Lời hứa gió bay: Giá trị của một lời hứa – blog Quỳnh
Lời nói có sức mạnh. Nhưng không phải ai cũng biết đến sức mạnh ấy, nên dù vô tình hay cố ý, hằng ngày người ta vẫn làm tổn thương nhau bằng chính lời nói của mình.
Hôm nọ, tôi ngồi đọc lại quyển “Hoàng tử bé” của tác giả Antoine de Saint-Exupéry. Một quyển tiểu thuyết hay và giàu giá trị nhân văn. Có một đoạn khi Hoàng tử bé nói chuyện với con cáo trên tiểu hành tinh, làm lòng tôi chùng lại:
“Nếu cậu muốn có một người bạn thì hãy thuần hoá tớ!
– Thế phải làm gì mới được? hoàng tử bé nói.
– Phải hết sức nhẫn nại, con cáo đáp. Đầu tiên cậu phải ngồi cách xa tớ một chút, như thế, trên bãi cỏ ấy. Tớ sẽ liếc nhìn cậu và không nói gì hết. Ngôn ngữ là nguồn gốc gây ra mọi hiểu lầm. Nhưng mỗi ngày cậu có thể ngồi xích lại một chút…”
“Ngôn ngữ là nguồn gốc gây ra mọi hiểu lầm”. Câu nói này làm tôi suy nghĩ. Hình như là đúng thế thật. Lời nói có sức mạnh. Nhưng không phải ai cũng biết đến sức mạnh ấy, nên dù vô tình hay cố ý, hằng ngày người ta vẫn làm tổn thương nhau bằng chính lời nói của mình.
Khi cha mẹ mắng nhiếc lỗi lầm của trẻ nhỏ.
Khi những người yêu nhau vội vã đổ tội cho những lỗi lầm của nhau.
Khi ta nhận từ người khác, mà quên cảm ơn.
Khi ta làm lỗi, mà không can đảm để thốt lên hai từ :”Xin lỗi”.
……
Mà có lẽ, tổn thương lớn nhất người ta nhận từ lời nói chính là sự thất hứa.
Có một nghịch lý đang diễn ra trong xã hội, rằng để tránh đi những tổn thương và làm vui lòng nhau, người ta bắt đầu học cách nói những lời đẹp đẽ ngọt ngào, và dễ dàng thốt ra những lời hứa hẹn. Thế nhưng, người ta quên rằng những lời nói thiếu chân thật còn khiến người nhận tổn thương hơn nhiều lần so với một lời nói xấu xí. Đặc biệt, khi lời nào nói ngọt ngào ấy là một lời hứa.
Tôi nghĩ rằng những lời hứa thật đáng trân trọng, dù nó là của người, hay của ta. Tôi cũng nghĩ rằng, lời hứa không chỉ quan trọng khi bạn đứng trên lễ đường, trong buổi họp công ty, dưới sự chứng kiến của đám đông vây quanh… mà còn có ý nghĩa đặc biệt khi bạn chỉ một mình, trên bàn ăn ấm cúng của gia đình, giữa cuộc tán gẫu với bạn bè, hay nói chuyện với trẻ em. Vì ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khi bạn trao ra một lời hứa đều đồng nghĩa với việc bạn nhận lại một niềm tin quý báu. Và niềm tin ấy sẽ đầy lên hay vơi đi phụ thuộc vào cái cách mà bạn đối xử với lời hứa của chính mình.
Tôi thấy người ta gắn kết nhau và mất nhau cũng vì những lời hứa.
Cha mẹ vì bận việc mà quên hẹn đưa con trẻ đi chơi vào cuối tuần, vợ chồng lục đục vì mải mê làm mà quên cái hẹn bữa cơm gia đình, những người yêu nhau không còn tin nhau vì những lời hứa dang dở từ một phía, bạn bè không còn mong ngóng sự xuất hiện của ta vì bao lần thất hẹn, đối tác bỏ đi khi hạn hoàn thành công việc liên tục dời đổi, …
Ta có thể đưa ra rất nhiều lý do để biện hộ cho lời hứa không thành. Nhưng với người được nhận lời hứa, chỉ có một nguyên nhân duy nhất cho sự thất hứa, đó là: Ta chưa thật sự để tâm vào mối quan hệ đang có. Và phụ nữ – những tâm hồn nhạy cảm luôn bị ảm ảnh bởi những lời hứa hơn đàn ông. Bởi lẽ, tạo hóa đã sinh ra họ “yêu bằng tai”, hơn là “bằng mắt”.
Tôi tin chắc rằng trong đời mình, ai cũng đã từng cảm thấy tổn thương vì một lời hứa dở dang. Đôi lúc, tôi cũng tự hỏi bản thân mình, phải cần bao nhiêu mất mát thì ta mới hiểu được giá trị của một lời hứa? Phải chăng ta cần uốn lưỡi nhiều hơn bảy lần để thấu hết cái khó trước khi buông ra một lời hứa?
Những lời hứa xin đừng là gió bay.
—
Xem thêm:
Blog Quỳnh
Ảnh minh họa