Văn hóa / ELLE Interview

Trần Anh Hùng – Nhìn lại gần hơn

Dự định tổ chức một buổi phỏng vấn với vị đạo diễn mình ngưỡng mộ không thực hiện được do thời gian hạn hẹp, nhưng bù lại, tôi có những ngày được học cùng anh, và được nhìn anh với một khoảng cách gần hơn...

Tôi gặp Trần Anh Hùng tại Hội An và Đà Nẵng giữa những cơn bão tháng Mười Một. Lần gặp đầu là khi cơn bão nhỏ vừa đi qua, những cơn mưa còn sót lại, lần gặp sau là lúc siêu bão Hải Yến vừa quét qua Philippines và đang đe dọa tiến vào miền Trung Việt Nam. Ngôi biệt thự, cũng là lớp học và nơi ở Gặp gỡ mùa thu dành cho các bạn làm phim trẻ, học trò của anh, nằm trong một khu làng gần Hội An, lạ lùng thay vẫn ấm áp và yên bình, như chẳng hề bị ảnh hưởng bởi gió trời cuộn xoáy. Xa cách khỏi thảm đỏ, khỏi ánh sáng đèn, khỏi phấn son lộng lẫy… những điều người ta vẫn hình dung khi nói về điện ảnh, nơi đây chỉ có những nhà làm phim, một người đã nếm hương vị của vinh quang, và những bạn trẻ đang mang trong lòng giấc mộng lớn.

Đây không phải lần lần đầu tiên tôi gặp Trần Anh Hùng, nhưng lại là lần đầu tiên tôi được quan sát anh trong cuộc sống bình thường, được nhìn vào một phần nào đó thế giới khác của anh, bên ngoài những tác phẩm mà tất cả chúng ta đều đã biết: Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, Xích lô hay Rừng Nauy. Và tất nhiên, đặc biệt nhất là khi được quan sát anh với một tư cách khác: Một người thầy.

TranAnhHung_x490

Sự hồn nhiên của con người nghệ thuật

Người chào tôi đầu tiên khi tôi bước vào phần nhà ngang kiểu cổ của ngôi biệt thự, cũng là không gian lớp học là đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung, một học viên của lớp. Anh đang quấn một chiếc áo quanh bụng, để phần thân áo lõng thõng xuống đầu gối. “Em đang bắt chước thời trang của thầy đấy!”, Trung vừa chỉ xuống chiếc áo, vừa giải thích. Điều ấy được xác nhận khi tôi nhìn sang phía Trần Anh Hùng, anh mặc một chiếc quần có vạt phía trước như những chiếc váy của Marc Jacobs và một chiếc áo khoác giản dị màu nâu sẫm phía trên. Đứng giữa những học trò phần lớn ở độ tuổi cuối 8X, đầu 9X, anh trông thật gầy gò và nhỏ bé, nhưng đồng thời, khiến ai cũng phải ngước nhìn.

Cách anh dạy học có lẽ cũng như cách làm phim của anh: liên tục, chăm chỉ, không mệt mỏi, không ngừng xem, không ngừng phân tích, không ngừng nghĩ. Sau bữa cơm tối đơn giản được người quản gia dọn sẵn cho cả lớp và một chút nghỉ ngơi, anh lại gọi các học trò vào học tiếp, tranh thủ từng phút anh có mặt ở đó. Lịch học sít sao và tấm lòng dành cho học trò nhiệt thành đến nỗi tôi quyết định tạm gác việc phỏng vấn riêng với anh, ngồi xuống ghế và trở thành một học trò trong lớp.

Chúng tôi học bằng cách xem bộ phim Rosetta của hai anh em đạo diễn Dardenne (Pháp) và phân tích những điều đã tạo ra sự đặc biệt của nó. Anh Hùng chia sẻ lần đầu tiên sau khi xem bộ phim này, anh đã phải tìm ra một góc để… khóc nức nở vì xúc động. Và anh kể lại câu chuyện đó với các học viên bằng một sự chia sẻ chân thành, đơn giản, tràn đầy cảm xúc. Sự tràn đầy cảm xúc, đầy bản năng cũng là một đặc điểm không khó để nhận ra trong cách anh giảng dạy học trò.

Khi một cậu học trò cuối cùng đưa ra câu trả lời đằng sau một loạt câu trả lời “gần đúng”, anh bước tới trao cho bạn một cái ôm thật chặt, mừng rỡ như thể đã tìm ra ý trung nhân. Khi ai đó đưa ra câu hỏi hay sự giải thích, anh khoanh tay trước ngực, cúi đầu thật sát về phía họ, khiến người ta có cảm giác rằng trên mặt đất lúc ấy chỉ còn người đó và anh. Khi phân tích một bộ phim, một ý tưởng, đưa ra một quan điểm về làm phim, anh nhìn thẳng vào mọi người và cũng như vào chính tâm tưởng của mình, bàn tay anh chuyển động như một nhạc công điều khiển dàn nhạc trong vô thức.

Hơn một học trò đã nói với tôi, bốn ngày học với anh có giá trị hơn cả bốn năm họ theo học đại học, hay thậm chí hơn tất cả những gì họ đã học trước đây. Anh không chỉ cho họ những kiến thức về điện ảnh. Anh đưa ra một bộ phim, nghĩa là anh sẽ dẫn dắt, liên tưởng tới nhiều bộ phim khác. Anh nói với học trò về một tác phẩm, để rồi từ đó anh dẫn tới nhiều tác phẩm khác, và những cuốn sách khác. Kiến thức và cách tiếp cận tác phẩm mà Trần Anh Hùng mang lại cho các nhà làm phim trẻ không phải là một “gói”, đó là một cành cây liên tục lan tỏa những cành xanh của mình ra mọi phía.

Dù là một nhà làm phim có phong cách cá nhân mạnh, nhưng suốt các buổi học, tôi chưa bao giờ thấy anh nói: Hãy làm như tôi đây. Anh chỉ nói, hãy xem phim này đi, hãy đọc sách này đi, hãy tìm hiểu điều này đi… và các bộ phim, cuốn sách anh giới thiệu đến là những tác phẩm khác xa nhau về phong cách, khác xa nhau về cách tiếp cận. Trần Anh Hùng chỉ chọn đứng ở đó như một người chỉ đường: Các em thử nhìn theo hướng kia xem. Và kết thúc mỗi lần giới thiệu tác phẩm mới, anh đều khẳng định bằng từ: Tuyệt vời!

“Tuyệt vời!” (được phát âm theo cách của một người sống tại Pháp đã lâu như anh thành “Chuyệt vời!”) là từ mà anh nói thường xuyên đến mức sau này các học trò đã đùa vui đem ra nhại lại mỗi khi nhắc tới anh. Đó là cách Trần Anh Hùng thể hiện niềm hân hoan không ngừng của anh trước thế giới của nghệ thuật, trước những điều đẹp đẽ mà anh tìm thấy ở các tác giả khác, và trước sự sáng tạo của những người trẻ. Mỗi lần nói ra từ đó, mắt anh lại sáng lên đôi chút, bổ sung vào vẻ ngưỡng mộ hồn nhiên trong cách anh nói.

TranAnhHung02

Lòng tin giữa cơn bão

Khi một học trò bày tỏ với anh về nỗi sợ khi phải đối mặt với phán xét và sự nghi ngờ của người khác, Trần Anh Hùng chỉ khẽ lắc đầu, cười và nói: “Không nên sợ! Mình phải có một lòng tin là mình sẽ làm được. Phải có một bộ mặt làm cho người ta không ăn hiếp mình. Tuy nhiên, chính sự nghi ngờ về khả năng, về nghệ thuật, về tác phẩm của mình sẽ giúp cho mình tỉnh”. Anh không ngần ngại tiết lộ rằng bản thân anh và các nhà làm phim tại Pháp cũng liên tục phải đi tìm kiếm tiền làm phim. Sự thỏa hiệp của những nhà làm phim về kịch bản, diễn viên hoặc các lựa chọn khác để có thể nhận được tiền đầu tư từ các hãng và đài truyền hình. Anh cũng chẳng ngại ngần khi nói rằng đến lúc này, cả gia đình anh vẫn ở nhà thuê. Không có con đường lát vàng nào cho những người đi theo dòng phim tác giả. Muốn theo nghề, hãy dựa vào sự can đảm. Và cách đưa ra các quyết định cho bộ phim của mình được thể hiện qua lời khuyên ngắn gọn anh dành cho học trò: “Hãy dựa vào linh cảm của mình!”.

Tuy nhiên, đó không phải là “linh cảm” bất kỳ, mà là kết quả từ sự chắt lọc, sự chắt lọc nghiêm ngặt với bản thân mình. Anh lấy chính mình ra làm ví dụ. Âm nhạc, như những người yêu phim của Trần Anh Hùng đã biết, là một phần quan trọng trong ngôn ngữ điện ảnh của anh. Chính anh cũng đã nhiều lần nói về những bài hát, những bản nhạc đã góp phần như thế nào trong việc thể hiện ngôn ngữ điện ảnh trong mọi bộ phim anh từng thực hiện.

Anh kể rằng mình đã nghe nhạc opera suốt thời tuổi trẻ, và thể loại âm nhạc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách anh làm phim. “Trong opera có một điều đặc biệt, là đôi khi người ta dùng đến cả một dàn nhạc lớn, và người hát phải vươn lên để vượt qua toàn bộ sự hùng vĩ của dàn nhạc ấy! Và tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao trong phim lại không có cảm giác đó? Và tôi muốn vươn đến được cảm giác đó trong việc làm phim!”.

Tuy vậy, lời khuyên của anh dành cho học trò là: Hãy cẩn trọng với âm nhạc trong phim của mình. Khi một học trò hỏi anh thích nghe nhạc gì, anh nghiêm túc trả lời rằng anh nghe nhạc với một câu hỏi rằng mình có “tìm được chất màu gì” cho phim của mình không.

Nghe có vẻ “thực dụng” phải không? Tuy nhiên, đã là cách một đạo diễn thực sự làm việc. Anh không ngừng làm việc, ngay cả khi tưởng như đang thư giãn. Đó là sự quyết liệt của anh, sự quyết liệt không nhượng bộ dẫn đến những rắc rối và cả những thành công. Trần Anh Hùng đã từ chối phát hành bộ phim I come with the rain và anh coi đó là một tác phẩm chưa hoàn thiện của mình, hậu quả của một cuộc kiện tụng không đáng có với nhà sản xuất khi anh cương quyết muốn thực hiện bộ phim theo cách của mình (mà phần thắng thuộc về anh). Và tất nhiên, đó là sự quyết liệt đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ bởi vì chỉ có như vậy, anh mới là một Trần Anh Hùng như chúng ta đã biết.

Anh kể rằng, ngay từ đầu, anh đã biết mình sẽ trở thành một đạo diễn. Do anh chọn thi vào một trường đại học dành cho càc nhà quay phim, nhưng anh biết rõ là anh sẽ không bao giờ trở thành một người quay phim cả. Anh học để biết về cách làm phim ở phương diện kỹ thuật, và “do không được học về dàn cảnh, về kỹ năng đạo diễn, nhưng nếu mình muốn làm đạo diễn, thì mình tự tìm hiểu. Mình xem phim, mình thấy nó hay, mình tìm hiểu tại sao nó hay. Và mình làm theo, không có gì phức tạp cả!”.

Có lẽ đúng như thế thật, mọi chuyện sẽ không có gì phức tạp, nếu bạn làm được như anh, trút toàn bộ tâm huyết và thời gian cuộc đời mình để theo đuổi điều mình yêu, điều mình tin tưởng.

Xem thêm Từ chuyện của đạo diễn Trần Anh Hùng: Cái may của việc không có lựa chọn

Nhóm thực hiện

Bài Phương Huyên - Ảnh: Cà Phê Trầm
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)