Nghe nhạc, selfie và cơn gió mùa của festival âm nhạc
Các festival ca nhạc quốc tế gần như được tổ chức trên khắp năm châu và suốt 12 tháng. Ở Việt Nam, loại hình này cũng không quá mới lạ. Tuy nhiên quy mô nhỏ và sự khó khăn trong việc đảm bảo yếu tố “thường niên” khiến các festival âm nhạc quốc tế chưa trở thành một món ăn tinh thần thực sự quen thuộc với công chúng nước nhà.
Khơi dần dòng nước nhỏ
Các festival âm nhạc quốc tế gần như được tổ chức trên khắp năm châu và suốt 12 tháng. Đặc biệt, nửa cuối năm luôn được coi là “mùa festival” với những sự kiện như Coachella, Summerfest, Pinkpop, Glastonbury… thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người tham dự.
Ở Việt Nam, loại hình này cũng không quá mới lạ. Khoảng 5 năm gần đây, một số festival âm nhạc đã được tổ chức với sự tham gia của các nghệ sĩ nước ngoài. Đáng kể là dự án liên hoan nhạc điện tử quốc tế Hanoi Sound Stuff (HSS), Yan Beatfest hay các liên hoan quy mô nhỏ và vừa của nhóm C.A.M.A, Onion Cellar, HRC,
Tuy nhiên quy mô nhỏ và sự khó khăn trong việc đảm bảo yếu tố “thường niên” khiến các festival âm nhạc quốc tế chưa trở thành một món ăn tinh thần thực sự quen thuộc với công chúng nước nhà. Điển hình như dự án HSS của nghệ sĩ Trí Minh, dù nỗ lực tổ chức thường niên trong suốt 6 năm và luôn cố gắng xây dựng mô hình tổ chức cũng như quy mô theo đúng chuẩn một liên hoan âm nhạc quốc tế, nhưng theo Trí Minh, điều kiện tài chính và nhiều yếu tố khác (chẳng hạn như vấn đề giới hạn thể loại âm nhạc) khiến anh khó có thể tiếp tục duy trì dự án.
Thực tế, trong các hoạt động tiếp xúc báo giới trước 3 ngày sự kiện, ê-kíp sản xuất của MMF cũng tỏ ra khá “hồi hộp” dù đã rút được nhiều kinh nghiệm từ các liên hoan từng được tổ chức. “Tổ chức một liên hoan âm nhạc quốc tế có gấp 30 lần số đầu việc so với một liveshow hay sự kiện khác. Tất nhiên, kinh phí cũng là vấn đề không hề đơn giản”, nhạc sĩ Quốc Trung, tổng đạo diễn của MMF giải thích. “Để có thể tổ chức thành công và duy trì được, chúng tôi rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý. Và thực sự là nếu chính quyền thành phố Hà Nội không ủng hộ cũng như tạo những điều kiện tối đa cho chúng tôi thì dù có tiền chưa chắc chúng tôi đã hiện thực được dự án này”.
Nhưng có lẽ sự mong đợi của khán giả, đặc biệt là giới trẻ là động lực đủ mạnh mẽ để các nhà tổ chức vẫn dấn bước với loại hình giải trí mới này.
Một cách thưởng thức khác
Đúng như tên gọi của nó, các festival âm nhạc là sự kết hợp giữa 2 yếu tố: thưởng thức âm nhạc và vui chơi, giải trí trong sự kiện festival.
“Dù có định hướng thể loại hay không thì các festival thường là đem tới cho người nghe những nghệ sĩ với phong cách đa dạng khác nhau. Đó là cái hay và riêng của thưởng thức âm nhạc trong festival”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Quả thực, sức hút đầu tiên của MMF hồi đầu tháng 10/2014 là sự đa dạng về âm nhạc cho khán giả được lựa chọn. Từ Pop, Rock tới Jazz, Electronica, World music… Thêm với tiêu chí mà nhà tổ chức đặt ra với các nghệ sĩ biểu diễn là phải có “hàng mới” mang tới sự kiện khiến cho MMF thực sự có cái để nghe và thưởng thức.
Hay như với HSS của nghệ sĩ Trí Minh. Mặc dù định vị là một liên hoan nhạc điện tử, nhưng các nghệ sĩ được mời biểu diễn hàng năm cũng có phong cách chơi rất đa dạng, bởi bản chất của nhạc điện tử cũng đã mang đậm tinh thần thể nghiệm. Chính yếu tố này tạo nên sự thích thú cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ với ham thích khám phá.
Nghe nhạc, uống bia và… selfie
Đó là status của rất nhiều bạn trẻ trên Facebook những ngày diễn ra sự kiện festival âm nhạc. Tinh thần lễ hội khiến tiêu chí của các festival luôn là vui vẻ, sôi động và thoải mái. Khán giả tới sự kiện không chỉ nghe nhạc mà còn để giải trí. “Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ xây dựng những sân khấu biểu diễn khác nhau. Khán giả tới và hoàn toàn thoải mái lựa chọn xem ai biểu diễn ở sân khấu nào. Tất nhiên, họ cũng không bắt buộc phải tập trung vào nghệ sĩ. Các bạn có thể uống bia, vui chơi hay tham gia các hoạt động xã hội trong không gian sự kiện. Đó mới là không khí của festival!”, nhạc sĩ Quốc Trung nói trong sự kiện MMF vào tháng 10/2014.
Để tổ chức được một festival quy mô đầu tiên ở Việt Nam, ê-kíp sản xuất đã phải tới tìm hiểu các festival quốc tế. Để trả lời câu hỏi làm sao tổ chức cho hàng vạn khán giả chủ yếu là thanh niên giải trí một cách an toàn và văn minh? Câu trả lời chính là thức của chủ nhân từng tấm vé hay nói cách khác chính là cùng trang bị cho nhau “văn hóa festival”.
Khán giả là một thành viên của festival khi họ cùng hỗ trợ nhà tổ chức bằng các hành vi văn minh tại sự kiện. Ngược lại, tham dự liên hoan như một buổi đi chơi cuối tuần hơn là đi xem một buổi hòa nhạc và tinh thần đó phù hợp với mọi đối tượng thưởng thức.
Hàng loạt nghệ sĩ đã xuống đường cùng hát và giao lưu với khán giả tại các khu phố tập trung nhiều bạn trẻ. Mặc dù, trên một phương diện nào đó, nhà tổ chức coi đó như những động thải “bán vé” tốt hơn. Nhưng không thể phủ nhận hiệu ứng về cách nghĩ và tiếp xúc với âm nhạc của khán giả trở nên thoải mái và thân thiện hơn.
Và biết đâu, cơn gió mùa festival âm nhạc là một trào lưu đáng khuyến khích trong đời sống giải trí của giới trẻ Việt.
Bài: Độc Cầm – Ảnh: Giang Huy