Tăng Thanh Hà: “Tri thức cho chúng ta sự tự chủ”
Từ ngọc nữ điện ảnh đến người mẹ của hai con, Tăng Thanh Hà ngày ấy và bây giờ vẫn cương quyết rằng: không có tri thức là không có gì cả.
Có lẽ không thành công nào mà lại thiếu chút yếu tố may mắn, nhưng với Tăng Thanh Hà, chỉ may mắn chắc chắn là không đủ để đạt được vị trí hiện nay. Chia sẻ rằng bản thân phải đấu tranh rất nhiều để theo đuổi học vấn, cô đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trên con đường gian nan này. Là khách mời của chương trình “Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức” của thương hiệu Clé de Peau Beauté, lần đầu tiên Tăng Thanh Hà đồng ý chia sẻ cùng chúng tôi những suy tư về giáo dục, vẻ đẹp tri thức đối với người phụ nữ cũng như phương pháp nuôi dạy con mà cô đang theo đuổi.
Học vấn đóng vai trò thế nào trong tuổi trẻ của Tăng Thanh Hà?
Hà bước vào nghề diễn từ rất sớm và luôn giữ trong mình tình yêu với nghệ thuật. Nhưng bất kỳ thành tựu nào cũng có cái giá của nó. Để cân bằng giữa guồng quay công việc bận rộn, nhiều cám dỗ và việc học tại trường là thách thức rất lớn. Dù vậy, Hà vẫn luôn nỗ lực hết sức để theo học tới cùng, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Con đường mình đi có thể dài hơn, chậm hơn vì những lý do riêng, nhưng điều quan trọng là mình không từ bỏ. Đến bây giờ, mình càng biết ơn vì đã kiên trung với học vấn. Nếu không có ngày tháng gian nan ấy thì không có Tăng Thanh Hà của hôm nay.
Qua những trải nghiệm cá nhân, Tăng Thanh Hà có đồng ý rằng giáo dục chính là con đường vững chắc nhất để thay đổi số phận con người?
Hà nghĩ rằng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí then chốt với mỗi cá nhân. Giáo dục không chỉ cho chúng ta tri thức, kỹ năng mà còn cả sự tự tin theo đuổi ước mơ; giúp chúng ta hình thành hệ thống nhận định riêng, từ đó đưa ra những lựa chọn sáng suốt cho cuộc đời mình.
Tri thức là vũ khí và lợi thế để chúng ta dễ dàng nắm bắt những cơ hội trong cuộc sống. Có tri thức là có tự do. Sức mạnh kỳ diệu của tri thức cho chúng ta sự tự chủ, khẳng định được bản thân và thoát khỏi các định kiến xã hội.
Là một người mẹ có cả “nếp lẫn tẻ”, chị đánh giá thế nào về tầm quan trọng của giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em nữ nói riêng?
Giáo dục trong những năm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ nhỏ vì trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu và học hỏi. Ảnh hưởng giáo dục từ gia đình đến trẻ nhỏ là sớm nhất và cha mẹ chính là những người thầy cô đầu tiên của con. Hiểu được điều này, Hà luôn tạo môi trường cho các con được học mà chơi, chơi mà học để trải nghiệm những kiến thức mới, tự rút ra bài học cho bản thân, có hứng thú tìm tòi và khám phá.
Bên cạnh gia đình, chương trình giáo dục tại trường lớp cũng quan trọng không kém. Tại đây, con được tiếp cận những kiến thức sâu rộng hơn, bồi đắp thêm hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Từ đó, con sẽ dễ dàng hòa nhập, độc lập và tự tin hơn trong cuộc sống.
Hà nghĩ trẻ em nam hay nữ đều có quyền được đi học và hưởng nền giáo dục bình đẳng. Nếu con trẻ là tương lai của đất nước và cha mẹ chính là người thầy cô đầu tiên thì việc giáo dục phụ nữ chính là tiền đề quan trọng để đảm bảo con trẻ cũng sẽ được giáo dục tốt. Trẻ em nữ không được hưởng nền giáo dục chất lượng nghĩa là chúng ta tự đánh mất một nguồn năng lực to lớn trong tương lai.
Đâu đó trong xã hội vẫn còn định kiến rằng phụ nữ không nên học cao, thành công hay không phải nằm ở tấm chồng. Nếu muốn thay đổi quan điểm này, chị nghĩ chúng ta cần làm gì?
Được giáo dục là quyền cơ bản của mỗi người, bất kể đàn ông, phụ nữ hay trẻ em. Việc phụ nữ được tiếp cận nền giáo dục chất lượng là rất quan trọng. Tri thức cho người phụ nữ một quyền năng đặc biệt – đó là dũng cảm bước qua những rào cản định kiến xã hội để sống độc lập, tự chủ và tốt đẹp hơn.
Xã hội đang thay đổi, ngày càng có nhiều phụ nữ ý thức được về vai trò và quyền vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Vì vậy giáo dục cũng góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng đối với trẻ em gái và phụ nữ.
Đạt được bình đẳng trên khắp thế giới rất khó nhưng không phải là không thể. Mỗi cá nhân chúng ta muốn góp gần cho sự thay đổi này, trước hết hãy bắt đầu từ việc truyền bá quan điểm giáo dục bình đẳng. Truyền thông sẽ là một kênh rất quan trọng. Một tư tưởng chung được truyền bá từ nhiều cá nhân sẽ tạo thành làn sóng và lan rộng thành phong trào, tạo ra sự thay đổi lớn, mạnh mẽ và bền vững vì một tương lai tươi sáng hơn.
Tăng Thanh Hà luôn được công chúng ngợi ca là người phụ nữ đẹp. Nhưng với chính chị thì sao? Cái đẹp mà chị theo đuổi là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về cái đẹp. Ngoại hình là một phần tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Hà đồng ý ngoại hình là lợi thế nhưng ngoài ra còn nhiều yếu tố quan trọng khác giúp người phụ nữ trở nên cuốn hút hơn. Điều mà Hà đang nhắc đến chính là “vẻ đẹp trí tuệ”.
Có thể hình thức bạn chưa hoàn hảo, nhưng vẻ đẹp trí tuệ sẽ giúp bạn có phong thái tự tin ở mọi hoàn cảnh. Người phụ nữ tự tin sẽ chủ động trong việc giải quyết tình huống. Bên cạnh đó, vốn kiến thức sâu rộng sẽ giúp cuộc trò chuyện thú vị, hấp dẫn hơn. Nhờ vậy mà người phụ nữ trở nên đặc biệt, nổi bật trong đám đông.
Cảm ơn Tăng Thanh Hà đã chia sẻ, chúc chị luôn dồi dào sức khỏe và thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn!
—
Về chương trình “Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức”:
Chương trình “Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức” của Clé de Peau Beauté là một chương trình hoạt động xã hội dài hạn được thực hiện với cam kết tôn vinh những người phụ nữ truyền cảm hứng từ khắp nơi trên thế giới, những người đã có hoạt động thúc đẩy sự nghiệp giáo dục trẻ em và bảo vệ nữ quyền, tạo nên những ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống của nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Tại Việt Nam, Clé de Peau Beauté rất hân hạnh có được sự đồng hành của 05 nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội với mong muốn lan rộng hơn những thông điệp tốt đẹp về sức mạnh tri thức, thu hút được nhiều hơn sự quan tâm cũng như hỗ trợ của cộng đồng cho những hoạt động vì giáo dục.
Khám phá thêm thông điệp của chương trình “Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức” tại đây.
Bài: Hải Âu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Dy Duyên