Quỳnh Lâm – Kẻ lập dị khi chuyên đi nhặt nhạnh hoa tàn
[Tạp chí ELLE tháng 2/2017] Từ cô gái trẻ đam mê những chuyến ngao du ngẫu nhiên vào thế giới nghệ thuật muôn màu, mỗi lúc Quỳnh càng nhận rõ hành trình lớn hơn mà cô muốn dấn bước.
Gặp Quỳnh Lâm vào một buổi chiều nắng Sài Gòn giòn rụm, dù đang tất bật với dự án nghệ thuật “Sự Sinh Nở” ra mắt trong tuyển tập Sài Gòn Art Book 6, cô vẫn thư thái sẻ chia với ELLE về chuyến phiêu lưu đến với con đường nghệ thuật bằng ánh nhìn trong veo của một cô gái trẻ đa cảm, không ngừng ngạc nhiên trước thế giới rộng mở quanh mình.
Thế giới của cô nàng cuồng chân
Quỳnh bị nghiện đi du lịch đến những nơi “chưa bị khai thác làm du lịch”. Những vùng đất hoang sơ, còn nhiều dấu tích lịch sử để được mạo hiểm, khám phá, hay nhìn ngắm cách con người sống tựa vào thiên nhiên. Sớm nhận ra có quá nhiều thứ phải học ngoài trường lớp, thời gian đầu trở thành sinh viên, Quỳnh luôn thích được đi chơi và kết bạn nhiều hơn. Cô tìm cách sắp xếp thời gian vừa học vừa làm thêm để tích lũy điều kiện “gap year” một năm ngay sau tốt nghiệp. “Mình làm đủ thứ nghề từ PG quảng cáo, bán siêu thị đến chạy sự kiện, nhận những dự án nho nhỏ”. Quỳnh không dành quá nhiều thời gian chỉ để nghĩ về các ý muốn mà cô lao vào những cuộc tiếp xúc thực tế, trải nghiệm các chuyến đi.
Thật khó để một người trẻ như Quỳnh lúc ấy sẵn sàng có một kế hoạch cụ thể cho tương lai. Bằng việc khám phá thế giới xung quanh, cô nhìn thấy cơ hội xác định mục tiêu muốn vươn tới: “Mình bắt đầu từ các nước ASEAN, nơi có nhiều địa danh mê hoặc mình bằng đồ thủ công, đặc trưng nghệ thuật của dân bản địa, kỹ thuật nhuộm màu, hoa văn, vật liệu truyền thống, có nơi là làng toàn nghệ sĩ nữ sinh sống. Tất cả đẹp và quý giá đến nỗi mình cứ muốn hành trình kéo dài mãi”. Quỳnh không liệt kê những địa điểm mình từng đi qua như một bảng thành tích, cô thích nội hóa những kỹ năng mình được học một cách lặng lẽ và cần mẫn.
Hiểu về nguồn cội để diễn đạt bản thân
Quỳnh Lâm không biết chính xác đam mê nghệ thuật nảy nở trong cô từ lúc nào. Có thể những lần được nghịch màu ngày bé đã ăn sâu vào tâm thức cô niềm say mê thế giới rực rỡ, bởi cứ nhắc đến chì sáp cô lại rưng rưng với bao kỷ niệm thơ ấu… Một phần ký ức ấy còn được nuôi dưỡng qua các cuộc thi vẽ tranh, viết truyện ngắn, tham gia câu lạc bộ sáng tác nhí trên những trang báo thân quen như Rùa Vàng, Nhi Ðồng, Khăn Quàng Ðỏ. Tuy nhiên lựa nghệ thuật của Quỳnh lại không dễ nhận được sự đồng thuận của bố mẹ. Diễn đạt bản thân luôn quá nhiều thử thách với một cô gái trẻ.
Từng không biết chứng minh với bố mẹ trở thành một họa sĩ là thế nào, nên cô chọn học Kiến Trúc cho có vẻ thực tế. Nhưng rồi Quỳnh cũng không tách được sở thích quan sát cuộc sống đương đại thông qua nghệ thuật. “Mình may mắn vẫn còn người bác ruột luôn động viên và truyền cho mình niềm tin vào giá trị bản thân, cái đẹp và sự biến đổi. Cuộc sống được hình thành từ một chuỗi những câu chuyện. Niềm vui, nỗi buồn hay mọi bi kịch trong quá khứ đều đáng là di sản cần chúng ta thấu hiểu”. Chính mối liên kết đặc biệt này đã hình thành ở Quỳnh tính cách hoài cổ, nguồn cảm hứng theo đuổi dự án cá nhân như lần theo dấu vết những bức ảnh cũ của gia đình từng chụp tại nhiều địa danh trên đất nước hay sau này là dự án Sự sinh nở.
Lựa chọn là một kẻ lập dị nồng nhiệt
Tự nhận mình là cô gái ham vui, lúc nào cũng mê chuyển động, thích có việc để làm, có nơi để chạy, Quỳnh thường đi theo các trại sáng tác, sống và lắng nghe những câu chuyện về thiên nhiên và phụ nữ, xem đó là hai mối quan tâm lớn nhất. Quá trình lắng nghe và quan sát giúp cô nhận ra rất nhiều câu chuyện đặc biệt về phụ nữ, dấu ấn kỳ diệu trong cuộc đời họ, nhất là thiên chức làm mẹ. Ý niệm hoài thai và sinh sản đã gợi cho cô cảm hứng bắt tay vào thực hiện tác phẩm Sự sinh nở. Quỳnh đã thành kẻ lập dị khi chuyên đi nhặt nhạnh hoa tàn chỉ vì muốn giải phẫu và khám phá vẻ đẹp bên trong của nhánh hoa đã chết. Cô cần sự biến đổi của chất liệu trên tác phẩm chứ không phải dùng màu hóa chất. Hoa quả vốn là đối tượng đẹp mà các nghệ sĩ thường chọn khắc họa. Đó là những sự vật hữu hạn, dễ héo tàn, nhưng nếu nó được chuyển đổi thành chất liệu để vẽ, thì một câu chuyện thị giác khác sẽ lại bắt đầu được sinh sôi. Quỳnh tin mỗi sự vật có hành trình riêng, kết thúc để khởi đầu một sứ mệnh mới ở hành trình khác.
Ý tưởng về tác phẩm ban đầu bị từ chối vì nhiều người vẫn ngại tâm lý công chúng tiếp nhận có thể cảm thấy hình ảnh thể hiện (cơ quan sinh dục nữ) hơi khiêu khích. Chính thái độ e dè đó khiến cô càng bình tĩnh, kiên tâm hơn cho dự án, vì chỉ khi đối mặt với những vấn đề của chính mình một cách cởi mở hơn, phụ nữ mới thể khẳng định cái tôi nữ tính. Không nhiều người nói Quỳnh trẻ, nhưng cô luôn hào hứng trước một cuộc sống đầy mới lạ. Một cô gái trẻ quyến rũ trong mắt Quỳnh Lâm là người có tâm hồn tha thiết với cái mới.
—
Xem thêm
Tiên Võ – Chuyển ngữ cảm xúc qua thiết kế
Trần Yên Ly – Nghi thức giúp tỏa sáng
Phan Thị Cẩm Tú – NTK Việt Nam đầu tiên chinh phục Tokyo New Designer Fashion Grand Prix
Bài Ngô Hạ – Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE