Tổng Lãnh sự Úc Karen Lanyon: Tinh thần lạc quan chiếm 80% cơ hội được sống

Đăng ngày:

Mặc dù phải mất 10 năm điều trị và hóa trị căn bệnh ung thư vú nhưng Tổng Lãnh sự Úc – bà Karen Lanyon – vẫn vượt qua căn bệnh một cách ngoạn mục với tinh thần lạc quan và quả cảm, đồng thời truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ ở Úc và Việt Nam. 

Bà Karen Lanyon đã ở Việt Nam đến nay là 3 năm. Năm 2008, khi đang trên cương vị Tham tán Công sứ tại Đại Sứ Quán Úc ở Indonesia, bà được phát hiện có hai khối u ở ngực và cánh tay. Bà phải chuyển đến Singapore để điều trị. Sau 10 năm hoàn thành quá trình điều trị và hóa trị, bà đã vượt qua căn bệnh một cách ngoạn mục với tinh thần lạc quan và quả cảm. Câu chuyện của bà đã truyền cảm hứng cho phụ nữ ở Úc và cả Việt Nam.

tinh thần lạc quan 2

Bà có thể chia sẻ về khoảnh khắc nhận được tin dữ và khoảng thời gian sau đó?

Tôi đã trải nghiệm những giờ phút kinh khủng, những giai đoạn cảm xúc khác nhau suốt thời gian đó. Ở giai đoạn đầu khi mới biết tin, tôi đã rất sốc và không thể tin được là tôi đã mắc phải chứng bệnh quái ác. Sau đó, tôi cảm thấy tức giận với thế giới này. Tôi cứ tự hỏi “Tại sao lại là tôi, không thể nào!”. Tiếp đó, tôi bước đến giai đoạn đấu tranh với bản thân, rằng tôi không thể thua cuộc, căn bệnh này không thể nào đánh bại được tôi. Tôi nghĩ rằng, tinh thần là vô cùng quan trọng. Suốt cuộc chiến này, bạn phải luôn giữ sự lạc quan, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và không thể từ bỏ.

Tôi phát hiện ra ung thư tháng 7/2008. Phải mất hai tháng để tôi đi đến suy nghĩ phải đấu tranh chống lại căn bệnh này. Trong quãng thời gian 2 tháng đó, trong đầu tôi luôn lẫn lộn cảm xúc và suy nghĩ, mọi thứ cứ rối tung lên. Tôi không chắc mình sẽ phải làm gì. Mất 9 năm để điều trị và bây giờ, tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Tôi đã không thể vượt qua nếu không có họ mặc dù trong tâm trí tôi luôn phải tập trung. Điều đó luôn quan trọng và có ý nghĩa giúp tôi vượt qua hành trình chống chọi với ung thư vú.

Tôi cũng nhận ra rằng, khi đã khỏe trở lại, tôi muốn được giúp đỡ những phụ nữ khác cũng đang phải đối mặt với khó khăn này. Tôi đã thực hiện nhiều hoạt động trong mạng lưới ung thư vú của Úc liên quan đến giáo dục nhận thức về căn bệnh Ung thư vú tại Úc cũng như ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nhận thức rất quan trọng. Bạn nên khám sức khỏe định kỳ, không thể giả vờ như căn bệnh này không thể xảy ra với bạn.

Bà đã thông báo tình trạng của bà đến người thân như thế nào và họ đã phản ứng ra sao?

Khi đó tôi đang ở Indonesia còn gia đình tôi đã trở về Úc. Do đó, tôi phải thông báo với họ qua điện thoại và nó thật sự rất khó khăn. Gia đình tôi đã không dám tin vào sự thật nhưng họ đã bỏ lại tất cả và lên máy bay đến Singapore với tôi trong vòng 1 ngày. Họ thật tuyệt vời!

Khi mới phát hiện, chồng tôi đã luôn ở bên cạnh để động viên tôi. Chúng tôi đã kết thành một team rất ăn ý và giúp tôi thấy rằng, tôi vẫn chưa 50 tuổi, còn quá trẻ để chết. Tôi còn nhiều thứ để làm, còn gia đình, bạn bè. Tôi đã quyết định mình phải sống. Và chồng tôi đã luôn đồng hành cùng tôi. Tôi thấy rằng, sự giúp đỡ, động viên từ những người xung quanh sẽ giúp bạn leo ra khỏi bức tường được xây nên từ những cú sốc, sự giận dữ và đau khổ để tìm thấy những điều tích cực. Chồng tôi đã ở bên tôi từng giây phút, từng ngày và tôi thật sự cảm kích.

tinh thần lạc quan 4

Gia đình là nguồn động viên rất lớn của bà Karen Lanyon. Thậm chí các thành viên trong gia đình còn cùng nhau mặc trang phục màu hồng để cổ vũ bà.

Bên cạnh quá trình trị liệu của bệnh viện, bạn hãy đi đến những nơi đẹp đẽ, rèn luyện thể dục thể thao như yoga chẳng hạn, ăn uống lành mạnh và hãy cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Hãy nghĩ đến những điều khác hơn là chỉ nghĩ đến căn bệnh và quanh quẩn trong bệnh viện. Hãy nhắc nhở bản thân mỗi ngày điều gì là quan trọng nhất với bản thân bạn, lý do nào xứng đáng để bạn phải sống.

Bà đã gặp thách thức nào trong quá trình điều trị?

Đó là luôn phải giữ thái độ tích cực và tinh thần lạc quan. Bạn biết đó, quá trình hóa trị rất đau đớn và khó khăn. Nhưng tôi nghĩ nếu luôn có người bên cạnh bạn giúp bạn suy nghĩ tích cực, nghĩ đến những thứ mà bạn yêu thích, điều đó sẽ giúp bạn rất nhiều.

Tôi bị rụng hết tóc, cả lông mày cũng rụng luôn. Nhưng tôi lại nghĩ tôi trông rất ngầu, giống như dân chơi nhạc Rock vậy. Bạn bè còn cho tôi những bộ tóc giả đủ màu. Mỗi lần tôi bước vào bệnh viện, các y tá nhìn tôi và họ cười phá lên. Thay vì làm cho mọi thứ trầm trọng hơn, tôi đã biến nó thành sự hài hước. Và nó thực sự giúp bản thân tôi vượt qua khó khăn.

Bà đã có rất nhiều buổi nói chuyện về Ung thư nên tiếp xúc với nhiều bệnh nhân hoặc những người cũng đã từng trải qua thời kỳ điều trị như bà. Có trường hợp nào gây ấn tượng với bà không?

Có lần, sau một buổi nói chuyện về ung thư vú, tôi đang được một kênh truyền hình phỏng vấn thì có người phụ nữ vẫy tay với tôi ở góc phòng. Thì ra cô ấy là người đã chiến thắng bệnh ung thư và tham gia một buổi nói chuyện của tôi năm ngoái. Cô ấy chào tôi và ôm lấy tôi. Lần đó cũng thật đáng nhớ bởi tôi gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư đến tham dự. Có một số phụ nữ Việt Nam đến nói với tôi rằng, tôi thật may mắn vì có ba tôi và người thân luôn bên cạnh đồng hành. Bởi ở Việt Nam, người ta không thích nói về chuyện này lắm. Chính vì vậy mà họ cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Tôi cho rằng, càng nhiều người nói về vấn đề này, chúng ta sẽ càng nhanh chóng vượt qua sợ hãi để chiến thắng bệnh tật và sống một cuộc đời hạnh phúc.

tinh thần lạc quan 3

Bà cũng biết đấy, văn hóa hai nước khác nhau. Úc có thể cởi mở để nói về ung thư nhưng ở Việt Nam thì chưa thực sự được như vậy. Đôi khi họ giấu cả gia đình và âm thầm chịu đựng. Có người rất lo lắng về ngoại hình của mình chứ không có một tinh thần lạc quan như bà.

Thật ra, ngày trước ở Úc cũng không hoàn toàn cởi mở đâu. Họ sợ khi phải nói về ung thư vú hoặc bản thân bị mắc ung thư. Mắc bệnh ung thư cũng có nghĩa là sẽ chết. Thế nhưng 20 năm trở lại đây, do cách giáo dục, đào tạo nên xã hội đã cởi mở hơn nhiều. Mọi người thoải mái chia sẻ. Và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ như vậy. Căn bệnh đó tuy thật đáng sợ nhưng sau 10 năm tôi vẫn ở đây, sống mạnh khỏe và vui vẻ. Bởi vậy, ung thư không phải là chấm hết. Nó là thứ gì đó bạn phải đứng dậy để đấu tranh.

Một điều quan trọng nữa là khi bạn phát hiện mắc bệnh ung thư, hãy đặt ra nhiều câu hỏi cho bác sĩ, đừng chỉ mỗi nghe theo lời bác sĩ. Vì cơ thể này là của bạn, bạn phải có trách nhiệm với nó. Hãy hỏi bác sĩ những thắc mắc bạn có. Ngày trước, nếu như tôi chỉ nghe theo lời người bác sĩ thứ nhất, có lẽ tôi đã không thể ngồi đây để nói chuyện với các bạn. Hãy tìm hiểu, lắng nghe cơ thể, sức khỏe của bạn và tìm đến sự tư vấn của bác sĩ. Và sau đó hãy tự quyết định phương pháp điều trị cho mình.

Bên cạnh các buổi nói chuyện với chuyên đề ung thư, bà còn có những hoạt động nào khác để phụ nữ Việt cảm thấy gần gũi hơn, cởi mở hơn và được tiếp cận về kiến thức một cách thực tế hơn không?

Bên cạnh những buổi nói chuyện truyền cảm hứng, Lãnh sự quán cũng tổ chức những hội nghị về Sức khỏe phụ nữ, đưa bác sĩ, chuyên gia từ Úc về Việt Nam để đào tạo và chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm về chữa trị ung thư với các bác sĩ tại các bệnh viện trong nước. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tổ chức những buổi chia sẻ với phụ nữ Việt Nam để họ tự tin hơn về bản thân và quan tâm đến sức khỏe của mình đúng cách. Chúng tôi còn có những buổi khám sức khỏe miễn phí, giúp phụ nữ tham gia kiểm tra, tầm soát ung thư. Đây là một hành trình dài và chúng tôi chỉ mới bắt đầu, nhưng cũng mang lại những dấu hiệu khả quan.

tinh thần lạc quan 1

Bà có muốn nói lời gì với những người vừa biết mình mắc bệnh ung thư vú?

Tôi muốn nói với họ: Hãy dũng cảm! Hãy sống lạc quan, gần gũi với gia đình và những người thân yêu. Bạn nhất định sẽ chiến thắng trận chiến này. Ung thư không phải kết thúc. Tôi ở đây để chứng minh điều đó.

Gia đình đóng vai trò quan trọng như thế nào trong trận chiến này, theo bà?

Gia đình đã góp phần vô cùng quan trọng giúp tôi vượt qua ung thư. Nếu bạn là thành viên trong gia đình của bệnh nhân, hãy làm bất cứ thứ gì để giúp đỡ họ, thậm chí chỉ cần ngồi đó để cho họ thấy sự có mặt của bạn, sự quan tâm của bạn đối với họ. Họ luôn cảm thấy tốt hơn khi có người ở bên cạnh. Tôi muốn nói rằng, không chỉ người bệnh mà ngay cả những thành viên còn lại của gia đình cũng cần phải có tinh thần lạc quan. Tôi biết đây là điều khó khăn nhưng khi bạn nói về việc này càng nhiều, bạn sẽ vượt qua nó dễ dàng hơn. Nếu bạn không nói ra, nó sẽ trở thành một bí mật khủng khiếp mà bạn phải chịu đựng, dẫn đến sự giận dữ, trầm cảm, khiến bệnh càng thêm trầm trọng.

Vậy theo bà, để chiến thắng bệnh ung thư, cần bao nhiêu phần trăm là do điều trị, bao nhiêu phần trăm là do tinh thần lạc quan?

Tôi đã có đội ngũ bác sĩ rất tốt, một quá trình điều trị tuyệt vời. Nhưng tôi nghĩ, nếu như tâm trí tôi không thật mạnh mẽ, tinh thần tôi không thật lạc quan, tôi sẽ không thể vượt qua. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, 80% là do suy nghĩ của bạn. Nếu bạn nghĩ bạn có thể chiến đấu và chiến thắng, cơ hội rất cao để bạn trở thành người hùng của chính mình.

Cảm ơn những chia sẻ của bà. Chúc bà luôn mạnh khỏe và có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa.

Nhân dịp tháng phòng chống ung thư vú, ELLE Women in Society tháng 10 sẽ tổ chức hội thảo: VINH DANH NHỮNG CHIẾN BINH EVA & SỨ ĐIỆP NƠ HỒNG với sự tham gia của bác sĩ Ngô Hà Anh – BS Sản Phụ Khoa Victoria Healthcare – và chị Thủy Tiên – Co-founder & General Director của Mạng Lưới Ung Thư Vú VN (BCNV), dưới sự dẫn dắt của host Yumi Dương. Các khách mời sẽ chia sẻ những phương pháp phòng chống và điều trị bệnh ung thư vú, cũng như lan truyền nguồn cảm hứng tích cực từ những chiến binh dũng cảm đã chiến đấu và vượt qua ung thư, để chúng ta có cái nhìn lạc quan hơn về căn bệnh này.

ung thư vú

Hội thảo ELLE Women In Society:VINH DANH NHỮNG CHIẾN BINH EVA & SỨ ĐIỆP NƠ HỒNG sẽ được tổ chức vào 9:00 – 11:30 sáng ngày 27/10/2018 tại GEM Center, 08 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. Vì tạp chí ELLE hoàn toàn miễn phí vé tham gia và số lượng chỗ ngồi có giới hạn, chúng tôi khuyến khích các bạn nên đăng ký trước tại form dưới đây.

Cảm ơn Calvin Klein Underwear đã đồng hành cùng chương trình.

Xem thêm:

Ung thư vú – Chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần

Cà phê gây ung thư hay phòng chống ung thư?

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Quốc Hoàng, NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more