Văn hóa / ELLE Interview

Nghệ sĩ Piano Vân Anh: Âm nhạc là một ngôn ngữ đặc biệt

Tôi gặp Vân Anh lần đầu tiên trong sự kiện Taste of Australia do Lãnh sự quán Úc tổ chức. Khi đó, cô biểu diễn piano cùng với Mark Olsen, người đồng hành cùng Vân Anh cả trong âm nhạc và cuộc sống. Ấn tượng của tôi là Vân Anh không chỉ đẹp và lộng lẫy trong bộ đầm trắng của nhà thiết kế Betty Trần, âm nhạc của cô còn có thể khiến mọi người tạm thời quên đi hiện tại mà chìm đắm vào tiếng dương cầm uyển chuyển cùng phần kết hợp hip-hop của Mark. Sau hôm đó, thật may mắn vì trong lịch diễn kín chỗ, tôi cũng đã được gặp riêng Vân Anh và có một cuộc chuyện trò thú vị cùng cô gái "thần đồng" piano này.

Tôi được xem Vân Anh diễn trong đêm Taste of Australisa. Đó quả là buổi biểu diễn tuyệt vời tuy có hơi ngắn, chỉ có vài bài thôi. Tôi rất ấn tượng khi MC giới thiệu Vân Anh bắt đầu chơi đàn từ lúc 13 tháng tuổi. Sao có thể như vậy được, bạn chơi cả một bài từ lúc 13 tháng tuổi ư? Bạn nhớ lúc đó không?

Nhớ chứ. Mẹ tôi có một phương pháp dạy rất hay, đó là thay những nốt A, B, C, D, E, F, G bằng những màu sắc khác nhau, chẳng hạn như A là màu đỏ, B là màu xanh lá cây, C là màu lam… sau đó bà dán những miếng giấy màu đó lên các phím đàn. Lúc ấy tôi chỉ chơi những bài ngắn với ít nốt như Mary and little lambs, chỉ có 3 nốt thôi, và tôi chỉ chơi theo các màu sắc đó.

Vậy đến khi nào bạn có thể chơi cả một bài dài?

Đến năm 4 tuổi tôi đã có một buổi biểu diễn đầu tiên cho riêng mình. Nó diễn ra trước Bảo tàng Nghệ thuật đương đại của Sydney.

Vì sao Vân Anh lại có hứng thú với Piano ngay từ lúc còn nhỏ như vậy?

Tôi nghĩ là vì ba mẹ đã cho tôi bắt đầu từ rất sớm. Khi mới 13 tháng tuổi, tôi chưa biết gì nhiều. Âm nhạc đối với tôi như là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, cũng như mình học tiếng Anh hay tiếng Việt ấy. Nó cứ diễn ra một cách tự nhiên thôi. Và cũng một phần vì ba mẹ không hề thúc ép tôi. Họ khuyến khích tôi tập đàn chứ không bắt buộc. Có lẽ vì vậy mà tôi đã dần thích piano và có hứng thú với âm nhạc.

Vậy nguồn cảm hứng đối với âm nhạc là do ba mẹ của Vân Anh truyền cho bạn?

Tôi nghĩ sự động viên của ba mẹ dành cho tôi giống như những tờ giấy màu đã giúp tôi đến gần với âm nhạc. Đối với một cô bé, những nốt nhạc không lời đã tạo cho tôi một thế giới riêng để thỏa trí tưởng tượng, tự sáng tạo ra những câu chuyện cho riêng mình. Khi lớn hơn, tôi trưởng thành hơn từ những trải nghiệm thực tế. Ba mẹ tôi mỗi năm đều đưa cả gia đình đi du lịch nước ngoài ít nhất 1 lần. Chúng tôi được thấy những điều mới lạ và nhận định theo cách riêng của mình. Tôi nghĩ, điều đó mang lại cho tôi rất nhiều cảm hứng viết nhạc và chơi nhạc.

vân anh 2

Bắt đầu biểu diễn từ năm 4 tuổi, sau đó là hàng loạt các cuộc tranh tài diễn ra liên tiếp, bạn có chịu nhiều áp lực không?

Tôi không cảm thấy mình chịu nhiều áp lực cho đến khoảng 12 tuổi, vì khi đó tôi ý thức được mọi thứ và bắt đầu nghiêm túc hơn. Thật ra mà nói, mãi đến năm 15 tuổi tôi mới thấy hồi hộp và lo sợ. Tự nhiên, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ rằng mọi người đang lắng nghe tôi, đang phán xét tôi… và suy nghĩ đó khiến tôi thật sự lo lắng. Đến tận bây giờ, trong buổi biểu diễn tối hôm trước mà bạn xem, tôi vẫn cảm thấy rất hồi hộp trước khi lên biểu diễn. Thật sự là vậy! Tôi đứng đó chờ đợi và tim tôi đập thình thịch. Tôi không lo lắng vì không biết phải chơi bài gì. Tôi lo vì tôi không biết những ai sẽ nghe tôi đàn và không biết họ sẽ nghĩ gì. Có thể trong số đó có người là nghệ sĩ piano lâu năm và họ sẽ phán xét tôi. Tôi không biết nữa.

Ồ, tôi lại nghĩ là nghệ sĩ có kinh nghiệm trình diễn lâu năm như bạn phải rất tự tin chứ?

Tôi nghĩ hồi hộp là điều tốt. Nó giúp tôi thấy hào hứng, theo cách tích cực chứ không hề tiêu cực. Nếu không có cảm giác đó, tốt nhất là tôi không nên chơi piano nữa.

Vậy khi nào Vân Anh cảm thấy tự tin nhất?

Sau bài thứ nhất. Khi đó tôi lại là tôi, tôi ngồi đó, làm điều mà tôi yêu thích và thấy hạnh phúc. Tôi thích những buổi hòa nhạc lớn, nhưng tôi cũng thích những căn phòng ballroom nhỏ bởi những lý do khác nhau. Trong những căn phòng nhỏ, chỉ có ít người, tôi có thể lắng nghe được hơi thở của họ còn họ có thể cảm được âm nhạc của tôi một cách gần gũi nhất, chân thực nhất. Còn trong khán phòng lớn, tôi lại cảm thấy thư giãn bởi dù âm thanh rất lớn với rất nhiều khán giả nhưng tôi lại được chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Tôi yêu thích tất cả những điều đó. Tôi không nghĩ mình sẽ phải chọn cái này hoặc cái kia. Tôi muốn có tất cả (cười).

vân anh 1

Vì sao bạn lại chuyển từ nhạc cổ điển sang nhạc mix với hiện đại, nhất là kết hợp với Mark Olsen, một DJ và một nhà sản xuất nhạc theo phong cách hiện đại?

Mark và tôi cùng đến từ Sydney. Khoảng hơn 2 năm trước, Mark gọi tôi đến studio của anh ấy. Vì Mark là nhà sản xuất nên anh ấy cần một người đàn piano cho bản thu âm. Khi chúng tôi cùng viết nhạc, tôi nhận ra anh ấy cũng rất thích nhạc cổ điển, điều mà rất hiếm DJ có được. Còn tôi thì thích tất cả các loại nhạc Pop và house electronic. Bản thân tôi nghĩ khi kết hợp các thể loại trái ngược này lại với nhau, công chúng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Như kiểu theo xu hướng bây giờ phải không?

Kiểu như vậy đấy. Bởi nhạc cổ điển đúng là có kén chọn thính giả hơn. Tôi vẫn luôn yêu nhạc cổ điển nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi thật sự muốn tìm mọi cách để chắc chắn nhạc cổ điển sẽ luôn sống mãi để mọi người có thể thưởng thức được nhiều hơn.

Người ta nói khi gặp áp lực thì cần đến âm nhạc để giải tỏa, mà bạn thì luôn có sẵn âm nhạc rồi. Vậy Vân Anh có thường bị stress không và nếu có, bạn làm thế nào để giải tỏa?

Có chứ. Tôi stress khi phải bay nhiều và phải chuẩn bị trước buổi biểu diễn như mặc gì, trang điểm, làm tóc thế nào cho đẹp. Cách giải tỏa stress tốt nhất đối với tôi chỉ có… ngủ thôi. Bạn có thể thấy tôi bận rộn đi lại, làm việc nhưng thực tế, tôi cần 8 tiếng mỗi ngày chỉ để ngủ mà thôi. Có người có thể chỉ cần ngủ 4 tiếng một ngày là đủ nhưng nếu điều đó xảy ra với tôi, tôi sẽ… chết mất (cười). Tất nhiên, tập đàn cũng là cách để xốc lại tinh thần. Ngoài ra, dạo này tôi còn tương tác trở lại với social media nhiều hơn và sắp xếp những kỳ nghỉ sau mỗi chuỗi ngày làm việc liên tục.

vân anh 4

Tôi thấy sức làm việc của Vân Anh thật đáng nể, vừa sáng tác nhạc, tập nhạc, bay đi bay lại khắp nơi để biểu diễn với lịch dày đặc. Ngoài ra, bạn còn tham gia các cuộc thi tài nào nữa không?

Tôi vẫn thỉnh thoảng viết nhạc cho những cuộc tranh tài nhưng tôi không trực tiếp tham gia bất cứ cuộc thi nào từ năm 23 tuổi. Khi ấy, tôi quyết định có một hướng đi khác cho sự nghiệp. Khi tham gia và chiến thắng ở một cuộc thi, bạn có thể được định sẵn đường đi nước bước như thế nào trong vòng vài năm và được trả tiền mặc dù số tiền cũng không phải lớn. Tuy nhiên, đến cuối cùng, lúc nào cũng có những vấn đề ở trong đó. Tôi là người rất thích trang điểm và ăn mặc thật đẹp khi biểu diễn bởi nó làm tôi tự tin và như mẹ tôi luôn nói, lúc nào cũng phải xuất hiện thật hoàn hảo bởi mọi người đến không chỉ thưởng thức phần nghe mà còn thưởng thức phần nhìn nữa. Tôi nhớ, trong cuộc thi cuối cùng tôi tham gia với tư cách là thí sinh, một người trong số ban giám khảo đến và nói với tôi rằng: “Đây không phải là một buổi trình diễn thời trang”. Tôi nhìn bà ấy và cảm thấy rất buồn bởi bà ấy là giám khảo, bà ấy nên nghe thay vì quan tâm tôi mặc gì. Từ đó, tôi quyết định không thi nữa mà đi trên con đường riêng. Tôi trở thành “sếp” của chính tôi, viết ra những câu chuyện của riêng mình.

Giả sử nếu không chơi piano, Vân Anh sẽ chọn nghề gì?

Tôi thích đi du lịch lắm, tôi nghĩ mình sẽ làm hướng dẫn viên du lịch đấy. Bản tính tôi thích chăm sóc người khác, thích dẫn mọi người đi chơi, cho họ xem chỗ này, chỗ kia. Dù là đoàn người mỗi người mỗi tính nhưng cũng khá thú vị và thử thách nếu có thể để mọi người đi cùng nhau như vậy. Nên nghề này thích hợp với tôi, có lẽ vậy.

vân anh 3

Nếu phải chọn một nơi để ổn định cuộc sống, bạn sẽ chọn ở đâu?

Chắc là ở Úc rồi. Tôi vẫn sẽ đi về Việt Nam biểu diễn và du lịch đến nhiều vùng đất khác nhau nhưng môi trường, điều kiện xã hội và giáo dục ở Úc sẽ tốt hơn cho gia đình và con cái của tôi sau này.

Cảm ơn Vân Anh đã chia sẻ và hy vọng sẽ gặp lại bạn trong những buổi biểu diễn khác ở Việt Nam!

Xem thêm:

Le Duo – Hương sắc của âm nhạc

Chơi đùa cùng âm nhạc, tại sao không?

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE) Ảnh: NVCC
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)