Thế giới của Li Lam: Thực tế, phù du,…
Trong đội ngũ ngày càng đông những NTK nam và nữ, trẻ trung và xinh đẹp của Việt Nam, người ta vẫn tìm thấy đâu đó những cái tên riêng. Thậm chí những cái tên riêng trở thành tính từ thì càng hiếm. LAM là một. LAM gợi lên không chỉ khái niệm về phong cách áo quần, mà còn là thần thái, là phụ nữ. LAM – một từ, giản đơn, mà cũng phức tạp, nhiều điều để nói về.
Trước khi nhạy cảm với áo quần, túi xách, thức ăn…, phải nói Lam rất cực đoan với mùi. Tâm trạng và hành xử của cô có thể thay đổi như một “bà đồng” nếu bị đặt trong một không gian có những thứ mùi không phù hợp. Nếu mùi hương và cảm xúc gắn nối chặt chẽ với nhau trong não bộ thì những người nhạy cảm với mùi hương, không thể nào chai lì cảm xúc. Trong mỗi không gian của Lam, xung quanh cô không chỉ thơm, mà lúc nào cũng dịu dàng, bởi có hoa, có lá, có những hình ảnh của người phụ nữ được cắt ra từ sách, tạp chí. Năng lượng của cô như được nhập vào từ họ: mềm mại, cương quyết, và không thiếu chút phù du, “tâm hồn treo ngược cành cây”. Và Lam cũng chỉ thực sự là mình khi ở trong những không gian như thế, những khoảnh khắc như thế. Như con cá ở trong nước. Im lặng mà tò mò, luôn không ngừng đặt câu hỏi cho chính mình, trôi trong những suy nghĩ, ảo ảnh.
Ở Lam có những thói quen nho nhỏ mà ở gần một chút sẽ phát hiện ngay, những thứ hay hay chỉ có đàn bà mới nghĩ ra như xoa tinh dầu lavender vào áo quần, vào lòng bàn tay sau khi đi ra khỏi một cửa hàng đầy mùi vị. 10 câu chuyện nhỏ dưới đây có thể khiến những người thích Lam, yêu Lam, sẽ đồng ý hoặc không. Nhưng chúng có giúp bạn hiểu Lam hơn?
Maybe. Maybe not.
O – Obsessed (Ám ảnh)
Lam hay dùng từ “Ám ảnh”, ám ảnh bởi màu rượu vang, ám ảnh bởi ánh trăng; sang tháng sau, đã ám ảnh bởi những hương, mùi, hình ảnh khác. Điều ấy chỉ cho thấy người phụ nữ này sống bản năng đến chừng nào, và cũng cô đơn đến thế nào. Chỉ có thể làm bạn với những ám ảnh. Lam lại tự thoát ra khỏi sự ám ảnh bằng cân bằng. Tìm cái quân bình, cái tĩnh trong động. Nhưng thật khó. Nếu cân bằng, lại không phải Li Lam. Cô nói “Tôi bị ám ảnh bởi phụ nữ và nội tâm của chính tôi. Càng khám phá, tôi càng cảm thấy mơ hồ và có nhiều ý tưởng để thay đổi họ và tôi”.
I – Intellectual (Thông tuệ)
Có một dạo, Lam hay giận dỗi bất thình lình khi có ai đó nói là “Lam khùng”. “Khùng làm sao làm áo quần, làm kinh doanh”. Có thể người ta nói “Lam khùng” vì không tin rằng một NTK “mang tiếng” sống bản năng như thế lại cũng biết đọc sách, đọc không nhiều như một mọt sách, nhưng lại luôn lẩy ra được những ý hay nhất, đàn bà nhất trong những gì mình đọc. Lam nói thao thao về Coco Chanel, một dạo. Rồi về Virginia Woolf. Rồi về Người tình. Về Bốn mùa trời và đất. Không ai biết Lam có đọc hết những tác phẩm ấy không, nhưng những gì cô nói đều gây cảm hứng. Lam như đột nhiên trở thành một nhà vận động “nữ quyền”. Lam muốn làm áo quần cho những người đàn bà biết đi tới triển lãm, trân trọng những triết lý, xem bộ phim hay, dành thời gian cho suy ngẫm… Biết du lịch, đi đây đi đó. Rồi cô một mình lao đi, lang thang ở Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ… để đi tìm vải. Sau đó BST “Những cồn cát bờ Đông” đã ra đời – như một tuyên ngôn về những người phụ nữ cũng có thể phiêu lưu. Lam không phải là Nàng, một từ cũ mòn và sáo rỗng, quá nữ tính và nhợt nhạt so với Lam. Lam là người đàn bà của chính mình. “Tôi là một người thích di chuyển, đi đây đó học hỏi và mở mang tầm nhìn. Tôi nghĩ khi là phụ nữ hãy càng nên đi nhiều, phải tập liều lĩnh, biết dấn thân. Liều lĩnh để thấy tâm hồn, trái tim mình rộng mở, trần trụi trước thiên nhiên, để đong đầy tri thức. Một khi bạn lên đường, cuộc hành trình sẽ không bao giờ kết thúc. Nó sẽ tái hiện liên tục trong những góc yên tĩnh nhất của tâm trí. Tâm hồn bạn sẽ không bao giờ dứt ra khỏi cuộc hành trình.”
V- Velvet (Nhung lụa)
Để xử lý một chất liệu phổ biến như nhung, một NTK cần nhiều tinh tế. Lam làm được điều ấy. Lam làm chủ nhung, thân thuộc với chất liệu này như làn da thứ hai của mình. Những gì Lam đã đặt lên những sản phẩm nhung của mình khiến phụ nữ khó cưỡng lại.
T – Truth (Chân thật)
Lam thành thật, đôi khi có chủ đích hoặc không. Nhưng chắc chắn câu chuyện bạn nghe từ cô ấy, rồi lúc nào đó lại đọc thấy trên truyền thông. Chắc là khi ấy, Lam vừa mới chia sẻ trên truyền thông. Vì bản thân Lam, Lam Boutique cũng như đứa trẻ, chưa tới tuổi chạy thì chập chững từng bước, cho dù đôi khi cũng “già trước tuổi”, hơi “cụ non”. Lam biết mình muốn gì, và càng rõ mình không muốn gì khi nói và làm quần áo. “Tôi muốn cái gì đó chân thật, có những gì tôi muốn mặc và cách tôi muốn sống. Tôi cảm thấy cần đơn giản và thật”.
B – Breath (Hơi thở)
Lam hay huyên thuyên về việc cô học cách thở. Thở là điều tất yếu nhưng không phải ai cũng đang thở đúng cách. Một thời gian dài đối mặt với hội chứng trầm cảm và bất an, đây là liệu pháp giúp Lam giữ cho tinh thần và cơ thể mình được cân bằng. Đam mê của cô dành cho áo quần cũng thường nhật, tự nhiên và thiết yếu cũng như hơi thở vậy. Nhẹ nhàng như thở, cô thổi luồng không khí mới vào làng thời trang Việt. Lam riêng biệt không giống ai, nhưng một khi chạm đến lại khiến ta khó rời.
I – Intimacy (Nhục cảm)
Trong từng thiết kế của Lam, có thể cảm nhận được sức gợi khá đặc biệt. Trước tiên là sự tiếp xúc của chất liệu trên da, sự thoải mái từ chất vải và kiểu dáng ở thiết kế Lam mang đến cảm giác mặc như không mặc. Nhiều người vẫn bảo nhau đồ Lam đậm chất đàn bà, quyến rũ gợi cảm. Khi hỏi Lam có ngại không, điều này ít nhiều có ảnh hưởng việc kinh doanh không, Lam chỉ cười, “phụ nữ cũng có quyền yêu mà, quyến rũ gợi cảm thì phụ nữ nào cũng có, bản năng tự nhiên, sao phải ngại? Nhưng phụ nữ không cần phải đảm bảo hạnh phúc của họ bằng việc tỏ ra gợi cảm với đàn ông, bằng cách khoe ra cơ thể mà là thu hút đàn ông bằng trí óc và nét duyên của họ”.
L – Love (yêu)
Lam tự nhận mình là người sống hoang dại, thực tế và rất nhiều cảm xúc. Lam vượt qua mọi thứ đối nghịch trong tính cách bằng việc tha thứ cho bản thân mình mỗi khi vấp ngã, hay nhận ra mình vừa có một quyết định gì không đúng. Cứ như vậy, tình yêu được tái sinh. “Tôi tâm đắc một câu trong cuốn tự truyện “The Woman I Wanted To Be” của NTK Diane von Furstenberg mình mới đọc: “…one thing you know for sure that you will always have yourself”. Sứ mệnh của tôi sinh ra là làm đẹp cho mọi người nên tôi cố gắng sống lạc quan, và giúp mình, giúp mỗi người phụ nữ trở thành người đàn bà họ mong muốn nhất. Mỗi khi tôi sợ hãi điều gì, tôi ước mình có thể đi xuyên qua và nhìn thấu nó để không còn cảm giác đó nữa”.
M – Minimalism (Tối giản)
Tối giản là giản lược hết những lớp lang, tháo gỡ những mối nối, những gì được đính kết trên mình. Tối giản như màu đen, có thể phủ lên mọi thứ, xoá sạch tất cả, để chỉ còn lại một trạng thái duy nhất. Là khi ta đã có được cái quan trọng nhất, bản sắc nhất, đặc trưng nhất. Như người phụ nữ đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, qua hết những giông bão, những thơ dại của cuộc đời, họ lại quay về với chính thực tại nội tâm của mình. Những câu hỏi ít lại, những câu trả lời cũng ít lại. Chỉ còn bản thân cần gì và muốn gì. Áo quần của Lam cũng đi tìm cảm giác như vậy.
H- Haiku (Thơ)
Vì Lam, tôi đi tìm một cuốn sách thơ Haiku và cũng vì Lam tôi phải tìm một câu thơ Haiku cho cô ấy
“Tôi chạm nhẹ nhàng
vào mọi cái
Thế mà luôn bị gai châm”
Hình ảnh Lam ám ảnh trên phố đông, như một vật thể đẹp đẽ, trong giữa phố người.
L – LAM
Lam có muốn biến tên mình thành một tính từ?
Lam loay hoay tìm cách định nghĩa mình, đôi khi vội vã, như sợ mất đi khoảnh khắc đó, mình không còn được là người phụ nữ đó nữa. Có thể Lam đã sống quá nhiều cuộc đời, trong mộng tưởng của mình. Trong một bài viết gần đây nhất, có nhận định cho rằng Lam đang lặng yên. Không phải vậy, Lam đang dùng sự tĩnh lặng để tìm lại mình, tìm lại Lam ở những ngày đầu tiên.
Từ cô gái yoga, vintage, đến mạnh bạo, nữ quyền, chút khiêu dâm Nhật Bản; người phụ nữ này như muốn vỡ ra hết những bản năng có trong mình. Đọc những bài viết về Lam, người ta có thể thấy quá nhiều tuyên ngôn, muốn thành triết lý. Hình như người phụ nữ này không chỉ muốn làm NTK, làm ra áo quần?
Nhưng, cuối cùng, Lam vẫn là Lam. Không nghe ai, ngoài chính bản thân mình. Với cái Tôi rất lớn. Và dấu ấn cũng rất lớn. “Lam phải ép mình vào một lối sống chứ không thể để mình buông xõa, thế nào cũng được. Khi định hình được lối sống rõ ràng, Lam mới biết mình phải làm gì, mình cần gì, rồi sẽ tự do trong sự sáng tạo của bản thân để mọi thứ hoàn hảo hơn từng ngày. Lam không thích hôm nay thua kém hôm qua là vậy”.
—
Xem thêm
Lam khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội tại Tân Mỹ Design
Nguyễn Danh Quý (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)