Chuyên gia trang điểm Nam Trung: Sự giao thoa của những mảng màu đối lập
Điều mà chuyên gia trang điểm Nam Trung sợ nhất chính là sự cũ kỹ – cũ kỹ trong tư duy, lối sống và sáng tạo. Chính vì vậy mà anh không ngừng học tập, đón nhận những vẻ đẹp đa dạng và thành thật với cảm xúc của hiện tại, bởi vì, “nếu bạn cố gắng bắt chước chính mình của ngày hôm qua, bạn chỉ đang sống trong quá khứ mà thôi”.
Chân dung của chuyên gia trang điểm Nam Trung có thể được vẽ bằng những mảng màu khác nhau: Khó tính, quyết liệt trong công việc nhưng vui vẻ, hài hước trong đời sống hằng ngày; ham học và xem trọng kiến thức nền tảng nhưng tự do và bản năng trong tư duy sáng tạo; sống thực tế và hay nhìn thẳng vào bản chất nhưng cũng rất thượng tôn cảm xúc; duy mỹ và cầu toàn nhưng cũng cởi mở khi đón nhận cái mới… Những mảng màu tưởng như đối lập nhưng lại giao thoa một cách hài hòa và tạo nên cá tính độc đáo của Nam Trung.
Chào Nam Trung. Anh được biết đến với nhiều vai trò khác nhau: Chuyên gia trang điểm, stylist, host của các chương trình truyền hình, Giám đốc Sáng tạo cho các thương hiệu và sự kiện, đồng thời là nhà sáng lập Nam Trung Makeup Academy. Anh có thể chia sẻ một chút về quá trình xây dựng sự nghiệp của mình không?
Nếu nói về “xây dựng sự nghiệp” thì có lẽ tôi không có gì để chia sẻ cả. Khi bàn về thành công, người ta thường nói nhiều về những thứ “phải có”. Phải có đam mê, phải có ý chí, phải có cái nọ cái kia. Tôi thì chẳng có gì cả. Từ trước tới nay tôi sống rất bản năng, thích gì thì làm đấy. Tuy nhiên, tôi khá quyết liệt trong mọi việc mình làm. Nếu làm một thứ gì mà tôi cảm thấy chưa đủ, chưa đúng với mức độ mà tôi muốn, tôi sẽ tìm cách để làm cho tới cùng. Mọi thứ đến rất tự nhiên và phần lớn đều bắt nguồn từ sự “thích học” của tôi mà thôi. Ngẫm lại thì, câu nói “nghề chọn mình” khá là đúng đấy.
Trước kia, tôi chọn một ngành học không hề liên quan đến thời trang hay make up. Khi về nước, tôi làm việc với vai trò editor và stylist. Trong một buổi ghi hình, chuyên viên trang điểm không thể đáp ứng được yêu cầu của tôi nên tôi đành phải tự làm lấy, từ đó, tôi bén duyên với nghề trang điểm luôn. Càng làm, tôi càng thấy công việc này rất ổn về mặt tài chính. Tôi thực tế lắm. Muốn có nhiều tiền hơn thì phải giỏi hơn, mà muốn giỏi hơn thì phải học nhiều hơn. Vậy là tôi học thêm về make up và bị cuốn hút từ lúc nào không hay. Bởi vì make up liên quan đến hội họa và điêu khắc nên tôi có thêm nhiều kiến thức nền tảng về màu sắc, hình khối, ánh sáng và cách dùng đường nét để diễn tả cảm xúc.
Rồi để phục vụ cho công việc thường xuyên ở trong các set quay, chụp hình, tôi lại phải tìm hiểu về cách thiết lập ánh sáng, cách sử dụng ống kính máy ảnh, cách chỉnh sửa hình ảnh, video… Tất cả mọi thứ đều phải đi học bài bản hết. Đó không chỉ là cách để nâng cao hiểu biết trong nghề mà còn giúp quy trình làm việc diễn ra trơn tru hơn. Thứ nhất, nếu có kiến thức, tôi có thể đưa ra yêu cầu cụ thể, chính xác và dễ thuyết phục người khác hơn. Thứ hai, nếu người khác không thể làm đến mức độ mà tôi mong muốn, tôi cũng có thể tự mình thực hiện được. Cứ như vậy, kiến thức của tôi ngày một nhiều thêm. Có lẽ chính sự tò mò, quyết liệt và luôn sẵn sàng học cái mới đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội ở những vai trò khác nhau.
Xem tất cả các chương trình anh tham gia, không khó để thấy được sự nghiêm khắc, khắt khe và yêu cầu cao của anh trong quá trình hướng dẫn thí sinh. Tại sao lại như vậy?
Đầu tiên, tôi có quá nhiều kinh nghiệm khi làm việc với người mẫu trong một thời gian dài. Tất cả công việc của tôi – từ trang điểm, chụp hình, sản xuất hậu kỳ cho tới biên tập báo và tạp chí – hầu như đều liên quan đến người mẫu. Điều này giúp tôi hiểu được tính chất nghề nghiệp và tầm quan trọng của thái độ ứng xử đối với một người mẫu. Thứ hai, quan điểm của tôi là “nghiêm khắc mới nên người”.
Ai cũng nói rằng người ta sẽ nhớ về niềm hạnh phúc. Không, hạnh phúc chỉ đem đến sự ham muốn mà thôi. Khi có một thứ mang lại niềm vui, ngày hôm sau bạn sẽ muốn vui hơn và quên đi những gì đã xảy ra trước đó. Rõ ràng, bài học khiến cho con người ta trưởng thành phải là “một lần đau”. Người ta sẽ luôn hằn trong đầu những thứ mà họ đối mặt. Chẳng phải con người cố gắng trốn tránh nỗi đau vì nó cứ luôn hiện hữu đấy sao? Thế nên, thà là tôi không nói gì cả. Nếu không, chỉ cần sai một chút tôi cũng mắng.
Thế còn trong công việc sáng tạo, anh cũng là người nguyên tắc, khắt khe hay làm việc theo cảm hứng? Có rào cản nào anh phải vượt qua để tạo nên dấu ấn của bản thân?
Tôi sẽ tỉ mỉ, chỉn chu khi làm việc nhưng không bó buộc mình trong bất kỳ nguyên tắc nào. Khi bạn tạo ra nguyên tắc và cố gắng đuổi theo nó, bạn sẽ chặn đứng mọi lối mở tư duy và khiến cho bản thân ngày càng trở nên cũ kỹ. Còn nếu phải cố gắng tạo ra dấu ấn, đó là khi bạn sáng tạo để làm hài lòng người khác rồi. Tôi là người theo chủ nghĩa tự do trong sáng tạo, tôi làm việc bằng lý lẽ, cảm nhận của bản thân chứ không quan tâm người khác có đón nhận hay không. Sáng tạo trước hết là để thỏa mãn cảm xúc của chính mình. Đó là lý do vì sao người nghệ sĩ thường hay cô đơn. Họ cực đoan trong sáng tác, làm mọi cách để bảo vệ ý tưởng nhưng lại buồn khi không nhiều người hiểu được đứa con tinh thần của họ. Nhưng đấy mới là nghệ sĩ, đấy mới là chuyện muôn đời của nghệ thuật.
Nếu đã gọi là sáng tạo nghệ thuật thì đừng sợ phán xét, cứ làm thôi, làm những gì mình muốn, làm những thứ mình thích, làm những điều mang đầy đủ thông điệp mà mình muốn truyền tải. Còn tùy vào khả năng tiếp nhận và sự nhạy cảm của mỗi người, sẽ có những người đồng điệu với sáng tạo của mình, sẽ có những người không. Đừng đòi hỏi phải tạo nên dấu ấn đối với tất cả mọi người. Rào cản là do mình tạo ra. Tại sao cứ phải làm cho vừa lòng ai? Cứ làm vừa lòng mình trước đã.
Nếu là một nghệ sĩ độc lập, chuyện đề cao cảm xúc cá nhân trong sáng tạo là điều cần thiết. Nhưng anh còn là một người dẫn dắt, một người thầy của nhiều học viên. Anh làm thế nào để truyền cảm hứng cho các học viên của mình?
Tôi vốn là một người tò mò, thích tìm tòi nghiên cứu và rất hay đặt câu hỏi. Khi bắt đầu với công việc make up, tôi vẫn hay hỏi những câu đại loại như “Tại sao phải làm thế này?”, “Tại sao không làm thế kia?”. Trên hành trình đi tìm lời giải cho những câu hỏi đó, tôi gặp cô Dany Sanz, người sáng lập thương hiệu Make Up For Ever. Chính cô đã khai sáng cho tôi về sự giao thoa của hội họa và điêu khắc trong make up. Từ đó, tôi nhận ra rằng, nếu học nghề để trở thành nghệ nhân, mình chỉ cần thực hành hằng ngày thì sẽ “trăm hay không bằng tay quen”. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành nghệ sĩ thực thụ, tôi cần có một người truyền lửa, một người trao cho tôi tư duy sáng tạo.
Đó cũng là quan điểm giảng dạy của tôi tại Nam Trung Makeup Academy. Nếu hỏi tôi làm sao truyền cảm hứng cho người khác, có lẽ là vì tôi khuyến khích họ… được là chính mình. Tất nhiên, như đã nói ở trên, muốn giỏi ở bất cứ lĩnh vực nào, bạn cũng phải trau dồi kiến thức nền tảng. Nhưng bên cạnh kiến thức và kỹ năng, tôi còn dạy cho học viên cách tư duy sáng tạo và phát triển năng lực cảm nhận của riêng mình. Tôi luôn nói với học viên rằng: “Nếu em có cảm nhận riêng, em sẽ chẳng bao giờ lỗi thời. Còn nếu em chỉ là một cái máy sao chép, em sẽ cũ kỹ rất nhanh. Bởi vì mọi thứ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc này thôi. Nếu em mãi mãi dừng lại ở khoảnh khắc này, em sẽ không thể theo kịp dòng chảy của thời gian”.
Tôi không dạy học viên của mình trở thành những cỗ máy trang điểm. Không phải thứ gì hôm nay bạn thấy đẹp, ngày mai bạn tiếp tục làm y hệt thì nó vẫn sẽ đẹp. Cuộc sống không ngừng thay đổi, nếu bạn sống tiếp với cảm xúc của ngày hôm nay, bạn sẽ biết phải thay đổi thế nào, thêm bớt ra sao để cái đẹp liên tục được cập nhật, đổi mới. Còn nếu bạn cố gắng bắt chước chính mình của ngày hôm qua, bạn chỉ đang sống trong quá khứ mà thôi.
Có phải tư duy cầu tiến và không ngừng đổi mới đã thúc đẩy anh liên tục học tập để thích nghi với yêu cầu của thời đại?
Đúng vậy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn phải học tập thường xuyên. Học cách sử dụng các phần mềm, công nghệ mới. Học cách hiểu tâm lý của người trẻ. Phải liên tục cập nhật thì bản thân mới không thụt lùi.
Khi bạn muốn thay đổi, muốn truyền cảm hứng hay muốn đón nhận cảm hứng, bạn phải chuẩn bị một tư duy nền tảng. Nếu bạn muốn đổi mới nhưng tư duy lại không mới, thì dù có cập nhật đến đâu, bạn vẫn sẽ quay về chỗ cũ.
Vậy theo anh, phẩm chất nào làm nên một nghệ sĩ trang điểm thành công?
Đầu tiên, bạn phải phân biệt được thế nào là nghệ sĩ, thế nào là nghệ nhân. Đó là hai phạm trù khác nhau. Cảm xúc không thể luyện được. Cảm xúc bắt buộc phải đến từ những người có sự nhạy cảm nhất định. Và khi muốn thành nghệ sĩ trang điểm (makeup artist), bạn phải sống với cảm xúc của mình, tất cả những thứ khác chỉ là dụng cụ để thể hiện cảm xúc thôi. Còn nếu bạn làm việc vì cơm áo gạo tiền, hãy trở thành một nghệ nhân. Hãy tập luyện hằng ngày thật chăm chỉ, kỹ lưỡng để trang bị kỹ năng tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, để sống lâu được với nghề, bạn phải biết cách cân bằng hai phạm trù này.
Anh từng nói: “Sự tĩnh lặng sẽ giúp khả năng sáng tạo của tôi có đủ độ chín hơn nữa”. Anh có thể giải thích kỹ hơn không?
“Sự tĩnh lặng” ở đây không phải là ngồi yên trong một không gian im phăng phắc. “Sự tĩnh lặng” nghĩa là tôi được sống với chính mình, hiểu được bản thân mình và không ai có thể “make noise” tới suy nghĩ của tôi. Đó là một cuộc đối thoại thành thật với bản thân mà mọi tiếng nói bên ngoài đều không thể gây ảnh hưởng. Tôi muốn làm gì, tôi sẽ tự nung nấu, tự trải nghiệm, tự thực hiện, tự cảm nhận. Tôi không nghĩ zen là phải ngồi thiền, nghe nhạc thiền, mặc đồ thiền. Zen là khi bạn ở đâu, làm gì, bạn sẽ luôn biết bạn đang làm gì, ở đâu.
Là một người sáng tạo cái đẹp, tiêu chuẩn về “vẻ đẹp hoàn mỹ” của anh là gì?
Vẻ đẹp hoàn mỹ sẽ xuất hiện khi “đúng người, đúng mục đích, đúng thời điểm”. Tôi không có mẫu số chung hay quy định nào cho thứ mà tôi gọi là hoàn hảo. Đối với tôi, hoàn hảo chính là cân bằng. Nó đòi hỏi nhiều thứ hơn là sự chính xác hay tỷ lệ vàng. Nếu có ai đó nói với tôi make up thế này mới là hoàn hảo, tôi sẽ không đồng ý. Layout make up này chỉ hoàn hảo với gương mặt này thôi, nhưng với gương mặt khác chưa chắc đã phù hợp; thậm chí chỉ hoàn hảo với gương mặt này trong thời điểm này thôi, còn qua ngày mai lại không hoàn hảo nữa.
Anh từng chia sẻ, thay vì tìm kiếm những khuyết điểm trên một gương mặt để khắc phục, anh sẽ chú trọng vào nét đẹp riêng của họ, tìm cách tôn lên yếu tố đó. Anh làm thế nào để phát hiện ra vẻ đẹp riêng của từng người?
Không khó để nhận ra vẻ đẹp của một người, chỉ cần bạn đừng áp đặt bất kỳ hình mẫu nhan sắc nào lên họ. Khi người ta càng hâm mộ những cuộc thi nhan sắc, người ta sẽ càng quy mọi thứ về một mẫu số chung và vô tình giết chết sự đa dạng. Phụ nữ hiện đại không cần quy chuẩn nào cho vẻ đẹp của họ cả. Mỗi người lại đẹp theo những cách riêng. Đối với tôi, mẹ tôi là quá đẹp. Cháu gái tôi ở nhà mặc dù bé xíu cũng vẫn quá đẹp. Người ta chỉ xấu khi giá trị đạo đức bị băng hoại mà thôi.
Tôi khá cởi mở trong việc đón nhận sự đa dạng. Tôi thấy cái gì cũng đẹp, miễn là nó được đặt vào đúng bối cảnh, sử dụng đúng mục đích. Khi bạn từ chối tiếp nhận cái mới, cái lạ, bạn cũng đánh mất một cơ hội học hỏi. Ngay cả với đối thủ của mình cũng vậy, mình chê họ, ghét họ là mình mất cơ hội để học, còn học giống họ hay học để đừng làm giống họ lại là chuyện khác.
Tôi không thích ai nói rằng “bạn phải có cá tính”. Ai cũng có cá tính cả. Nhẹ nhàng, đơn giản chắc chắn là một cá tính. Mạnh mẽ, sắc sảo cũng là một cá tính. Đừng áp đặt! Ai cũng có màu sắc riêng, quan trọng là mình có đón nhận và tạo cơ hội để nó bộc lộ ra hay không thôi.
Anh đã làm thế nào để nó bộc lộ ra?
Tôi sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với họ. Những cuộc hội thoại vui vẻ có thể khiến tôi lại gần với họ, thở chung một nhịp thở với họ. Khi họ cảm thấy thoải mái, tự do và được tôn trọng, họ sẽ thể hiện con người thật cho bạn thấy.
Theo anh, đâu là điểm tạo nên sức hút trên khuôn mặt người phụ nữ?
Nhiều người thường nghĩ đôi mắt là điểm tạo nên sức hút trên khuôn mặt, nhưng thật ra, thứ quyết định thần thái lại là cặp lông mày. Lông mày sẽ quyết định cá tính, màu sắc của một người. Bạn vẽ mắt thế nào cũng được, nhưng chỉ cần lông mày thay đổi một chút là gương mặt đã trông khác đi rồi.
Anh nghĩ sao về việc dùng mắt kính để che đi khuyết điểm hoặc làm nổi bật ưu điểm của gương mặt?
Tôi thường xuyên làm như vậy. Từ trước tới giờ, tôi không gọi kính là kính, tôi gọi kính là “concealer”. Mắt là phương tiện giao tiếp và thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt. Bạn có thể vẽ lông mày đậm hay nhạt, kẻ mắt sắc sảo hay tự nhiên, nhưng nếu bạn mệt mỏi, đôi mắt sẽ là thứ thể hiện đầu tiên – nó sẽ lờ đờ, thiếu sức sống, mất hẳn nét tinh anh, bạn sẽ không thể làm cho nó khỏe lại trừ khi đi ngủ. Khi đi quay phim, chụp ảnh hoặc tạo hình, nếu đôi mắt của nhân vật không đủ khả năng diễn xuất, tôi sẽ cho đeo kính. Ngay cả kiểu dáng của mắt kính như gọng vuông, gọng tròn, gọng aviator hay gọng cateye… cũng góp phần thể hiện tính cách đặc trưng của nhân vật. Bây giờ có rất nhiều thương hiệu mắt kính ra đời với mẫu mã đa dạng nên nó còn là một phụ kiện thể hiện gu thẩm mỹ và phong cách thời trang nữa.
Anh cũng thường xuyên đeo kính, vậy tiêu chí chọn kính của anh là gì?
Điều đầu tiên là mắt kính không được tạo cảm giác cản trở. Tôi sẽ tháo mắt kính ra khi cảm thấy vướng. Công việc đòi hỏi phải quan sát tỉ mỉ, chi tiết nên tôi thích nhìn mọi thứ một cách trung thực, rõ ràng. Thế nên, mắt kính phải đảm bảo tầm nhìn thoải mái, tròng kính phải sáng trong và sắc nét. Thứ hai, tôi không quan trọng thương hiệu, nhưng gọng phải có chất liệu tương đối ổn, có thiết kế đẹp và gọn gàng. Tôi không thích kính quá nhỏ hoặc quá to, tốt nhất là vừa vặn với khuôn mặt. Nhưng điều đặc biệt là tròng kính phải là loại cao cấp, mỏng nhẹ, và không được để lộ tuổi tác. Bây giờ, ai cũng tìm mọi cách để chống lão hóa nhưng lại đeo một cặp kính để lộ tuổi tác, vậy là không được rồi.
Hiện tại tôi đang dùng kính đa tròng Varilux và thật sự hài lòng vì nó không làm cho tôi có cảm giác già cỗi. Nếu như lúc trước thì tôi sẽ phải thay đổi liên tục giữa nhiều loại kính là kính đọc sách, kính thời trang và kính mát. Giờ thì tôi chỉ cần đeo một chiếc kính từ trong nhà ra ngoài trời, từ studio sang lớp dạy vì kính nhìn được mọi khoảng cách và sẽ đổi màu theo ánh sáng, rất linh hoạt và phù hợp để làm nhiều việc một lúc. Tất nhiên, khi mới đeo thì tôi cũng phải làm quen, vì khi thay đổi tầm nhìn từ vùng nhìn xa đến vùng nhìn gần, cảm giác sẽ hơi tròng trành một chút, nhưng khi đã quen với góc nhìn chuẩn rồi thì mọi thứ rất ổn định và rõ nét. Đến bây giờ, chiếc kính này đã trở thành vật bất ly thân của tôi. Nó khiến mình có cảm giác vẫn như 20 tuổi. Đối với tôi, đây là điều “phù phiếm” khiến tôi thích nhất ở chiếc kính này.
Trong suốt sự nghiệp của mình, điều gì khiến cho anh tự hào nhất?
Điều khiến tôi tự hào nhất là những anh chị từng làm việc cùng đều rất thương và quý tôi. Bây giờ, dù ai cũng bận nhưng khi có việc, họ vẫn nhớ tới tôi. Họ vẫn rất bao bọc tôi và đặc biệt là không cho ai nói xấu tôi cả. Bạn bè của tôi cũng thế. Họ vẫn luôn tự hào khi nhắc về tôi. Tôi cảm thấy không cần cả thế giới thích mình, chỉ cần những người như thế trong đời mình thôi. Còn trong công việc nào cũng thế cả thôi, nếu không có sự may mắn thì dù có giỏi đến đâu cũng chưa chắc đã thành công.
Vậy anh có cảm thấy mình là một người may mắn?
Đúng, tôi là một người cực kỳ may mắn. Nghĩ đi nghĩ lại, không hiểu sao luôn có những người xuất hiện rất đúng lúc để giúp đỡ tôi. Ví dụ như năm lớp 12, suýt chút nữa thì tôi bị đuổi học vì mải học vẽ mà nghỉ quá số buổi cho phép trên trường. May mà có cô hiệu trưởng đứng ra giải quyết giúp tôi. Khi vào Nam lập nghiệp, tôi lần lượt được những người chị, người bạn làm việc tại các tạp chí thời trang giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp.
Thế nên, bây giờ, tôi thường dạy học trò là phải cố gắng rất nhiều, nhưng nếu đã cố gắng hết mình mà vẫn không thành công thì cũng đừng buồn, vì may mắn không phải là thứ mình kiểm soát được. Tôi rất tin vào hiệu ứng cánh bướm. Có những chuyện đã xảy ra từ lâu mà đến bây giờ mới có hiệu quả. Thế nên, bên cạnh giỏi tay nghề thì cách đối nhân xử thế cũng là điều quan trọng. Hãy cứ sống thật chân thành, nói những điều thật lòng, đối với người khác thật tâm, ắt điều tốt lành sẽ đến.
Cảm ơn anh.
Varilux là thương hiệu kính đa tròng số một thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp), dành cho mọi người sau tuổi 40 gặp các vấn đề khó khăn khi nhìn gần do quá trình lão hóa của mắt. Varilux mang lại tầm nhìn tự nhiên, thoải mái trong mọi khoảng cách và mọi điều kiện ánh sáng, trả lại thị lực rõ nét và phong độ trẻ trung cho người đeo.
Từ ngày 15/5 – 31/8/2021, Essilor Việt Nam có chương trình đặc biệt “Bảo hành 30 ngày” giúp khách hàng tự tin lựa chọn và trải nghiệm Varilux tại các đại lý chính hãng của Essilor. |
Bài: Đ.T
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Nhi Ngờ