quá trình hiểu hơn về sắc màu âm nhạc của mình. Tôi vừa hoạt động và vừa tìm hiểu, không tính toán trước. Cứ từng bước nhận ra những thứ mới và tự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Mỗi người đều có mục tiêu riêng. Sau một khoảng thời gian suy nghĩ, tôi cho là âm nhạc mình không kén như đánh giá chung. Tôi chỉ đang làm ra những sản phẩm phù hợp với thế hệ của mình. Và tôi làm với tâm thế tự nhiên nhất. Kể cả so với xu hướng toàn cầu thì nhạc của tôi vẫn còn đơn giản hơn rất nhiều. Đến giờ tôi cũng không hiểu sao mọi người lại nói tôi làm nhạc “chuyên môn” quá! (cười).
Tôi chưa bao giờ cố làm ra những điều phức tạp. Tôi chỉ cố gắng làm ra những điều hay nhất đúng với khả năng, phản chiếu lại đúng những cảm xúc mình đã trải qua một cách tự nhiên nhất. Nghệ thuật tuyệt vời lắm chị à. Tôi nên quý trọng nó hơn.
—
“Đến giờ tôi cũng không hiểu sao mọi người lại nói tôi làm nhạc “chuyên môn” quá!”.
Đâu là bất lợi và khó khăn mà bạn nghĩ thế hệ Gen Z phải đối mặt?
Tôi nghĩ mọi thứ đều là con dao hai lưỡi. Công nghệ, Internet hay mạng xã hội cũng vậy. Nó giúp tôi học tập, thể hiện sức sáng tạo và kết nối. Hãy tưởng tượng nếu không có Internet thì chúng ta sẽ phải trải qua một mùa dịch, đóng cửa bên trong nhà như thế nào? Mặt khác, thế hệ chúng tôi không thể ngừng kết nối, nó là một cơn nghiện. Tôi cũng là một kẻ nghiện. Như bạn bè mình, tôi cũng bị lạc lối trong thế giới ảo nhiều hơn là sống với giây phút hiện tại của chính mình ở đời thực, so sánh lẫn nhau và gánh lấy nhiều áp lực vô nghĩa.
Mỹ Anh hay so sánh bản thân với ai? Một cô gái trẻ như bạn có thể tự nhìn ngắm được bản thân không? Như là thấy mình xinh?
Ơ nhiều lắm! Có những người tôi còn không biết họ là ai, họ cứ hiện lên một cách ngẫu nhiên trên màn hình. Và tôi sẽ lập tức cảm thấy: Ơ sao xinh thế, hay thế! Liệu mình có bằng không? Bạn bè tôi cũng đều giống vậy. So sánh là hành động rất con người. Chỉ là phải biết đủ. Điều quan trọng là phải rèn luyện sự tập trung vào mình. Trước đây tôi không biết trả lời câu hỏi tự nhận xét đâu (cười). Nhưng tôi đã bắt đầu suy nghĩ về bản thân mình nhiều hơn và khái niệm thế nào là xinh. Người ta thường sẽ không dừng lại để tự đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn mà họ bị ảnh hưởng, hoặc thứ mà họ đang nhận xét. Tôi chỉ muốn luôn có thể tự nhắc bản thân là mình đẹp, và học cách nhìn ngắm cái đẹp đa dạng đến từ những người xung quanh mình. Mọi tiêu chuẩn đều không thật. Nhưng đúng là tôi đang tập việc cảm thấy thoải mái với khuôn mặt của mình, với giọng hát của mình. Tôi nhiều lúc vẫn ngạc nhiên: “Ơ, sao mọi người lại khen mình hát hay?” hay “Ơ, giọng mình có hay không nhỉ?”.
—
“Tôi chỉ muốn luôn có thể tự nhắc bản thân là mình đẹp, và học cách nhìn ngắm cái đẹp đa dạng đến từ những người xung quanh mình”.
19 tuổi người ta đã sẵn sàng nổi tiếng?
Tôi không nghĩ tôi nổi tiếng. Cái tên tôi chỉ dễ trở nên quen thuộc vì nó gắn với gia đình tôi thôi. Có thể đang rất nhiều người biết tên tôi nhưng họ không thật sự biết về tôi.
Mỹ Anh học hỏi được gì từ tuổi trẻ của ba mẹ?
Có lần vào phòng gia đình lưu giữ nhiều hình ảnh trong đó, tôi nhìn thấy một bức ảnh mẹ mặc chiếc váy trắng rất đẹp với mái tóc siêu ngắn. Tôi nghĩ thường một người mặc chiếc váy này sẽ hợp với mái tóc dài nhưng mẹ tôi lại có lựa chọn hoàn toàn khác. Bố mẹ tôi vẫn thường kể nhiều câu chuyện về con đường âm nhạc của cả hai. Khi bố tôi bắt đầu, âm nhạc của ông cũng đã gặp nhiều ý kiến trái chiều vì thời điểm ấy nó quá mới. Nhưng cả hai là những người nghệ sĩ luôn tin vào âm nhạc của họ. Vì niềm tin ấy mà bố mẹ tôi mới có được những điều ở hôm nay. Tôi nghĩ bố mẹ đã tìm được điểm cân bằng giữa âm nhạc, cái tôi và thị hiếu khán giả. Bố mẹ không bao giờ sợ việc trở nên khác biệt. Điều này luôn luôn là một động lực lớn lao đối với tôi. Khi mình có những điều độc đáo đi kèm với mục tiêu và kế hoạch cụ thể, mình sẽ có nhiều thứ để cống hiến hơn. Bố mẹ tôi đã chứng minh được. Còn con đường của tôi vẫn ở phía trước.
Cảm ơn Mỹ Anh. Chúc mọi điều tốt lành cho chuyến lưu diễn sắp tới của bạn!
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Hạ Đạo diễn hình ảnh & Sản xuất: Hellos Hình ảnh: Quang Ming Props & Stylist: Jin Juin Trang điểm: Psi Làm tóc: Vân Trần (Psi Team) Làm móng: Huyền Xian Trợ lý trang điểm & Làm tóc: Sam Sam Trợ lý hình ảnh: Thùng Đồng Trợ lý Stylist: Jessica Trung Đức Video/Quay phim: 8Creative (Hà Hoàng, Đức Trung, Đạt Nguyễn, Anh Đoàn) Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE