Đèn chùm: Chỉ tồn tại ở khách sạn 5 sao?
Ngay từ buổi bình minh nhân loại, loài người đã cố gắng tạo ra ánh sáng và xua tan bóng tối. Cùng với việc tạo ra và sử dụng được lửa, con người đã bước sang giai đoạn phát triển mới với nỗ lực kiểm soát và dùng ánh sáng trong hành trình sinh tồn. Quá trình phát triển của những chiếc đèn cũng khởi nguồn từ đây.
Từ các dấu vết khảo cổ cho thấy, những chiếc đèn đầu tiên được con người sử dụng có niên đại vào khoảng 70.000 năm trước Công nguyên. Vào giai đoạn sơ khai này, những chiếc đèn có cấu trúc đơn giản – chỉ là một cái vỏ ốc hoặc một khối đá rỗng, bên trong chứa đầy rong rêu được tẩm mỡ động vật để tạo điều kiện bắt lửa. Về sau, con người dần biết sử dụng các vật liệu khác để làm thân đèn như đất nung, đá cẩm thạch hay kim loại, và thay vì dùng mỡ, người ta bắt đầu sử dụng dầu cá và dầu ô liu để làm chất đốt. Dần dần, bấc cũng được thêm vào để kéo dài thời gian cháy của ngọn lửa cũng như giúp ngọn lửa tập trung và sáng hơn.
Vào đầu thế kỷ thứ 9, Những chiếc đèn chùm đầu tiên đã xuất hiện với thiết kế đơn giản với hai thanh xà bằng gỗ tạo thành hình chữ thập, có phần cố định ở cuối để cố định các ngọn nến. Bằng việc treo nến lên cao, ánh sáng từ nến sẽ được khuếch tán rộng hơn ra không gian xung quanh chúng, đồng thời tiết kiệm được một phần lớn diện tích sử dụng trong không gian sinh hoạt chung lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chi phí của những ngọn nến chất lượng tốt đã làm cho đèn chùm trở thành mặt hàng xa xỉ, chỉ dành cho các tầng lớp quý tộc và thượng lưu. Chúng lần đầu tiên được sử dụng ở châu Âu vào cuối thế kỷ thứ 9 bởi Nhà thờ và ngay sau đó trong các lâu đài và cung điện hoàng gia.
Các thiết kế và vật liệu sử dụng được nâng tầm khi kỹ thuật sản xuất được cải thiện theo thời gian. Đến thế kỷ 15, những chiếc đèn chùm mạ vàng phức tạp đã trở thành một yếu tố thiết yếu trong các dinh thự của giới quý tộc giàu có.
Đèn chùm xuất hiện lần đầu tiên trong các ngôi nhà của tầng lớp lao động vào thế kỷ 16 và 17. Trong khi các gia đình bình thường sử dụng gỗ, sắt rèn hoặc thiếc để trang trí đèn chùm của họ, thì những chiếc đèn chùm đắt tiền và phức tạp hơn được làm từ pha lê – một dạng thạch anh trong suốt – đã được tạo ra trong thời kỳ này mà chỉ một số ít người có thể mua được.
Vào thế kỷ 18, sự phát triển của đèn chùm tiếp tục nở rộ. Sự phát triển trong sản xuất thủy tinh cho phép pha lê được sản xuất tương đối dễ dàng dưới dạng pha lê nhân tạo, từ đó dẫn đến sự phổ biến của đèn chùm pha lê. Pha lê rực rỡ hơn, trong hơn và dễ tạo hình hơn, vì nó mềm hơn thủy tinh. Những chiếc đèn chùm hoàn toàn bằng pha lê ấn tượng với hình thức tráng lệ bắt đầu xuất hiện, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của đèn chùm.
Vì thế, đèn chùm không còn là một vật dụng đơn thuần với công năng chiếu sáng mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện được tay nghề chế tác thủ công của người thợ đã tạo ra nó. Mỗi chiếc đèn được thiết kế kỳ công, tỉ mỉ và đòi hỏi sự chỉn chu trong từng khía cạnh nhỏ nhất. Những họa tiết và đường cắt trên cỗ đèn thường có đường nét sắc sảo, tinh tế, được trau chuốt bởi bàn tay của các nghệ nhân đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đèn chùm mang phong cách cổ điển được cấu tạo khá phức tạp và thường có kích thước lớn để có thể trưng bày trên mái vòm của nhà thờ, cung điện, các khách sạn lớn và các sảnh để tổ chức các đại tiệc của giới tinh hoa.
Vì thế, màu sắc của những chiếc đèn này thường là tone màu trầm, màu vàng nâu tao nhã. Kết hợp với nó là ánh sáng trắng được khúc xạ lại trên những tinh thể pha lê, toát ra một vẻ đẹp khó tả. Với màu sắc và ánh sáng của những chiếc đèn này, sự lạnh lẽo trong các không gian rộng lớn được xua tan, thay bằng cảm giác ấm cúng nhưng không kém phần tinh tế và thanh lịch.
Đèn chùm: liệu chỉ tồn tại ở các khách sạn 5 sao ?
Với nguồn gốc lịch sử gắn liền với giới quý tộc và hoàng gia, thật dễ để hình dung ra những lâu đài cổ kính, khách sạn, biệt thự và các cung điện rộng lớn khi nhắc đến đèn chùm. Bên cạnh đó, vẫn có một mối quan ngại rằng ánh sáng lung linh huyền ảo được khúc xạ từ các tinh thể pha lê có thể sẽ tạo nên cảm giác choáng ngợp và lấn át những yếu tố nội thất khác trong không gian sống thường ngày. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của kỹ nghệ chế tác và sự đa dạng trong các nguyên vật liệu sử dụng, đèn chùm đã có nhiều kích thước và kiểu dáng thích hợp hơn để có thể trưng bày trong bất cứ không gian sống nào.
Không gian phòng ăn
Nếu như phải chọn một căn phòng mà đèn chùm có thể đi cùng, đại đa số có lẽ sẽ chọn phòng ăn. Đó chính là nơi các thành viên gia đình có thể quây quần với nhau bên bữa cơm, hoặc là nơi để chiêu đãi khách quý với những bữa tiệc thân mật. Với nguồn ánh sáng vàng đặc trưng khúc xạ từ các tinh thể pha lê trên cỗ đèn, căn phòng sẽ có một cảm giác ấm cúng hơn so với việc sử dụng các nguồn ánh sáng khác. Vì thế, đèn chùm được xem là nguyên tố quan trọng để có thể khơi nguồn một câu chuyện hay hoặc giúp cho cả gia đình tận hưởng một bữa ăn ngon và nóng hổi vừa được chuẩn bị.
Không gian phòng khách
Với một cỗ đèn chùm phù hợp, bạn có thể kiểm soát hoàn toàn không gian phòng khách của mình. Đó không nhất thiết phải là một cỗ đèn chùm to lớn, cầu kỳ được đặt tại trung tâm phòng. Hiện nay, đèn chùm và đèn treo tường đã rất đa dạng về hình dáng và kích thước, với các phiên bản phù hợp hơn cho việc trưng bày trong một không gian sống đương đại.
Để chọn được một chiếc đèn phù hợp, hãy tham vấn kích thước của căn phòng. Nếu như bạn sở hữu một căn phòng có diện tích lớn và rộng rãi, một cỗ đèn chùm với kích thước lớn tất nhiên sẽ là điểm nhấn hoàn hảo. Tuy nhiên, với diện tích vừa phải, bạn có thể lựa chọn một chiếc đèn có các đường cắt thẳng hoặc có độ cong vừa phải. Điều đó sẽ khai thác tối đa kích thước trần và tạo nên một cảm giác gọn gàng.
Bên cạnh đó, nếu như phòng khách của bạn sở hữu nhiều tác phẩm như tranh, tượng, đồ gốm… một chiếc đèn treo tường với thiết kế đơn giản và thanh lịch sẽ tăng lên tính “nghệ thuật” trong không gian sống ấy, và không chiếm hết sự chú ý với các tác phẩm khác đang được trưng bày.
Hành lang và sảnh
Tất nhiên, còn vị trí nào thích hợp hơn để tạo ấn tượng đầu tiên cho khách mời bằng khu vực sảnh chính. Với trần cao và rộng, đây chính là vị trí đắc địa để tôn vinh vẻ đẹp của các tinh thể pha lê. Đối với các căn hộ hoặc không gian sống có diện tích khiêm tốn hơn, việc đặt một cỗ đèn chùm tại vị trí này sẽ thay cho lời chào mừng của gia chủ đến những vị khách đến nhà.
Không gian phòng ngủ
Một trong những yếu tố để tạo nên một “Master suite” đúng nghĩa phải kể đến chính là đèn chùm. Việc khéo léo phối hòa những tác phẩm và màu sắc trong phòng ngủ cùng với cỗ đèn chùm sẽ thể hiện được sự tinh tế, gu thẩm mỹ của gia chủ. Bên cạnh đó, ánh sáng vàng được tỏa ra từ đèn sẽ mang đến một sự ấm cúng và thân mật trong không gian riêng tư của bạn.
Không gian phòng tắm
Trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, có lẽ đại đa số chúng ta đều cảm thấy thư giãn nhất khi đứng dưới dòng nước ấm nóng hoặc được ngâm mình trong bồn tắm đã được pha trộn sẵn mùi hương yêu thích của mình. Vì thế, đừng ngần ngại chăm chút cho căn phòng này với một chút “nghệ thuật” và ánh sáng ấm áp đến từ đèn chùm và đèn treo tường.
Tuy nhiên, có những yếu tố nhất định mà bạn phải lưu ý khi trưng bày đèn trong không gian này. Đầu tiên, đó là những yêu cầu về an toàn điện. Để đảm bảo an toàn, đèn chùm phải được treo cao hơn 2,5m so với bồn tắm và cách vòi tắm ít nhất 1m. Hãy đảm bảo đèn được kết nối với nguồn điện tổng và được điều khiển bằng công tắc thay vì được kết nối bởi dây.
Bên cạnh đó, kích thước và thiết kế của đèn chùm cũng là một yếu tố quan trọng cần phải cân nhắc. Một chiếc đèn chùm lớn sẽ làm choáng ngợp nếu như được trưng bày trong một không gian nhỏ. Vì thế, hãy lựa ưu tiên lựa chọn các kiểu dáng đèn với thiết kế tối giản để đáp ứng các yêu cầu an toàn.
Cuối cùng, hãy lựa chọn đèn với cường độ sáng vừa đủ với không gian phòng. Một chiếc đèn với ánh sáng dịu nhẹ sẽ tạo ra cảm giác thư giãn cho mắt và không gian khi bạn tận hưởng những phút giây chăm chút bản thân mình.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE