Thời gian để mà mơ ước
Chỉ mới gặp cô gần 1 năm nhưng những ngón đàn của My đã hoàn toàn chinh phục tôi và tất cả những ai có dịp nghe cô chơi đàn. Bạn tôi nhắn: “Vừa xem Giao lưu Văn hóa, My chơi đàn giữa ba anh chàng người Mông thổi khèn. Quá ấn tượng!”.
“Fans hâm mộ như vậy ngày càng nhiều”, My khoái chí kể.
Được đào tạo bài bản tại Cộng hòa liên bang Đức từ năm 13 tuổi, đến năm 21 tuổi, My tốt nghiệp xuất sắc tại nhạc viện E.M Phillips Bach. Và cô trở về Việt Nam.
“Tôi học đàn từ lúc lên 5 tuổi, mỗi lần đi trả bài về bà ngoại lại thưởng cho một đồng, mỗi lần như vậy tôi lại háo hức chạy ra góc phố mua mấy quả ô mai nhâm nhi cả ngày. Tôi có một sự tồi tệ là mãi chẳng biết nhìn đồng hồ, mãi đến năm học lớp 5 mới có một chút khái niệm. Hàng ngày bố hoặc mẹ ngồi kèm bên cạnh, tập bao nhiêu tiếng tôi cũng chẳng biết, chỉ thấy lâu, đôi khi là dài vô tận. Ký ức để lại là luôn có một chiếc đồng hồ trên nóc đàn và luôn chăm chăm nhìn vào kim đồng hồ chỉ giờ, vì có chỉ định giờ của bố mẹ. Khi hết kiên nhẫn thì nước mắt lã chã”, My tửng tửng cười.
“Tôi tập đàn điên đầu vì chương trình diễn ra liên tục từ đây đến cuối năm”. My cất bản nhạc trong túi nilon vì vừa mới cho bạn chiếc túi của mình: “Bạn thích nên xin, thế là cho luôn”.
My là thế, rất phóng khoáng. Vì vậy, My đi biểu diễn ở đâu cũng có cả đám bạn bè theo sau. “Tôi ở Hà nội cứ hay chia tay suốt, đi đâu cũng phải làm tiệc chia tay, dù đi có hai ngày rồi về”. Họ quấn quít nhau và cùng nhau tạo cảm hứng cho công việc sáng tạo.
Tất nhiên là bố mẹ đã ảnh hưởng nhiều đến cô. My sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, là cháu ngoại của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Văn hóa từ gia đình đã ngấm vào những ngón đàn của cô. Không biết My có ý thức được hệ lụy này hay không nhưng tôi quan sát thấy My rất mê hình ảnh và hội họa, dù My nói như đùa học đàn mới khó chứ vẽ cần gì học.
Cô khệ nệ bưng hai quả dừa nước từ Sài Gòn ra Hà Nội bày, My nói hình hài này của tự nhiên nhưng là “bố” của điêu khắc, sẽ chẳng có nghệ sĩ nào nghĩ ra nổi cấu trúc này. Một sự quan sát quá tinh tế và mạnh mẽ! Vì vậy nghe cô chơi đàn, lúc mạnh mẽ, lúc thư thái nhẹ nhàng, tiêu diêu như sương pha và dữ dội như bão tố ngoài biển. Đôi khi trong tiếng đàn còn có những oán thán. Tôi đã sởn da gà khi nghe My vừa đàn vừa hát Dệt tầm gai lúc giữa đêm.
Cô nói Đặng Tuệ Nguyên là bản đàn của cô với công việc “Đối thoại” trong những năm gần đây, người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi này sáng tác và chị chơi đàn, tiếng đàn hiểu thấu tâm trạng và những đam mê sâu sắc. Với cá tính đó, My còn gây bất ngờ với tôi vì cắm hoa rất đẹp.
“8 năm học tập tại nước ngoài, làm nhiều nghề để tồn tại, giống như tất cả mọi người, về nhà cũng vậy” Thế nên tiếng đàn và lối sống của cô khiến tôi nghĩ chẳng có gì là quá quan trọng với Phó An My. Trừ cô con gái nhỏ 4 tuổi, rất thích biểu diễn và nghiêm túc khi xem mẹ tập đàn. My mang theo bé Mây mỗi khi đi xa để được gần con. Nét nữ tính duy nhất thể hiện ra bên ngoài ở My là cách cô chăm sóc con gái.
“Tôi thích âm nhạc truyền thống và nghe các nghệ nhân từ các vùng miền chơi nhạc”, My học Piano cổ điển và sống trong âm nhạc thính phòng nhưng cô vẫn thích Chầu Văn, Chèo, hát Then, hát Cọi… Đó là tinh tuý của văn hóa Việt Nam cô nói”. My và Nguyên còn dự định sẽ chơi Piano với Tuồng nhưng trước mắt, My sẽ có buổi biểu diễn nhạc cổ điển vào cuối năm nay “Có người nghe để tôi chơi đàn là thích rồi. Tôi mơ được chơi đàn trên sông Hồng, thả mình chơi giữa không gian của ký ức Hà Nội. À, mà tôi sợ độ cao lắm, nhưng đang mơ mà!”, cô cười khoái trí.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: HươngColor