Là một trong những nữ lãnh đạo tiên phong trong lĩnh vực giáo dục và ngoại giao, cả cuộc đời của bà Tôn Nữ Thị Ninh miệt mài lao động và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và bình đẳng giới. Những thành tựu của bà không những được Việt Nam và quốc tế công nhận, mà còn là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ trẻ phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân mình và đóng góp cho xã hội. Chọn đồng hành cùng chương trình “Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức” năm thứ 2 với chủ đề “Unlock the Power of Girls – Khai mở sức mạnh phái nữ” của Clé de Peau Beauté tại Việt Nam, bà đã bày tỏ những quan điểm sâu sắc về tầm quan trọng của giáo dục đối với trẻ em gái nói riêng phụ nữ Việt nói chung.
Là một nhà giáo dục và nhà ngoại giao, trải qua nhiều thế hệ, bà nhận thấy sự thay đổi lớn của nền giáo dục tại Việt Nam diễn ra như thế nào?
Ngay sau chiến tranh đã xuất hiện khu vực tư thục trong giáo dục nên ngành giáo dục đã có cung ứng công và cung ứng tư. Điều này đưa Việt Nam hội nhập với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tỉ trọng công và tư ở mỗi nước sẽ khác nhau.
Cùng đà hội nhập quốc tế của Việt Nam, có thể nói có sự quốc tế hóa hai chiều trong tổng thể nền giáo dục. Một chiều là đón nhận các giảng viên, giáo sư, các nhà nghiên cứu, hợp tác với các chương trình giảng dạy đa dạng của nước ngoài. Chiều còn lại là chúng ta đã vươn ra thế giới, những trí thức Việt được đưa đi đào tạo bài bản đầy đủ ở nước ngoài, vươn lên thể hiện năng lực và trí tuệ của người Việt. Thêm vào đó là các nhân tài Việt được mời đi giảng dạy ở nước ngoài. Đồng thời, các trường Đại học của Việt Nam cũng được nâng cao chất lượng để được đứng vào hàng ngũ các trường đại học tốt trên thế giới.
Và cụ thể sự thay đổi lớn về giáo dục cho nữ giới là gì, thưa bà?
Thứ nhất, về số lượng có trình độ đại học thì nữ không thua gì nam, thậm chí có những môn tỉ lệ nữ chiếm hơn 50%. Ngoài các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế, tôi thấy càng ngày càng có nhiều nữ giới tham gia vào hàng ngũ khoa học và công nghệ, trong đó có những phụ nữ trẻ tài giỏi du học ở nước ngoài về nước khởi nghiệp một cách rất tự tin và ngoạn mục như doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang, doanh nhân Đỗ Thị Thu Hằng…
Dù xã hội đã hiện đại hóa nhưng ở một số địa phương trong nước vẫn còn tồn tại nhiều định kiến đối với phụ nữ chưa thể xóa bỏ. Theo bà, điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến năng lực khai mở và phát triển trí tuệ của phụ nữ Việt?
Thật ra, cản trở cũng có nhưng không thể ngăn chặn được đà mà tôi cho là tất yếu. Tất yếu nhưng phải có năng lực chủ quan của bản thân người phụ nữ. Phụ nữ là phải giỏi, phải phấn đấu để mà giỏi ngang ngửa với nam giới, phải tự tin hơn nữa. Phụ nữ cần phải hỗ trợ nhau, đoàn kết, người đi trước rước người đi sau. Trong lĩnh vực nào cũng vậy, những phụ nữ đã thành công, thành đạt trong xã hội nên quay lại giúp đỡ, hỗ trợ những thế hệ tiếp nối. Tôi cho rằng, để đẩy lùi định kiến một cách thuyết phục nhất là có sự giáo dục rộng rãi từ trong gia đình đến nhà trường và các phương tiện truyền thông, nhưng bản thân phụ nữ phải hiên ngang, không chấp nhận sự chiếu cố mà phải được thừa nhận bằng chính thực lực của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Là một nữ ngoại giao tầm cỡ, theo bà, đâu mới là chìa khóa giúp phụ nữ khai mở sức mạnh để xóa bỏ định kiến, trở thành nhà ngoại giao giỏi và có ảnh hưởng đến xã hội?
Thứ nhất, sức mạnh ở đây không phải là sức mạnh cơ bắp, nhất là chúng ta sống trong thời đại của trí thông minh nhân tạo. Phải hiểu sức mạnh ở đây là sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của năng lực và kỹ năng, của bản lĩnh và ý chí, của sự tự tin và cuối cùng là sức mạnh của thái độ, tâm thế cầu tiến, luôn học hỏi dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Rõ ràng, chỉ có sức mạnh trí tuệ mới giúp chúng ta tự tin. Trí tuệ nghĩa là luôn luôn học hỏi, không phải chỉ học ở nhà trường. Để phá bỏ định kiến, ít nhất là định kiến với bản thân nếu mình là phụ nữ, tôi nghĩ chúng ta không cần phải mở miệng nói “Hãy tôn trọng tôi”, “Đừng phân biệt đối xử với tôi”. Ta cứ hiên ngang, cố gắng, làm bất cứ việc gì cũng thật tốt, thật giỏi, nếu có thể thì thật xuất sắc, đó là vũ khí tốt nhất để phá bỏ định kiến đối với bản thân. Hình thức chỉ là một thứ phụ trợ, tôn vinh năng lực và sức mạnh trí tuệ, bản lĩnh của mình. Phải thuyết phục, đẩy lùi định kiến bằng năng lực, bản lĩnh và sự tự tin của bản thân.
Trong suốt những năm công tác cho đến hiện tại, bà tham gia nhiều diễn đàn, các trường đại học, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm đến sinh viên, các bạn trẻ khởi nghiệp… Theo bà, giới trẻ, nhất là phụ nữ cần thay đổi tư duy như thế nào để theo kịp xu hướng thế giới và khẳng định vị trí của mình trong xã hội?
Trước hết, như nhiều người đã nhấn mạnh, thông qua giáo dục, thông qua hoạt động trong gia đình, xã hội và cộng đồng, tôi nghĩ đương nhiên phải chú ý xây dựng tư duy phản biện (critical thinking hay thinking out of the box). Thứ hai, trong cách tư duy của thanh niên, cần phải nhìn nhận được tổng thể của vấn đề, bức tranh chung, bối cảnh chung. Khi xem xét một sự việc, phải luôn đặt nó trong bối cảnh tổng thể (the big picture). Nó cũng có phần liên quan đến điều tôi đã đề cập là mối quan hệ giữa phân tích và tổng hợp. Tổng hợp là cái chung, mà phân tích thì đi vào chiều sâu cụ thể. Khả năng nhìn nhận tổng thể, bối cảnh chung là điều mà tôi thấy thanh niên Việt Nam chưa chú ý phát triển đúng mức.
Thứ ba, có một điều rất cần thiết trong thế giới hiện đại – một thế giới liên kết một cách rất phức hợp (interconnected) – là tư duy có hệ thống (system thinking). Nói cách khác, không thể xem xét các khía cạnh, sự việc một cách rời rạc, không gắn với những nhân tố khác tác động hoặc lý giải, dẫn đến nó. Thứ tư, tôi nghĩ là trong giáo dục, chúng ta cần phải dạy cách giải quyết vấn đề (problem solving) – như các trường quốc tế và tiên tiến trên thế giới đã làm. Không phải nền giáo dục nào cũng chú ý đến khía cạnh này. Bên cạnh việc học từ nhà trường, các em cũng phải hướng đến xem xét kiến thức, hiểu biết của mình nhằm tìm câu trả lời, giải pháp cho các vấn đề khác nhau. Thứ năm, không thể chỉ học lý thuyết mà phải có thực hành, thử nghiệm, trải nghiệm. Dường như nhà trường Việt Nam chưa chú ý đúng mức hoặc thiếu điều kiện khách quan để khuyến khích việc này. Mà việc này thì vô cùng quan trọng.
Trong các buổi trò chuyện của bà với giới trẻ khởi nghiệp, dường như còn tồn tại trong các bạn nhiều nghịch lý giữa khát vọng làm giàu và trải nghiệm thực tế cũng như kiến thức chuyên môn. Vì vậy, theo bà, chương trình thúc đẩy giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), cũng là nội dung chính của chương trình hợp tác giữa Clé de Peau Beauté và UNICEF lần này, có thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay? Và nhất là đối với trẻ em gái, STEM có ý nghĩa như thế nào đến tương lai của các em?
Riêng với phụ nữ, tôi còn muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sinh viên nữ tiếp cận với chương trình STEM (các môn khoa học và công nghệ). Vì dường như tỷ lệ nữ trong các môn này còn hơi thấp so với sinh viên nam. Mà phụ nữ đã thể hiện là họ có thể theo đuổi, học hỏi tất cả các ngành từ thời Marie Curie đến bây giờ. Nên là, không có lý do gì mà nữ giới không thể theo đuổi con đường khoa học từ trên ghế nhà trường cho đến đại học. Đâu đó, người ta thường nói rằng người Việt Nam năng động, cần cù, nhanh nhẹn, thế nhưng, cũng có lác đác những ý như là khả năng sáng tạo, đổi mới của thanh niên Việt Nam chưa nổi bật. Thành thử, những điều nêu ở trên, tôi hy vọng rằng nó sẽ là cơ sở, phương thức tốt để thanh niên Việt Nam có thể thể hiện khả năng sáng tạo, đổi mới của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Thương hiệu Clé de Peau Beauté cũng đã cam kết hợp tác toàn cầu trong nhiều năm với UNICEF trong việc trao quyền và giáo dục cho trẻ em gái, thông qua chiến dịch Unlock the power of girl – The key to a better world, thuộc khuôn khổ chương trình thường niên Power of Radiance. Theo bà, những chương trình xã hội này đóng góp vai trò như thế nào trong việc phát triển giáo dục và có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển toàn diện cho trẻ em gái?
Tôi rất ủng hộ các chương trình xã hội như Unlock the power of girl – The key to a better world. Tôi hiểu đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong xã hội hiện đại không thể tự xem mình là một thực thể đứng riêng. Rõ ràng, để trở thành một doanh nghiệp tốt và được xã hội công nhận, họ phải xây dựng những mối quan hệ tích cực, có trách nhiệm đối với con người, môi trường và thiên nhiên xung quanh. Mà để xây dựng mối quan hệ tích cực với môi trường con người, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn thì chọn trẻ em gái, nữ thanh niên để phát triển là một lựa chọn rất sáng suốt. Tôi muốn nhấn mạnh rằng phải quan niệm đồng hành, không chỉ suốt thời gian trong nhà trường mà còn cả trong việc phát huy những gì mình học hỏi được vào quá trình phát triển sự nghiệp.
Tuy nhiên, như tôi có nói ở nội dung trước, cần phải khuyến khích sinh viên nữ quan tâm nhiều hơn về các môn STEM. Cần phải đồng hành với thanh niên nữ khi họ bắt đầu sự nghiệp vì rõ ràng, sau đó, họ còn đóng góp vai trò “sản xuất sức lao động cho xã hội”, vai trò then chốt trong xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Mà trong đó, do chưa có sự bình đẳng đúng mức, gánh nặng gia đình thường rơi vào người phụ nữ một cách mất cân đối. Do vậy, trong cuộc việt dã của sự nghiệp, những thành tựu của nữ giới trong việc học tập không được thể hiện đúng mức. Việc phát huy quyền năng của phụ nữ trong sự nghiệp cần phải được quan tâm, hỗ trợ qua những chương trình khác nhau, trong đó có những chương trình đỡ đầu, tư vấn.
Sở dĩ điều này quan trọng cho một thế giới tốt đẹp hơn là vì phụ nữ hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc. Ngày nay, để đánh giá một xã hội phát triển, không đơn thuần dựa vào GDP hay vật chất, kinh tế mà còn có cái mà Bhutan đã phát triển là hệ thống đánh giá chỉ số hạnh phúc. Đó cũng là một thước đo nên bổ sung. Điều chỉnh GDP trong cách đánh giá một xã hội, đất nước để có được một xã hội phát triển, hòa nhập, bền vững, phồn thịnh, cần phải đồng thời chú ý và vươn tới xã hội hạnh phúc. Không thể có một xã hội hạnh phúc nếu trẻ em gái, nữ thanh niên và phụ nữ nói chung không được đối xử công bằng, bình đẳng, không được phát huy hết tiềm năng, năng lực, hoài bão của mình.
Cảm ơn bà đã dành thời gian trò chuyện cùng ELLE Việt Nam!
“Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức” là chương trình thường niên do Clé de Peau Beauté tổ chức từ năm 2019. Chương trình vinh danh những phụ nữ truyền cảm hứng trên khắp thế giới – những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy nền giáo dục cho trẻ em gái, phụ nữ, và bên cạnh đó, việc làm của họ đã có tác động tích cực trên nhiều phương diện khác nhau trong xã hội.
Chương trình cũng công bố mục tiêu hành động và chiến dịch trong năm thứ 2 mang tên “Unlock the Power of Girls – Khai mở sức mạnh phái nữ”. Chiến dịch hoạt động trong năm 2020 cũng là bản cam kết đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa Clé de Peau Beauté với tổ chức UNICEF. Trong lần hợp tác này, Clé de Peau Beauté cam kết khoản đóng góp trị giá 8,7 triệu USD để hỗ trợ Chương trình Bình đẳng giới của UNICEF, nhằm giúp đỡ trẻ em gái trên toàn thế giới được tiếp cận tốt hơn với giáo dục, tri thức và có điều kiện trau dồi kỹ năng để phát triển tương lai.
Với mỗi chai tinh chất Le SÉRUM được bán ra, một phần doanh thu sẽ được đóng góp cho UNICEF nhằm hỗ trợ giáo dục cho các bé gái trên khắp thế giới.
Nhóm thực hiện
Bài: Hương Tôn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: RABHUU Studio