Đứa trẻ ấy không đi đâu cả
Cứ đến Trung thu, bánh và đồ chơi lại được bán đầy đường, niềm vui lại lấp lánh trong ánh mắt trẻ thơ, gợi nhắc cho người lớn về những điều họ đã trải nghiệm và có khi đã lãng quên. Vì thế, ELLE lần này sẽ dành chỗ cho những dòng hoài niệm của người lớn về những ngày xưa ấy.
Tôi không nhớ nổi lần cuối cùng nhà tôi ăn Trung thu cùng nhau là khi nào? Có thể đó là khi mẹ tôi trải một tấm chiếu ra hiên trước nhà, cắt chiếc bánh dẻo thành bốn, bên cạnh một ấm trà xanh… vào một đêm trung Trung thu mưa rào rào. Hoặc đó là lần tôi mất cả tuần hì hục làm ra bốn chiếc đèn ông sao xiên xẹo, và ông ngoại thấy quá tội nghiệp, đã tự tay làm cho tôi chiếc đèn ông sao thứ năm, thật lớn. Chiếc đèn đó, cuối cùng đã bị anh họ tôi nghịch ngợm đốt cháy, kéo theo một cơn lũ nước mắt bắt đền.
Từ khi 17 tuổi, tôi không tham gia một bữa tiệc Trung thu nào có trẻ con nữa. Ngày Trung thu, ai cũng kéo ra đường, thế nên tôi thường trốn ở nhà. Trẻ con khu chung cư tập hợp lại tại sân chơi, được phát bánh kẹo, mang theo những chiếc lồng đèn Trung Quốc được lắp pin, phát nhạc tò tí te. Tôi nhìn chúng mà thấy chán, thấy tiếc cái thời đã qua, khi tất cả đèn của chúng tôi do tự làm, từ những thanh nan tre đơn giản và những mảnh giấy màu. Món đồ chơi duy nhất bố tôi mua là chiếc đèn cù khi đẩy trên đường sẽ xoay tít.
Mãi đến Trung thu ba năm trước tôi mới có mặt tại một bữa tiệc gia đình. Nhiều gia đình họ hàng cùng tụ tập lại, làm một mâm cỗ Trung thu. Mẹ tôi, người đã đi qua nhiều trắc trở trong cuộc sống, mất đi nhiều người thân, đã trở nên thờ ơ với những hoạt động như vậy. Bà từ trên lầu đi xuống, lặng lẽ vào bếp kiểm tra nồi cháo để ăn khuya, không bận tâm đến đám trẻ ồn ào đang chờ đợi những điều lạ lùng mà bố mẹ chúng lại cho là quen thuộc.
Thế nhưng, khi chúng tôi quyết định làm một chú chó bưởi, món trưng bày quen thuộc cho mâm cỗ Trung thu thời xưa, thì mẹ tôi bắt đầu chú ý. Bà khéo tay nhất trong cả đại gia đình nhưng suốt thời chúng tôi còn nhỏ, bà chưa bao giờ làm chú chó bưởi nào cho đám con, đám cháu trong dòng họ. Giờ đây, bà ngồi xuống cạnh bầy trẻ con, bà dạy chúng cách tách múi bưởi, bà dạy chúng hình dung ra hình dáng của chú chó xù. Cả bà cả cháu loay hoay quanh đám bưởi thơm ngát, quả ruột xanh quả ruột hồng, cười hân hoan như chưa bao giờ được vui như thế. Và đó là một trong những lần hiếm hoi sau nhiều mất mát của gia đình, tôi thấy mẹ mình thật sự hạnh phúc.
Từ tiếng cười ấy, tôi nhận ra được phép màu của việc giữ được mãi niềm vui thơ ấu. Mẹ tôi có thể chưa bao giờ làm cho các con chú chó bưởi nào trong những ngày Trung thu, nhưng hẳn bà đã có rất nhiều chú chó bưởi trong thời thơ ấu của chính mình. Vì một lý do nào đó, mẹ đã bỏ quên mất niềm vui tuổi nhỏ khi trở thành một người phụ nữ trưởng thành, với rất nhiều lo toan. Và chính tôi cũng vậy, tôi bỏ qua những gì đã làm cho tôi hạnh phúc trong thời thơ ấu, tôi cho rằng điều ấy đã mãi mãi đi xa.
Thế nhưng, đứa trẻ trong mỗi chúng ta không mất đi đâu cả. Đứa bé đó sẽ luôn ở đấy, luôn tràn đầy sự hiếu kỳ, dễ dàng đón nhận niềm vui từ tất cả mọi điều, đầy nhạy cảm và vô cùng can đảm. Chỉ có đứa trẻ ấy mới đánh thức được niềm hạnh phúc trong ta sau những thất bại, mất mát và giữ cho ta sự ngây thơ vô hạn trước những thay đổi của cuộc đời. Chúng ta không phải lúc nào cũng nhớ về đứa trẻ một thời nào đó, đúng như lời của tác giả cuốn Hoàng tử bé từng viết: “Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé (nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy)”. Tuy nhiên, nếu chúng ta cần, đứa bé đó sẽ có mặt.
Xem thêm các bài viết khác về Trung thu
Bài: Phương Huyên
Biên tập: Phương Thủy
Chỉ đạo Mỹ thuật: Dzũng Yoko
Hình ảnh minh họa: Bobby Nguyễn
Người mẫu: Helly Tống
Trang điểm: DY – Làm tóc: Daniel Wong