Gen Z và chuyện hẹn hò
Chúng ta đã nói nhiều về sự nghiệp, phong cách và sở thích của Gen Z – một thế hệ có cá tính độc đáo và tư duy khác biệt hẳn so với các thế hệ trước. Vậy, trong tình yêu, những người trẻ vừa thực dụng nhưng lại rất mộng mơ này sẽ hẹn hò ra sao?
Thế giới hẹn hò đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ khi thế hệ Millennials biết đến thuật ngữ “friends with benefits” qua bộ phim cùng tên năm 2011 với sự tham gia của Mila Kunis và Justin Timberlake. Một mối quan hệ không ràng buộc mang đến cho giới trẻ cảm giác mới mẻ và thú vị. Tuy nhiên, gần đây, mạng xã hội TikTok xuất hiện các video gắn hashtag #situationship có hơn 900 triệu lượt xem đã mở ra một xu hướng mới trong chuyện yêu đương của Gen Z.
SITUATIONSHIP – NỖI ÁM ẢNH VỀ SỰ CAM KẾT?
Sự phân chia khá rõ ràng giữa tình dục và tình yêu trong mối quan hệ “friends with benefits” của Millennials đã hoàn toàn phá vỡ mọi quy tắc hẹn hò truyền thống của các thế hệ trước. Tuy nhiên, vẫn có một điểm chung giữa các thế hệ này, đó là né tránh hoặc không để mình rơi vào một mối quan hệ mập mờ, không xác định tương lai. Ngược lại, các Gen-Zer lại sẵn sàng chấp nhận bước vào vùng xám được gọi là “situationship” – mội nơi ở đâu đó giữa tình bạn (friendship) và mối quan hệ chính thức (relationship).
Khi “situationship” ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ, chúng ta đặt ra câu hỏi rằng, có phải đây là một thế hệ sợ hãi cam kết và né tránh việc tiến tới hôn nhân?
Không hẳn như vậy. Công bằng mà nói, các Gen-Zer bước vào thế giới hẹn hò với nhiều thách thức của thời đại hơn. Chẳng hạn như, đại dịch xảy ra đã khiến cho việc gặp gỡ, giao tiếp trở nên khó khăn, trong khi đó, hẹn hò online lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến tinh thần và vật chất. Vì vậy, họ bằng lòng ở trong một “situationship” mà theo họ, đó chỉ là một giai đoạn khó xác định trong mối quan hệ trước khi họ quyết định có nên tiếp tục tiến tới một nấc cao hơn hay không. Họ vẫn thích sự lãng mạn, vẫn yêu, thậm chí sống hết mình với tình yêu đó nhưng đồng thời, họ cũng đủ tỉnh táo để cân nhắc xem đối phương liệu có phải là người phù hợp để đi cùng nhau suốt quãng đời còn lại. Những người trẻ thuộc thế hệ này có chính kiến riêng và luôn biết mình muốn gì, họ tự do và tự chủ, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn của bản thân hơn là nghe theo mong muốn của cha mẹ hoặc bị ảnh hưởng bởi thước đo của người khác như các thế hệ trước.
Hân là một nhà sáng tạo nội dung, công việc cho phép cô được làm việc từ xa, ở bất cứ đâu. Vì vậy, Hân thường không định cư ở một nơi mà du lịch qua nhiều vùng đất khác nhau. Cô cho rằng, cam kết với một ai đó sẽ khiến cô gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định lên đường để thỏa mãn sở thích khám phá những chân trời mới của mình. “Tôi thích ý tưởng về thuật ngữ “situationship”, nó khiến tôi thoải mái gặp gỡ những người khác nhau và cuối cùng, vào một thời điểm nào đó tôi thấy phù hợp, gặp một đối tượng phù hợp, chúng tôi có thể sẽ tiến xa hơn và có một mối quan hệ bền vững hơn”.
Tất nhiên, những mối quan hệ hẹn hò mập mờ luôn chứa nhiều rủi ro. Bởi dù ở thế hệ nào, cam kết vẫn là nền tảng của một mối quan hệ chất lượng. Hai người vui vẻ với nhau trong một “situationship” chỉ khi họ cởi mở, thẳng thắn và thống nhất với nhau về tất cả những điều họ muốn. Tổn thương là điều khó tránh khỏi nếu một trong hai người muốn tiến đến một sự cam kết lâu dài.
TÌM KIẾM SỰ ỔN ĐỊNH
Một trong những lý do khiến Gen Z lựa chọn “situationship” chính là vì tình cảm không phải mối ưu tiên duy nhất. Theo các nhà nghiên cứu, đầu tiên, thế hệ này đang bước vào tuổi trưởng thành trong một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn, được đánh dấu bằng đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và bất ổn tài chính. Nhiều người cảm thấy họ cần đạt được sự ổn định cho bản thân trước khi đón người khác vào thế giới của mình. Ngoài ra, là những người có quan điểm rõ ràng, với công cụ quen thuộc là công nghệ và Internet, bằng ngôn ngữ của riêng mình, Gen Z luôn tỏ rõ họ là ai cũng như những gì họ muốn từ một mối quan hệ. Julie Arbit, phó chủ tịch cấp cao toàn cầu về Insights tại Vice Media Group cho biết: “Họ quá tập trung vào bản thân không phải vì họ ích kỷ. Họ biết rằng họ chịu trách nhiệm cho sự thành công và hạnh phúc của chính mình, và họ biết rằng họ cần có khả năng tự chăm sóc bản thân trước khi có thể chăm sóc người khác”.
Bên cạnh đó, Gen Z đang ưu tiên xây dựng một nền tảng tài chính độc lập vững chắc, điều này sẽ khiến con đường tiến tới hôn nhân dài thêm. Arielle Kuperberg, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Carolina ở Greensboro, Hoa Kỳ, cho biết: “Mọi người ngày càng mất nhiều thời gian hơn để ổn định cuộc sống vì họ cần nhiều thời gian hơn để đạt được sự ổn định tài chính”. Chứng kiến hậu quả của những mối quan hệ không an toàn về tài chính của thế hệ trước khiến Gen Z trở nên thực tế hơn về khía cạnh này. Thay vì “tôi sẽ bỏ tất cả để có thể đến ở bên cạnh người bạn đời của mình”, thay vào đó, họ tâp trung vào cách tốt nhất cho sự nghiệp và cách để mối quan hệ phù hợp với điều đó.
ĐỊNH NGHĨA LẠI VỀ ĐỘC THÂN
Trong khi các thế hệ khác ngại nói về việc độc thân thì Gen Z lại thoải mái chế nhạo sự… “ế” của mình. Trên các nền tảng mạng xã hội, có hàng loạt hình ảnh chế, video gây cười nhắm vào tình trạng độc thân, bên cạnh là sự thể hiện việc tận hưởng cuộc sống độc thân, cho thấy đây là lựa chọn có chủ ý hơn nhiều so với trước đây.
Thanh là nhân viên của một công ty nước ngoài, cô có thể tự thuê một căn hộ ở quận 2 và tậu cho mình những món đồ yêu thích. Trong khi bố mẹ cô ngoài Bắc sốt ruột vì con gái 25 tuổi vẫn chưa có người yêu mà còn ở một mình, Thanh tự mày mò và lập hẳn một kênh podcast để nói về chuyện độc thân và cuộc sống một mình của cô ở Sài Gòn. Cô cũng gửi cho bố mẹ cùng nghe. Dần dần, bố mẹ đã hiểu Thanh hơn và tôn trọng sự lựa chọn của cô.
Thanh là điển hình của một Gen- Zer. Trong khi một số thế hệ cũ có thể nhảy từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác để thỏa mãn nhu cầu được bầu bạn, thì thế hệ mới như Thanh hiểu rằng điều này có nghĩa là họ có nhiều nguy cơ “va” vào một mối quan hệ độc hại hơn. Hành trình yêu bản thân và thiết lập ranh giới cá nhân của Gen Z đã xác định lại hoàn toàn những gì họ tìm kiếm khi hẹn hò. Đạt được sự tự tin và giá trị bản thân một cách độc lập được ưu tiên hơn là phụ thuộc vào đối phương. Trong quá trình khám phá bản thân, nếu có điều gì không phù hợp, họ thoải mái nói “không”.
Ngoài ra, Gen Z còn được gọi là thế hệ lo âu khi giai đoạn trưởng thành của họ phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng liên tiếp về đại dịch, khí hậu, chiến tranh, khiến tỷ lệ rối loạn tâm lý, trầm cảm ngày càng tăng. Từ đó, “chữa lành” là một từ trở nên thông dụng trong giới trẻ. Hơn ai hết, họ ý thức về sức khỏe tâm thần của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Cũng bởi nguyên nhân đó, Gen Z muốn dành thời gian một mình để hiểu rõ bản thân hơn trước khi kiếm tìm một mối quan hệ với ai khác. Họ tìm về bên trong, suy nghĩ về những gì họ muốn làm, những gì không muốn làm. Họ dừng lại một bước, chiêm nghiệm để trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?”.
“Situationship” – một mối quan hệ mập mờ – có thể có những mặt tốt và những mặt chưa tốt, nhưng nó thuộc về phạm trù quan niệm và tùy vào góc nhìn khác nhau của các thế hệ. Dẫu vậy, không thể nói rằng Gen Z không có hứng thú với hôn nhân, họ chỉ đang trì hoãn để có một sự lựa chọn phù hợp nhất với mình mà thôi.
Bài: Hương Tôn
Ảnh: Sapochee
Người mẫu: Linh Chi, Fuji