Võ Trân Châu bảo vệ môi trường bằng nghệ thuật

Đăng ngày:

Triển lãm Nhặt Lá Rừng Xưa của Võ Trân Châu nói lên nhu cầu phát triển của loài người và những hệ quả đối với môi trường.

Võ Trân Châu sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghề thêu, cô trân trọng ngôn ngữ của chỉ, vải và chọn chúng cùng quần áo cũ làm công cụ cho thực hành nghệ thuật. Để thực hiện triển lãm Nhặt Lá Rừng Xưa (diễn ra từ 14/2 – 26/4/2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory), Võ Trân Châu đã đi thu lượng quần áo cũ từ những container vô chủ tại các cầu cảng ở Sài Gòn trong suốt hai năm qua, từ đó, đặt câu hỏi về nhu cầu phát triển bằng mọi giá của loài người và những hệ quả môi trường thông qua các tác phẩm của mình.

Chào chị. Điều gì đã thúc đẩy chị đặt vấn đề môi trường vào triển lãm Nhặt lá rừng xưa?

Thuở bé, nơi tôi sống có những bãi biển trong veo trải dài cùng hàng dừa rợp bóng chạy xa tít tắp. Lớn hơn một chút, tôi theo gia đình vào sống ở ngoại ô Sài Gòn, nơi có nhiều cây đến độ chúng tôi hay rủ nhau vào “rừng” chơi. Bây giờ, những thứ ấy đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là những bãi biển đầy rác, những bãi khai thác titan nham nhở, những dòng kênh đen kịt đổi màu từng ngày bởi thuốc nhuộm vải, những khối bê tông chen chúc nhau hay những núi rác thải cao ngất, chất đầy quần áo cũ… Điều đó khiến tôi cảm thấy đau lòng và muốn làm gì đó cho môi trường thông qua nghệ thuật.

môi trường qua lăng kính của nghệ sĩ đương đại

Bên cạnh việc khắc họa sự biến mất của ký ức và các công trình kiến trúc cũ trong bối cảnh phát triển đô thị, ý nghĩa môi trường mà chị muốn gửi gắm trong dự án này là gì?

Chất liệu chủ yếu trong dự án lần này là vải vóc cắt ra từ quần áo cũ. Ý tưởng này đến rất tự nhiên, khi tôi cố gắng tái sử dụng lại quần áo cũ để số lượng thải ra bãi rác ít đi, giảm được một chút gánh nặng cho môi trường. Với dự án này, tôi mong rằng có thể gợi cho người xem những suy ngẫm về lượng rác khổng lồ thải ra môi trường từ tủ quần áo của chính họ, hay từ chủ nghĩa sản xuất và tiêu thụ thực dụng, mà điển hình là ngành công nghiệp thời trang nhanh thuộc danh sách 10 ngành công nghiệp đang hủy hoại nặng nề môi trường toàn cầu. Để từ đó, chính khán giả tự đưa ra cho mình những điều chỉnh thiết thực trong cách mua sắm, cũng như cách đối xử với môi trường sống.

Chị nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn văn hóa?

Thiên nhiên và văn hóa là những điều cốt lõi hình thành nên đời sống của con người. Nếu thiên nhiên bao bọc, nuôi dưỡng con người và vạn vật thì văn hóa lại tạo nên những giá trị tinh thần vô giá cho con người. Khi một trong hai bị hủy hoại, chúng ta không cách gì có thể tìm lại được. Vậy nên, việc con người góp phần giữ gìn và bảo tồn chúng một cách song song là điều vô cùng cần thiết.

một góc triển lãm Nhặt lá rừng xưa

Một góc triển lãm Nhặt Lá Rừng Xưa. Ảnh: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

tác phẩm trong triển lãm Nhặt lá rừng xưa

Tác phẩm Nhặt Lá Rừng Xưa – Bason. Ảnh: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

Làm thế nào chị biết đến những container vô chủ “xuất hiện đầy bí ẩn tại các cầu cảng ở Sài Gòn”? Chị đã khám phá ra điều “bí ẩn” đó chưa và đâu là điều chị ám ảnh nhất trong quá trình thu lượm quần áo cũ? Có câu chuyện đặc biệt nào khiến chị không thể quên?

Mọi chuyện cũng xảy ra tình cờ thôi. Quãng thời gian câu chuyện những container vô chủ bị mắc kẹt ở cảng được nhắc đến rầm rộ trên báo thì cũng là lúc tôi kết nối được với các đầu nậu chuyên gom quần áo cũ để bán lại ra thị trường. Tôi không thật sự được tiếp cận trực tiếp với nguồn hàng ngay từ đầu nhưng cũng được biết một số thông tin qua những người đầu nậu này. Điều tôi cảm thấy ám ảnh nhất chính là núi quần áo khổng lồ mà người ta vứt ra bãi rác hàng ngày sau khi lựa được một ít trong số đó để bán lại. Đống đồ vứt đi ấy nhiều đến phát khóc và tôi tự hỏi liệu thiên nhiên sẽ phải tổn thương thế nào để “tiêu hóa” hết đống đồ này mà không khỏi “mắc nghẹn”…

Còn chuyện đặc biệt mà tôi không quên được chính là tinh thần của những người phụ nữ đã giúp tôi phân loại và xử lý núi quần áo cũ chất cao ngập cả hai căn nhà. Đó là một chuyện quá ư cực nhọc nhưng mọi người lại rất vui vẻ vì nhận thức được việc mình làm giúp ích cho người khác và cho môi trường. À, ngoài ra tôi cũng không quên được niềm vui của những người lao động khi nhận những món đồ còn khá tốt mà chúng tôi chọn ra được từ đống đồ cũ, trước khi tôi dùng số quần áo không ai có thể dùng được nữa để làm tác phẩm.

Đâu là điều mà chị tin rằng có thể thay đổi trong bối cảnh hiện tại?

Mỗi người chỉ đơn giản là mua sắm và sử dụng hàng may mặc ít lại, vừa đủ với nhu cầu của mình, như vậy là đã góp phần giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường rồi. Ngoài ra, người làm trong ngành thời trang cũng nên có những cải tiến về chất liệu hay quy trình sản xuất để phù hợp với trách nhiệm môi trường và xã hội.

Trong bối cảnh hiện tại, khi vật chất trở nên thừa mứa, con người sống nhanh theo guồng quay của thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tôi hy vọng mỗi người có thể dành cho mình thời gian để sống chậm lại một chút, hòa mình vào thiên nhiên, suy nghĩ sâu hơn và lựa chọn những giá trị đích thực trong đời.

môi trường chất liệu vải từ quần áo cũ

Bộ tác phẩm Nhặt Lá Rừng Xưa – Xanh, đỏ, vàng, trắng đen. Ảnh: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

Chị đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong cách chúng ta tiếp cận, đối thoại về vấn đề môi trường những năm gần đây?

Những năm gần đây, với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, thông tin được truyền đi nhanh hơn, mọi người kết nối dễ dàng hơn. Do vậy, chúng ta cũng tiếp cận và đối thoại về vấn đề môi trường một cách chủ động và linh hoạt hơn.

Tôi đã thấy khá nhiều tín hiệu tích cực từ những chuyên gia đầu ngành, giới trí thức cũng như lớp người trẻ. Nhiều nhóm thiện nguyện ra đời, nhiều tổ chức cộng đồng khiến vấn đề môi trường lan rộng và tiếp cận được số đông. Điều đó như những cơn sóng lan trên mặt hồ, là tín hiệu khả quan về việc thay đổi dần nhận thức và hành vi của chúng ta.

triển lãm về môi trường của Võ Trân Châu

Bộ tác phẩm Đã từng là nhà của ai đó. Ảnh: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

tác phẩm về môi trường của Võ Trân Châu

Tác phẩm Đã từng là nhà của ai đó. Ảnh: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE. Chúc chị luôn tràn đầy cảm hứng để tạo ra nhiều sản phẩm có ý nghĩa hơn nữa.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more