Hành lang và cánh cửa

Đăng ngày:

Tôi vẫn nhớ ngày xưa, buổi chiều mỗi khi về nhà, tôi lại rón rén đi trên hành lang dẫn về nhà mình trong khu tập thể rất cũ ở Hà Nội.

ellevn-talk-45-10

Sở dĩ phải rón rén như vậy là vì trên hành lang ấy luôn có ít nhất hai cái bếp than đang cháy đỏ, trên bếp là nào nồi xương hầm sôi sùng sục, nào cháo sắp trào, nào trà xanh đun bốc hơi ngát đượm… Chưa kể, bất kỳ một lúc nào đó, các em bé hàng xóm cũng có thể lao ra, ôm chầm lấy chân mình, cười tít mắt: “Chào chô, con chào chô”. Nếu không cẩn thận, cả mình và em bé sẽ ngã vào bếp than.

Người ta nói thời xưa thì có giếng nước đầu đình, thời hiện đại thì có máy bán cà phê tự động… góc công cộng nho nhỏ ấy là nơi tụ họp hàng ngày, buôn bán các tin đồn và chia sẻ kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, có một thời khi máy bán tự động chưa có mà giếng nước đã không còn, thì chính hành lang ấy là nơi tụ họp của mọi người trong một dãy nhà tập thể.

Buổi sáng, những người mẹ ra phơi quần áo trên những sợi dây thép – sở thích ăn mặc của từng cá nhân trong nhà được trưng bày cho tất cả mọi người. Buổi chiều, hành lang thành bếp nấu, trẻ con chạy qua chạy lại, người lớn đi làm về, đụng mặt nhau chào hỏi, có khi đứng nán lại bàn tán vài chuyện trong ngày.

ellevn-talk-45-11

Hành lang có lẽ là nơi thể hiện rõ nhất cho thói quen sống cộng đồng. Ở đó, không ai phải giấu đi cái riêng tư, mà có giấu thì cũng chẳng giấu được. Các cánh cửa chẳng bao giờ đóng nếu có người ở nhà. Hôm nay nhà này nấu gì, đời sống gia đình vui hay buồn, kinh tế dạo này ra sao, đều thể hiện ở hành lang. Tôi nhớ người hàng xóm bên cạnh đang uống thuốc Bắc. Mẹ tôi, vốn là một người học Đông y, vẫn thường căn cứ vào mùi hương của ấm thuốc Bắc ấy mà đoán được sức khỏe của chị. Lâu lâu tôi vẫn phải nhắc bà đừng tỏ ra am tường quá kẻo bị coi là tọc mạch để rồi lại nghe bà đáp: “Đấy là tự nhiên biết chứ có phải hiếu kỳ, tọc mạch đâu”.

Biết bao niềm vui cũng ở cái hành lang ấy, nhất là những buổi chiều cuối tuần mang một vài cái ghế ra, cùng với các cô gái trẻ tập tành đan lát, ngồi kể nhau nghe về “anh này chàng nọ”. Người lớn tụ tập đọc báo, bình luận về “thằng Nga”, “thằng Mỹ” hoặc đánh cờ. Người hàng xóm bỗng nhiên cũng thành một phần gia đình của mình. Khi nhà ai có đám ma đám cưới, hành lang cần được thu dọn, thì các nhà đều đồng loạt cất hết bếp núc, áo quần vào trong. Những đêm Hè, trẻ con kéo nhau ra hành lang nói cười khanh khách, trong từ điển của chúng không có chữ cô đơn.

ellevn-talk-45-12

Và tất nhiên, cũng có bao nhiêu xung đột cũng xảy ra ở đấy. Nhà này nấu ăn làm ám khói vào áo quần nhà kia, vậy là cãi nhau. Đứa trẻ mải chơi không chào người lớn cũng thành nguyên nhân gây ra hục hặc. Nhà này đến lượt dọn vệ sinh hành lang mà không làm, sẽ trở thành đề tài bàn tán, phê bình hết cả tuần.

Những chuyện riêng tư của các gia đình bỗng nhiên thành chủ đề chung không khác gì chuyện xảy ra trên tivi, khách lạ đến chơi cũng phải nghe. Các cô gái trẻ quen anh nào, đã chia tay mấy lần người yêu đều được ghi trong sổ buôn chuyện. Tôi chính là một trong các “nạn nhân” như thế đấy.

 

Những khu tập thể là hình ảnh còn sót lại của một thời Hà Nội đầy khó khăn nhưng tính cộng đồng vẫn còn mạnh mẽ

Những khu tập thể là hình ảnh còn sót lại của một thời Hà Nội đầy khó khăn nhưng tính cộng đồng vẫn còn mạnh mẽ

Khi còn sống tại đó, tôi thường trốn tránh hành lang ấy. Tôi thích ngồi trong nhà, đọc sách, xem tivi. Trên đường đi làm về, tôi cũng chỉ chào những người hàng xóm theo đúng phép xã giao, rồi vào nhà đóng cửa lại. Tôi thích sự riêng tư, cá nhân và tôi không thích ngồi buôn bán những chuyện mà tôi cho là không liên quan đến mình.

Thế rồi tôi rời khỏi Hà Nội, chuyển đến một khu chung cư mới tại Sài Gòn. Cánh cửa căn hộ của tôi dày hơn, nặng hơn, hành lang của chúng tôi rộng hơn. Tôi hiếm khi nào thấy có ai ra hành lang đó đứng trò chuyện, cũng chẳng có trẻ con vui đùa. Đứng từ đầu này của lối đi, chỉ thấy một dãy các cánh cửa đóng chặt trông ra hành lang trống vắng. Sau khi chuyển đến chừng 3 tháng, tôi mới nói câu đầu tiên với người hàng xóm. Sự riêng tư, độc lập, yên tĩnh ấy đúng là thứ tôi luôn mong muốn từ khi còn trẻ.

Tuy nhiên, một lần kia ghé về khu tập thể cũ, tôi chợt nhận ra là kể cả vẫn còn ở lại Hà Nội, tôi cũng vẫn sẽ có những gì mình từng muốn. Chỉ trong vài năm, các cụ ông, cụ bà đã qua đời, những đứa bé ngày xưa đã lớn lên, lịch học túi bụi khiến chúng nó không còn thời gian vui chơi. Những cô gái trẻ đã đi lấy chồng, nhà ai cũng đã trổ thêm một cái lồng sắt để phơi quần áo trong nhà, bếp than không còn được sử dụng.

Những cánh cửa vẫn như xưa, nhưng giờ ít khi nào được mở. Các gia đình trẻ giờ là cư dân tại đây, cũng như tôi, không thích sự phơi bày và tọc mạch. Họ đóng kín thế giới nhỏ của mình và cũng chẳng bận tâm tới nhà hàng xóm nữa.

Và khi đó, tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ một điều quan trọng như thế nào thời tuổi trẻ. Trở lại chung cư mới của mình, tôi lâu lâu lại nhìn ra hành lang và tự hỏi: Nếu các em bé cùng nô đùa trên hành lang này thì sao nhỉ? Chắc chắn không gian ở đây sẽ sống động hơn nhiều chứ. Các ông bố bà mẹ không cần phải đi đến các câu lạc bộ để chia sẻ thú vui chung, họ có thể cùng tụ tập đan lát, chơi cờ ngay tại góc kia, và chúng ta có thể hiểu về nhau hơn, gần gũi hơn, thay vì chỉ sống cạnh nhau như những tiểu vũ trụ.

Tôi nói điều đó với vợ chồng người hàng xóm khi chúng tôi tình cờ gặp nhau tại hầm gửi xe khi đi làm về. Cả hai đều thốt lên rằng thế thật là hay, họ cũng nhớ những ngày sống trong khu tập thể cũ của mình, họ cũng nhớ thời ấy chúng ta thật dễ dàng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta ít cô đơn hơn ra sao. Phải, thời đó thật là tuyệt, giá mà chúng ta có thể quay trở lại, để bọn trẻ con có nhiều bạn bè hơn!

Thế rồi, thang máy đến nơi, và chúng tôi cùng nhau đi dọc hành lang, chúc nhau có buổi tối tốt lành, trở về căn hộ của mình và đóng cửa lại.

Xem thêm Hình ảnh Hà Nội qua lăng kính nhiếp ảnh gia James Dương

Xem thêm Hà Nội còn đâu phố vắng?

Xem thêm Nhà tập thể ở Hà Nội và thế giới trẻ con

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Anh – Ảnh: James Dương

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more