Phó An My – “Cuồng và Sống” với nhạc dân gian đương đại
Cái tin nhạc sĩ Phó An My sẽ quay trở lại sân khấu vào cuối tháng 11/2014 và lần này là sự kết hợp giữa tiếng đàn dương cầm với Tuồng cổ trong một chương trình mang tên Lửa – Phó An My – Tuồng được bạn bè trong giới nghệ sĩ và các đồng nghiệp theo dõi văn hóa nghệ thuật của tôi nhắc đến suốt cả tháng nay.
Tôi gặp nhạc sĩ Phó An My tại buổi tập cách đêm diễn chừng 2 tuần. Chứng kiến từng giây từng phút người nghệ sĩ cháy hết mình với thể loại âm nhạc mà chị trân trọng, tôi dường như đã bị cuốn theo. Cảm tưởng như rằng ngọn lửa ấy đang dần nhen nhóm trong tôi và chỉ chờ đợi cơ hội để được thổi bùng lên, cháy một cách mãnh liệt cùng tài năng của những người nghệ sĩ. Cuộc nói chuyện ngắn của chúng tôi góp phần làm cảm giác ấy thêm rõ ràng.
Chị đến với âm nhạc như thế nào?
Tôi không nhớ mình đã đến với âm nhạc thế nào, nhưng tôi sống với âm nhạc ra sao thì có thể nói được ngay. Có hai người thầy. Một là thời thơ ấu. Một là người thầy người Đức. Họ cho tôi lửa, cho tôi thấy âm nhạc và đời sống vô cùng giống nhau. Tôi coi âm nhạc như người bạn song hành với mình. Chia sẻ với nhau, vậy thôi.
Là một nghệ sĩ dương cầm, vậy đâu là lý do khiến chị có ý tưởng kết hợp giữa âm nhạc đương đại với nghệ thuật truyền thống?
Tôi nghĩ đó cũng là duyên. Công việc này tôi và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên bắt tay vào làm là từ đầu 2006. Khi có cái duyên thì tôi không thể dứt khỏi dòng suy nghĩ của mình. Kể cũng lạ.
Vậy âm nhạc dân gian truyền thống hẳn là thể loại mà chị rất đam mê?
Tôi trân trọng thì đúng hơn.
Sự kết hợp giữa piano và tuồng trong bữa tiệc âm nhạc “Lửa – Phó An My – Tuồng” lần này, cũng là hợp tác cùng nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, hẳn có một lý do gì đó đặc biệt?
Không, tôi và Đặng Tuệ Nguyên, tạm gọi hai người là một khi làm công việc này. Chúng tôi cùng bắt đầu và sẽ tiếp tục làm công việc của mình. Và còn rất nhiều thứ chúng tôi quan tâm. Âm nhạc truyền thống như chảy trong lòng mỗi người Việt, không riêng gì chúng tôi.
Có khi nào chị nghĩ mình sẽ chỉ để nhạc hiện đại là nhạc hiện đại, nhạc dân gian là nhạc dân gian mà không kết hợp, hòa quyện nó vào với nhau?
Rất nhiều người hỏi tôi điều này. Có lý thuyết nào đưa ra là âm nhạc nói chung không thể đi cùng nhau?
Chị có sợ sự kết hợp đó phá vỡ mất nhạc truyền thống cũng như nhạc giao hưởng không?
Thật chủ quan nếu tôi trả lời điều này. Mỗi người sẽ có cảm giác khác nhau.
Sống táo bạo, khát khao, cháy bỏng, đốt cháy niềm đam mê của mình trong từng nốt nhạc, từng vở nhạc, còn con người của chị khi tạm xa âm nhạc sẽ như thế nào?
Rất bình thường và bình thường…
Nhắc đến câu chuyện giữa nghệ sĩ và khán giả, chị có từng e ngại thể loại nhạc của mình kén người nghe, người thưởng thức?
Nếu ai cũng quá lo ngại vậy thì ai sẽ đủ can đảm để làm điều mình muốn đúng không bạn!?
Không mấy khi các chương trình diễn tuồng, chèo, hát sẩm… đơn thuần có đủ khách xem, vậy mà các đêm nhạc có thêm tiếng đàn dương cầm của Phó An My lại luôn sáng đèn. Nhưng để phục vụ số đông thì có lẽ chưa thể bởi nó như một bữa tiệc âm nhạc dù dân gian nhưng lại hơi xa xỉ, chị nghĩ sao về điều này?
Bạn hỏi khó quá (cười). Mỗi cá nhân sẽ có đam mê riêng của mình. Quan niệm của tôi, biết mình muốn gì quá khó, thực hiện những điều mình muốn chỉ là bước tiếp theo.
Sau piano và chầu văn, hò Huế, giờ lại đến tuồng. Còn sắp tới nữa sẽ là gì?
Là “Lửa” sẽ hoàn thành tốt. Tôi là người không có kế hoạch lâu dài.
Bài: Ngọc Anh