Văn hóa / ELLE Interview

Tia-Thủy Nguyễn và triển lãm “Flower of Life”: Niềm tin mãnh liệt về sự sống vĩnh cửu sau cái chết

Không có gì tồn tại mãi mãi. Vạn vật xuất hiện trên thế gian đều không thể thoát khỏi quy luật băng hoại của thời gian. Liệu sự sống có hoàn toàn chấm dứt sau cái chết hay nó vẫn sẽ được tiếp nối ở một cõi nào đó không thuộc về thế giới này? Với Tia-Thủy Nguyễn, sự sống, bằng một cách nào đó, luôn luôn vận động, tiếp diễn qua muôn dạng hình hài, dưới những vai trò riêng biệt ngay tại đây, trên thế gian này.

Flower of Life (Hoa Đời) – tác phẩm nghệ thuật thứ ba của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn được trưng bày tại Château La Coste (khu vườn nghệ thuật đậm chất Pháp cất giữ những tinh hoa nghệ thuật từ những nghệ sĩ nổi bật trên thế giới) – là đại diện cho niềm tin mãnh liệt của chị về sự sống miên viễn trên thế gian. Nỗi nhớ hoang hoải về người cha kính mến, những trăn trở về sự sống và những định luật sâu xa của vũ trụ đã cho Tia-Thủy Nguyễn nguồn cảm hứng để mang phép màu nghệ thuật của mình tái sinh một thân cây sồi đã héo khô, khiến nó “nở hoa” và cho nó một cuộc đời mới, một sứ mệnh mới. Trò chuyện cùng ELLE Việt Nam, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã có dịp bày tỏ những suy tư về vẻ đẹp của sự sống và niềm tin về sự diệu kỳ của vũ trụ thông qua tác phẩm lần này của mình.

tác phẩm nghệ thuật hoa đời về sự sống

Tác phẩm của chị gợi nhớ đến niềm tin về một cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết trong nhiều tín ngưỡng và văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Liệu đó có phải là điều đã truyền cảm hứng để chị thực hiện tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Flower of Life hay còn yếu tố nào khác thúc đẩy chị thực hiện nó? Tác phẩm lần này của chị có xuất phát từ một câu chuyện cụ thể nào hay không?

Tôi và cây sồi tại Château la Coste đã “biết” nhau từ 2014. Khi hay tin cây sồi đã chết, tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng cho sự chia cắt này. Điều tôi mong muốn là lưu giữ cây sồi như một kỷ niệm, như một sự mất mát mà tôi không chịu buông bỏ, cứ muốn giữ lấy. Năm 2022, người cha kính yêu của tôi đã ra đi. Và sự ra đi đó đã dạy tôi bài học về sự chết. Cha tôi không hề chết trong tôi. Ông đã là người thầy của tôi trong 40 năm và khi ông ra đi, những bài học của ông về sự mất mát, sự trân trọng cuộc sống, về những nhịp chông chênh của cuộc đời, về những thay đổi trạng thái và cả những định luật khoa học… vẫn còn đang tiếp diễn trong tôi. Ông đã thay đổi tôi. Và tôi cũng thay đổi “hình tượng” ông trong tôi. Cha tôi “vật chất” đã mất đi. Nhưng cây sồi của Flower of Life thì không như vậy. Tôi có thể níu kéo, có thể nắm giữ, có thể biến chuyển. Tình yêu và nỗi nhớ cha đã thúc đẩy tôi cho cây sồi một đời sống mới.

Chị có quan tâm đến triết lý đặc biệt nào khi thực hiện tác phẩm lần này không?

Chúng ta đã biết nhiều về Định luật Bảo toàn Năng lượng rằng: “Mọi năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Điều thú vị ở chỗ, lý thuyết này đã từng được phát biểu giống như lời mà Đức Phật, từ hai ngàn năm trước, đã giảng về “Vô thường”, về sự “Vô thuỷ” (không tự nhiên sinh ra) và “Vô chung” (không tự nhiên kết thúc). Trong toàn vũ trụ, tổng năng lượng không đổi. Người ta không thể tạo ra thêm năng lượng mà chỉ có thể chuyển hóa chúng. Năng lượng của cây sồi ấy không hề tan biến đi, cũng như “đời sống” của nó không hề kết thúc, năng lượng vũ trụ và mẹ thiên nhiên chuyến nó trở thành một tác phẩm. Với Flower of Life, trong mắt tôi, cái cây đã chết là khởi đầu cho một chương mới.

tia thủy nguyễn nói về nghệ thuật

Được biết, trong tác phẩm lần này, chị đã sử dụng thép không gỉ để tạo hình lá và đá thạch anh để tạo hình hoa trên một thân cây đã khô héo. Chị muốn truyền tải điều gì thông qua các chất liệu này và vì sao chị lại chọn các chất liệu ấy để diễn tả ý niệm của mình mà không phải các chất liệu khác?

Từ lúc bắt đầu ý tưởng, tôi đã xem xét và thử nghiệm bằng rất nhiều vật liệu khác nhau cho Flower of Life. Chất liệu nào vừa có thể hoàn thiện được được kỹ thuật, vừa đảm bảo được tính mỹ thuật; vừa là kết cấu, cũng có thể dùng để tạo hình hoạ tiết của tác phẩm. Thép không gỉ là chất liệu có nhiều kích thước, độ dày và hiệu ứng bề mặt khác nhau; còn đá thạch anh là loại đá quý nhiều màu, tự thân đã hàm chứa năng lượng chữa lành bên trong. Hai chất liệu này đáp ứng được các yêu cầu để thực hiện tác phẩm của tôi, chúng còn có điểm chung đó là có khả năng đẩy lùi đi vẻ hoang tàn của cái chết và tương tác được với ánh sáng tại nơi đặt để tác phẩm.

Sự đối lập giữa những chất liệu tự nhiên (gỗ, thạch anh) và chất liệu nhân tạo (thép không gỉ) có ý nghĩa như thế nào trong việc truyền tải ý niệm của chị trong tác phẩm lần này?

Việc tôi lựa chọn sử dụng kết hợp chất liệu nhân tạo và tự nhiên trong một tác phẩm như một cách kể về tính luân hồi và dòng chảy tuần hoàn của vạn vật trong tự nhiên như tự chính Flower of Life. Tôi mong muốn “bắt” được những hiện tượng khác nhau diễn ra quanh tác phẩm, liên kết giữa hủy diệt và tái thiết, tan rã và hòa hợp, và cái chết và tái sinh. Và trải qua thời gian, tiếp nhận đủ năng lượng của vũ trụ, giờ đây “hoa đời” đã bừng nở.

tác phẩm nghệ thuật flower of life

tác phẩm nghệ thuật về sự sống

Từ ý tưởng đến quá trình thực hiện, chị mất bao lâu để hoàn thành tác phẩm Flower of Life?

Từ năm 2019 khi nghe tin cây sồi chết, tôi đã có ý tưởng để giữ lại cây. Sau nhiều nghiên cứu, tính toán, thực hiện nhiều bản mẫu khác nhau, chuẩn bị nhân sự thực hiện và tới tận năm 2023 này, khi mọi thứ đủ đầy, tôi cùng đội ngũ đã có thể bắt tay thực hiện tác phẩm. Toàn bộ quá trình mạ kim này mất hơn 3000 giờ công liên tục.

Đâu là những thách thức chị đối diện trong quá trình thực hiện tác phẩm lần này?

Bên cạnh những tính toán về nhân lực và vật lực thì thử thách lớn nhất trong quá trình thực hiện chính là thời tiết – yếu tố mà tôi không thể nắm bắt được. Flower of Life là một sắp đặt cỡ lớn mang tính đặc thù địa điểm nên việc thi công tác phẩm gần như thực hiện hoàn toàn ngoài trời, ngoài chuyện nắng, mưa, gió giông thì tôi cần dự trù cho trường hợp có sấm sét. May mắn là toàn bộ quá trình thực hiện tác phẩm đều suôn sẻ và thuận lợi.

tác phẩm nghệ thuật flower of life

Và điều gì khiến chị cảm thấy hạnh phúc trong quá trình thực hiện Flower of Life?

Có lẽ đó là những giây phút “trò chuyện” của tôi và cây sồi, tôi hỏi rằng cây có cảm thấy hạnh phúc khi tôi dường như đang “ép” cây phải sống thêm một lần nữa, phải ở đó mãi mãi. Vào bình minh đầu tiên kể từ lúc hoàn thiện tác phẩm, ánh nắng mặt trời từ từ chạm tới từng chiếc lá, cành và thân cây, tôi đã thấy sự phản chiếu lung linh vượt cả sự mong đợi của mình. Có lẽ cây sồi cũng có cùng nhịp hạnh phúc với tôi, không chỉ vì được sống lại, mà còn sống lại thật lung linh.

Sau triển lãm Bồng Bềnh Chốn Hư Không, đây là lần thứ 3 chị trưng bày tác phẩm của mình tại Château La Coste – khu vườn nghệ thuật và là nơi từng trưng bày rất nhiều tác phẩm nổi bật của các nghệ sĩ quốc tế. Tại sao chị tiếp tục lựa chọn địa điểm này để thể hiện tác phẩm của mình? Là một nghệ sĩ châu Á có nhiều tác phẩm từng xuất hiện tại Château La Coste, chị có cảm nhận gì?

Lần đầu nhận được mời tới Château La Coste thực hiện tác phẩm Silver Room, tôi cho rằng đó là sự may mắn. Tuy nhiên, ở lần thứ hai mang triển lãm Floating in the Nothingness (Bồng bềnh chốn hư không) đến đây đã có hiệu ứng tích cực hơn nữa. Điều này được minh chứng bằng việc các tác phẩm của tôi đã thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập và gallery nghệ thuật, và tôi cũng được mời quay lại cho lần triển lãm thứ ba. Tôi tin đây là sự lựa chọn, có lẽ bởi giới chuyên môn và giám tuyển thế giới nhìn thấy được tiềm năng phát triển của một nữ nghệ sĩ đến từ Châu Á. Tôi cảm thấy tự hào, những tháng ngày miệt mài của mình đã được ghi nhận, và hơn hết là mình đã phần nào khẳng định giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam trên thị trường thế giới.

chateau la coste nghệ thuật

tác phẩm nghệ thuật hoa đời

Ở góc độ là một nghệ sĩ, chị muốn nhắn gửi điều gì đến khách thưởng lãm khi họ chiêm ngưỡng tác phẩm Flower of Life?

Sự sống và năng lượng của “Flower of Life” không chỉ nằm ở chính nó, mà còn ở sự tiếp xúc của nó với thế giới xung quanh. Tôi mong muốn tác phẩm trở thành sợi dây nối kết, không chỉ giữa khách thưởng lãm và ánh sáng tự nhiên, mà còn chính họ với từng nỗi nhớ đang hiện diện bên trong. Một tia nắng đúng hẹn sẽ khiến lòng cây bừng sáng. Một dòng kỉ niệm gửi gắm đến cây cũng sẽ được cây đáp lại.

Và chị nghĩ rằng, khi chiêm ngưỡng tác phẩm của chị, khách thưởng lãm sẽ có cảm nhận gì? Họ có thể suy tưởng theo cách riêng của họ không?

Cây sồi vẫn đứng yên, nhưng tại mỗi thời điểm và từng góc nhìn mà mỗi khán giả sẽ tự hình dung ra mình, tự có trải nghiệm thân mật, riêng tư với tác phẩm trong không gian mênh mông, không có ranh giới, không có thứ bậc cách ngăn ấy. Tôi không muốn giới hạn tương tác giữa tác giả/tác phẩm và khách thưởng lãm, mà chúng ta hãy có cho riêng mình những khả năng tiếp cận khác nhau cho cùng một tác phẩm nghệ thuật.

tia thủy nguyễn và flower of life

Là một nhà thiết kế thời trang nhưng đồng thời cũng là một nghệ sĩ, chị đã từng thực hiện rất nhiều tác phẩm nghệ thuật với những chất liệu khác nhau. Lần này, chị đã xây dựng một tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, đá thạch anh và thép không gỉ. Sắp tới, chị có định hướng gì về con đường nghệ thuật sắp tới của mình? Chị có dự định thử nghiệm các chất liệu khác trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình không?

Tôi luôn thách thức chính mình trong việc khám phá, phát triển và đưa những điều mới mẻ trong vẻ đẹp văn hoá dân gian của Việt Nam, từ vật chất, màu sắc, hình dáng đến thanh âm, ý tứ ẩn chứa vào trong tác phẩm của mình. Chắc chắn khán giả sẽ gặp lại các chất liệu rất Việt Nam qua các thực hành sắp tới sẽ trong cuộc chơi với ánh sáng của tôi.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Triển lãm Flower of Life (Hoa Đời) của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn diễn ra từ 18/11/2023 đến 30/1/2024 tại Château La Coste, Pháp. 

Nhóm thực hiện

Bài: Taylor Pham

Ảnh: NVCC

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)