Hơn một thập kỷ sáng tạo và cháy hết mình cho âm nhạc, Suboi đã có vị thế vững vàng trong làng rap Việt. Không chỉ vậy, tinh thần tiên phong, dám nghĩ dám làm còn giúp cô vượt ra khỏi biên giới, trở thành cái tên được bạn bè quốc tế công nhận. Danh sách thành tích của Suboi dài và đáng nể, tuy nhiên, đó không phải câu chuyện sẽ được kể hôm nay. Thấu Thân (Look Within) – tên triển lãm Suboi vừa tổ chức vào cuối năm 2022 cũng là hành trình ELLE muốn mời bạn đồng hành. Đặt sang bên mọi danh xưng hào nhoáng, nếu nhìn vào sâu thẳm tâm hồn cô gái này, có điều gì đang chờ được khám phá?
TRỌN VẸN VỊ ĐỜI
Sau thời gian dài ấp ủ, tháng 7/2021, Suboi phát hành album No Nê. Giới thiệu sản phẩm mới trong một giai đoạn đặc biệt, cô sớm tiết lộ rằng No Nê “chứa đầy tiếng nhạc lòng” trước nay mình chưa bày tỏ hết. No Nê cũng là None – không, vừa đủ đầy vừa trống rỗng, cách chơi chữ thú vị thể hiện thông điệp hai chiều được truyền tải ngay từ tựa đề album. Khách quan nhìn nhận, đây là thông điệp mang đậm tính triết học. Tuy nhiên, Suboi không gợi dẫn người nghe lý giải tựa đề No Nê – None. Cô muốn bỏ ngỏ một cánh cửa để mỗi cá nhân có thể tự do hiểu và cảm theo cách riêng.
Với 9 bài nhạc được sắp đặt thành trật tự có dụng ý, Suboi gói gọn một thập kỷ sống và sáng tạo đầy biến động. Cô từng thành thật thừa nhận rằng mình không giỏi nói chuyện, vì vậy rap là cách cô bộc lộ tâm tư với thế giới. Lời rap của Suboi thường mang nhiều tầng nghĩa, giàu tính ẩn dụ và thể hiện rõ cảm xúc cá nhân. Album No Nê mang đầy đủ khuynh hướng ấy. Từ 25 đến 30 – hai dấu mốc tuổi đời được cô kể lại chi tiết, cho thấy sự chuyển mình tự nhiên và tất yếu. Nửa đầu album là Suboi của nhiều năm về trước, khi lời rap còn nổi loạn, bụi bặm và có phần gay gắt. Bắt đầu từ Công với chia sẻ: “I was hungry, worry about the blurry future” (tạm dịch: “Tôi từng nôn nao, lo lắng trước tương lai mờ mịt”), Suboi dẫn lối người nghe bước qua hành trình trưởng thành bôn ba, đến nửa cuối bình an, thản nhiên và tự tại hơn. Đặc biệt, album No Nê cũng là lần đầu cô tập hợp các bài rap về tình yêu bằng tất cả nét dịu dàng và ngọt ngào tiềm ẩn. Đang yêu và được yêu, âm nhạc Suboi tuổi 30 không còn là tự sự của một tâm hồn ngoài lề cuộc sống.
Hơn một năm sau, Suboi tổ chức triển lãm Thấu Thân, thết đãi công chúng bữa tiệc thị giác và vị giác từ những biểu tượng của album No Nê. Đắng – Cay – Mặn – Chua – Ngọt, mỗi vị đại diện cho một căn phòng thể nghiệm trong triển lãm. Phòng Khởi Nguồn mở ra hành trình đời người như một em bé cựa quậy trong bụng mẹ, rồi tiến tới Thăng Trầm, Sự Sống, Vô Thường và kết thúc ở Thấu Cảm. Nếm trải vị đời trọn vẹn, một cô gái Sài Gòn nhỏ bé đã vươn tới những sân khấu đỉnh cao ở California, New York; cũng đã phiêu du tới châu Phi nắng cháy, nơi việc sinh tồn trở về mức căn bản nhất. Đi (2010), rồi Chạy (2014) và giờ là No Nê (2021), cuộc đời Suboi đủ nhiều trải nghiệm để cô hiểu rằng tất cả những vui, buồn đều quá đỗi nhẹ nhàng với một cá thể đã thấu hiểu sức mạnh nội tại. Không còn giận dữ, cay đắng hay chua chát, giờ cô có thể hát vang lên rằng: “Cảm ơn nhau đi nhắc ta nhớ nụ cười. Hít vô cho sâu cây hoa đang rất tươi” (Ngày Lại Ngày).
Xem thêm
• [Review sách hay] Âm nhạc và văn chương – Muôn mặt Murakami
• Phùng Khánh Linh: “Âm nhạc đã cứu rỗi tôi”
• Cung hoàng đạo ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc của bạn như thế nào?
TÌM SỰ CÂN BẰNG
Suốt cuộc trò chuyện cùng ELLE, Suboi nhiều lần nhắc lại từ “cân bằng”. Là nữ nghệ sĩ đi đầu cho phong trào bình đẳng giới trong làng nhạc Việt, ý nghĩa khái niệm “cân bằng” với cô trước hết phải nhìn từ góc độ này. Cô nhận định: “Thế giới đang có sự chuyển động quân bình về mọi mặt giữa tính nam và tính nữ. Trong một thời gian rất dài, dường như sức mạnh cơ bắp và tư duy logic kiểm soát hoàn toàn cách xã hội vận hành, nay thì khác”. Đó là biểu hiện của sự cân bằng dễ thấy nhất, nhưng vẫn còn một khía cạnh nằm ở tầng lớp sâu xa hơn. Suboi nhắc tới “light feminine energy” và “dark feminine energy” – hai nguồn năng lượng sẵn có bên trong mỗi người phụ nữ. “Light” là năng lượng mềm mại và trong trẻo, còn “dark” là năng lượng táo bạo và dữ dội. Với Suboi, sự quân bình đích thực là khi phụ nữ biết vận dụng cả hai nguồn năng lượng này để phát triển đầy đủ tiềm năng trong mình.
Nữ rapper cho rằng thành công của dự án No Nê phần nhiều là nhờ sự cân bằng và chuyển giao năng lượng, một trạng thái có tên tiếng Anh là interflow. Ở đây không thể bỏ qua một sự thật thú vị, nhóm sáng tạo video quảng bá cho album No Nê gồm các thành viên chủ lực đều là phụ nữ. “Su rất may mắn. Trong quá trình làm No Nê với một nhóm sáng tạo nhiều tính nữ, càng về sau tôi càng thấy mình bớt cứng nhắc, thoát khỏi cái vỏ cũ và ít đóng cửa hơn”. Kết quả là hình tượng Suboi xuyên suốt album No Nê trở nên uyển chuyển, gợi cảm và bí ẩn, như một “bông hồng có gai” được đặc tả trong ca khúc Sickerrr. “Tính nữ mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, linh hoạt nhưng cũng quyết liệt theo cách riêng như thế đó”.
Ở một góc độ khác, sự cân bằng còn thể hiện trong cách Suboi nghĩ về cội nguồn của mình. Những ngày đầu mới bước ra thế giới, cô mang theo trái tim Việt đầy tự hào và kiêu hãnh. “Tôi muốn chứng minh rằng, dù đến từ một đất nước nhỏ, phải gồng mình qua nhiều cuộc chiến tranh, người con Việt Nam vẫn không thua kém ai cả”. Từ Công đến N-Sao, chất Việt, đặc biệt là chất Sài Gòn được Suboi nhấn đậm trong từng câu chữ. “Tuy nhiên về sau, càng quen biết và thân thuộc với nhiều bạn bè quốc tế, tôi càng hiểu rằng chúng ta không hề khác biệt nhau. Tôi vẫn luôn tự hào về quê hương, nhưng đồng thời tôi cũng không còn muốn bó hẹp bản thân vào một định danh cụ thể nữa”.
Suboi ngày hôm nay muốn hòa làm một với thế giới, không còn chia cắt, không còn phân biệt tôi – bạn dựa trên gốc gác. Chính tâm thế ấy đã thúc đẩy cô tìm tới các nhà sản xuất âm nhạc Zach Golden, Pat McCusker và Billy Scher để bắt tay tạo ra album No Nê từ năm 2017. Suboi không từ chối những bản phối mang hơi thở Tây phương và cảm hứng New Age hay Futuristic; ngược lại, cô tìm kiếm sự giao thoa cân bằng nhất giữa âm nhạc thế giới và Việt Nam. Nhờ vậy mà No Nê có vẻ đẹp thể nghiệm đa chiều, sống động và tiên phong.
BÀI LIÊN QUAN
GỠ CŨ, HỌC MỚI
Vào nghề từ khi chưa đầy 20 tuổi, đời cho Suboi nhiều bài học đau đớn từ rất sớm. Cô không giấu giếm những câu chuyện này, từng công khai thái độ sống đầy gai góc. Sự chuyển mình của Suboi không bắt đầu từ ngày album No Nê ra đời mà đã nhen nhóm từ tuổi 28. Cô từng bộc bạch trên mạng xã hội rằng: “Tôi không đám cưới, không mua nhà, không gì. Tiền làm được để dành đi khắp nơi, chương này cũng xong rồi. Tôi muốn unlearn”. Dọn dẹp lại cuộc đời, dọn dẹp lại tâm hồn, Suboi sẵn sàng gỡ bỏ cả những thành tựu sự nghiệp, những điều từng là quan trọng khi cô trẻ hơn. Thái độ ấy không phải ăn quả quên kẻ trồng cây. Unlearn nghĩa là thu nhận tinh túy từ những trải nghiệm cuộc đời đã qua, còn đâu bỏ đi hết để có một tâm trí mở và học lại từ đầu. Với Suboi, khối kiến thức ta “đã” biết, hệ quan niệm cũ về đời, về người có thể là lực cản lớn trên con đường dẫn tới sự tiến bộ.
Việc có con là động lực lớn khiến Suboi muốn làm mới bản thân. Cô từng có một tuổi trẻ cuồng nhiệt, dịch chuyển, học hỏi, trải nghiệm cuộc sống không ngừng nghỉ. “Đã có lúc tôi nghĩ ngay ngày mai mình có thể chết đi mà không hối tiếc gì. Nhưng khi mang một sinh linh khác trong mình, nhân sinh quan tôi thay đổi. Giờ đây tôi không chỉ sống vì bản thân nữa”. Suboi coi con như một người thầy nhỏ, cô biết ơn vì nhờ em bé mới học được cách cải thiện việc lắng nghe và giao tiếp: “Vì một em bé chưa thể diễn đạt được những điều con muốn bằng lời, tôi phải tập trung, yêu thương và nhẫn nại để đoán được ý con là gì”. Chăm sóc và quan sát con, Suboi cảm nhận được giá trị của việc nhìn đời bằng một tâm hồn thuần khiết. “Dù tất nhiên với người trưởng thành, để thuần khiết trở lại là gần như không tưởng. Thế nhưng tôi vẫn vui khi thực hành việc mở lòng mình ra mà học mới về đời như một đứa trẻ vậy. Hành trình này còn dài lắm”.
TIN LẠI CUỘC ĐỜI
Trong nhiều cuộc trò chuyện cũ, cái tên Suboi dường như luôn đi kèm với từ cô đơn. Hồi tưởng về quá khứ, cô chia sẻ: “Nỗi cô đơn khác nhau trong từng giai đoạn. Lúc mới vào đời, tôi cô đơn vì cảm thấy chỉ có mình đặt câu hỏi, còn ai cũng đã có câu trả lời. Ai cũng thuộc về một đội nhóm nào đó, còn mình thì không. Tôi chấp nhận vị trí của mình trong nền âm nhạc Việt Nam khi ấy, một vị trí có phần “lạc quẻ”. Sau này, tôi lại làm bạn với sự cô độc. Cô độc, bước một mình – trên đôi chân mình, với lập trường sống của riêng mình. Cô độc khác cô đơn”. Nhưng điều quan trọng là trong hiện tại, Suboi cũng không còn cô độc nữa.
“Càng về sau, Suboi càng thấy mình là một phần trong những tập hợp sáng tạo rõ hơn, ngày càng nhiều người bước cùng mình hơn”. Biết ơn và cảm động, cô kể lại câu chuyện về ảnh bìa album No Nê như một điều kỳ diệu. Mặt trời hồng cam vươn lên tròn trịa trên nền trời màu xanh tím, độ tương phản cao và chủ đề ảnh lọt giữa trung tâm gây ấn tượng thị giác mạnh. “Bức ảnh này do một người bạn thân của Su chụp ở Phú Quốc. Bạn đã in ra và căng khung canvas tặng cho Su vào ngày sinh nhật. Su chọn ảnh làm bìa album để cảm nhiều hơn là để nghĩ. No Nê cứ thế biến thành không gian chia sẻ năng lượng tuyệt vời. Mọi người đến với tôi và với No Nê như một sự sắp xếp kỳ diệu của vũ trụ vậy”.
Suboi bật cười khi được nghe nhắc lại một tuyên bố của cô năm 25 tuổi – No pain, no gain. Cô nói: “Hồi trẻ tôi từng rất “chiến”, nghĩ lại vừa mắc cười mà cũng thật đáng quý”. Đời đã vùi dập Suboi nhiều phen, nhưng cô từ chối cay cú với đời. “Cuộc đời mình cũng chỉ là một chuyển động nhỏ trong vũ trụ này thôi. Tôi học cách tin tưởng lại và chào đón tất cả mọi điều xảy đến, để được học thêm nhiều bài học mới nữa”, cô bình thản nói. Đúng vậy, từng là no pain, no gain và bây giờ là “Khi ta vung tay chân đấm đá hãy quay về cội nguồn” (Diều).
Nhóm thực hiện
Nhiếp ảnh: Võ Minh Toàn
Sản xuất: Sapochee
Stylist: Điền Huyền Linh
3D Artist: Tommy Bui
Trợ lý: Hải Võ
Bài: Hải Âu
Giám chế mỹ thuật: IO
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE