Võ Thiện Thanh & Hà Anh Tuấn: Bức tường của 9 năm
[Tạp chí ELLE – 2/2016] Sau 9 năm, họ hội ngộ nhau bằng một album mới với 9 ca khúc, như một chu kỳ tái sinh của thời kỳ “Café sáng”. Trong 9 năm ấy, nền âm nhạc Việt Nam đã trải qua rất nhiều biến thiên; và bản thân họ – hai tâm hồn nghệ sĩ – cũng đã trải qua sự chuyển hóa trong chính nội tâm và thế giới quan về âm nhạc cũng như nghề nghiệp.
AN TRÚ HAY BIẾN MẤT?
Từ sau những bài hit đình đám như “Chuông gió”, “Bóng mây qua thềm”, người ta nói anh đã “biến mất”. Thị trường âm nhạc đã khiến anh “biến mất” hay đó là sự lựa chọn của anh?
VÕ THIỆN THANH: Tôi cũng không để ý đến điều này nhiều. Tôi chỉ thuận theo tự nhiên: Ra hoa – kết trái – thu hoạch – sau đó phải nạp lại dinh dưỡng, ánh nắng để tiếp tục chu kỳ mới. Đối với cây ăn quả, chu kỳ ấy là 3 tháng thì với một người sáng tác nó là… 9 năm hoặc lâu hơn.
Và nếu như người ta có thể can thiệp bằng công nghệ sinh học để bắt cái cây không ngừng nghỉ để cho quả trái mùa, thì đương nhiên người ăn trái cây sẽ nhận ra sự “nhạt nhẽo” không tự nhiên của thứ cây trái mùa ấy. Và rồi cái cây ấy cũng sẽ chết sớm hơn những cây bình thường. Tôi chọn lựa cách thuận theo tự nhiên: Biến mất – Xuất hiện – Biến mất.
Hình ảnh của anh Thanh hay khiến tôi nghĩ tới nhà văn Haruki Murakami với tác phẩm “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Trong tác phẩm này, người ta không thấy một nhà văn của những quán bar, của nhạc jazz, của rượu nặng, mà chỉ thấy một người đàn ông chuyên cần làm điều mà nghề nghiệp của mình phải làm: sống một cuộc sống lành mạnh, mỗi ngày phải viết đủ vài trang giấy dù sau đó có thể sẽ xóa đi hết mà không cần một thư phòng “không có ruồi” hay có nguồn cảm hứng nào đó. Đối với tôi, đó là thái độ của một người viết chuyên nghiệp. Tôi thấy anh Thanh vẫn làm việc, nhưng dường như lùi lại sâu hơn, bức tường xây xung quanh mỗi ngày một cao hơn mà không biết để “biến mất” hay là “an trú”?
VÕ THIỆN THANH: Người lao công thì cần mẫn quét rác, người lái taxi thì kiên nhẫn chờ đợi khách. Và tôi vẫn làm đúng công việc của người sáng tác.
Bức tường của tôi là mỗi sáng thức dậy lúc 6g. Đưa hai con đi học xong, tôi ghé qua công viên tập thể dục 30 phút; về nhà tự pha cho mình một ly Espresso, sau đấy ngồi vào đàn hay studio. Thỉnh thoảng tôi tạt vào quán vắng ngồi nhâm nhi cà phê, đọc báo. Chiều tôi lại đón hai con đi học về, bữa cơm tối cả nhà quây quần. Đó là nơi an trú của tôi.
Còn cuộc sống ngoài kia, mỗi ngày tôi vẫn trôi theo nó, cảm nhận nó. Để có sự thấu hiểu và chia sẻ, tôi không thể đứng ngoài nhìn sự quay cuồng, mà phải nhảy vào nó. Nhưng cuối ngày tôi tìm lại cân bằng nơi gia đình. Cuộc sống càng quay cuồng, khắc nghiệt thì bức tường gia đình phải càng cao hơn. Đó là nơi tôi cảm thấy yên ổn!
HÀ ANH TUẤN: Nếu nói chuyện thoáng qua và thoáng nhìn cách sống của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, chẳng ai tin thứ âm nhạc cá tính mạnh và giàu thông điệp lại phát ra từ con người ấy. Sự thật là có bao nhiều điều cần nói, anh Thanh (và bản thân Tuấn cũng giống vậy) sẽ truyền tải qua âm nhạc, thế là đủ! Bên ly cà phê, chúng tôi đã nói với nhau không biết bao nhiêu điều trăn trở lo âu về những con đường náo nhiệt ngoài kia đang chở che và cả bao biện biết bao thân phận con người. Và rồi sau đó, mỗi người quay về trú ẩn trong gia đình mình và tiếp tục nuôi dưỡng những niềm tin hồn nhiên mộng mơ về điều tốt đẹp. Hai anh em được cái giống nhau trong cái nhìn về những giá trị hay gọi là “đẳng cấp”. Chúng tôi xuýt xoa về những con người, những tâm hồn đẹp không màng đến quan điểm của nhân gian, vì chỉ còn chính chúng tôi biết rõ nhất mình cần điều gì cho âm nhạc của mình.
“ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN”
Có một điều tôi nghĩ sẽ nhiều người nhận thấy là giữa hai người đàn ông này có một điểm chung: Đó là một quan điểm kiêu hãnh về sự chọn lựa của mình trong âm nhạc. Nếu với Võ Thiện Thanh là việc hiểu mình, hiểu thời để lùi lại phía sau và dành trọn năng lượng sáng tạo trong sự làm việc bền bỉ và nghiêm túc, cách biệt khỏi thế giới hư ảnh của showbiz thì ở Hà Anh Tuấn lại là sự lựa chọn người nghe và tạo ra một không gian riêng trong âm nhạc. Trong khi showbiz đang thịnh hành với những “hỉ, nộ, ái, ố” để có được “lòng thương” của khán thính giả thì phải chăng, sự kiêu hãnh này là một thái độ phản kháng?
VÕ THIỆN THANH: (Cười lớn) Không hề có phản kháng nào ở đây, bởi nếu phản kháng là phi tự nhiên. Sự tái sinh của Cafe Sáng xem như một sự “tức nước vỡ bờ” một cách tự nhiên của dòng cảm xúc. Nó như một dòng nước bị dồn nén lâu ngày, ngăn chỗ này thì nó chảy chỗ khác. Cả hai người là hai dòng nước bị dồn nén, nhập lại thành dòng thác tuôn trào!
Đây không phải là lòng kiêu hãnh, mà là niềm tin tuyệt đối cái mà mình dấn thân! Nếu mình không đủ “phê” cái mình làm thì đừng mong người nghe thích!
HÀ ANH TUẤN: Khác anh Thanh, Tuấn là người đứng trên sân khấu, ngay giữa spotlight, nên nếu nói không quan tâm những người đang ngồi dưới thì không phải. Sự phản kháng ở đây có thể hiểu là sự trấn an và truyền cảm hứng đến những người lỡ yêu thương mình.
Với vai trò người của công chúng, Tuấn muốn lôi kéo những tâm hồn yêu thích âm nhạc của mình ra khỏi sự ảo tưởng bon chen rẻ tiền, những thứ vốn dĩ không thuộc về âm nhạc. Nếu không có sự kiêu hãnh và phản kháng đó, Tuấn e rằng mình không hát được bao lâu.
Người kiêu hãnh thường hay cô độc. Người làm công việc sáng tạo lại còn cô độc hơn. “Người cùng bệnh thì hiểu nhau”, liệu sự cô độc của hai người đàn ông có mối đồng cảm nào không?
VÕ THIỆN THANH: Sau gần 9 năm, một ngày Tuấn nói với tôi rằng: ”Em phát hiện ra khán giả không phải hâm mộ em đâu, mà họ hâm mộ chính hình ảnh của họ phản chiếu qua em!”. Tôi thật bất ngờ với nhận thức này của cậu ta, và càng quý trọng Tuấn hơn. Tuấn đã biết mình là ai, và nghệ sĩ thực chất là gì! Hai chúng tôi chỉ là cái ống tre rỗng để gió thổi vào ra âm nhạc. Vậy thì kiêu hãnh gì ở đây? Ai kiêu hãnh?
Nhưng chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào những cái mình làm và chấp nhận sự cô độc, thích nơi vắng vẻ, không ồn ào. Vì thế mà những quán nào tôi và Tuấn hay lui tới thì vài tháng là dẹp tiệm! Chúng tôi lại đi tìm quán mới!
HÀ ANH TUẤN: Với người nghệ sĩ, khi nào hết thấy mình cô độc thì có thể yên tâm giải nghệ được rồi, vì nghệ thuật là thứ duy nhất mãi mãi người ta không tìm ra công thức để nhân bản một cách thành công. Chất liệu đó được sản sinh từ những tâm hồn dị biệt và không thể giải mã. Cũng đừng tìm cách lôi kéo người nghệ sĩ ra khỏi thế giới cô độc của họ, điều đó chỉ làm hỏng đi hormone sinh học quý giá nhất của họ. Tuấn nói vậy, vì thấy mình đúng là nhiều lúc rất cô độc trong thế giới suy nghĩ của mình, không phù hợp với những nơi đông vui đồng hóa.
MỞ RA ĐỂ ĐÓNG LẠI HAY ĐÓNG LẠI ĐỂ MỞ RA?
Vì sao album đầu tiên hợp tác với nhau là “Café sáng“, mà sau 9 năm trở lại vẫn là một album “sặc mùi cà phê“? Có vẻ hương vị đã không còn như xưa…
HÀ ANH TUẤN: Hai người đàn ông đã cùng già hơn 9 tuổi, không có lý do gì để níu kéo những cảm xúc của 9 năm về trước. Chúng tôi đang tận hưởng những tươi đẹp và cả những đau khổ của quãng đời hiện tại, ly cà phê có thể cũng vì thế mang hương vị rất riêng của bây giờ. Có một điều vẫn như cũ, anh Thanh vẫn không cho biết trước những bài hát sẽ thu âm. Tuấn cứ qua phòng thu, chuẩn bị thanh lọc mọi thứ trong đầu, nghe và hát ngay một bài hát mới. Nghĩ sao thì hát thế, chúng tôi đã làm việc theo cách đó, và những cảm xúc luôn tươi nguyên không toan tính.
Streets Rhythm là một ánh xạ cuộc sống hoàn toàn mới trong đời sống nhạc Việt – sự hài hước, tinh quái, “nghịch ngầm”,… như những ly cà phê đậm đặc làm người ta nhăn mặt vì cái vị đắng nhức nhối và mọi giác quan bật nảy, lời giản dị nhưng nhạc và thái độ làm nhạc lại cầu kỳ. Người viết nhạc như một nghệ nhân phối trộn còn người thể hiện như một barista lành nghề rành rõ cái nhả, cái căng để đưa đến cho những người thưởng lãm cái tinh túy nhất. Nhưng đâu phải thiên hạ ai người cũng đều có thể thưởng thức những ly cà phê đã mang trong mình Tâm và Ý của người chế tác?
VÕ THIỆN THANH: Thực sự mà nói, từ Café Sáng cho đến Streets Rhythm, nếu không có Hà Okio có lẽ sẽ không có hương vị hoàn hảo cho một ly cà phê. Tôi nghĩ rằng cả ba người chúng tôi như một duyên tiền định, như một sứ mệnh đã được cột chặt.
Chỉ khi viết và phối cho Hà Anh Tuấn, những năng lượng mãnh liệt trong âm nhạc của tôi bùng phát. Và cũng chỉ từ nền phối và ca từ của tôi, Hà Okio mới ứng tác ra những lời Rap xuất thần như thế. Còn Tuấn thì là người sau cùng luôn hiểu mình phải làm gì. Mỗi bài hát chỉ thu đúng một buổi tối, không hề chỉnh sửa gì sau đó, cứ thế như làn sóng cuốn đi! Streets Rhythm thật sự là ly cà phê đậm đặc và đắng… nhưng nó nói lên sự thật! Mà sự thật thì không phải ai cũng muốn nghe!
HÀ ANH TUẤN: Thế nên chúng tôi không chủ động mời mọc marketing tràn lan ly cà phê của mình. Hơn ai hết, anh Thanh và Tuấn biết những ly cà phê của mình đắng cỡ nào, mà đã là cà phê không ai nói ngon dở được. Quá lắm, người không thích vẫn sẽ trân trọng vì những hạt cà phê ấy được trồng ân cần chu đáo và “sạch”.
Sau Café sáng, đến tận bây giờ Streets Rhythm, Tuấn mới hiểu hết được những khán thính giả trung thành của mình. Họ lặng lẽ bình tâm và kiên nhẫn một cách đáng sợ! Chẳng nói gì, cứ chờ và đợi cho đến ly cà phê thứ 2. Tuấn cũng chẳng biết họ nhiều bao nhiêu, nhưng chỉ cần biết điều ấy vẫn đang tồn tại là đủ cho sự dấn thân âm nhạc cả một đời.
Con số 9 cho một cuộc tái ngộ làm tôi liên tưởng tới tích Bồ Đề Đạt Ma 9 năm quay mặt vào bức tường trống để đợi một thời điểm chín cho việc truyền đạo. So sánh bao giờ cũng khập khiễng, nhưng đây đã là thời điểm chín cho một diện mạo khác của cả Võ Thiện Thanh và Hà Anh Tuấn chưa?
VÕ THIỆN THANH: Hahaha, làm gì mà kinh khủng vậy! Đây hoàn toàn là sự tự nhiên, chúng tôi như một cái cây ăn quả, bắt đầu thu hoạch mùa kế tiếp sau 9 năm tích tụ lại ánh nắng và dưỡng chất! Ở một mức độ nào đó, cũng có thể xem 9 năm là một sự thử thách lòng kiên định, một niềm tin mãnh liệt về một thứ âm nhạc mà tôi tin là nó tích cực, vẫn chảy âm thầm chờ thời điểm tuôn trào.
Nói về Bồ Đề Đạt Ma, tôi vô cùng ấn tượng câu chuyện Ngài cười ngặt nghẽo mấy ngày liền sau khi phát hiện ra chân lý, và cuối cùng Ngài mới nói: ”Đơn giản thế sao? Đơn giản thế sao? Vậy mà ta cứ tìm đâu đâu!”.
Đã có nhiều nghệ sĩ tôn thờ sự sáng tạo và khắc kỷ, khó tính với chính bản thân mình, sẵn sàng từ bỏ con đường sáng tác hay trường phái, dòng nhạc,… quen thuộc, đã làm nên tên tuổi của mình để chọn một hướng đi hoàn toàn khác – mà có thể thậm chí sẽ phải đối mặt với sự thất bại, hoặc quay lưng của đám đông. Nếu sự lựa chọn này không được đám đông chấp nhận?
VÕ THIỆN THANH: Tôi quan niệm cuộc sống là luôn luôn tiến tới, cho dù có lúc ta phải tạm lùi, nhưng cũng là để tiến, để tiến hóa cao hơn. Tôi nghĩ tôn thờ là tự chôn mình, tự đào thải mình. Người nghệ sĩ đi theo sự sáng tạo như đi theo một thứ ánh sáng thiêng liêng mà tự thân mình không dừng lại được, thì còn quan tâm gì đến thất bại, đến sự quay lưng của đám đông. Chỉ có duy nhất là niềm tin! Nếu không có niềm tin thì không thể làm được.
HÀ ANH TUẤN: Đám đông luôn có quyền lực, ta không cần phải đối đầu với họ. Nếu may mắn, bạn sẽ hòa mình và tranh thủ được sức mạnh ấy. Trường hợp ngược lại, hãy tìm ra một đám nhỏ vừa sức, vừa gu, vừa tâm hồn của mình, bạn vẫn sẽ thành công và thậm chí hạnh phúc hơn. Đó là nói chung, Tuấn không rõ mình đang thuộc về số đông ồn ào, số đông bình tĩnh hay số không được đông lắm. Nhưng liệu rằng điều ấy có quan trọng khi bản thân mình vẫn đang tin mãnh liệt vào con đường đã chọn. Đừng lầm tưởng về sự tung hô hay chủ quan ồn ào mạo danh đám đông. Cũng có ai dám khẳng định, giờ đây xã hội vẫn còn những đám đông bất biến bất khả xâm phạm. Nhức đầu nhỉ, nên thôi bỏ qua yếu tố đám đông, nhất là trong âm nhạc. Đông thì dễ vui, nhưng hay là chuyện khác!
Cảm ơn hai anh vì những chia sẻ này!
Xem thêm
Hà Anh Tuấn: “Cứ nghe tôi hát, sẽ thấy được đời tôi”
Phỏng vấn: Điệp Giang – Ảnh: Cao Trung Hiếu