Khi nhận xét “tưởng” khách quan trở thành cái nhìn phiến diện!
Khi tôi quyết định phân tích về chủ đề này, trong lòng cảm nhận sẽ có những luồng quan điểm trái chiều. Ranh giới giữa nhận xét và phán xét một ai đó hay một điều gì đó thật mong manh; bởi ranh giới giữa cái đúng và cái sai cũng thật khó để quy kết.
Ông cha ta có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Xã hội bây giờ cái gì cũng “phẳng”, ăn nói thì thẳng thật, không vòng vo, không hoa mỹ. Người người nhà nhà ai cũng đều có thể trở thành “tổng biên tập”: tự lập fanpage, tự lập website, từ lập kênh youtube… Sức mạnh của mạng xã hội vì thế ngày càng lớn, nhu cầu thu hút đám đông bằng những quan điểm gây tranh cãi để câu được nhiều like, share, comment ngày càng cao, sự tự do ngôn luận khắp nơi “mạnh mẽ”, “lấn át” và thu hút view hơn cả những tờ báo chính thống hoặc những công ty truyền thông chuyên nghiệp. Phải chăng, xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng đi ngược với những chân lý một thời của ông cha ta???
Văn hóa chỉ trích, phán xét, buôn chuyện
Nên nhớ rằng nếu bạn không phải là người trong cuộc, bạn không thể nào biết và hiểu hết được chân tướng của sự việc. Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân liệu mình có từng là nạn nhân của một câu nói hoặc một lời nhận xét không đúng về mình hay chưa? Rất nhiều người sợ cái văn hóa “buôn chuyện” và thích “chỉ trích”, “phán xét” của bàn dân thiên hạ – những người ở đẩu đâu chưa gặp lần nào, hoặc có gặp cũng chỉ xã giao mà nói chuyện về mình “chuẩn” như đúng lắm rồi đấy.
Tôi nói vậy vì tin rằng trên đời này không có điều gì gọi là đúng, là sai hoàn toàn. Có những sự vật hiện tượng đúng với người này nhưng lại không hợp lý với người kia. Chưa kể trong cái đúng sai còn có sự phân cấp cao thấp khác nhau như: Anh kia sai ít, chị kia sai nhiều, em kia nói đúng hơn cô ấy… Nếu giữa cái đúng sai đã có ranh giới mỏng manh thế thì giữa nhận xét và phán xét cũng như vậy thôi. Làm sao để bạn biết được rằng mình đang nhận xét khách quan hay thực tế là đang có những nhận định và phán xét chủ quan?
Khuyên nhủ hay chê bai?
Chẳng ai đối xử tốt với bạn kiểu hết lòng khuyên nhủ, che chở và đưa ra những lời nhận xét khách quan nhất như cha mẹ, anh chị em ruột và bạn bè thân thiết. Mỗi con người là một vật thể cá biệt có những quan điểm và chính kiến riêng, được hình thành từ môi trường họ được giáo dục và sinh sống. Chưa kể ở những xã hội khác nhau, cách nhìn nhận của mỗi người về sự vật và hiện tượng sẽ khác nhau, được tác động phần nhiều bởi văn hóa, lối sống và phong tục tập quán tại nơi ấy.
Việc mọi người gặp nhau, nói chuyện với nhau, hoặc cùng nhau thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nào đó đều không tránh khỏi phát sinh nhu cầu thể hiện cảm xúc và chính kiến riêng. Tôi thấy tác phẩm này hay, chương trình này thu hút, anh nói đúng, chị nói sai, chúng ta không nên làm thế này thế kia… Nếu việc nhận xét thể hiện thái độ góp ý, khuyên nhủ thì các bên sẽ vui vẻ lắng nghe. Còn nếu sự nhận xét khiến đối phương cảm thấy thiếu được tôn trọng, như kiểu bị chê bai, bôi nhọ hình ảnh và danh dự thì hành động nhận xét ấy sẽ trở thành hành động phán xét theo một nhận định chủ quan, phiến diện, đồng thời bị cộp mác “phán bừa” chuyện người khác!
Phản ứng thế nào trước những cái nhìn phiến diện?
Sự chủ quan phiến diện thể hiện việc người đưa ra lời nhận xét không có đầy đủ thông tin cần thiết. “Chê bai” cũng như “nhận xét” cũng đều cần nghệ thuật và phương pháp, không thì miệng bạn nói lỗ tai bạn tự nghe.
Thông thường, những người thân thiết, yêu thương chúng ta sẽ có phương pháp khuyên nhủ thông qua những lời nhận xét mang tính xây dựng; còn những kẻ ghét chúng ta, việc của họ là “đi buôn” và phán xét. Về phần chúng ta, không phải gặp ai chê gì cũng sinh ra “hậm hực”, rồi đem “cái sự bực tức” ấy vào trong cuộc sống cá nhân, tự tạo stress, áp lực rồi trầm cảm đủ kiểu, không những khiến sức khỏe bị thuyên giảm, mà năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng! Nếu ai đó chê không đúng hoặc chỉ nói bóng gió không đích danh một ai, chúng ta không nên, cũng không cần phản ứng lại thái quá không cần thiết.
Tóm lại
Không ai “cấm đoán” chúng ta nêu lên những chính kiến và quan điểm riêng. Tuy nhiên cách “nêu” và “truyền đạt” để người đối diện chịu lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi nhằm hoàn thiện bản thân là điều không phải ai cũng có năng khiếu ngay từ lúc mới sinh ra. Kĩ năng ăn nói có thể được rèn luyện theo thời gian nếu chúng ta biết cách lắng nghe và tiếp thu. Vì nếu bạn không hoàn thiện kĩ năng này, nhiều khả năng bạn sẽ bị đóng mác “não phẳng”, “nhiều chuyện”, “vô duyên”, “phiến diện”… và còn nhiều tính từ khác nữa. Người văn minh thì cần phải có duyên ăn nói, thẳng thắn mà khéo léo… vì hẳn là được lòng nhiều người thì không những tốt cho bản thân mà còn tốt cho người đối diện. Việc giúp mọi người nhận ra điều gì hợp lý, điều gì không cần phải có sự tinh tế và thông minh. Những chân lý một thời của ông cha ta như “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chẳng có bao giờ lỗi thời đâu.
—
Xem thêm
Cách ứng xử trong cuộc sống: “Thẳng” nhưng “Khéo”
Bài: H.L / Ảnh minh họa: Sưu tầm