Chào Vũ Cát Tường. Thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 không chỉ làm xáo trộn mọi thứ mà còn mang đến cho chúng ta nhiều bài học. Ở cấp độ cá nhân, dịch bệnh lần này đã ảnh hưởng như thế nào đến cách nghĩ của Tường về thế giới chúng ta đang sống?
Cách đây không lâu, Tường có đọc một bài báo rất hay của Forbes, nhận định cách mà chúng ta nghĩ về hai từ “phục hồi” sau đại dịch. Trong khi các chuyên gia chỉ tập trung vào tăng trưởng GDP trong nền kinh tế thì Forbes lại đề xuất bổ sung hệ số “sức khỏe hành tinh” để đo lường xem chúng ta có thật sự phục hồi hay không.
Có lẽ nhiều người cũng nhận ra rằng, trải qua nhiều đợt dịch bệnh trong lịch sử, cho dù GDP và nền kinh tế có đi lên thì con người vẫn thống khổ, vẫn chịu áp lực và vẫn vô cùng mong manh trước các biến cố. Chỉ một con virus cũng có thể khiến nhiều người trở nên trắng tay sau một đêm thức dậy. Tiền bạc, danh tiếng, quyền lực không phải là thước đo bền vững về giá trị của một con người. Tường rất đồng tình với việc nên có thêm một hệ số để chúng ta có cái nhìn tổng quan, đa chiều hơn về thế giới này chứ không chỉ tập trung vào kinh tế. Hơn nữa, mỗi người cũng phải tự nhìn nhận lại cách sống của chính bản thân mình.
Theo Vũ Cát Tường, con người trong xã hội hiện đại đang được “định nghĩa” bởi những yếu tố nào?
Khi nhìn ở khía cạnh trực diện và trần trụi, có lẽ số đông vẫn dựa vào các yếu tố bề nổi như tiền của, địa vị, quyền thế của một người hay một tổ chức để đánh giá họ. Tuy nhiên, nếu được, Vũ Cát Tường muốn bổ sung vào cách “định nghĩa” đó giá trị “thời gian”. Cần nhìn nhận khả năng duy trì thành quả của một cá nhân hay tổ chức trong thời gian đủ dài để biết được đó là những điều do họ tự làm ra hay chỉ là sự vay mượn. Khi thời thế thuận lợi thì ai cũng có thể thành công, nhưng trụ vững trong sóng gió mới là người thực sự có sức mạnh. Vậy nên, Tường thích quan sát người khác đi lên từ khó khăn để hiểu được giá trị nội tại của họ.
Vậy điều gì đang ngăn cản chúng ta khám phá năng lực của bản thân?
Nếu nói về tác động ngoại cảnh thì nhiều lắm, nhưng Tường nghĩ quan trọng vẫn là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Người ta có một câu rất hay là: “Nếu ước mơ không cùng lúc khiến bạn vừa cảm thấy sợ hãi, vừa được truyền cảm hứng, nghĩa là ước mơ đó chưa đủ lớn”. Ước mơ phải là thứ khiến bạn dù sợ hãi, hoang mang nhưng vẫn cảm thấy vô cùng hứng thú, muốn đi đến đó cho bằng được và thôi thúc bạn làm việc mỗi ngày, giúp bạn đương đầu với những thứ mới mẻ, đầy bỡ ngỡ. Nếu bạn không vượt qua được nỗi sợ, bạn sẽ không bao giờ chạm đến ước mơ của mình. Khám phá năng lực bản thân chính là đi vào vùng đất mà bạn chưa bao giờ đặt chân tới. Trong không gian tối tăm đó, bạn phải mò mẫm và tự tạo ra ánh sáng cho mình. Tất nhiên, bước vào vùng tối thì ai mà chẳng sợ. Nhưng khi mọi thứ được thắp sáng, bạn sẽ tìm thấy kho báu và một mình tận hưởng nó.
Là một nghệ sĩ không ngừng mở rộng khả năng của bản thân, từ sáng tác, sản xuất cho đến hát bằng tiếng Anh, đâu là những điều kiện cho phép Tường được tự do khai phóng giới hạn của chính mình?
Thực ra, tất cả những điều này mọi người chỉ thấy khi đã có thành quả cụ thể. Chỉ khi Tường ra sản phẩm, bạn mới biết là Tường có thể sáng tác, có thể sản xuất, có thể hát tiếng Anh. Không ai biết rằng để có được những thành quả trên, Tường đã phải đối mặt với khoảnh khắc có quyết định dấn thân vào “vùng tối” hay không. Tường nghĩ đó không phải là điều kiện mà là sự lựa chọn. Không ai được trang bị nhiều thứ thuận lợi ngay từ đầu. Đặc biệt, khi bạn ước mơ càng cao, khả năng tự dựa vào nội lực của bản thân phải càng lớn. Dù mọi người xung quanh có yêu quý và ủng hộ bạn thì khi đứng trước những quyết định lớn, chỉ có bạn, với ý chí, bản lĩnh và thái độ dám dân thân, mới biết rằng mình phải đi đâu, mình nên làm gì.
Đối với nghệ sĩ, được thể hiện cá tính và sống thật với bản thân quan trọng như thế nào? Có phải lúc nào nghệ sĩ cũng được tự do thể hiện cái tôi mà không chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội và mong đợi của người hâm mộ? Vũ Cát Tường thỏa hiệp với những điều đó ra sao?
Tường không biết những nghệ sĩ khác như thế nào nhưng đối với Tường, việc sống thật với cá tính, sống thật với bản thân luôn là ưu tiên hàng đầu. Một người sống không thật với người khác, đến một lúc nào đó, họ cũng sẽ tự lừa dối chính bản thân mình. Khi đứng trước những lựa chọn, Tường thường tự hỏi bản thân là (1) điều đó mình có muốn hay không và (2) điều đó có khiến mình phải đánh đổi những giá trị cốt lõi hay không. Câu hỏi (2) liên quan đến những giá trị lâu dài và những gặt hái ở thì tương lai, nếu vội vã, hấp tấp và muốn có thành quả ngay lập tức, có thể bạn sẽ mất đi phần thưởng lớn hơn ở cuối con đường. Vậy nên, nếu để có được một cơ hội mà phải sống không đúng với bản thân mình, Tường sẽ không thỏa hiệp.
Bản thân Tường chưa bao giờ đặt định kiến xã hội lên trên con người mình và biến nó thành áp lực. Có lẽ chỉ cần nhìn vào cách Tường xuất hiện, mọi người cũng hiểu rằng Tường không quan tâm đến những điều người khác nghĩ về mình. Tường chỉ quan tâm những gì mình làm được cho bản thân và cho xã hội thôi. Bất kể làm việc gì, Tường luôn nghĩ xem điều này đóng góp như thế nào cho quá trình phát triển của bản thân, có ảnh hưởng tích cực như thế nào đối với cộng đồng đang yêu thương mình, có làm cho họ vui hơn không, có được đồng cảm, sẻ chia hơn không, và có cảm thấy tin vào những điều tốt đẹp hơn không.
Từ khi nào Vũ Cát Tường nhận ra tầm quan trọng của việc được làm chủ cuộc đời mình?
Đây là một câu hỏi hay và đúng thời điểm. Từ khi nào? Tường nghĩ là trong năm nay. Từ khoảnh khắc bắt đầu năm 2020 cho đến bây giờ là khoảng thời gian Tường cảm nhận rõ ràng nhất việc bản thân phải chịu trách nhiệm 100% với những quyết định mình đưa ra. Tường cảm thấy tràn đầy năng lượng và hiểu được giá trị của sự tự do. Sau nhiều lần lên và xuống trong cả đời sống cá nhân lẫn hành trình âm nhạc, Tường nhận ra rằng được tự do làm điều mình muốn, đi con đường mà mình thích và gặt hái thành quả từ chính mồ hôi nước mắt của bản thân mình là một cảm giác rất hạnh phúc. Tự do cũng là thứ mà Tường sẽ không bao giờ đánh đổi dù có được trả bao nhiêu.
Hãy liệt kê 3 thứ tạo nên thế giới của Vũ Cát Tường.
Khối óc, con tim và cộng đồng những người yêu mến Vũ Cát Tường.
Trong tương lai, Tường muốn trở thành người như thế nào?
Tường muốn làm được nhiều điều hơn nữa cho xã hội. Câu này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng thực sự trong thời gian vừa qua, Tường đã nghĩ về điều này rất nhiều, dù trước đó Tường không quá để tâm đến. Đại dịch COVID-19 khiến Tường trăn trở nhiều hơn về những việc mình nên làm để lan tỏa năng lượng tích cực, mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng trên con đường chinh phục âm nhạc của mình.
Nếu được trao cho năng lực thay đổi một điều trong xã hội hiện tại, Tường sẽ thay đổi điều gì?
Tường muốn tất cả mọi người đều vui với những gì mình đang có. Thực ra, ngẫm kỹ lại, nguồn gốc của tất cả những tranh đấu, hơn thua, so sánh đều bắt nguồn từ việc chúng ta không bao giờ thấy đủ. Khi liên tục so sánh bản thân với người khác, chúng ta dễ bị lòng tham, sự ích kỷ thôi thúc đi vào những con đường không đúng đắn. Chỉ cần mọi người thấy đủ với những gì mình đang có, có lẽ thế giới này đã tốt đẹp hơn nhiều lắm.
Tường có tin rằng âm nhạc có thể khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn? Âm nhạc của Tường có thể giúp đỡ người khác như thế nào?
Tường luôn tin rằng âm nhạc nói riêng và những điều lương thiện nói chung sẽ khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Khi phải sống mà quá đề phòng nhau, người ta sẽ khó mà tin vào những điều tích cực, nhưng Tường lại cho rằng nếu bạn tin vào điều gì, bạn sẽ tỏa ra năng lượng tương ứng để hấp dẫn điều đó đến với bạn. Tường không dám nhận là âm nhạc của mình có giúp được gì cho người khác hay không. Âm nhạc, về cơ bản, cũng chỉ là sự đồng cảm, sẻ chia chứ không phải thứ gì cao siêu. Chỉ cần một ai đó tình cờ bắt gặp âm nhạc của Tường ở đâu đó, trong quán cà phê chẳng hạn, rồi họ ngưng lại để lắng nghe và cảm thấy được đồng cảm, với Tường, như vậy là đủ.
Một thống kê cho biết các nhạc sĩ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 3 lần người bình thường. Rõ ràng âm nhạc có tính trị liệu nhưng cũng có sức tàn phá đối với người làm nhạc. Sự nhạy cảm của người nghệ sĩ dường như là món quà và cũng là hình phạt của tạo hóa. Làm sao Tường giữ cho tinh thần mình luôn khỏe mạnh và cân bằng trong quá trình sáng tạo?
Một người có khả năng sáng tạo thì cũng có khả năng bị sáng tạo đó giày vò. Đơn giản vì năng lượng của họ quá nhiều. Bạn sở hữu một năng lượng quá cao mà lại còn nhạy cảm, chẳng khác gì chứa một thứ quá lớn trong một lớp vỏ quá mong manh. Tuy nhiên, Tường lại may mắn có khả năng giữ cho bộ não và trái tim luôn ở thế cân bằng. Khi làm công việc sáng tạo, Tường có thể hoàn toàn dùng não phải để bay bổng với cảm xúc và để cho phần lý trí nghỉ ngơi. Nhưng khi cần làm những việc liên quan đến não trái như phân tích, tính toán dữ liệu, Tường lại có thể trở thành một người cực kỳ logic, không để cảm xúc lấn át, chi phối, thậm chí còn có phần vô tình và lạnh lùng. Tường cũng không phải là một người rất nội tâm như mọi người thường nghĩ, bởi vì với Tường, không có cái gì quá mà tốt hết. Giữ được trạng thái cân bằng là cả một nghệ thuật mà mình cần phải học.
Gần đây, Tường dường như đã quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, có thể nhận thấy điều này qua dự án “Tomorrow”. Tường nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của người định hướng và sức ảnh hưởng của mình đối với thế hệ trẻ hơn?
Tường cho rằng tiếng nói của những người có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng rất quan trọng. Khi bạn càng có nhiều người dõi theo, càng có nhiều người yêu quý và tin tưởng thì bạn lại càng phải có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Thế nên, Tường rất đồng tình và ủng hộ những người cùng làm nghề với mình đang dùng sức ảnh hưởng của họ để lan tỏa những điều tích cực, truyền đi những thông điệp tốt đẹp, đầy cảm hứng cho cộng đồng người hâm mộ nói riêng và khán giả nói chung. Thế hệ trẻ lại càng cần phải hiểu điều đó hơn nữa. Những người trẻ thường có xu hướng muốn nhanh chóng đạt được điều mình ao ước và đôi khi chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Quan điểm của Tường vẫn là “đường dài mới biết ngựa hay”. Quan trọng là trên mỗi bước đi, hãy sử dụng uy tín và tiếng nói của mình để mang lại giá trị tốt đẹp cho người khác.
Cảm ơn Vũ Cát Tường.
Nhóm thực hiện
Giám đốc sáng tạo: Dzung Yoko
Hình ảnh: Tùng Salie
Trang điểm: Tùng Châu
Làm tóc: Seung Sin
Bài: Đoàn Trúc
Stylist: Huyền Linh
Sản xuất: Chi Nguyễn
Trợ lý: Elena Nguyễn, Danny Do
Retoucher: Nguyễn Hoàng Hiệp
Setup: Lý Bình Sơn
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE