Rồi, tôi có dịp đi công tác Paris.
Tôi biết rất có rất nhiều người yêu Paris đến chảy nước mắt. Ví dụ như bác tôi. Ông dành cả đời mình để dạy tiếng và truyền bá văn hoá Pháp, nhưng lại chưa từng được đến Pháp một lần. Nếu có điều gì làm tôi nhớ về ông, thì đó là ánh mắt long lanh của ông khi nói về nước Pháp – nơi ông chưa đến bao giờ. Dưới cầu Mirabeau trôi dòng sông Seine. Ôi trăng Monmarte. Cà phê vỉa hè Paris. Bọn Pháp ấy à, chúng nó thế này, chúng nó thế nọ… Vài năm trước, ông qua đời vì ung thư, nước Pháp mãi là một giấc mộng bất thành. Tôi nhớ mãi ngày mùng hai tết vừa rồi, tôi đang ngồi trước thềm, người anh họ chợt bước đến ngồi cạnh. Anh im lặng rất lâu rồi hỏi tôi, nghe nói em sắp đi Paris công tác, anh nhờ điều này được không. Tôi bảo anh nói đi. Có thể nào đem một tấm hình của ba anh qua Pháp, một tấm hình be bé thôi, em có ngại không? Tôi bảo không có vấn đề gì. Chúng tôi không nói thêm lời nào, không hỏi vì sao. Giây phút im lặng đó, tôi nhận ra tình cảm gia đình dòng họ đôi khi có thể thâm sâu đến mức thấu hiểu tuyệt đối, như vầy.
Tôi đến Paris không tìm hiểu gì nhiều, như đến một cuộc hẹn hò với một người từ đầu mình đã không có chút cảm tình, nhưng vào “thế” rồi, thì đi. Chuyến đi của tôi có thể trở thành một tội ác trong mắt những người đã mê đắm thành phố này.
6 tiếng nữa mới đến giờ check-in khách sạn, tôi đành gửi lại hành lý rồi đi lang thang định kiếm chút gì bỏ bụng. Vừa mới hết mùa đông, trời còn lạnh. Tôi mua hộp dâu tây, ngồi lại một băng ghế trên vỉa hè, đối diện với những quán cà phê đầy trai xinh gái đẹp thanh lịch lộng lẫy đang ngồi đọc báo và sưởi nắng.
Bỗng nhiên có một người đàn ông tóc bạc, râu ria xồm xoàm, ăn mặc lùm xùm và cáu bẩn, hai tay lê theo hai cái bọc thật to đến ngồi ở đầu kia của băng ghế. Tôi đoán đó là một người vô gia cư đi nhặt rác. Tôi cười, đưa hộp dâu tây mời ông. Sau một thoáng ngạc nhiên, ông lấy một quả dâu ăn chậm rãi, bắt đầu hỏi chuyện tôi. Tiếng Anh của ông ta bập bõm, nhưng giao tiếp được. Ông mời lại tôi một điếu thuốc lá nhăn nhúm, mà đến mấy ngày sau tôi mới biết đó là một cử chỉ hết sức phóng khoáng, vì thuốc lá ở đây đến 6 – 7 euro một gói. Ông kiên quyết bật lửa hộ tôi. Cái hộp quẹt tắc tị làm ông chút quê độ, bèn lôi trong túi áo ra thêm ba bốn cái nữa, bật cho kỳ được mới thôi. Từ quán cà phê bên kia đường nhìn ra cảnh hai chúng tôi lếch thếch, hì hụi thử quẹt gas để mồi điếu thuốc cong queo, chắc nhiều người thấy thật đắng lòng.
Thế rồi, người vô gia cư ấy lục lọi trong những cái túi rác của mình hồi lâu, rồi sung sướng đặt lên tay tôi một đoạn dây cũ mèm có đính sương sa hột lựu lấp lánh. “Đây là quà Paris chào đón mày!” Ông ta nghiêng đầu. Đó có lẽ là một đoạn dây cắt ra từ chiếc váy hay dây túi cũ của một quý bà điệu đà nào đó. Giờ nó nằm trên tay tôi, lấp lánh dưới ánh nắng mùa xuân rọi qua hàng cây đang bắt đầu trổ lá. “Như kim cương ấy nhỉ!” Tôi tán thưởng. Bạn có thể cho rằng tôi đĩ miệng để làm ông ta vui. Nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi tin thật thế, trên tay tôi đang cầm một chuỗi kim cương.
Và lòng tôi bắt đầu mềm đi, như một miếng bơ ai bất cẩn để quên dưới mặt trời.
Mỗi người có một Paris của riêng mình, và Paris bắt đầu trở thành “của-tôi” theo cách đó.
Nhóm thực hiện
Blog Nguyễn Thiên Ngân Ảnh minh họa