Tăng Thanh Hà: Tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ
Mỗi sớm mai đều được thức dậy giữa những bóng cây xanh mát và tiếng chim reo, với Tăng Thanh Hà đó chính là hạnh phúc.
Văn phòng làm việc của Tăng Thanh Hà không lớn như tôi nghĩ, nhưng rất gọn gàng và trật tự. Có thể cảm nhận được ngay sự ưu ái của chị với ánh sáng qua vệt nắng rọi vào phòng và những mảng tường trắng. Chị bắt đầu ngày mới giản dị chỉ với ổ bánh mì chấm sữa và một ly nước lọc. Sự mộc mạc này có lẽ không còn xa lạ với những người vẫn luôn dõi theo Tăng Thanh Hà. Hơn 10 năm qua đi, “Út nhỏ” hôm nay đã trở thành nữ doanh nhân và NTK thời trang, nhưng thời gian không làm mất đi những nét đặc trưng nơi chị. Đó là nụ cười rạng rỡ và ánh mắt cương quyết ẩn sâu trong vẻ ngoài tưởng chừng mong manh.
Công chúng biết gì về Tăng Thanh Hà? Có thể là rất nhiều và cũng có thể là không gì cả. Ngay từ khi mới nổi danh với những thành tựu điện ảnh đầu tiên, Hà đã được nhận định là một nghệ sĩ kiệm lời. “Nếu chưa thực sự làm được điều gì, mình không tự tin lên tiếng về việc đó”, chị nhấn mạnh quan điểm này nhiều lần khi trò chuyện cùng tôi. Đó chính là lý do chị phải chần chừ rất lâu mới đồng ý chia sẻ về chủ đề bảo vệ môi trường – con đường chị luôn lặng lẽ theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Trong thời đại internet, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết của các hoạt động vì môi trường. Đây là nơi những bông hoa hy vọng bừng nở và cũng là nơi sự cực đoan có thể trở thành vũ khí hủy diệt lòng tin. Bảo vệ môi trường là một lãnh địa rộng lớn, tiềm ẩn vô số tư tưởng trái chiều và nhiều rủi ro. Vậy giữa khoảng mênh mông ấy, câu chuyện mà Tăng Thanh Hà muốn kể là gì? Tôi có thể tóm tắt chỉ trong bốn chữ: những điều nhỏ nhặt.
Dấu mốc nào đã khơi dậy trong Tăng Thanh Hà mối quan tâm với các hoạt động vì môi trường?
Hà yêu cuộc sống gần gũi với thiên nhiên từ nhỏ. Trưởng thành rồi, có cơ hội đi du lịch nhiều nơi nhưng mình vẫn thích nhất những vùng đất sở hữu cảnh quan xanh tươi và bình yên như New Zealand. Nếu bắt buộc phải lựa chọn, mình sẽ ưu tiên du lịch sinh thái chứ không phải đến các đô thị lớn để mua sắm. Tuy nhiên để nói cho chính xác, tình yêu thiên nhiên trong Hà chỉ được thổi bùng thành nguyện vọng bảo vệ môi trường lúc mình vào đại học.
Hà may mắn được gặp gỡ và làm việc cùng một người thầy có quyết tâm đấu tranh vì môi trường rất mạnh mẽ. Thầy không những chỉ cho Hà kiến thức đúng đắn mà còn truyền cảm hứng để mình hiểu rằng, việc bảo vệ ngôi nhà chung này có thể bắt đầu từ những điều giản dị và những con người nhỏ bé, thầm lặng nhất.
Vậy nên trong những năm sinh viên, Hà cùng nhóm tình nguyện không ôm tham vọng lớn lao gì mà chỉ tập trung vào duy nhất một khía cạnh: rác. Không thơm tho hay hào nhoáng, nhưng sự thật nhỏ bé ấy chính là hành trang đầu tiên của mình trên con đường này.
Có lẽ không ai dám phủ nhận rằng ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp đang tạo gánh nặng cho tự nhiên. Theo chị, bằng cách nào chúng ta có thể cân bằng giữa việc làm đẹp cho bản thân và bảo vệ môi trường?
Làm đẹp là nhu cầu tự nhiên và chính đáng của con người. Trong thời đại này, chúng ta khó lòng nói không tuyệt đối với những tiến bộ công nghệ giúp việc tạo dấu ấn phong cách trở nên dễ dàng hơn. Khi đặt nhu cầu ấy lên bàn cân với môi trường, sự cân bằng có thể là điều xa xỉ nhất. Cá nhân Hà cũng không dám khẳng định mình sống xanh hoàn toàn, nhưng Hà tự tin rằng bản thân luôn cố gắng cải thiện và thay đổi mỗi ngày. Mình không phải nhân vật tiên phong, càng không phải gương mặt đại diện cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tăng Thanh Hà cũng chỉ là một người bình thường đang cố gắng học hỏi và hành động để không tạo thêm gánh nặng cho thiên nhiên.
Đạt được sự cân bằng hoàn hảo là rất khó, nhưng mình có thể bắt đầu từ việc cơ bản như sử dụng mỹ phẩm và nước một cách hợp lý, tránh lãng phí; ủng hộ các thương hiệu nội địa uy tín; thử nghiệm phương pháp refill (làm đầy) mỹ phẩm trong chai lọ cũ; cân nhắc kỹ hơn trước khi chi tiêu cho thời trang theo mốt…
Từng chút một, bạn có thể dần thay đổi toàn bộ thói quen mua sắm và làm đẹp theo hướng thân thiện với môi trường. Hà nghĩ chỉ khi chúng ta tạo được thói quen ăn sâu vào tiềm thức thì sự thay đổi mới đến bền vững, trong việc làm đẹp và cả trong những mặt khác của cuộc sống.
Trong gia đình nhỏ của mình thì sao? Chị hướng dẫn các con thực hành lối sống xanh như thế nào?
Không chỉ về vấn đề môi trường, Hà luôn tâm niệm rằng muốn dạy con bất cứ điều gì, trước hết cha mẹ cần là tấm gương. Hai con của mình đều còn bé, hướng dẫn bằng lý lẽ khô cứng thì các con sẽ không hiểu được. Vì vậy, mỗi ngày Hà đều thủ thỉ tâm tình với con những câu chuyện nhỏ về vòng đời của rác thải; làm mẫu cho con thấy mẹ hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần thế nào, tiết kiệm nước ra sao… Hà tin rằng khi lớn lên trong một gia đình có nguyên tắc rõ ràng và chặt chẽ về việc bảo vệ môi trường, ý thức ấy sẽ trở thành bản năng của các bé.
Với xã hội hiện nay nói chung, đâu là cốt lõi trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, theo chị?
Cốt lõi chính là giáo dục. Ai cũng biết rằng muốn giảm tải cho trái đất, chúng ta cần bắt đầu từ việc hạn chế xả rác. Thế nhưng không phải cứ lưu trữ đồ thừa và dùng đi dùng lại là đúng đắn, tiết kiệm. Có những đồ đựng bằng nhựa dẻo được ký hiệu rõ ràng là không tái sử dụng, nhưng vì tâm lý “tiếc của”, chúng ta vẫn vô tư dùng nhiều lần. Làm sao để tránh được thói quen tưởng tốt mà hại này? Không có cách nào ngoài giáo dục. Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ để thấy rằng nếu kiến thức đúng không được lan truyền rộng rãi và mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ còn đi lạc.
Lan truyền kiến thức lại là một bài toán khó giải khác. Hiện nay bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề “nóng”, thu hút nhiều sự chú ý trên các kênh truyền thông đại chúng. Chị đánh giá thế nào về cách thông tin đang được lan truyền và sự tiếp nhận của mọi người trước làn sóng ấy?
Không vui sao được khi thấy ngày càng có nhiều người nhiệt tình lan tỏa kiến thức bảo vệ môi trường. Những thành quả đạt được từ truyền thông là không thể chối cãi. Thế nhưng đáng tiếc là trong nỗ lực chung, đôi khi chúng ta lại dùng chính kênh truyền thông để gây tổn thương cho nhau. Điển hình phải kể đến chính là xung đột giữa nhóm hoạt động vì môi trường thực thụ và nhóm bị định kiến là chỉ đua theo phong trào. Khi phân biệt cá nhân như vậy, chúng ta vô tình quên đi mục tiêu cao đẹp cuối cùng và dễ sa vào những tranh cãi bên lề không cần thiết.
Điều đáng sợ nhất đối với Hà chính là thái độ cực đoan. Chẳng ai có thể hoàn toàn thay đổi chỉ sau một đêm, quan trọng là chúng ta biết quan tâm, biết cân nhắc và hành động, dù là nhỏ giọt. Có vẫn hơn không chứ!
Vậy cách Tăng Thanh Hà chọn để lan truyền kiến thức bảo vệ môi trường là gì?
Hà cho rằng chỉ trích nặng nề không mang lại tiến bộ mà chỉ gây nên thù địch, khiến người khác cảm thấy tội lỗi. Điều này chưa biết có góp phần giảm ô nhiễm môi trường không, nhưng chắc chắn khiến chúng ta xa nhau. Vậy nên trước khi lên tiếng phán xét bất kỳ ai, mình luôn cố gắng làm đúng phần mình đã. Điều thú vị về kiến thức là càng đi, con đường này càng rộng hơn và hiểu biết của mình càng như giọt nước giữa đại dương. Càng lắng nghe và quan sát, mình càng cẩn trọng hơn trước mỗi phát ngôn.
Hà ít công khai nói về vấn đề này là bởi lẽ ấy. Thay vào đó, mình chọn cách truyền cảm hứng đến người xung quanh bằng những hành động thực tế. Mình nhận ra rằng con người có thể ảnh hưởng lẫn nhau theo cách trực quan và bền bỉ. Chỉ cần mỗi ngày mình đều nhớ mang theo bình đựng nước cá nhân đến chỗ làm, chỗ hẹn; dần dần đồng nghiệp và bạn bè cũng sẽ muốn thực hiện giống mình. Mình tin là ở thời điểm hiện tại, không còn ai hoàn toàn thờ ơ với vấn đề môi trường. Mỗi người đều có cách hành động riêng, phù hợp với những tiêu chí và phong cách sống riêng. Việc chúng ta nên làm là lan truyền thông tin một cách văn minh, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.
Dường như Tăng Thanh Hà là người theo đuổi chủ nghĩa lạc quan, ngay cả trong vấn đề thường được mô tả bằng cách nặng nề như bảo vệ môi trường?
Cách mô tả đúng ở đây có lẽ nên là “giàu lòng tin”. Mình rất ngưỡng mộ thế hệ trẻ bởi thấy được ở các bạn trí tuệ, sức sáng tạo, sự nhiệt huyết và bản lĩnh dám nghĩ dám làm. Nhờ có các bạn mà vấn đề môi trường mới được đẩy mạnh và chú trọng tại Việt Nam như lúc này. So với thời mình hoạt động trong tổ chức môi trường khi còn là sinh viên, đây thực sự là một cuộc cải cách. Các bạn trẻ giữ cho Hà niềm tin rằng tương lai là nơi xứng đáng được đi tới và bồi đắp từ ngay hôm nay.
Bạn có thể nghĩ về bảo vệ môi trường theo cách vĩ mô, cần nhiều nguồn lực mạnh mẽ mới đạt được. Nhưng nếu không có hành động nhỏ thì làm sao có thay đổi lớn? Hà tin vào một câu chuyện nhỏ thế này: Những điều giản dị, đúng đắn chúng ta cùng làm hôm nay chắc chắn sẽ mở ra chương mới tốt đẹp hơn cho cuốn sách ngày mai.
Cảm ơn Tăng Thanh Hà đã chia sẻ và chúc chị luôn giữ được niềm tin nhỏ bé mà bền bỉ ấy trong mình!
—
Xem thêm những khoảnh khắc hậu trường khó quên của Tăng Thanh Hà trong buổi ghi hình cho ELLE Green Issue 6/2019:
Mỹ thuật & Hình ảnh: Dzũng Yoko
Bài: Hải Âu
Trang điểm & Làm tóc: Tùng Châu
Stylist: Huyền Linh
Sản xuất: Hoàng Lê
Trợ lý: Kỳ Duyên
Dựng cảnh: Lý Bình Sơn
Chỉnh ảnh: Hùng DT
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE