Lifestyle / Trải nghiệm

Sống lại những ký ức xưa cũ qua các sự kiện và triển lãm ở Hong Kong

Hong Kong gợi lên trong bạn hình ảnh gì? Những tòa nhà san sát nhau không kẽ hở, một đô thị sầm uất với nhịp sống vội vàng, hay những thước phim huyền thoại đã nhuốm màu thời gian?

Thế giới lần đầu biết đến nền điện ảnh Hong Kong qua những biểu tượng như Quan Nam Thi và Lý Tiểu Long, lần đầu chứng kiến một thành phố cảng nhộn nhịp với những dãy nhà tong lau mang dáng dấp Art Deco, lần đầu biết đến kung fu và văn hóa Á Đông. Trong những thập kỷ sau đó, Hong Kong tiếp tục ghi dấu ấn trên thế giới đặc biệt nhờ ngành điện ảnh và những cảnh quay hành động của Ngô Vũ Sâm, không khí quyến rũ trong phim Vương Gia Vệ, sự hài hước của Châu Tinh Trì… Tất cả đã tạo nên một Hong Kong đa sắc, đa cảm, đa diện.

khám phá hong kong
Đại lộ Ngôi sao.

“Hong Kong không chỉ là bối cảnh, mà là một phần của câu chuyện”

Sức ảnh hưởng của những bộ phim này khiến người du khách dẫu có đến Hong Kong lần đầu, hay đã trở thành người con của Xứ Cảng thơm, mỗi lần đặt chân đến đây dường như mọi ký ức vừa lạ vừa quen lại ùa về. Tại Hong Kong, mỗi địa danh là một kho lưu trữ lặng lẽ cho những năm tháng rực rỡ nhất của vùng đất này.

Cầu thang phố Duddell, không chỉ là một bậc thang thông thường, mà là một nơi đã chứng kiến những cảm xúc, những cuộc gặp gỡ và chia ly trong những bộ phim đình đám của đài TVB. Bước trên những bậc cấp đã từng chứa đầy cảm xúc trong nhiều tác phẩm nổi tiếng, du khách mang cảm giác như một phần của những câu chuyện đẹp nhất thành phố.

cầu thng duddell hong kong
Khung cảnh cầu thang phố Duddell quen thuộc trong các bộ phim đài TVB.

Một trong những thế mạnh của đài TVB là phim hình sự, vậy nên Sở cảnh sát Hong Kong trở thành một “nhân vật” được biết đến nhiều nhất như một lẽ tự nhiên. Công trình này được xây dựng từ năm 1864, đến nay vẫn giữ được kiểu cách sang trọng, cổ kính đậm nét châu Âu thế kỷ 19.

Trong khi đó, công viên Cửu Long Thành Trại không chỉ là nơi ghi hình các bộ phim cổ trang nhờ không gian rộng rãi, thoáng mát mà còn chứa đầy lịch sử, khiêu khích sự tò mò và trí tưởng tượng của khách tham quan về một đồn trú Trung Quốc khi xưa, nơi những băng nhóm tội phạm tung hoành suốt thế kỷ XX mà nay chỉ còn tồn tại trong những hiện vật được bảo tồn.

hong kong công viên giải trí
Công viên Cửu Long Thành Trại – địa điểm ghi hình của nhiều bộ phim cổ trang.

Không dừng lại ở đó, Hong Kong còn được mệnh danh là “Hollywood phương Đông”, một phim trường khổng lồ cho các bộ phim điện ảnh. Có thể nhắc đến cung đường Hill Road ở phường Thạch Đường Chủy, nơi hồn ma cô kỹ nữ Như Hoa vất vưởng tìm người yêu (Yên chi khâu, 1988); “chợ ướt” Loan Tể nơi Chris Evans và Dakota Fanning chạm trán băng đảng tội phạm địa phương (Push, 2009); hay cây cầu vượt trên đường Tsing Fung từng xuất hiện trong bộ phim indie Ah Ying (1983) của đạo diễn Allen Fong. Mỗi địa điểm đều chất chứa lịch sử và văn hóa Hong Kong.

phố chùa temple street
Khung cảnh nhộn nhịp của Temple Street về đêm.

Temple Street (Phố Chùa) từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến về đêm tuyệt vời dành cho các tín đồ đam mê mua sắm, ẩm thực và khám phá văn hóa địa phương độc đáo. Ngay khu vực cổng vòm chào mừng du khách là 22 quầy ẩm thực và khoảng 10 quầy ăn vặt phục vụ nhiều món ăn địa phương gắn liền với tuổi thơ của dân bản xứ. Hai bên đường còn được thắp sáng bởi hàng loạt các tác phẩm 3D, các biển báo nghệ thuật và tác phẩm trình chiếu lấy chủ đề Hong Kong, tạo nên vẻ rực rỡ đầy mê hoặc cho Temple Street về đêm. Nằm trên “Phố Chùa” còn có Canton Singing House, một địa điểm mang tính di sản của khu vực, nơi du khách có thể thưởng thức các vở opera Trung Hoa cổ điển, cũng như các bài hát Quảng Đông và Quan Thoại từ những năm 1980.

Trực tiếp cảm nhận cuộc sống trong những thước phim Hong Kong kinh điển

Tiếp nối cảm xúc đậm tính điện ảnh ở Hong Kong, nếu bạn đang có dự định ghé thăm Xứ Cảng thơm trong khoảng thời gian từ đây đến giữa năm 2024, đừng quên tham gia triển lãm “Cô bé Lọ Lem và Qipao của cô ấy”. Đây là một chương trình thuộc Lễ hội văn hóa đại chúng Hong Kong 2023, tuyển lựa các mẫu Qipao (hay còn gọi là sườn xám) từ hàng loạt các bộ phim thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau. Từ đây, cảnh quan văn hóa từ quá khứ trỗi dậy một cách sống động, cụ thể trên vóc dáng của những đại minh tinh một thời như Lý Lệ Hoa, Hạ Mộng, Trương Mạn Ngọc và Lâm Thanh Hà.

Qipao là biểu tượng thời trang của văn hóa Trung Hoa, cực kỳ được yêu thích tại Hong Kong vào giữa thế kỷ 20 nhờ vẻ thời thượng và duyên dáng. Là một phần quan trọng trong di sản văn hóa Trung Quốc, kỹ thuật làm sườn xám đã được công nhận là Văn hóa phi vật thể Quốc gia, và qipao vẫn được tận dụng trong các bộ phim điện ảnh cho đến tận ngày nay.

hong kong triển lãm
Triển lãm “Cô bé Lọ Lem và Qipao của cô ấy” diễn ra tại Kho lưu trữ phim Hong Kong.

Một triển lãm không thể bỏ qua cũng diễn ra trong thời gian này chính là “Timeless Diva: Anita Mui”, trưng bày những bản nhạc, bộ phim, bản nhạc sân khấu và các sản phẩm văn hóa đại chúng của nữ siêu sao này. Anita Mui, hay Mai Diễm Phương, đã luôn là biểu tượng sáng ngời, một niềm tự hào của Hong Kong trước thị trường phim quốc tế. Cô để lại ấn tượng sâu sắc với giọng hát độc đáo cùng kỹ thuật vững chắc. Chưa kể đến phong cách âm nhạc độc đáo và hình ảnh linh hoạt, Anita Mui đã dẫn dắt nền âm nhạc Hong Kong, đưa Cantopop lên một tầm cao mới và thiết lập một chuẩn mực mới cho văn hóa concert.

hong kong anita mui
Triển lãm “Timeless Diva: Anita Mui”

Trải nghiệm Hong Kong không chỉ là đắm chìm trong những địa danh đã trở thành “ngôi sao” trên màn ảnh, mà còn là cơ hội để khám phá sâu hơn về lịch sử và quá trình sản xuất phim tại thành phố. Chẳng hạn, kiến trúc “tứ hợp viện” truyền thống của Bảo tàng di sản Hong Kong không phải là điều thú vị duy nhất thu hút khách tham quan. 12 phòng trưng bày trải rộng khắp 7500m² khuôn viên, tái hiện lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Hong Kong, đặc biệt tập trung vào cuộc sống và ngành sáng tạo địa phương như thiết kế, nhiếp ảnh, kinh kịch Quảng Đông, di sản văn hóa phi vật thể… Không nơi nào có thể tóm tắt được những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao của thành phố, cùng cảm xúc và tình yêu của nhân vật cũng như của nhà làm phim như Bảo tàng này.

lý tiểu long hong kong
Một cảnh trong phim The More The Merrier có sự tham gia của Lý Tiểu Long

Tín đồ phim ảnh có thể tìm hiểu sâu hơn khi ghé thăm Kho lưu trữ phim Hong Kong – một không gian chuyên bảo tồn di sản điện ảnh Hong Kong, tạo điều kiện cho nghiên cứu và đưa loại hình nghệ thuật thứ 7 đến gần hơn với công chúng. Những bộ phim hiếm, những triển lãm phim kinh điển, những tài nguyên ghi lại chi tiết lịch sử điện ảnh Hong Kong vẫn đang chờ được khám phá tại đây.

Nếu có thể mô tả Hong Kong như một bộ phim, có lẽ đó là một bộ câu chuyện tình. Hiện đại kết duyên với cổ kính. Quá khứ sánh đôi với hiện tại. Biết bao cuộc chia ly được nối dài bởi vô số cuộc gặp gỡ. Mỗi bước đi tại Hong Kong là một thước phim lưu trữ ký ức, là một chương mới trong chuyến phiêu lưu của người lữ khách. Hãy ít nhất một lần đặt chân đến Hong Kong để cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của xứ sở này.

Du khách có thể truy cập website để biết thêm thông tin chi tiết tại đây.

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)