21 NGÀY TRƯỚC BUỔI TRÌNH DIỄN
Khi leo từng bậc thang lên studio huyền thoại Gabrielle Chanel, tôi tự hỏi rằng kể từ… đêm tân hôn đến nay, mình đã bao giờ sợ sệt như thế này chưa? Tôi cố nén sự hồi hộp như muốn phá tan lồng ngực khi đẩy cánh cửa để khám phá người được gọi là kẻ cực đoan của làng thời trang – Karl Lagerfeld.
Khi tôi bước vào, ông không đứng đó, lặng im và lạnh băng hệt tảng đá cẩm thạch như tôi hình dung mà đứng dậy và khiến tôi sững người khi tiến đến đặt lên má tôi một cái hôn “Chào mừng nữ trợ lý mới của tôi, ước gì tôi giữ được chân cô từ nay đến buổi trình diễn”. Ông tinh nghịch, và không phải là một bạo chúa cô đơn: trong studio rộng chừng 50m2, khoảng 30 người đều hóa lỏng trước ông ấy chứ không riêng gì cậu đâu”, Elsa – giám đốc quan hệ khách VIP – an ủi tôi.
Cho tôi thêm cơ hội nữa sau bài kiểm tra đầu tiên, thay vì làm tôi phát ngán với những chuỗi stress khi làm việc chung với ê kíp của ông, Karl bảo tôi hãy đi thăm 7 xưởng chế tác nghệ thuật trước khi tham gia cuộc họp đầu tiên ở phòng thử đồ. “Cô thấy đó, thợ thêu Lesage rất thú vị”, ông mỉm cười.
BUỔI THỬ ĐỒ ĐẦU TIÊN
Với sự khiêm tốn và lòng kính cẩn, tôi quay trở lại studio. Ngày hôm trước, tôi đã đi thăm xưởng làm giày Massaro, xưởng làm nón Michel và tất nhiên, xưởng thêu Lesage. Ân tượng kinh khủng! Hết một ngày tham quan các xưởng thủ công đó, tôi chợt hiểu ra thông điệp mà Karl muốn nhắn gửi: trong thế giới của Chanel, thời trang là một thứ to lớn và tôi chỉ là một hạt cát bé xíu.
Tôi hơi sợ hãi khi nhận ra chỉ còn 15 ngày nữa là buổi trình diễn thời trang diễn ra mà Karl vẫn chưa hoàn tất những bản vẽ của bộ sưu tập. Nhưng điều đó chỉ làm mỗi mình tôi hốt hoảng thôi. Karl trêu: “Để chuẩn bị cho một đêm, các bạn có thể mất đến 6 tháng đúng không? Tôi thì không. Tôi thích những gì tươi mới, và tất cả là đây”.
Các mannequin trong phòng trình diễn những mô hình trang phục đầu tiên, vẫn còn thiếu phụ kiện hay chưa thêm các mẫu thêu. Laetitia, Virginie, Yvette và những người khác lượn quanh những mẫu thiết kế để bày trí những món phụ kiện đi kèm (túi xách, trang sức…) cho Karl duyệt. Ông liên tục phát ra những câu đại loại như “Được, được” hay “Phải thêm mấy mẫu thêu ở cổ”, “Rất đẹp”, hay “Không, tôi không thích thế”, nhưng tôi có cảm giác như ông thậm chí còn không liếc nhìn những mẫu đó.
Chẳng lẽ ông có mắt ở sau gáy, giấu sau đuôi tóc, hay ông có đến sáu bộ não, như ngài tổng thống chồng của Carla? Hay những câu bình luận, nhận xét của ông chỉ là sự ngẫu nhiên? Để có câu trả lời rõ ràng, tôi lướt vào phòng thay đồ và thay hai trong số những mẫu đang treo ở đây.
Năm phút sau, câu trả lời vang lên: “Bản vẽ đâu rồi? Ai đã đặt những chiếc vớ cũ này vào chỗ những chiếc màu đỏ”. Rồi ông quay về phía cô trợ lý mới, đã có lòng can đảm đáng nể, nhìn cô như chờ đợi lời giải thích. Còn cô trợ lý là tôi lúc đó giật nảy mình, kinh ngạc đến sững sờ.
BUỔI THỬ ĐỒ LẦN THỨ 2
Ngày hôm nay, trong cuốn từ điển về Karl, tôi học được một từ mới: “khiêm tốn” có nghĩa là “xấu tệ”. Đứng trước một chiếc váy bằng vải tweed được viền bằng những dải vàng nguyên chất, ông thốt lên: “Ôi không, nó thật khiêm tốn biết bao!” Mệnh lệnh đưa ra là thêm vào những chiếc nút lớn hình vuông!
Bắt gặp cái nhìn đầy ngạc nhiên của tôi, Karl giải thích: “Bộ sưu tập này là để chứng minh rằng con người có khả năng làm được những gì tỉ mỉ, tinh tế nhất. Và hơn nữa, với chủ đề này, không có bất cứ câu hỏi nào dành cho chủ nghĩa tối giản xám xịt. Phải làm cho tất cả tỏa sáng!”.
Nhưng, ngay lập tức, ông nói tiếp: “Với khách hàng, thỉnh thoảng phải ép buộc họ… không phải vì họ kém thẩm mỹ, mà vì sau đó, họ sẽ thấy hài lòng. Không ép như vậy, họ sẽ không bao giờ có được chiếc túi, chiếc áo tuyệt vời đó”. Ông ta hoàn toàn có lý – tôi thở dài.Sau đó, Yvette, người phụ trách những chiếc túi xách, đưa ông xem một mẫu và nói rằng chiếc khóa này, trong bộ sưu tập trước đó, đã không được khách hàng chọn mua. Nhưng vị giám đốc sáng tạo này kiên quyết: “Vậy thì sao? Nó rất đẹp. Phải bắt khách hàng nhận thấy điều đó, Yvette à!”. Lúc đó, tôi cảm thấy hài lòng khi bắt gặp một tính cách rất phát xít và độc tài, phù hợp với hình ảnh mà người ta vẫn hay nghĩ về nhà thiết kế này.
THẨM ĐỊNH PHỤ KIỆN
Một ngày trước giờ J. Theo truyền thống, vào thời điểm quyết định khi kết thúc công việc chuẩn bị cho buổi trình diễn, những người có vai vế nhất trong hãng (chủ tịch hội đồng giám sát Françoise Montenay, và chủ tịch các hoạt động thời trang Bruno Pavlovsky) sẽ xuất hiện.
Thời điểm kết thúc hợp đồng ngắn hạn của tôi sắp đến, tôi buộc mình phải mạnh dạn lên và cố gắng tự lựa chọn những chiếc vòng tay cho một chiếc váy bằng vải tweed được thêu chỉ màu vàng nhạt. Laetitia Crahay là người đã làm ra những món trang sức này, có vóc dáng như mơ trong chiếc minijupe và đôi giày Louboutin cao chóng mặt, bật cười khi thấy tôi xếp chồng 5 vòng tay lớn lên 1 cánh tay của mannequin và không có chiếc nào ở tay bên kia.
Tôi dám làm đấy! Tôi dám thay đổi thiết kế đấy! Tôi dám làm một món đồ linh tinh chẳng ăn nhập gì đấy! Tinh thần của Coco đang chiếm lấy cơ thể tôi, tôi sẽ bẻ gãy tất cả các quy tắc. Sau lưng tôi, ông chủ Karl đã tiến đến từ lúc nào. Ông quan sát tác phẩm của tôi, rồi nói “Rất vui mắt”, ông nhặt tất cả lên rồi chọn hai chiếc vòng tay khác, giống như vậy, để ở mỗi bên cánh tay một chiếc, cùng với lời bình đơn giản: “Cô có thấy điều đó làm cho cánh tay này dài hơn 10cm so với cánh tay kia không?”.
Ông cứ đứng như vậy, đứng thẳng lưng, suốt từ 16 giờ đến hơn 22 giờ nhưng ai làm gì, khi nào đều không lọt qua đôi mắt của ông. Ông nhận ra công việc của người này hay người kia chỉ bằng một cái nhìn, không nhầm lẫn. Karl Lagerfeld không thuộc kiểu người nịnh nọt, nhưng khi ông buông một câu ngắn gọn “Đẹp quá, hoan hô”, cô gái được ông khen sẽ đỏ mặt sung sướng vì hiểu rằng mình đã làm một điều gì đó cực kỳ đặc biệt.
NGÀY J ĐÃ ĐẾN!
Trong cánh gà chật ních những cây treo trang phục, người mẫu gầy gò, dài ngoằng, chuyên gia làm tóc, trang điểm. Tôi nhận ra ê kíp mà tôi đã cùng làm việc trong thời gian qua. Tôi tin cũng như tôi, trong họ đang có rất nhiều cảm xúc.
Bắt đầu đã 5 phút rồi mà Karl vẫn còn chưa tuyên bố nhưng ai cũng biết ông đang chỉnh những nốt nhạc của nhóm Pink Floyd để mở đầu buổi trình diễn. Bất thình lình, mọi thứ được đẩy lên cao trào.
Chương trình trôi qua tựa như một giấc mơ, hai mươi phút mà tôi cứ tưởng như mới chỉ bốn phút. Tôi chẳng thấy bóng dáng nhà thiết kế đâu, rồi bỗng nhiên, ở lượt cuối cùng, khi Freja tiến ra với chiếc váy dài dệt kim tuyến, ai đó đẩy tôi để bước lên phía trước tiến về catwalk: đó là Karl, ông rỉ nhanh vào tai tôi: “Chúng ta đã tạo nên điều gì đó dễ thương, đúng không?” trước khi bước lên chào những vị khách. Tôi cố để mình không ngất đi trên những bậc thang của show diễn
Bài ALIX GIROD – Ảnh BENOIT PEVERELLI – Dịch ANHTHƯ
Phái đẹp ELLE
ELLE.VN
Nhóm thực hiện