Nỗi khổ của những kẻ bị bệnh mất ngủ & thức khuya!
Thường một con “cú đêm” thức rất khuya. Nếu nói quá 12 giờ đêm là khuya thì những con cú này có thể thức tới 3 hoặc 4 giờ sáng, thậm chí một số con còn không thèm ngủ luôn. Tôi cũng đã từng là một con “cú đêm” chính hiệu. Ai đã từng rơi vào tình cảnh này thì giơ tay lên nhé!
Lập luận của những kẻ thức khuya:
Hầu hết bọn họ rất thích thức khuya vì không gian im ắng. Họ cho rằng lúc mọi người đi ngủ hết chính là lúc họ làm việc hiệu quả nhất. Không gian về khuya rất yên tĩnh, không bị ai lại gần trò chuyện hỏi han làm phiền, lại không có tiếng động xe cộ của nhà hàng xóm, hơn hết các chương trình TV cũng không còn gì để xem, cũng chẳng ai bận tâm gọi điện giờ khuya để tán gẫu hoặc rủ rê chơi bời quán xá. Nói chung là họ không bị quyến rũ và bị quấy nhiễu bởi bất kì ai, bất kì sự vật hoặc sự kiện gì. Đa phần những kẻ hay thức khuya thường dùng thời gian của mình vào việc lướt web, viết lách, hoặc là những kẻ quá ham công tiếc việc. Một số ít dùng thời gian để tán gẫu với người yêu nơi phương xa có múi giờ lệch nhau. v.v…
.
Thói quen thức khuya là do “luyện tập” trong vô thức mà thành. Chắc chẳng ai muốn thức khuya làm gì! Cứ mỗi lần thức khuya ta lại viện lý do A B C nào đó, bao gồm cả lý do dễ dãi ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc trong một kỳ nghỉ dài ngày khi mà việc sáng hôm sau thức dậy không phải đi làm thì con người ta có xu hướng tự thỏa hiệp. Nhưng cứ được một lần dễ dãi hoặc tự thỏa hiệp như thế thì ắt hẳn sẽ có lần hai, lần ba, rồi tới lần n. Những kẻ thức khuya dần trở thành những bệnh nhân bị mất ngủ lúc nào không hay biết.
Bệnh mất ngủ và những tác hại xấu xí:
Thức khuya nhiều sẽ thành ra mất ngủ. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc mất ngủ là một căn bệnh, đôi khi phải dùng đến cả thuốc để chữa trị. Nghiên cứu cũng nói rằng mất ngủ sẽ khiến chúng ta giảm sút khả năng lao động, đặc biệt là lao động trí óc. Không những khả năng sáng tạo bị giảm sút mà sự tinh thông, nhạy bén của bộ nhớ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, những người mất ngủ thường có làn da xạm không đều màu, nổi mụn, có hai quầng thâm nơi mắt. Mất ngủ nhiều còn khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi thiếu sức sống, tạo sự ù lì lên các cơ và chi. Nếu sự việc chỉ ảnh hưởng đến cá nhân một người sẽ không có gì đáng nói, nhưng vì sự kém năng động và mệt mỏi của bản thân, bạn có thể khiến cho những người xung quanh bị ảnh hưởng tiêu cực theo phản ứng dây chuyền như: công việc của tập thể bị đình trệ, kém hiệu quả, sự uể oải mỏi mệt khiến gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp lo lắng bất an … là điều đáng nói.
Bộ não cần được nghỉ ngơi để có thể lấy lại năng lực sáng tạo và ngủ đủ giấc chính là phương pháp nghỉ ngơi dành cho não bộ tốt nhất.
Có những nỗi khổ khác của kẻ mất ngủ và thức khuya!
Stress vì công việc. Thất tình. Mất người thân. Do chăm con thơ. Lệch múi giờ khi đi du lịch. Hoặc lạ giường lạ phòng ốc khi phải chuyển qua ở một nơi khác. v.v… Cũng có kha khá lý do khách quan cho vấn đề thức khuya dẫn đến căn bệnh mất ngủ. Vì sao khách quan? Vì họ không muốn và không cố ý để bản thân bị stress vì công việc, hoặc bị thất tình; và việc đi du lịch thì cái sự chênh lệch múi giờ hay lạ nước lạ cái là điều không thể tránh khỏi.
Có nhiều bạn với lập luận kiểu “ai biểu thức khuya rồi than mất ngủ?” Tôi thấy mỉa mai nhưng mà …cũng đúng phần nào, chắc chỉ trừ lý do chăm con thơ là bất khả kháng ra thôi! Cuộc sống của bạn do bạn làm chủ. Stress thì là do bạn không biết cách quản lý công việc cho hiệu quả. Thất tình thì ai chả từng thất tình một lần trong đời nhưng sao cứ phải nghiêm trọng hóa khiến mình bi đát! Mất người thân cúng viếng đã có giờ giấc, đau buồn mấy cũng phải tự trấn an bản thân mình. Du lịch thì chắc chỉ một hoặc hai ngày đầu bị jetlag hoặc lạ giường chõng, nhưng cũng cố gắng đừng đi chơi bar uống rượu say xỉn tới gần sáng mới về. Mọi việc nếu biết cách đều có thể trong tầm kiểm soát. Nếu như thức khuya là do “luyện tập” trong vô thức mà thành thì để lấy lại giấc ngủ bình thường cũng là do “tập luyện” có ý thức mà nên.
Nếu bạn nào buồn quá không thể không nhung nhớ những kỉ niệm xưa trong một thời gian dài thì khi nỗi buồn vơi đi, hãy nhớ rằng cuộc đời phía trước vẫn còn hồng lắm!
—
Xem thêm
16 thổ lộ giúp vượt qua cú shock chia tay người yêu
Học cách sống lạc quan từ Bà Mẹ Cuộc Sống
Thay quan điểm, chào năm mới – 15 điều cần cân nhắc
Quản lý & hoàn thiện bản thân trong công việc: Dễ hay Khó?
Mẹo trị quầng thâm mắt hiệu quả từ thiên nhiên
Bài: H.L / Ảnh minh họa: Sưu tầm