Văn hóa / ELLE Interview

Tâm thế của ca sĩ Tùng Dương

[Tạp chí ELLE - 12/2015] Ca sĩ đất Hà thành khác thường là thế, cô độc là thế, nhưng người ta vẫn cứ muốn được ở gần trong thế giới của Tùng Dương, để được hưởng cái say rất riêng của anh - biết sống và hát không nửa vời.

Trò chuyện với ca sĩ Tùng Dương trong tình trạng anh gần như kiệt sức sau chuyến lưu diễn ở miền núi, chuyến bay từ Bắc vào Nam, buổi chụp hình và một ngày dài di chuyển, tôi có cảm giác như đang gặp một người nói về người phụ nữ mà anh ta yêu. Khi Tùng Dương gần như bị rút cạn năng lượng, liệu anh có nói những lời chân thật nhất, không màu mè, không trau chuốt?

 

ca si tung duong
Với tôi, bóng tối đôi khi là nỗi buồn. Không chỉ niềm vui mà nỗi buồn cũng rất đẹp.

Tùng Dương và Hà Trần đều gắn bó với âm nhạc Giáng Son nhưng album “Bóng tối Jazz” là lần đầu tiên ba nghệ sĩ kết hợp lại với nhau. Cái gốc của mối hợp tác này là gì và màu sắc jazz trong album này có thực sự đậm đặc?

Giáng Son, Hà Trần và tôi dù mỗi người một trường phái nhưng chúng tôi đều lấy tiêu chí sáng tạo làm gốc cho con đường đi riêng của mình. Chúng tôi tìm thấy sự gần gũi, hòa hợp với nhau về âm nhạc.

Trong album này của Giáng Son, jazz không quá đậm đặc. Tuy vậy, album với những bản jazz blues vẫn tạo nên được một không gian riêng, lãng đãng, lãng mạn và bay bổng, mang đến men say cảm xúc cho người nghe.

Không riêng gì với Giáng Son, bóng tối là một bí ẩn mang đến cảm hứng sáng tạo ở nhiều nghệ sĩ. Với Tùng Dương, bóng tối có ý nghĩa như thế nào?

Trong mỗi con người đều có những miền sáng/tối đối ngược nhau và bóng tối đôi khi là ảo ảnh của người nghệ sĩ. Tôi thấy cuộc sống là một chuỗi những ảo ảnh giúp mình có thêm nguồn cảm hứng bất tận. Với tôi, bóng tối đôi khi là nỗi buồn. Không chỉ niềm vui mà nỗi buồn cũng rất đẹp.

Nghệ sĩ vốn yếu đuối, nhạy cảm và khi đối diện với sự yếu đuối, nỗi buồn khổ thì họ càng thấu hiểu thêm về cuộc sống, càng có thêm nhiều trải nghiệm, cảm xúc để sáng tạo.

Có thể bóng tối mang lại cảm giác cô độc nhưng đôi khi nỗi cô độc cũng làm nên những bản ngã mạnh mẽ nhất. Cuộc sống vốn đa chiều, đa sắc mà.

Nếu chỉ phân ra hai sắc sáng và tối thì cuộc sống của Tùng Dương có bao nhiêu phần trăm sắc này và bao nhiêu phần trăm sắc kia?

Thật khó gọi tên và cũng khó đo lường một cách chính xác. Tôi chỉ biết cuộc sống tuân theo những quy luật lúc sáng, lúc tối và đôi khi nơi tối nhất cũng là nơi sáng nhất.

Tôi không nhìn nhận cuộc sống của mình theo hai mặt sáng/tối mà luôn tìm một triết lý dẫn đường để cố gắng vươn lên, không ngừng nuôi dưỡng hoài bão của mình.

Đôi khi đối với tôi, thất bại cũng là khoảng tối. Và tôi không cho phép mình được thất bại. Tôi muốn mạnh dạn đầu tư nghiêm túc cho nghề nghiệp. Hầu như năm nào tôi cũng đặt mục tiêu phải làm album và năm nay là vừa làm album, vừa ra mắt liveshow. Cụ thể là cuối năm nay, tôi ra mắt album Rễ cây hợp tác với nhạc sĩ Sa Huỳnh và liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát mang tên Thập kỷ hoan ca vào ngày 12 và 13/12 ở Hà Nội.

Nếu sau liveshow “Tùng Dương hát tình ca”, anh đã chứng minh rằng Tùng Dương hát tình ca cũng không thua ai và chiều lòng được số đông khán giả thì liveshow lần này, anh muốn chứng minh điều gì?

Liveshow này đánh dấu bước trưởng thành của Tùng Dương sau mười năm sự nghiệp, kể từ thời Sao Mai Điểm Hẹn 2004. Trong đó, Dương sẽ chọn những bài hit và hòa âm lại. Khách mời của chương trình sẽ là ca sĩ Thanh Lam và Lê Cát Trọng Lý. Lam và Lý đều là những cá tính âm nhạc và kết hợp rất ăn ý với Dương.

Thanh Lam là người chị, người bạn nồng nàn, mãnh liệt, đầy lửa. Trong khi đó, Lê Cát Trọng Lý lại như một cơn gió viễn du. Dương rất ngưỡng mộ khả năng sáng tác của Lý. Thanh Lam và Lê Cát Trọng Lý gần như là sự đối nghịch và Dương chính là người kết nối những màu sắc âm nhạc ấy.

Sau 10 năm, Dương thấy mình thay đổi nhiều không?

Thay đổi nhiều chứ! (cười). Thời gian chính là thứ xây dựng và khẳng định được tầm vóc, chân dung của người nghệ sĩ. 10 năm trước, mình như viên ngọc thô còn xù xì, chưa được mài giũa. Cuộc sống đã cho mình cơ hội được cộng hưởng từ nhiều phía, giúp cho mình lột xác.

10 năm qua, Dương đã phiêu du qua nhiều miền âm nhạc như Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại, Giáng Son, Đỗ Bảo, Lưu Hà An, Sa Huỳnh. Từng miền âm nhạc ấy đã làm rõ ràng hơn cho cá tính của Dương.

Nếu Trần Tiến là người hiền triết trong âm nhạc với những ca từ mộc mạc, rất đời, rất sâu cay thì Lưu Hà An đậm chất dân gian Bắc bộ. Trong khi đó, Sa Huỳnh sống ở phía Nam nhưng lại rất đồng cảm với Tùng Dương. Sa Huỳnh và Dương như những bạn hữu không gặp nhau nhiều nhưng có sự cộng hưởng và đồng cảm rất lớn, điều đó rất đáng quý. Sa Huỳnh là người trẻ có tài. Cô thể hiện được con người mình, nhân sinh quan của mình về cuộc sống qua nhiều tứ lạ trong bài hát.

 

ca si tung duong
Nhạc sĩ Trần Tiến từng viết riêng cho Tùng Dương những câu hát như: “Có một giống chim thật lạ lùng, đâm vào gai thật nhọn, để hót cho mình bài ca phiêu lãng”.

Anh có còn hướng đến chuyện đi biểu diễn ở các festival âm nhạc thế giới một cách thường xuyên hơn để giới thiệu về âm nhạc Việt Nam đương đại không?

Biểu diễn ở nước ngoài theo Dương là dự định hay ước mơ chính đáng của ca sĩ Việt Nam. Và sắp tới, Dương vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế cũng như ra thế giới nhiều hơn.

Trong quá trình làm nghệ thuật của mình, Dương luôn muốn tạo nên và để lại những giá trị. Dương làm nghề không phải để được khen mình hát hay mà là khi mình nằm xuống có để lại được gì ngoài tiếng hát của mình, âm nhạc của mình liệu có giá trị dẫn dắt hay không.

Theo Dương, giá trị của âm nhạc không thuộc về đại chúng và số đông mà đó là những điều truyền được từ thế hệ này sang thế hệ kia. Mình trân trọng các nghệ sĩ thế hệ trước như thế nào thì thế hệ trẻ về sau sẽ trân trọng mình như thế ấy.

Đến bây giờ, người ta vẫn bảo ca sĩ Tùng Dương khác người. Bản thân anh có thấy như vậy không?

Nghệ sĩ bắt buộc phải khác thường nhưng không phải là đi ngược lại với số đông. Sự khác thường phải cột chặt trên nền trí tuệ của chính mình. Dương thấy suy nghĩ, quan niệm của mình về cái đẹp không giống như nhiều người khác. Quan niệm về thời trang, nghệ thuật, hội họa của mình cũng khác. Nếu mọi người cho rằng đẹp là hài hòa, cân đối thì với Dương, cái đẹp phải toát ra từ nội tâm. Nội tâm sẽ quyết định bề ngoài của bạn. Căn nguyên của nghệ sĩ là nhân văn, là yêu cái đẹp. Dương không cho phép sự thù hằn tồn tại lâu, mà xem nhẹ nó để cho mình được nhẹ nhàng, thanh thản.

Phiêu du qua nhiều miền âm nhạc, Tùng Dương cũng đã tìm được không ít tri kỷ. Tại sao anh cho rằng con đường mình đang đi là độc đạo? Anh có thường xuyên cảm thấy cô đơn?

Thật ra cô đơn giúp nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo thôi chứ Dương không thiếu những người bạn để chia sẻ. Gọi tên đúng sự cô đơn của Dương là độc lập thì đúng hơn. Vì câu chuyện sáng tạo là câu chuyện mang tính cá nhân chứ không mang tính cộng đồng. Tâm thế của Dương là “một mình một ngựa” trong sáng tạo nghệ thuật.

Dương luôn kiên định xây dựng cho mình một đế chế riêng. Điều này mang lại cho mình niềm tin và sự vững chãi. Dương thu nạp mọi thứ để biến thành trường phái của mình và xây dựng đế chế đó bằng âm nhạc, nghệ thuật. Có tư tưởng thì phải biết nhân lên, gạn lọc, khám phá để tư tưởng đó ngày một lớn lên, dài rộng ra như một hệ tư tưởng.

Cảm ơn Tùng Dương, chúc anh thành công hơn nữa. 

Xem thêm

Ca sĩ Phương Thanh: “Nghệ sĩ quan trọng nhất là tình cảm”

Ca sĩ Justin Bieber: “Tình yêu là sự lựa chọn”

Ca sĩ Siu Black và hành trình tìm lại hào quang

Nhóm thực hiện

Bài: Lê Yến - Ảnh trang bên: Tang Tang Trang điểm: Sơn Tùng - Ảnh trang sau: Le Lai ( Lieta Studio)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)