Tạ Thùy Chi – Chim vành khuyên hay múa
Bạn bè biết Thùy Chi vẫn nhận xét có cô bên cạnh là sẽ chẳng biết buồn, Chi hay nói, hay cười và luôn biết cách làm người khác vui, mấy ai biết cô gái ấy đã trải qua bao nhiêu nỗi buồn khi phải sống xa nhà vì nghiệp múa
Viết về một tài năng được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ như Tạ Thùy Chi là công việc không hề dễ dàng như hình dung của người viết. Tiết lộ những gì, giữ lại điều gì mà vẫn đảm bảo người đọc có thể chạm vào cái nhìn khách quan nhất về cô gái tài năng này? Thôi thì tôi cứ lan man như kể về người bạn thay vì bắt đầu nhàm chán kiểu Chi là một trong số ít diễn viên múa được công chúng nhớ mặt, nhớ tên khi còn là một cô bé.
Dù thiệt thòi vẫn muốn thành thật
Ta vẫn hay nghĩ rằng nghệ sĩ trên sân khấu và ở ngoài đời thường khác nhau. Thế nhưng, trong cuộc gặp đầu tiên năm 2009, tôi cũng mang ý nghĩ ấy đến chuyện trò cùng Chi và rồi nhận ra ở cô gái này, lúc biểu diễn và khi không có ánh đèn là một. Vẫn là Tạ Thùy Chi nồng nhiệt, chân thành, cháy hết mình với công việc sáng tạo, giảng dạy với đồng nghiệp hay học trò hoặc khán giả. Chi là người bình dị, hòa đồng, chưa bao giờ thể hiện mình được nhiều người biết đến với đồng nghiệp, tỏ vẻ lên mặt tài năng nổi bật với các em khóa sau. Còn với bạn bè, cô nàng đem tấm lòng nhiệt thành, bằng sự ý tứ quan sát để có được cách chăm sóc “không trật vào đâu” ra đối đãi. Đó chính là điều giúp cho tài năng của Chi không chỉ tỏa sáng mà còn lưu lại lâu hơn một tiết mục hay một chương trình biểu diễn.
Khi làm việc, Chi lắng nghe người đối diện và trình bày rõ ràng điều mình muốn để tìm ra hướng đi tốt nhất cho cả hai. Tính thẳng thắn, thành thật, không biết “chơi chiêu” của Chi đôi khi khiến bản thân cô thiệt thòi. Dẫu cảm thấy buồn vì những kinh nghiệm thương đau do người khác cố tình hiểu sai ý, Chi không biến mình thành người khác, chỉ cẩn trọng hơn đôi chút nhưng vẫn dễ lạc lòng, vẫn có sao nói vậy, không đánh bóng, không nói quá sự thật.
Làm quá, nói phóng đại là chuyện thường ở huyện với nhiều người, đặc biệt là khi cần gây sự chú ý của công chúng. Thế nhưng với Chi, điều này chưa bao giờ được chấp nhận. Đến nỗi nếu bài báo này xuất bản đề cập đến chi tiết “Diễn viên múa Thùy Chi sáng nào cũng quét nhà, tưới cây, rửa bát” thì cô ấy sẽ nhăn mặt gạt đi: “Tưới cây là niềm vui hàng ngày của bố, em không làm mà nhận vào mình, ngượng lắm!”. Nỗi sợ bị người khác phát hiện sự thật bị bóp méo không bằng sự xấu hổ khi đối diện với bản thân nên Chi quyết nói thật, sống thật.
Hạnh phúc giản đơn
Trong gia đình, con gái út của hai nghệ sĩ – nhà giáo nhân dân luôn là hạt nhân của mọi tràng cười, những câu chuyện vui, cả mấy trò chọc phá tinh nghịch. Nếu có anh Tôn ở nhà, hai anh em lập thành bộ đôi ăn ý trêu bố, chọc nhau trong bữa cơm. Tính hài hước Chi thừa kế từ bố và giống anh trai còn tính cẩn thận, chu đáo, nàng thừa hưởng ở mẹ.
Chi thường nói vui: Nhà em có hai “phe”, phụ nam chơi nhạc, phụ nữ thì múa. Trong khi anh trai nối gót bố theo nghiệp trình diễn vĩ cầm thì Chi đến với múa theo sự dẫn dắt của mẹ năm lên 6. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ ấy cho đến lúc hoàn thành chương trình biên đạo ở học viện múa Bắc Kinh và bây giờ là giảng viên trường múa TP. HCM, Chi vẫn thường chuyện trò, tham khảo ý kiến chuyên môn của mẹ. Hai mẹ con khá tâm đầu ý hợp nhưng đôi khi cũng bất đồng ý kiến và thường giảng hòa bằng một chuyến đi dạo nhiều hơn là mua sắm.
Con đường nghệ thuật Chi đi, lúc nào cô cũng có gia đình ở bên. Không chỉ bố mẹ và anh trai chia sẻ, đồng hành mà còn có cả ông bà, họ hàng động viên. Chi từng nói: “Được sống và làm cái nghề mà mình yêu thích là hạnh phúc”. Hạnh phúc đó luôn ngự trị trong gian phòng khách nhỏ xinh, ấm cúng, chiếc dóng múa được làm bằng gỗ đã ghi lại hành trình múa của Chi.
Cũng tại đây, sáng sáng con gái được đánh thức bởi tiếng đàn của bố, thứ thanh âm khiến Chi không lần nào nhớ đến mà không rơm rớm khi đi học. Còn bố mẹ khỏa lấp nỗi nhớ con bằng những vật lưu niệm, huy chương, giải thưởng được trưng bày cẩn thận trong chiếc tủ kính. Để rồi sau những tháng ngày dài học tập, cả nhà lại rộn vang tiếng cười nói của con chim vành khuyên hay… hót, múa đẹp.
Giờ đây, Chi đang tập trung cho việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với thế hệ kế cận trong vai trò giảng viên, đồng thời chuẩn bị cho những chương trình mang đậm dấu ấn sáng tạo, tài năng trên sân khấu.
Xem thêm Nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn – Nghệ sĩ cần tinh thần thép
Xem thêm Nghệ sĩ múa Kim Cúc – May mắn vì được theo nghề múa
Xem thêm Nghệ sĩ múa Duy Khánh – Nếu một ngày không múa tôi như chết
Bài: An Hội – Ảnh: Trọng Đức – Trang điểm: DY
Làm tóc: Daniel Wong – Trang phục: Li Lam