Văn hóa / ELLE Interview

Tạ Thùy Trang và tổ chức xã hội Saigon Compass

Trang sáng lập tổ chức xã hội Saigon Compass với hơn 1.000 tình nguyện viên và cộng tác viên và đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nước nhà.

Điều gì đã thúc đẩy bạn thành lập tổ chức xã hội Saigon Compass với rất nhiều cộng đồng và thành viên?

Đó là cơ hội được gặp gỡ những người rất bình thường. Tuy nhiên, đáng quý ở chỗ họ có chuyên môn, kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau và âm thầm, nỗ lực nhiều năm liền góp sức mình trong các vấn đề xã hội một cách say sưa. Họ đã và đang truyền đam mê đó lại cho những thế hệ tiếp nối. Có những người mà tôi rất ngưỡng mộ, chẳng hạn như thầy Kiền, đang tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Úc. Lúc trước, thầy là thỉnh giảng tại Đại học An Giang bộ môn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cách đây vài năm, thầy sáng lập Tổ chức NGO Mekong Organic chuyên về nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, thực hành tại những nông trại nhỏ. Thầy làm việc rất bền bỉ với kiến thức chuyên môn; thầy đã vận động được nhiều quỹ nước ngoài về giúp tổ chức và địa phương.

Saigon Compass Tạ Thùy Trang

Bạn hãy chia sẻ thêm về Saigon Compass…

Có những người đã từng có sự đứt gãy trong quá khứ, mất kết nối với quê hương, mất kết nối với người thân nhưng họ có cùng một điểm chung là hướng về những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình. Tôi mong Saigon Compass là chiếc la bàn, là cầu nối để mọi người có thể chia sẻ, gắn kết với nhau.

Thời gian đầu khi Saigon Compass mới thành lập, tôi thấy có ít người thực sự quan tâm đến vấn đề xã hội, môi trường. Nhưng càng về sau, các bạn đến nhiều hơn và muốn là một phần của sự thay đổi tích cực. Họ trang bị cho mình kiến thức, tinh thần hoặc nguồn lực kinh tế. Chúng tôi có nhiều cộng đồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Cộng đồng vườn Giun đất; Your Connect to Clean Air Network (Mạng lưới tuổi trẻ hành động vì không khí sạch); Vietnam Action for Amazon; Trash Portraits: The Untold Stories – Chuyện rác Sài Gòn; Greeny Library – Thư viện môi trường và thiên nhiên; IUCN Vietnam Sea Turtle Volunteers… Các bạn tùy vào chuyên môn hay sở thích để tham gia vào các cộng đồng nhưng có cùng mục tiêu là bảo vệ khí hậu và môi trường.

Saigon Compass tổ chức hoạt động xã hội

Có điều gì khiến bạn thấy đáng ngại nhất khi tham gia vào các hoạt động xã hội?

Tôi cảm thấy chúng ta đang dần mất kết nối với thiên nhiên, mất kết nối giữa người với người. Bên cạnh đó, chúng ta đang dần biến khái niệm “sống xanh” thành một thứ gì đó xa xỉ, và tệ hơn trở thành rào cản. Nhiều người nghĩ rằng, sống xanh chỉ dành cho người giàu, còn người nghèo cứ việc… xả rác. Tôi muốn thay đổi suy nghĩ đó. “Sống xanh” phải trở thành một việc hết sức bình thường và ai cũng có thể làm. Ai cũng có thể tự trồng một cái cây, tự tạo một mảnh vườn. Đơn cử Cộng đồng Giun, đất là nơi tập hợp những cá nhân có đam mê với việc làm vườn, trồng rừng. Người có tiềm lực kinh tế mạnh, họ cùng nhau góp vốn mua đất lâm nghiệp; những người khác có thể đến để học hỏi và thực hành kỹ thuật làm vườn, trồng cây. Càng nhiều người tham gia, mảng xanh sẽ càng được nhân rộng, từ đó thiên nhiên sẽ có nhiều cơ hội được bảo toàn hơn.

Và đâu là tín hiệu đáng mừng?

Những mạng lưới của Saigon Compass có hơn 50.000 thành viên trực tuyến với hàng trăm triệu lượt tiếp cận trong hơn 2 năm qua về các chủ đề môi trường, sống xanh trong giới trẻ. Trong thời gian này, chúng tôi cũng đã nhanh chóng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ công tác chống dịch bệnh và đóng góp giúp bà con vùng hạn mặn miền Tây.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương. T Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)