Nỗi ám ảnh vì ai?
Phụ nữ thường xuyên mang nỗi ám ảnh nhan sắc. Một nỗi ám ảnh không bao giờ là dễ chịu, và họ phải tìm ra thủ phạm cho nó, những ngón tay chỉ về phía đàn ông: Chính anh, là người khiến tôi phải khổ sở làm đẹp.
Đàn ông không có tội
Lướt qua lịch sử nghệ thuật thế giới, có cảm giác rằng nếu không phải là tất cả, thì một phần rất lớn đàn ông đã bỏ ra cả thế kỷ thuyết phục phụ nữ… đừng cố tân trang nhan sắc nữa.
Billy Joel hát thế này trong ca khúc huyền thoại Just the way you are: “Đừng cố thử thời trang mới. Đừng thay màu tóc mới. Anh chấp nhận em như chính con người mình”. Hơn 30 năm sau, Bruno Mars lại viết một bài Just the way you are khác, và vẫn là: “Khi anh nhìn khuôn mặt em. Không có một thứ gì đáng phải thay đổi. Em tuyệt vời khi là chính con người em”.
Và hãy nghe Nguyễn Bính cầu khẩn: “Nói ra sợ mất lòng em. Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”. Từ Hollywood ở Nam California cho đến Nam Định quê Nguyễn Bính, quan điểm của đàn ông dường như rất thống nhất. Có thể tìm được muôn vàn những ví dụ “van em em hãy giữ nguyên” như thế trong văn học và nghệ thuật.
Nhưng quan điểm của phụ nữ cũng không vì thế mà bị lay chuyển. Họ là những người có lý tưởng và không thể vì vài ca khúc hay bài thơ mà đánh đổ được sự nghiệp nhan sắc đã trường tồn qua hàng thiên niên kỷ.
Và có một điều đáng ngạc nhiên là họ sẽ có xu hướng buộc tội đàn ông chính là những thủ phạm đã gây ra sự ám ảnh thời trang và nhan sắc của mình.
Họ cho rằng mình làm thế chỉ là bởi chịu áp lực từ đàn ông – những kẻ hay được mô tả là chạy theo gái đẹp một cách mất lý trí. Họ không biết rằng quan điểm ấy phát sinh một mâu thuẫn rất lớn là đàn ông không nhiều người quan tâm đến các xu hướng thời trang và nhan sắc. Nếu chị em có phong trào khoe lưng thì họ ngắm lưng, khoe chân thì họ cũng thinh thích đôi chân, chứ bản thân đàn ông không phải là người đưa ra yêu cầu.
Ngoại trừ một số nhu cầu bản năng như việc yêu thích bộ ngực (vốn có yếu tố di truyền), thì không có một liên minh các ông chồng nào đứng lên quyết định rằng phụ nữ phải đi độn cằm, ép tóc hoặc tắm trắng hàng loạt. Phụ nữ tự chủ động đuổi theo các xu hướng còn đàn ông thì lập cập (cầm ví) chạy theo.
Nhà nghiên cứu Daniel Kruger của Đại học Michigan từng sử dụng một hình ảnh rất hay để phân biệt xu hướng tiêu dùng của đàn ông và phụ nữ. Đó là câu chuyện từ thời kỳ săn bắn và hái lượm. Đàn ông, những người săn bắn, đi tìm mục tiêu và hạ nó. Còn phụ nữ, những người hái lượm, thì bước vào cửa hàng và bắt đầu cẩn thận rà soát, nhặt nhạnh. Nếu coi việc tân trang nhan sắc là một thị trường thì sự khác nhau cũng như thế: với đàn ông thì dù là đi cắt tóc hay đi mua nhà cũng không khác nhau, họ chỉ muốn nhanh chóng đạt được một mục đích cụ thể nào đó. Phụ nữ thì coi đó là một hoạt động mang tính giải trí, tính xã hội và tính cộng đồng. Một kiểu váy, kiểu tóc hay một phương pháp giảm cân mới là chủ đề mang tính cộng đồng cao và rất đáng bàn luận, tình tri kỷ đôi khi chỉ cần từng ấy câu chuyện để duy trì.
Just the way you are, hãy là chính con người em. Ca khúc của Billy Joel đã được cover bởi hàng chục danh ca từ Barry White, Diana Krall cho đến Frank Sinatra. Nhưng nó xứng đáng là ca khúc nổi-tiếng-mà-vônghĩa- nhất mọi thời đại. Đừng cố thử mẫu thời trang mới ư? Quên đi nhé.
Và đàn ông “thủ ác”
Đến đây câu hỏi đặt ra là ngoài bản năng của phụ nữ, điều gì đã tạo ra nỗi ám ảnh nhan sắc? Câu trả lời đơn giản nhất là động cơ kinh tế. Những nỗi ám ảnh tiêu dùng luôn là sản phẩm của giới thương nhân.
Và lúc này điều thú vị nhất phát sinh: những người kiểm soát ngành công nghiệp thời trang và nhan sắc nói chung (bao gồm cả các ông trùm giải trí), phần lớn là đàn ông.
Phụ nữ ám ảnh vì một cơ thể thanh mảnh? Người tạo ra nỗi ám ảnh ấy có thể không phải là bạn tình của họ, nhưng vẫn là một người đàn ông nào đó. Trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới, 3,8% có lãnh đạo là nữ giới. Nhưng nếu thu hẹp lại lĩnh vực thời trang, thì tỷ lệ này giảm xuống còn 1,7%. Trong danh sách 94 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất ngành công nghiệp thời trang theo tạp chí Business of Fashion, chỉ có 15 người là phụ nữ. Nữ diễn viên Sarah Jessica-Parker kể rằng cô đã bị sốc khi tham gia vào ngành công nghiệp thời trang với tư cách nhà quản lý. “Phụ nữ có chút danh vọng nhưng toàn là bù nhìn”. Còn Donatella Versace thì thốt lên đầy oán thán rằng nữ quyền đã chết. Bà và Muccia Prada trở thành những chiến binh nữ đơn độc trong cuộc chiến vì nữ quyền của ngành thời trang.
Tất nhiên, nếu bạn hỏi Donatella Versace về thông điệp dành cho người phụ nữ đằng sau những thiết kế của mình, bà sẽ nói rất tâm huyết, nhưng đừng hỏi các ông trùm thời trang về những thông điệp như thế. Họ chỉ có một thông điệp chung, là hãy mua hàng đi.
Người ta đã lên án ngành thời trang vì nhồi nhét vào đầu người phụ nữ về một cơ thể thanh mảnh lý tưởng suốt nhiều năm qua, bằng những cô người mẫu khốn khổ nhịn ăn đến chết. Những lãnh-đạo-đàn-ông của ngành thời trang chịu trách nhiệm về việc ấy.
Người ta cũng biết rằng những cô ca sĩ có chân dài thẳng tắp và vòng eo chưa đến 60 trong “Làn sóng Hàn Quốc”, những người có vai trò định hướng thẩm mỹ của chị em châu Á rất mạnh, vốn phải tập luyện và kiêng khem khổ cực và sống như những con rôbốt thế nào. Người chỉ đạo việc ấy cũng là những ông trùm giải trí.
Và hẳn ít người biết rằng lãnh đạo của ngành đào tạo hoa hậu Venezuela là một người đàn ông không hề ngại ngần khi bắt “gà” của ông đi phẫu thuật thẩm mỹ theo ý muốn.
Về cơ bản, họ sử dụng cơ thể người phụ nữ để làm giàu và dẫn dắt đám đông theo hướng có lợi chứ không phải là đồng minh của Versace.
Những định hướng nhan sắc cho chị em, thực ra đã được tạo ra một cách lạnh lùng và đôi lúc chính là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng người phụ nữ.
Phụ nữ chỉ đúng một nửa khi trách đàn ông vì nỗi ám ảnh làm đẹp. Đó không phải là người đàn ông vẫn hay cầm ví chạy theo họ. Nhưng nó thực sự là biểu hiện của việc thiếu nữ quyền. Họ cần và nên giữ bản lĩnh trong cuộc chiến với những ông trùm thời trang quan tâm tới lợi nhuận nhiều hơn giá trị của phụ nữ.
Xem thêm Nỗi ám ảnh béo
Xem thêm Thời của “soi”
Bài: Đức Hoàng
Ảnh: Corbis