Chào Phan Thảo Nguyên, chị có cảm thấy áp lực trước một cơ hội lớn như khi trở thành nữ nghệ sĩ thị giác đầu tiên được chọn vào chương trình The Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative?
Tôi nghĩ đó không hẳn là áp lực mà là động lực nhiều hơn để tôi tiếp tục nới rộng giới hạn của mình. Sự thích thú được làm việc, trải nghiệm lấn át tất cả. Nghệ thuật đang nhận được khá nhiều sự ưu ái và cơ hội hơn. Các học bổng tạo điều kiện tốt hơn trước rất nhiều. Quan niệm bình đẳng giới đang cởi mở hơn dù chưa phải là tốt hoàn toàn, vẫn còn các vấn đề đang phải đấu tranh. Nhiều cá nhân trong xã hội đang có tư tưởng cấp tiến hơn và họ đang bênh vực, cổ vũ nữ giới, người dân tộc thiểu số, những đối tượng cần được theo đuổi giá trị và ước mơ của riêng mình. Khi tham gia chương trình này, tôi đã nghĩ nếu rớt tôi có thể từ bỏ dự án nghệ thuật mình đang theo đuổi như “Quên lãng nên thơ”. Vì Việt Nam chưa có thị trường nghệ thuật, có rất nhiều rào cản văn hoá và sự kiểm duyệt. Người nghệ sĩ không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ. Để thực hiện được những dự án nghệ thuật cá nhân, mình rất cần những sự hỗ trợ về tài chính, và chuyên môn cũng là yếu tố rất quan trọng. Vì thế, nếu không được chọn và đồng hành với nghệ sĩ Joan Jonas trong chương trình lần này chắc tôi đã rời bỏ việc hiện thực hóa dự án.
BÀI LIÊN QUAN
Theo chi, thực hành nghệ thuật giữ vai trò quan trọng như thế nào trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại (NTĐĐ) tại Việt Nam? Chị cảm nhận những mối quan tâm dành cho NTĐĐ đang như thế nào?
Tôi nghĩ các tác phẩm nghệ thuật rất quan trọng trong bất kỳ nền văn hóa nào. NTĐĐ trong bối cảnh Việt Nam hiện tại khá nghèo nàn, vì nó thiếu khán giả, thiếu nhà tài trợ, thiếu thị trường. Những người giàu lên từ kết quả của nền kinh tế thị trường thường sẽ đầu tư nhiều vào những thứ mang tính vật chất hoặc những món đồ xa xỉ để khẳng định vị trí xã hội, chứ họ chưa thật sự đặt mối quan tâm của mình vào sự đầu tư một cách đúng mực cho việc phát triển văn hóa, phát triển cộng đồng, nghệ thuật đỉnh cao, đề tài mang tính hàn lâm, sâu sắc hoặc vấn đề xã hội… Tôi tin tương lai khi Việt Nam giàu có hơn về vật chất lẫn văn hóa thì NTĐĐ sẽ có chỗ đứng tốt hơn. Hiện tại, các nghệ sĩ nỗ lực theo đuổi sự sáng tạo là vì niềm đam mê của họ quá lớn chứ không hề mang nhiều mục đích kinh tế.
Có giải pháp nào để các nghệ sĩ kết nối sâu hơn với công chúng thông qua tác phẩm và thông điệp mà họ đang dày công sáng tạo?
Thật ra, các buổi tổ chức triển lãm đang thu hút được nhiều khán giả hơn do cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin đa dạng từ internet. Nhưng tôi nghĩ phần nhiều các đối tượng công chúng vẫn chưa được mở rộng là do người Việt còn ưa chuộng cái đẹp bề mặt, nhu cầu thưởng lãm đi kèm với giá trị bề nổi. Như là họ có selfie được với tác phẩm hay không, chứ đâu có nhiều người nghĩ nên dành công sức để khám phá các tầng nghĩa của tác phẩm. Quá trình tương tác của khán giả còn dựa trên rất nhiều yếu tố, có thể là tuổi tác, trình độ văn hóa, sở thích, gout thẩm mỹ nên thật khó để một nghệ sĩ có khả năng cụ thể hóa giải pháp… Đối với bản thân tôi, khi một tác phẩm ra đời nghĩa là tôi không còn chịu trách nhiệm về đời sống của nó nữa. Tôi đã làm ra điều mà mình muốn và luôn tránh mang tính giáo điều vào bên trong nó. Với tôi, một tác phẩm nghệ thuật không bao giờ có một thông điệp duy nhất. Vì thế cảm nhận thế nào thuộc về quyền của khán giả. Phần mình, tôi chỉ cố gắng minh bạch trong thể hiện để người xem có được lối vào và thông hiểu với tác phẩm.
Tham gia đồng tổ chức Art Labor, xây dựng những dự án nghệ thuật hướng đến cộng đồng, quá trình này có tác động thế nào đến các sáng tạo của chị?
Mục đích của Art Labor là làm ra những tác phẩm có thiên hướng phục vụ cộng đồng hoặc phát triển xã hội, nó khác với những tác phẩm thường thấy của cá nhân tôi hay mỗi nghệ sĩ trong nhóm. Như dự án làm việc chung với cộng đồng Jarai ở Tây Nguyên với mục đích bảo tồn và tái phát triển nghệ thuật nhà mồ Tây Nguyên. Để tái định vị giá trị nghệ thuật đỉnh cao của điêu khắc nhà mồ, chúng tôi đi sâu vào các làng mạc, tìm kiếm lại các nghệ nhân và làm việc cùng họ, tổ chức triển lãm, kêu gọi các tổ chức xã hội cùng tham gia nâng cao nhận thức của người dân về sự bảo tồn và phát huy bản sắc nghệ thuật địa phương. Đó là một trong những dự án khá quan trọng. Tuy nhiên, hiện tôi vẫn dành nhiều thời gian cho công việc sáng tác riêng hơn. Công việc tổ chức phải cần nhiều thời gian. Nhưng đó là hoạt động hỗ trợ rất hữu ích cho cá nhân nghệ sĩ vì nó giúp tôi tạo ra những mối kết nối đặc biệt. Trải nghiệm cộng đồng còn giúp mang đến nhiều nguồn cảm hứng cho quá trình sáng tạo của nghệ sĩ thêm phần sâu sắc.
BÀI LIÊN QUAN
Các phương tiện đang trở nên ngày một hiện đại hơn, vậy đây là sự thuận lợi hay tiềm ẩn thách thức? Yếu tố này liệu có làm hạn chế khả năng tạo ra chất liệu mới của nghệ sĩ?
Dù nghệ sĩ bây giờ có thể họ không hưởng được nền giáo dục nghệ thuật đương đại bài bản như các nước phát triển thì đó cũng không phải là thiệt thòi quá lớn. Chúng ta biết có rất nhiều công cụ giúp tiếp cận những kiến thức đó. Tiến bộ mang lại cho người nghệ sĩ nhiều phương tiện để trải nghiệm. Nhưng nếu những người hoạt động sáng tạo quá phụ thuộc vào phương tiện hiện đại thì họ khó có thể làm chủ ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình mà chỉ là đang chạy theo phương tiện. Có những người rất đơn giản, họ chọn làm việc với đất sét, họ chọn làm việc với giấy, hay những vật dụng được lượm lại từ những thứ bỏ đi ngoài đường. Bất kỳ chất liệu nào cũng được, chỉ cần bạn am hiểu và yêu chất liệu đó thì bạn có thể làm chủ được ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Thông qua đó để bộc lộ những cái hay trong tác phẩm của bạn. Tôi luôn cố gắng bỏ qua việc thể hiện sự hào nhoáng bên ngoài khi làm tác phẩm để người xem tập trung suy nghĩ về cốt lõi của tác phẩm nhiều hơn.
—
Xem thêm
Trần Anh Thi: “Con diều bay là do ngược chiều gió”
Tôn Thị Quỳnh Hương: “Tôi xách ba lô lên không phải đi chơi”
Yuki Nguyễn: “Thời trang là phải vui”
Nhóm thực hiện
Ngô Hạ (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)