10 ngày lễ truyền thống vào mùa Đông trên thế giới bên cạnh lễ Giáng Sinh
Giáng Sinh là ngày lễ nổi tiếng nhất vào mùa Đông trên khắp thế giới, tuy nhiên đó không phải ngày lễ duy nhất vào thời điểm cuối năm.
Khi mùa Giáng Sinh đang cận kề, hàng triệu người trên thế giới bắt đầu tham gia vào các ngày lễ truyền thống liên quan đến tôn giáo hoặc văn hóa của từng khu vực. Bên cạnh việc trang trí cây thông Noel, đi nhà thờ, hát thánh ca, trao đổi quà tặng… những hoạt động truyền thống “kỳ lạ” khác cũng được hưởng ứng bởi nhiều cộng đồng, giáo dân ở các nền văn hóa khác nhau. Từ việc châm lửa lên bánh pudding, ăn bữa tiệc gồm bảy món cá đến hóa trang thành các vị Thánh, có rất nhiều cách để mọi người ăn mừng ngày lễ mà không cần liên tưởng đến ông già Noel hay những chú tuần lộc bay lượn trên bầu trời. Dưới đây là danh sách 10 ngày lễ truyền thống vào mùa Đông được tổ chức ở các quốc gia trên khắp thế giới bên cạnh dịp Giáng Sinh.
1. Three King’s Day (Tây Ban Nha và Mỹ Latinh)
Phần lớn mọi người trên thế giới mừng lễ Giáng Sinh vào đêm 24/12 và kết thúc vào hết ngày 25/12. Tuy nhiên, đối với nhiều người theo Kitô giáo tại Tây Ban Nha và Mỹ Latinh, Three King’s Day (6/1) mới là ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của mùa Giáng Sinh. Người ta tin rằng vào ngày này, ba nhà thông thái hoặc ba vị Vua là Melchior, Caspar, Balthazar đã đến thăm hài nhi Jesus và tặng cho ngài những món quà được làm từ vàng, nhũ hương và mộc dược.
Ngày nay, Three King’s Day được Kitô hữu trên khắp thế giới tổ chức, đặc biệt là châu Âu. Tại Tây Ban Nha, nhiều trẻ nhỏ thường đặt giày trước cửa nhà để xin quà của ba vị Vua trên đường đến thăm Chúa Jesus. Một số gia đình còn chuẩn bị cỏ, cà rốt và snack cho những con lạc đà vào đêm trước ngày lễ vì họ tin rằng ba vị Vua đã cưỡi lạc đà trong hành trình đến thăm Chúa. Ở Mexico, các gia đình thường cùng nhau dùng bữa tối thịnh soạn trong Three King’s Day và tráng miệng bằng rosca del rey (một loại bánh mì ngọt truyền thống với búp bê hài nhi Jesus được cho vào bên trong).
2. Christmas Pudding (Anh)
Vào cuối bữa tối đêm Giáng Sinh, nhiều gia đình ở Anh thường rót rượu mạnh và châm lửa lên chiếc bánh pudding truyền thống. Họ tin rằng, ngọn lửa rực cháy từ rượu mạnh đại diện cho cuộc khổ nạn của Chúa Jesus. Khi đó, thành viên lớn tuổi nhất hoặc trụ cột gia đình sẽ cầm chiếc bánh “diễu hành” khắp nhà, các thành viên khác đi sau theo thứ tự từ lớn đến bé. Họ vừa đi vừa hát vang ca khúc We Wish You A Merry Christmas hoặc một vài bản nhạc Giáng Sinh cổ điển khác cho đến khi bài hát kết thúc hoặc ngọn lửa trên bánh pudding tắt hẳn. Cuối cùng, cả gia đình cùng ngồi quây quần và thưởng thức chiếc pudding với nhau trong đêm Giáng Sinh ấm cúng.
3. The Festival of Lights/ Hanukkah (Israel)
Hanukkah (Chanukah) hay The Festival of Lights được tổ chức vào ngày 25 tháng Kislev (theo lịch Do Thái) khi mặt trời lặn và kéo dài trong tám ngày. Đây là một ngày lễ kỷ niệm việc tái cung hiến Đền thờ ở Jerusalem sau ba năm chiến tranh của người Do Thái.
Vào năm 164 TCN, một nhóm người Do Thái nổi dậy chống đế chế Seleucid – những người đã mạo phạm đền thờ của họ và buộc họ thờ phụng các vị thần Hy Lạp. Sau khi chiến thắng, cả nhóm chỉ có một lọ dầu nhỏ để thắp sáng menorah (ngọn nến có bảy nhánh) trong một đêm tại Đền thờ. Tuy nhiên, số dầu đó lại cháy được đến tám đêm giúp họ thêm củng cố niềm tin vào một phép màu từ Chúa và quyết định tổ chức lễ hội kỷ niệm mang tên Hanukkah (sự cống hiến) trong vòng tám ngày.
Vào tháng Mười Một hoặc Mười Hai, những gia đình Do Thái tổ chức lễ Hanukkah bằng cách cùng nhau thắp nến menorah, trao đổi quà tặng và thưởng thức các món ăn truyền thống như: babka (bánh mì ngọt), latkes (bánh kếp khoai tây) và rugelach (bánh có nhân mứt trái cây, chocolate hay các loại hạt).
Xem thêm:
• Vòng quanh thế giới xem các nước đón Giáng Sinh
• Khám phá món ăn Giáng Sinh truyền thống của các nước trên thế giới
• 20 công thức pha cocktail tại gia mùa Giáng Sinh
4. Christmas Markets (Đức)
Christmas Markets (tiếng Đức: Weihnachtsmarkt/ Christkindlmarkt) là một trong những điểm nổi bật của mùa lễ Giáng Sinh tại Đức, Áo, Thụy Sĩ, Ý… Lễ hội ngoài trời này xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15 hoặc 16 và được tổ chức vào những buổi đêm trong vài tuần trước lễ Giáng Sinh. Du khách có thể thưởng thức những món ăn, thức uống truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Đức tại chợ Giáng Sinh như glühwein (rượu vang nóng), hạt dẻ nướng, christstollen (bánh mì trái cây), bethmännchen (bánh hạnh nhân)… Bên cạnh những quầy hàng ẩm thực được trưng bày đẹp mắt, những gian hàng khác thường bày bán các sản phẩm thủ công địa phương xinh xắn và tinh xảo như: nến, quả cầu pha lê, kẹo, đồ gỗ, mũ và găng tay mùa Đông.
5. Santa Lucia Day (Thụy Điển và Ý)
Santa Lucia Day (13/12) là lễ hội ánh sáng được tổ chức tại Thụy Điển, Ý, Na Uy và một số khu vực khác để vinh danh Thánh Lucia (St.Lucy) – một thiếu nữ Kitô hữu tử đạo vì đức tin của mình vào năm 304.
Câu chuyện phổ biến nhất được kể về Thánh Lucia là thánh nữ đã bí mật mang thức ăn đến cho những Kitô hữu bị bách hại đang sống ẩn náu trong hầm mộ La Mã. Để giữ cho hai tay của mình được thảnh thơi khi làm việc, thánh nữ thường đội những ngọn nến trong một vòng hoa trên đầu. Vì vậy, trong lễ Santa Lucia Day ngày nay, mỗi thị trấn sẽ bầu chọn một cô gái trẻ đại diện cho Thánh Lucia để dẫn đầu cuộc diễu hành, theo sau là những chàng trai và cô gái trẻ khác mặc đồ trắng, đội vòng hoa thắp sáng trên đầu và hát vang những ca khúc Giáng Sinh truyền thống.
6. Simbang Gabi (Philippines)
Simbang Gabi là ngày lễ Giáng Sinh truyền thống có từ năm 1668 khi các nhà truyền giáo từ Tây Ban Nha mang tập tục này vào Philippines. Simbang Gabi bao gồm một loạt thánh lễ được tổ chức trong chín ngày. Các nhà thờ thường được trang hoàng bởi những ánh sáng rực rỡ từ đèn dầu, đèn lồng hay hang đá Giáng Sinh để chào đón những giáo dân đi lễ. Sau mỗi thánh lễ, xung quanh nhà thờ thường tấp nập những quầy hàng với các món ăn truyền thống của Philippines như bibingka (bánh gạo nướng), puto (bánh gạo hấp) và cà phê.
7. Feast of the Seven Fishes (Ý)
Đối với người Mỹ gốc Ý, việc tổ chức đêm Giáng Sinh với bữa tiệc gồm bảy món cá là một truyền thống lâu đời khá phổ biến và được nhiều người hưởng ứng. Truyền thống ăn cá vào đêm Giáng Sinh bắt nguồn từ phong tục của Công giáo La Mã: không ăn thịt hoặc các sản phẩm từ sữa trước đêm Giáng Sinh. Tuy nhiên, ngày lễ này chỉ quen thuộc với những người Ý nhập cư sang Mỹ vào đầu những năm 1900. Vì vậy, nhiều người Ý hiện nay không biết về sự tồn tại của Feast of the Seven Fishes.
Một bữa tiệc truyền thống trong buổi lễ thường bao gồm bảy món hải sản khác nhau, tượng trưng cho bảy bí tích và tội lỗi trong Kinh thánh. Ngoài ra, món ăn phổ biến trong bàn tiệc còn có panettone và pandoro (những loại bánh bông lan truyền thống của Ý).
Xem thêm:
• 8 món quà Giáng Sinh hoàn hảo dành cho cô bạn thân
• 7 sản phẩm giúp nâng cấp quầy bar tại nhà dịp Giáng Sinh
• 11 món đồ trang trí không thể thiếu cho gian bếp dịp Giáng sinh
8. St. Nicholas Day (vùng Tây Bắc châu Âu)
St. Nicholas Day được tổ chức vào ngày 6/12 để kỷ niệm ngày mất của Thánh Nicholas – một vị giám mục ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ III, được tôn kính là vị thánh bảo trợ cho người nghèo và trẻ em. Tương truyền rằng, Thánh Nicholas đã bán hết tài sản của mình để giúp đỡ người nghèo khó bằng cách để lại những đồng xu hoặc thức ăn trong giày của họ. Ngày nay, ở một số nước như Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Séc… trẻ em thường để giày ra ngoài vào đêm 5/12 với hy vọng rằng Thánh Nicholas sẽ tặng mình những món quà nhỏ, đồ chơi hoặc bánh kẹo.
9. Kwanzaa (Nam Phi, Caribe và Mỹ)
Lễ kỷ niệm Kwanzaa được tạo ra bởi Maulana Karenga vào năm 1966 nhằm đoàn kết và trao quyền cho người Mỹ da đen sau cuộc nổi dậy Watts Rebellion (cuộc đấu tranh do căng thẳng chủng tộc của cộng đồng người da đen tại phố Watts, Los Angeles). Mặc dù các tập tục trong ngày lễ bắt nguồn từ Nam Phi, nhưng Kwanzaa lại được hưởng ứng đông đảo từ cộng đồng người châu Phi xa xứ, đặc biệt là người Mỹ da đen và người da đen tại vùng Caribe.
Kwanzaa diễn ra trong một tuần sau lễ Giáng Sinh với mỗi ngày là một nguyên tắc khác nhau được thực hiện gọi là Nguzo Saba. Mỗi gia đình sẽ đặt bảy ngọn nến trên giá đỡ Kinara tượng trưng cho bảy nguyên tắc: ba ngọn màu đỏ đại diện cho cuộc đấu tranh, ba ngọn màu xanh lá đại diện cho đất đai và hy vọng về tương lai, một ngọn màu đen đại diện cho chính họ (những người gốc Phi). Ngoài ra, những yếu tố khác tạo nên Kwanzaa có thể kể đến như âm nhạc, thơ ca, khiêu vũ, những buổi kể chuyện và tiệc mừng…
10. Las Posadas và Las Navidad (Tây Ban Nha, Mexico, Mỹ Latinh)
Las Posadas bắt nguồn từ Tây Ban Nha và du nhập vào Mỹ Latinh trong thời kỳ thuộc địa tại châu Mỹ (400 năm trước). Ngày lễ kéo dài chín ngày (từ ngày 16/12 đến đêm Giáng Sinh 24/12) tượng trưng cho chín tháng Đức Trinh Nữ Maria mang thai hài nhi Jesus. Bên cạnh đó, ngày lễ cũng tôn vinh chuyến hành trình gian nan từ Nazareth (Israel) đến Bethlehem (Palestine) của Đức mẹ Maria (mẹ của Chúa Jesus) và Thánh Giuse (cha của Chúa Jesus).
Tại Mexico, Tây Ban Nha và nhiều khu vực Mỹ Latinh khác, đêm Giáng Sinh (24/12) được gọi là La Nochebuena hoặc Las Navidad. Tương tự những thông lệ trong đêm Giáng Sinh ở khắp nơi trên thế giới, các gia đình trong ngày Las Navidad cũng tận hưởng đêm Giáng Sinh bằng một bữa tiệc tối thịnh soạn và buổi thánh lễ được tổ chức lúc nửa đêm được gọi là Misa del Gallo.
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Better Homes & Gardens