Văn hóa / ELLE Interview

Tia-Thủy Nguyễn: Cái Đẹp không thể bị lãng quên, nó chỉ được tái sinh qua thời gian

Với Tia-Thủy Nguyễn, cái Đẹp không chỉ là một khái niệm thẩm mỹ mà là một hành trình liên tục tái sinh qua từng thời kỳ, từng câu chuyện. Chị xem mỗi bộ phim là chặng đường làm sống lại những vẻ đẹp đã bị lãng quên, mang đến cho thế hệ trẻ một cái nhìn mới về quá khứ và cảm nhận về giá trị bất biến của nó trong bối cảnh hiện đại.

Là NTK và NSX tài năng, Tia-Thủy Nguyễn đang nỗ lực làm sống dậy quá khứ bằng một ngôn ngữ nghệ thuật đầy ấn tượng, đưa khán giả chiêm ngưỡng cái đẹp trong từng khung hình, từng bộ trang phục và giúp họ cảm nhận được linh hồn của một dân tộc – một nền văn hóa đa dạng, phong phú, đầy tình yêu và tự hào. Trở lại với dự án mới trong vai trò NSX phim Công Tử Bạc Liêu, chị tâm huyết tái hiện lại những giá trị văn hóa Việt, những cảm xúc và ký ức của một thời đã qua.

tia-thủy nguyễn
Tia-Thủy Nguyễn – NSX phim Công Tử Bạc Liêu

Chị từng kiến tạo tủ đồ của nhiều bộ phim mang dấu ấn thời đại như “Cô Ba Sài Gòn”, “Mẹ chồng”, “Em và Trịnh”… “Công Tử Bạc Liêu” cũng là một tác phẩm tiếp nối dòng chảy hoài niệm trong điện ảnh Việt Nam khi lấy cảm hứng từ giai thoại của những thập niên đầu thế kỷ 20. Điều gì thúc đẩy chị chọn câu chuyện về Công tử Bạc Liêu cho sự trở lại này?

Các bộ phim tôi có cơ hội được góp sức trước đây đều là một chữ “duyên” khi đa số câu chuyện kể về con người, đời sống Việt Nam tại nhiều bối cảnh và thời điểm. Mỗi dự án là một thử thách về mặt sản xuất, phục trang, kỹ xảo… nhưng tôi tìm thấy cảm hứng, tìm thấy câu chuyện Việt Nam mà tôi muốn kể cho khán giả nghe. Với dự án lần này, bản thân công tử Bạc Liêu là người có nhiều ẩn số và tranh cãi, đã xuất hiện dưới ngòi bút của nhiều tác giả. Có thể là hư cấu hoặc sự thật, nhưng sau một thế kỷ, nếu giai thoại về một người vẫn còn được nhắc đến, đó ắt hẳn không phải người tầm thường. Thay vì quan tâm đến những thị phi, tôi suy nghĩ về lý do hay ý nghĩa đằng sau tinh thần dám nghĩ dám làm, ngang tàng, đầy ngạo mạn ấy.

công tử bạc liêu phim việt nam elle

“Công Tử Bạc Liêu” là một nhân vật quen thuộc trong đời sống tinh thần của người dân miền Tây. Theo chị, điều gì làm cho câu chuyện về nhân vật này trở nên đặc biệt trong bối cảnh hiện tại?

Tôi mượn một nhân vật có tính lịch sử để mang sự đồng điệu đến với giới trẻ ngày nay. Qua các giai thoại truyền miệng hay những câu chuyện trong phim, các bạn sẽ thấy cách một người tạo dựng “thương hiệu cá nhân” của mình như thế nào. Năm 2024, khái niệm “thương hiệu cá nhân” có lẽ không xa lạ với Gen Z. Vào 100 năm trước, Công tử Bạc Liêu đã mua máy bay và tự mình lái, tưởng chừng chơi “ngông”, nhưng chính là để quản lý phần đất đai của mình, để chở gạo nước ta mang đi “marketing” ở nước ngoài… Những việc làm thể hiện tầm nhìn đã đưa tên ông trở thành thương hiệu, dấu ấn của cả một vùng đất.

Chị có thể chia sẻ về trải nghiệm của mình khi chuyển từ vai trò NTK sang NSX cho dự án lần này?

Nói đúng hơn, tôi không chuyển từ cái này sang cái kia, mà đang đảm nhiệm hai vị trí trong cùng một lĩnh vực. Khi làm hình ảnh hay mỹ thuật của phim, với vị trí của một NTK, tôi có thể đưa ra phương án sản xuất phục trang khả thi, phù hợp để cấu thành một bức tranh lớn. Trong vai trò NSX, tôi có thể tính toán được chi phí sản xuất của bối cảnh đó theo thời trang và mỹ thuật. Việc liên kết hai vai trò này giúp tôi và ê-kíp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, hiểu chặt chẽ đường dây kịch bản và có thể đưa vào các yếu tố mỹ thuật, hình ảnh gần như ngay lập tức. Dù các công thức, cách làm việc hay khoảng không gian sáng tạo của thời trang và điện ảnh khác nhau, nhưng tôi đều xem đó là những ngôn ngữ để kể câu chuyện về văn hóa, truyền thống Việt.

tia thủy nguyễn làm nhà sản xuất phim công tử bạc liêu elle

Chị đã làm thế nào để đảm bảo các yếu tố như văn hóa, không khí, cảm xúc, tinh thần của vùng đất và con người Bạc Liêu được thể hiện một cách chân thực trong bộ phim?

Tôi tôn trọng những giá trị lịch sử và văn hóa nhưng chỉ muốn mượn cảm hứng từ các bối cảnh và câu chuyện của những năm 1930, sau đó đưa yếu tố mỹ thuật đương đại vào tạo hình bối cảnh, màu sắc và nhân vật của phim. Một con người 100 năm trước được thấu thị qua lăng kính của một người nghệ sĩ đương đại. Có chăng, chính sự giao thoa có chủ ý giữa cũ và mới sẽ giúp khán giả cảm thấy gần gũi và quen thuộc phần nào với bộ phim.

Trong quá trình xây dựng phục trang và bối cảnh cho bộ phim, những yếu tố nào đã được chị chăm chút để tạo nên phong cách thời trang Âu hóa và đời sống xa hoa của giới thượng lưu Nam Kỳ cách đây một thế kỷ?

Suốt quá trình thực hiện bộ phim, chúng tôi đã gom góp được rất nhiều tư liệu qua sách, ảnh, báo, tem, tiền, qua mạng xã hội và tham khảo sự cố vấn từ một số nhà sưu tập đồ cổ, với mong muốn được “thấm” đúng những tinh hoa của giai đoạn 100 năm về trước. Nhưng trong quá trình thực hiện, chúng tôi không sử dụng trọn vẹn tất cả, bám sát nhưng không cố hữu. Với mục tiêu làm ra một bộ phim đẹp, tôi dành phần lớn không gian cho sáng tạo. Về bối cảnh, vẫn có nhà ba gian, nhà kiểu Pháp với đầy đủ vật dụng trang trí xa hoa, đúng với tưởng tượng của tôi cùng cộng sự về giới thượng lưu thời kỳ đó. Về phục trang, khán giả sẽ thấy hình dáng, màu sắc, chất liệu của trang phục Âu hóa thời kỳ 1930, còn những kỹ thuật cắt hay dựng phom thì thuộc về hiện tại. Khi bộ phim được làm qua lăng kính của một nghệ sĩ, tính mỹ thuật của tổng thể lớn hơn từng phần nhỏ hiện diện trong đó.


Xem thêm

• Đạo diễn “Công Tử Bạc Liêu”: Tôi vẫn muốn kể về con người và văn hóa Việt

• [Review phim] “The Trunk”: Câu chuyện về tình yêu, tự do và sự giải phóng

• [Review phim] “When the phone rings”: bộ phim Hàn làm mới mô-típ ngôn tình kiểu Trung


Trong “Công Tử Bạc Liêu”, chị sử dụng thời trang như thế nào để hỗ trợ phát triển tính cách và hành trình của các nhân vật?

Với mục tiêu kể chuyện về văn hóa theo cách duy mỹ, thời trang của phim là một yếu tố rất được chú trọng. Trang phục là yếu tố giúp diễn viên thêm tự tin, tăng tính “cảm” khi thể hiện những biến chuyển tâm lý, trở thành chính con người với trọn vẹn tính cách trong bối cảnh ấy.

Song Luân trong công tử bạc liêu

Thông qua bộ phim, chị muốn truyền tải thông điệp gì về giá trị văn hóa Việt Nam?

Thông qua các hoạt cảnh của bộ phim, khán giả sẽ thấy vẻ đẹp về con người, nếp ăn mặc, giao tiếp, hành xử, cũng như văn hóa thông qua ẩm thực, kiến trúc, phong cách sống, những trò chơi dân gian, những dịp đấu xảo… Tôi không muốn những câu chuyện ấy mất đi, hay chỉ tồn tại qua lời kể, con chữ. Khi kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, chúng ta sẽ thấy văn hóa đầy sống động.

Tình yêu với Việt Nam không có nghĩa là chỉ nhìn về lịch sử Việt Nam một cách đơn thuần, tôi đặt câu chuyện đất nước mình trong sự va chạm của Đông – Tây, xưa – nay, người đi trước – người đương đại. Theo mạch truyện trong phim, ta sẽ thấy một sự đồng điệu giữa thế hệ trước và sau, Đông Tây hòa hợp, cũ mới dung hòa tạo nên một giá trị sáng tạo mới.

Chị có dự định sẽ tiếp tục kết hợp thời trang và điện ảnh cho các dự án sắp tới không?

Có rất nhiều dự định sắp tới! Tôi làm phim là để được sáng tạo, được kể chuyện và thể hiện cái đẹp. Xin bật mí với độc giả, dự án tiếp theo của Xưởng Phim Màu Hồng sẽ kể về những lễ nghĩa của một đám cưới truyền thống Việt.

Cuối cùng, chị có thông điệp nào muốn gửi gắm đến các bạn trẻ, đặc biệt là những phụ nữ đang theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật và điện ảnh không?

Đó là tri thức và chăm chỉ. Hãy luôn trau dồi, học hỏi và mở rộng tầm nhìn, đừng đặt mình trong một giới hạn nhỏ bé. Với tôi, phong cách là điều có sẵn trong mình, được đúc nặn từ văn hóa gia đình, môi trường xã hội, hơn hết là sự hiểu mình và phải trải qua năm tháng tôi luyện để trở thành mình bây giờ, chứ không thể xây dựng phong cách từ những mộng mơ, từ những thứ không thuộc về mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)