Đi đâu cũng có Tết chờ
Tết là hơi ấm của tôi, là sự động viên, là lời khẳng định rằng tôi có một nơi mà mình luôn thuộc về.
Vì chồng tôi là người Mỹ, chúng tôi luôn có hai ngày “Tết”. Ngày thứ nhất là dịp Giáng sinh và ngày thứ hai là Tết Nguyên Đán. Tôi gọi cả Giáng sinh là “Tết” vì trong những ngày ấy, gia đình tôi cũng tất bật di chuyển và bận rộn không khác gì những ngày Tết Nguyên Đán. Khi sống ở Mỹ, Giáng sinh là dịp chúng tôi tụ họp cùng gia đình bên chồng, còn bây giờ, khi ở Việt Nam, Tết là dịp chúng tôi tụ họp cùng gia đình bên vợ. Trải nghiệm sống cùng hai nền văn hóa đó đã khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về những cuộc “cách mạng” Tết của mình.
Khi còn là một cô bé, tôi sợ Tết. Một phần vì gia đình tôi không có nếp sống sum vầy ngày Tết như nhà khác. Vì đặc trưng công việc, bố tôi không bao giờ có dịp dành toàn bộ thời gian với gia đình ngày Tết, thậm chí, có nhiều giao thừa ông không có mặt ở nhà. Thế nhưng, vì bố tôi là con trai duy nhất, dù ông không có mặt hoàn toàn ở đó, những trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, quà cáp nội ngoại, tiếp đãi họ hàng chẳng vì thế mà mất đi. Ký ức về Tết của tôi trong suốt nhiều năm chỉ là cảm giác kiệt sức khi phải phụ mẹ sửa sang nhà cửa vườn tược, lau dọn, mua sắm, nấu nướng, chuẩn bị quà cáp, đun nước pha trà. Những trách nhiệm ấy nhiều đến nỗi dù còn rất nhỏ tuổi, tôi cũng chẳng mấy vui vẻ khi được nhận tiền mừng tuổi.
Thế nên, khi trưởng thành, tôi quyết định phải bỏ bớt những áp lực này. Mẹ tôi đã có tuổi và chính bà cũng bắt đầu giản lược những lễ nghi rườm rà ngày Tết. Cành đào nhà tôi ngày càng nhỏ lại, bữa cơm cúng cũng giảm bớt số món, bánh chưng hay thậm chí nem chả cũng đặt cửa hàng làm. Thế nhưng, tôi không ngờ là khi bớt được những thứ này, những áp lực khác lại ùa đến với tôi. “Bao giờ thì lấy chồng?”, “Tháng làm ra bao nhiêu, cho bố mẹ được mấy đồng?”, “Sao mấy cái Tết rồi mà không dắt anh nào về?”… Chưa kể, những câu chuyện riêng tư giữa bố mẹ tôi cũng trở thành nội dung cho các câu hỏi. Tết thành dịp họ hàng thúc giục tôi phải giúp bố mẹ hòa giải mâu thuẫn gia đình. Những câu hỏi ấy khiến ngày Tết đáng lẽ là dịp tôi được nghỉ ngơi lại trở thành những ngày khó chịu nhất năm.
Vậy là có những ngày Tết, tôi đã không chọn về nhà, cho đến khi tôi đi đến nơi xa nhất có thể, ở bên kia bán cầu thế giới. Khi ở xa thật xa gia đình, xa khỏi những tất bật, ràng buộc lẫn sự khó chịu ngày Tết, tôi lại là người hăng hái đón Tết. Tôi và những người bạn Việt sống ở Mỹ bỗng nhiên trở thành người gói bánh chưng, bánh tét chuyên nghiệp. Không ai yêu cầu, trong ngày hội văn hóa quốc tế cuối năm, tôi đã đêm hôm nấu nướng, chuẩn bị một mâm cỗ cúng Tết có lẽ sẽ khiến cô bé là tôi ngày thơ ấu phải tròn mắt sợ hãi. Khi thấy tôi cặm cụi tỉa hoa củ quả làm dưa món, chồng tôi khoanh tay đứng dựa cửa mà cười: “Có lẽ giờ em đã hiểu tại sao khi ở Việt Nam, anh luôn muốn làm tiệc Giáng sinh thật lớn, nhỉ?”. Đúng, tôi đã hiểu.
Chúng ta phải đi xa khỏi văn hóa và sự quen thuộc của mình thì mới thấy được mình thực sự gắn bó với những truyền thống mà nền văn hóa đó đã nuôi dưỡng như thế nào. Tôi nghĩ mình bỏ xa được Tết – nhưng không, tôi mang Tết theo mình. Trong những ngày cuối năm lạnh giá ở một đất nước khác, dù đó là nơi tôi đã có thể gọi là quê hương thứ hai của mình, Tết là hơi ấm của tôi, là sự động viên, là lời khẳng định rằng tôi có một nơi mà mình luôn thuộc về.
Sáng mùng Một ở quê nhà là đêm giao thừa của chúng tôi ở nước ngoài, bạn bè tôi đến chơi, chúng tôi đốt một nụ trầm, ăn một bữa cơm tất niên theo phong cách “potluck” – mỗi người góp một món. Chúng tôi mừng tuổi cho bọn trẻ, bàn chuyện năm qua, nghĩ về năm mới khi cắn hạt dưa. Khi đó, gian phòng ký ức của tôi được mở rộng thêm. Tôi nhớ ra Tết của mình cũng có những lúc vui biết mấy, khi bố được nghỉ trực ở nhà và ngủ quên trên ghế sau ly rượu khai Xuân, khi hạ mâm cúng, mẹ nháy mắt đưa ngay cho tôi miếng giò lụa tỉa hình hoa rồi khịt mũi cười khi tôi nhồm nhoàm cố nhai cả miếng. Tôi nhớ cả những người họ hàng nhiều chuyện của mình, khi họ hối hả ghé qua biếu nhà tôi cặp bánh chưng, con gà hay chậu cúc rồi lại sấp ngửa lo đi chuẩn bị Tết cho nhà mình. Tôi nhận ra, đống rau củ chất như núi mà mẹ mang về bắt tôi nhặt sạch để ăn Tết thực ra là gánh rau cuối cùng của ai đó cần bán để sớm về cúng tất niên.
Phải đi xa, tôi mới hiểu Tết. Và cũng phải đi xa, tôi mới “thấy” được gia đình mình, thấy được cả những lo toan, những rườm rà, khó chịu, và cả những hy sinh, niềm vui bé nhỏ, những yêu thương chia sẻ cho cả người trong nhà và người xa lạ.
Giờ đây, khi quay lại sống ở Việt Nam, tôi sẵn lòng chuẩn bị cả hai ngày “Tết” cho con gái mình. Giáng sinh, chúng tôi dựng cây thông, trang trí nhà cửa, gói quà, đốt nến, ăn một bữa tiệc cùng bạn bè. Cây thông vừa hạ xuống, chậu mai đã được mua về, nhà lại được trang trí cho Tết. Chúng tôi sẽ lại chen nhau ra sân bay, đối mặt với rất nhiều rắc rối, ồn ào và trễ chuyến để về ăn Tết với ông bà ngoại. Tôi nghĩ, sẽ có lúc con gái tôi thấy sao bố mẹ mình nhiều chuyện, sẽ có lúc con ước gì được đi thật xa để tránh những ồn ào nhặng xị này. Nhưng, tôi tin rằng rồi cũng như tôi, sẽ có lúc con đi đủ xa để nhận ra tất cả những mâu thuẫn, trái ngược giữa bận rộn cáu kỉnh và hân hoan, ấm áp ấy chính là “nhà” – là nơi con thấy sự an ủi, là niềm tin rằng con có một nơi để thuộc về, có những ký ức đáng nhớ đến. Và để con tin, dù đi đâu, con cũng có Tết chờ.
Bài: Phương Huyên