Em ơi hãy nói thật nhiều – blog Lê Tiến Đạt
Khi một ông nào đó dám bảo phụ nữ nói nhiều, các ông khác sẽ gật gù đồng ý một cách trầm tư và từng trải. Trong khi đó, cánh phụ nữ sẽ ngay lập tức sẽ phản đối bằng những tràng diễn thuyết kéo dài liên tu bất tận. Cho đến khi đám mày râu ù tai và phải hối hận cũng chưa thôi.
Có quyển sách gì đấy đưa ra con số hơn 20.000 từ là số lượng hội thoại trung bình một chị em nói mỗi ngày, trong khi đó đàn ông chỉ có vỏn vẹn 7.000.
Gần như ngay tắp lự cuốn sách này bị đưa vào mục tiêu tấn công của nhiều người, trong đó có cả những học giả đáng kính. Họ cho rằng con số đó là một sự bịa đặt. Tất nhiên phần đông trong số đó chắc chắn là phụ nữ và một vài gã đàn ông từng trải. Và bằng đủ mọi cách, bao gồm cả các nghiên cứu bằng cách thu âm, vài chục cuộc thăm dò dư luận hẳn hoi, người ta đưa ra con số khác: chị em chỉ nói nhiều hơn anh em có 0,11%.
Nghĩa là cả hai phe đều nói “ít” như nhau. Thông tin này được các nhà báo nữ tóm lấy và đăng đi đăng lại đến tận bây giờ. Tin mừng là hầu hết đàn ông đều không dám phản đối lại vấn đề này. Họ chỉ ậm ừ một cách chán nản. Nếu không, thống kê về số các vụ li hôn còn cao hơn rất nhiều.
Cá nhân tôi cũng cho rằng con số hơn hai vạn từ một ngày kia là sự bịa đặt trắng trợn. Nó mang tính vu khống nhiều hơn là khoa học. Nhưng nếu nói cả hai phe (xin lỗi, tôi không có ý định chia rẽ về giới tính) nói ít gần bằng nhau thì thực sự đó là một lời nói dối mang đậm tính mơ ước, cổ tích, huyễn hoặc, viễn tưởng…
Cho dù bị chỉ trích thì tôi, bằng thực tế cuộc sống của mình, vẫn có thể khẳng định con số ấy lớn hơn rất nhiều. Điều đó sẽ được chứng minh khi bài báo này lên trang và những người trong gia đình tôi phát hiện ra tác giả là ai, hoặc bạn đọc nam giới nào đó dám cả gan vừa đọc nó vừa cười khúc khích trước mặt vợ hay bạn gái.
Khi tôi đang viết những dòng này, biên tập viên của tạp chí đang kêu la qua điện thoại vì tôi gửi bài muộn. Cô ấy mới càu nhàu được có mười phút thôi, không những tôi hiểu lỗi của mình nghiêm trọng đến mức nào mà còn có thể nắm được tình hình cuộc sống của vài người bạn trong Sài Gòn và tối nay họ sẽ rủ nhau đi ăn món gì.
Ngồi bên cạnh, vợ tôi đang than vãn trong khoảng nửa tiếng vì suốt ngày ôm máy tính mà không chịu ngồi vào mâm ăn cơm. Trong lúc ấy, tôi tiếp tục cắm cúi viết và im lặng gật gù một cách hối lỗi.
Thực lòng thì đôi khi tôi đánh đồng khả năng kể chuyện của chị em với nữ tính. Nếu phải lấy một cô vợ suốt ngày không nói câu gì thì tình yêu ấy thật cục mịch, thô lỗ, căng thẳng. Đúng là trong lúc lái xe đôi khi tôi mong cô nàng đằng sau bớt đi vài (trong số hàng trăm) câu chuyện kể để mình tập trung luồn lách trên đường hơn. Nhưng hễ hôm nào nàng không nói câu gì, y như rằng hôm ấy sắp có chiến tranh. Đó là sự im lặng mang đầy tính cảnh báo.
Tóm lại, không đối thoại sẽ dễ dẫn đến đối đầu, nguy hiểm lắm. Thế nên thỉnh thoảng tôi lại chủ động hỏi vài câu cho vui. Tất nhiên là với thỏa thuận nhỏ với vợ mà tôi học lỏm trong phim Four Christmases: Hãy nói chuyện nhiều vào vì anh thích được nghe em nói, tất nhiên là trừ những lúc đang diễn ra các trận đấu bóng trên tivi.
Bài Lê Tiến Đạt – Ảnh CORBIS