Kỷ niệm hay quá khứ
Những gì đã đi qua, không bao giờ tìm lại được, nếu đẹp đẽ thơ mộng người ta sẽ gọi là kỷ niệm, phần còn lại là quá khứ.
Những ngày tháng này, Sài Gòn đang chịu đựng những cơn chuyển mình đau đớn, kỷ niệm chưa kịp nhớ đã bay hơi biến thành quá khứ. Những tòa nhà đầy màu thời gian mất dần đi. Hôm trước lướt ngang qua Passage Eden cũ, đã bị đập tan tành, trong đống gạch ngổn ngang đấy thò ra hai chân của một mannequin, mất đâu phần đầu. Tôi ngẩn người nhìn, nếu những bức tường biết kể chuyện, chắc hẳn người ta sẽ nghe được rất nhiều điều luyến lưu thú vị. Và họ sẽ kể cho nhau nghe những nỗi nhớ thị dân.
Mỗi người nhớ về Sài Gòn một cách rất khác. Họ nhớ sáng Sài Gòn, họ nhớ ngày Sài Gòn, họ nhớ đêm Sài Gòn. Và họ nhớ về cảm giác họ đã yêu cái thành phố này như thế nào. Kiểu như nếu không có Sài Gòn thì họ cũng mờ nhạt mất đi. Vô hình.
Nỗi nhớ nào đau đớn hơn? Nhớ của người đang ở rất xa và tưởng chừng như sẽ không bao giờ trở lại được? Hay nỗi nhớ của người đang dầm dề ngay trong lòng thành phố và nhìn thấy Sài Gòn dần dần biến đi một cách quen thuộc đến không ngờ? Xa cũng mất, gần cũng mất, nào có phân biệt bởi khoảng cách địa lý.
Đau đớn như thế đó, đang ở ngay trong lòng Sài Gòn mà lo canh cánh sáng mai mở mắt ra, con đường quen tự dưng thành lạ lẫm, món hàng ăn vặt ngon lành đã dời đi đâu mất không báo trước, người ta phải lập lại một hệ thống tìm kiếm làm quen với những món hàng vặt mới.
Căn nhà trên phố ngày nào cũng đi ngang, có một bát hương nhỏ gắn trước cửa, thoang thoảng mùi trầm thơm một đoạn phố, người đi ngang lúc nào cũng thắc mắc rằng không biết hương khói này để thờ cúng ai, những vong hồn của Sài Gòn xưa còn lẩn quẩn đâu đây, những vị thánh thần tuy không có bằng chứng cụ thể nhưng có một sức mạnh vô hình có thể thúc đẩy hay ngăn cản một vài hành động quyết định nào đó của chủ nhà, hay là những ông bà tổ tiên đã một thời xưa cũ làm chủ căn nhà này.
Rồi một ngày, căn nhà tự dưng bị bao bọc bởi những tấm vách bằng tôn lạnh lùng vô cảm được dán lên (cũng thản nhiên không kém) những tờ quảng cáo màu mè. Ngày qua ngày, người ta sẽ không còn hình dung ra được căn nhà đấy nữa. Vài tháng sau người ta đứng ngẩn người và hỏi nhau thế không biết trước đây chỗ này đã là gì nhỉ. Người ta phải lập lại một hệ thống định vị mới.
Biết bao nhiêu cái cũ đã được thay thế bằng cái mới? Có chống đối, có bàn tán, có xôn xao thì cũng thế thôi. Giống như não bị tẩy một cách êm đềm, nhưng không bao giờ kém phần khốc liệt. Lúc đấy, cái tên Sài Gòn có lẽ chỉ còn là chính xác như thế: một địa danh.
Có những người nhớ Sài Gòn qua âm thanh. Họ cũng đo lường sự đổi thay của Sài Gòn qua âm lượng. Họ bảo Sài Gòn bây giờ ồn quá, nhiều tiếng động quá. Sài Gòn ngày xưa không đông đúc và ầm ì như thế. Rồi họ đi tìm kiếm những tấm ảnh Sài Gòn rất xưa, xưa vừa vừa, hơi cũ cũ, rồi rất mới, để chứng minh cho lời họ nói. Chỉ cần nhìn ảnh đã đoán được âm thanh. Người ta có thể nhìn thấy sự yên lặng trải dài phủ đầy trên những con phố rộng thênh thang ít màu sắc đấy. Những tấm ảnh trắng đen vẽ ra đường phố ít xe cộ, người ta xuống phố trân trọng thanh lịch, có những người bán hàng rong cũng mặc áo dài. Đàn ông mang giày Tây đen mặc áo sơ mi trắng, đầu đội mũ phớt, đàn bà yêu kiều trong những chiếc áo dài, áo montagut đủ màu, hay những chiếc đầm thắt chặt ở eo và xòe ra điệu đà phía dưới. Giày cao gót gõ chậm một nhịp sung túc dịu dàng.
Bây giờ, những buổi chiều ngập ngụa mùi khói bụi, mùi hơi người kẹt xe, thậm chí người ta có thể ngửi được cái mùi vội vã một cách tuyệt vọng không có chỗ chen chân, ầm ầm tiếng còi xe và tiếng lầm bầm không rõ nghĩa thoát ra từ miệng của những con người đã được bịt kín bằng chiếc khẩu trang nhiều màu đủ sắc lắm hình. Những tiếng lầm bầm đó rồi lại dội ngược vào bên trong cổ họng, nuốt ngược vào bụng, ngâm trong đó để rồi ngày hôm sau lại trào lên đúng hẹn lầm bầm. Bây giờ, người ta than van vì những tiếng động quá sức chịu đựng và số lượng con người quá tải mật độ như thế, vậy đó, nhưng chỉ cần người ta rời xa Sài Gòn vài hôm thôi, cái nhớ lại ùa về không báo động. Không gian bây giờ cũng có dây tơ trói chặt tâm hồn người ta vào những tiếng động này.
Họ làm những chuyến du lịch sang Mỹ, và âm ỉ thôi thúc muốn đi về, muốn lê la ra vỉa hè chật chội ở Sài Gòn, muốn ngồi hút điếu thuốc phì phèo ngắm xe cộ rầm rộ, mồ hôi rỉ rả thấm dần vào lưng áo, họ cười hài lòng thỏa mãn, cái thỏa mãn của một hồn ma không bị lạc lối.
Có những Việt kiều khi vừa về lại Sài Gòn, họ không ngủ được vì ồn, vì tiếng động. Vài tuần sau họ quay trở về đời sống yên ả bên Mỹ, những ngày đầu họ lại không ngủ được vì thiếu tiếng ồn.
Nếu Việt Nam có những cây cầu chờ lún thì chung quanh cái rốn của Sài Gòn có rất nhiều tòa nhà chờ đập. Đập một cách thản nhiên không thương tiếc. Chả có gì gọi là kỷ niệm cần lưu giữ cả, vì kỷ niệm của người này là sự phiền toái của người khác. Quá khứ của một lớp người này là một trời xa lạ của một lớp người khác. Con người tạo nên kỷ niệm cho chính họ, và chẳng ai quan tâm đến chuyện xót xa của người khác cả.
Cái thành phố này không mấy chốc sẽ trở thành vô cùng lạ lẫm cho cả một thế hệ. Nhưng rồi người Sài Gòn cũng chỉ biết ngậm ngùi về viết sách viết notes, than vãn với nhau rồi đâu vào đấy, họ lại đâm đầu vào làm quen với những cái mới, với tốc độ nhanh không kém lúc quên béng đi cái cũ. Givral lúc bị che chắn một cách nhanh không ngờ đã làm không biết bao nhiêu người tốn giấy tốn mực tốn nước mắt để kêu khóc than thở hoài niệm, nhưng chỉ một thời gian sau đấy thôi, người ta thắc mắc không biết bao giờ thì Vincom Eden sẽ hoàn tất. Khi Vincom Eden đã khai trương, người ta cuồn cuộn vào ngồi và mặt mày hân hoan chụp ảnh, về hấp tấp post lên facebook, không biết có được bao nhiêu người trong số này chạnh lòng nhớ Givral xưa.
Đấy là người Sài Gòn, người Sài Gòn có cái tính vô tình một cách dễ lây lan không trách được. Vì người Sài Gòn lúc nào cũng có nhu cầu được xem là người hiểu biết thời thượng. Mà đặc tính của thời thượng là sự chóng quên.