Phan Đăng Di: Điện ảnh đẩy ta vào sự lựa chọn cuối cùng

Đăng ngày:

Là một trong các đạo diễn hiếm hoi ở Việt Nam chọn đi theo dòng phim tác giả, Phan Đăng Di hiểu rõ sự gập ghềnh của con đường làm phim độc lập, và vì thế, anh đã tìm cách mở ra lối đi cho những người trẻ…

Phan-Dang-Di-2

Ngoài những lời khuyên rất chân thật như vậy, các khóa học của anh còn có điều gì để giúp các bạn trẻ “hết mình”.

Chúng tôi luôn cố gắng tìm những người có kinh nghiệm và tâm huyết hướng dẫn cho các bạn trẻ làm phim. Khóa đầu tiên có tôi, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà dựng phim Julie Béziau, nhà quay phim Phạm Quang Minh… Đó đều là những người có tinh thần độc lập cao, chia sẻ quan điểm với tôi. Ngoài ra, tôi tìm đến những người đó vì họ là bạn mình, đồng ý tham gia cùng mình với thù lao rất ít ỏi (cười).

Chúng tôi không bao giờ nói với các bạn trẻ đây là một lớp học cho những người muốn làm phim nghệ thuật mà là một lớp học dạy về điện ảnh như là một nghệ thuật. Các bạn sau này có thể tự chọn con đường của mình, nhưng vào lúc này, các bạn cần biết những điều cơ bản nhất về điện ảnh và ngôn ngữ điện ảnh.

Các học viên của anh phản ứng thế nào khi anh nói về khả năng thất bại trong điện ảnh?

Cũng có nhiều người nói với tôi rằng họ rất sợ hãi. Điện ảnh là một công việc khó, và đôi khi chúng ta phải trả giá cả đời cho nó. Tuy nhiên, làm phim có một điểm hay là đôi khi đẩy con người ta vào lựa chọn cuối cùng, hoặc là làm phim, hoặc là chết (cười).

Khi đã biết điện ảnh, người ta nên xem phim một cách thông thái hơn. Điện ảnh có những nguyên tắc và muốn làm phim thì phải học. Các khóa học của tôi đưa ra những thứ nguyên tắc hàn lâm về điện ảnh, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Đó cũng là lý do tôi muốn tổ chức workshop sắp tới. Tôi đã quan sát được những nhóm làm phim có tư duy và muốn họ được học với anh Trần Anh Hùng để có thêm cảm hứng, và qua đó, tìm ra một lối đi. Trần Anh Hùng là một nghệ sĩ mẫn tiệp, sáng suốt hiếm thấy và các bạn làm phim nên học với người như anh.

Nếu sau khi học, các bạn trẻ thấy không theo nổi, không có đủ cảm hứng thì chỉ còn là vấn đề của họ. Phần tôi, nếu cảm thấy họ có khả năng thì tôi phải giúp họ một khởi đầu tốt cho những bước tự đi xa hơn về sau. Tuy nhiên cũng phải nói thật, tôi chưa bao giờ thấy việc tìm tài trợ cho những hoạt động điện ảnh phi lợi nhuận lại khó như thời điểm hiện tại. Và với workshop, nếu vì lý do tài chính mà không tổ chức được, thì đó là nỗi thất vọng lớn cho tất cả chúng tôi.

Và liệu anh có bao giờ nói với các nhà làm phim trẻ về rào cản kiểm duyệt, điều anh từng nếm trải với “Khi tôi 20” và “Bi, đừng sợ!”?

Kiểm duyệt là điều không thể tránh khỏi. Sự kiểm duyệt của nhà nước chỉ là bước đầu tiên, sau đó còn nhiều thứ kiểm duyệt khác nữa: nhà sản xuất, nhà đầu tư, gia đình, xã hội, khán giả… và ngay cả sự non gan khi bị chê vài câu đã bỏ cuộc cũng là một dạng kiểm duyệt.

Có hàng nghìn dạng kiểm duyệt, và cái chính là nhà làm phim phải vượt qua được những điều đó. Bên Tàu có anh đạo diễn bị cấm làm phim trong 5 năm, mà trong 5 năm ấy có hai lần anh ta chiếu phim tại liên hoan phim Cannes. Tại sao anh ta làm được? Đó là vì anh ta có tài, có khả năng lôi kéo và thu hút được một nhóm người “lôi thôi lếch thếch” đi theo mình và biến ý tưởng của mình thành phim. Nếu một người làm phim không có được năng lượng ấy thì thôi đừng làm phim nữa.

Riêng anh định đưa mọi người đi cùng thế nào với phim thứ hai?

Đó không phải là một bài toán dễ đâu. Phim thứ hai bao giờ cũng khó thuyết phục các quỹ hay nhà đầu tư rót tiền hơn phim đầu tay. Dạng phim như tôi đang làm, nguồn tiền phần lớn đến từ các nhà sản xuất nước ngoài, trong nước nếu có thì chủ yếu là sự hỗ trợ từ bạn bè, thân hữu. Tuy nhiên, bộ phim thứ hai của tôi sẽ là một tác phẩm rất thú vị, không hẳn là ở chuyện kể mà trong ngôn ngữ điện ảnh.

Đó là một bộ phim về tình yêu, về những bước chân của tình yêu, những trạng thái yêu đương. Đỗ Hải Yến sẽ đóng vai một vũ công và các nhân vật nam cạnh cô đều rất lạ. Những chuyển động của nhân vật sẽ chuyển tải cái cảm giác vừa gợi cảm vừa khó nắm bắt của hiện hữu và mất mát vốn không thể tách rời khi ta nhớ về những mối tình thời hoa niên ngắn ngủi của mình. Tôi cần Yến cho cái cảm giác mong manh bất chợt đó, nhưng cũng là vì chơi với Yến đủ lâu để biết có những khoảnh khắc lạ của Yến chưa từng được đưa lên màn ảnh… Ví như những lúc cô ấy đang thao thao bất tuyệt chợt ngừng lại và thần người ra như rơi khỏi thực tại, thì cái chất ấy rất phù hợp với nhân vật của tôi.

Có lần anh nói là thích việc viết, được ở một mình vậy mà giờ anh đã làm đạo diễn, sản xuất… toàn những việc cần sự đông người.

Đúng vậy, tôi thích việc viết và sự một mình. Vì thế, tôi vẫn ấp ủ có một lúc nào đó tôi sẽ viết kịch. Kịch của tôi sẽ chỉ xoay quanh những câu chuyện vụn vặt đời thường mà thôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ làm phim cũng là một câu chuyện của số phận. Tôi tin vào số phận. Tôi đi tìm và số phận cho tôi gặp được những người có thể giúp đỡ mình, có thể làm được phim.

Ngày xưa, tôi còn không nghĩ là mình có thể làm phim vì thấy công việc đó quá phức tạp, đối diện với quá nhiều người, gặp quá nhiều người. Tuy nhiên, có những thời điểm, có một cú hích, và tôi bước ra trường quay, điều khiển được mọi thứ. Và tôi có thể làm được thế là vì có những hiểu biết, có những khái niệm rất rõ về bộ phim mình cần làm trong đầu.

Tôi cảm thấy không phải ai sinh ra cũng đã biết mình cần làm gì, nhưng số phận sẽ đẩy họ đến với cái họ cần làm. Vì thế, khi tôi mở lớp, workshop, tôi cũng không kỳ vọng sẽ có một cái tên lớn xuất hiện từ đây. Tôi chỉ đặt ra câu hỏi: Nếu những người trẻ có khả năng được làm việc cùng với những người giỏi hơn, có được một cơ hội lớn hơn, thì liệu họ có cho mình ngạc nhiên hơn không?

Xin cảm ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện và chúc workshop của anh thành công. 

Nhóm thực hiện

Bài Phương Huyên

Ảnh: Trọng Đức – Trang điểm: Ngọc Diệp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more